Rối Loạn Tiền Đình Là Gì? Nguyên Nhân và Cách Điều Trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa và có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Đây là một dạng rối loạn chức năng tiền đình và nếu không được điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người bệnh. 

Rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là sự rối loạn về quá trình tiếp nhận thông tin dẫn đến mất thăng bằng khi thực hiện các hoạt động, tư thế, cử động…

Rối loạn tiền đình là bệnh gì?

Tiền đình là một trong những bộ phận khá phức tạp của hệ thần kinh, nằm ở vị trí phía sau ốc tai. Bộ phận này có nhiệm vụ duy trì sự thăng bằng khi thực hiện các tư thế,  hoạt động, cử động và phối hợp nhịp nhàng với các bộ phận cử động như tay, chân, mắt, thân người… 

Hội chứng rối loạn tiền đình hay còn gọi là rối loạn chức năng tiền đình có tên tiếng Anh là Vestibular disorder. Cụm từ này dùng để chỉ sự rối loạn trong quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình khi dây thần kinh số VIII và các đường liên kết bị tắc nghẽn. Lúc này chức năng tiền đình bị tổn thương và được biểu hiện thông qua một số triệu chứng như mất thăng bằng, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn… 

Trong đó, dây thần kinh số VIII là thần kinh cảm giác được cấu tạo 2 phần gồm thần kinh ốc tai (đảm nhiệm về thính giác) và thần kinh tiền đình (đảm nhiệm chức năng cảm giác thăng bằng). Bộ phận này hoạt động theo cơ chế như sau, xuất phát từ cầu não, đi vào vùng xương đá thông qua ống lỗ tai trong, đây là sợi dây truyền dẫn thông tin giúp điều khiển hệ thống tiền đình hoạt động để giữ sự thăng bằng cho cơ thể. 

Phân loại và triệu chứng các dạng bệnh rối loạn tiền đình

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, chứng rối loạn tiền đình được chia làm 2 dạng chính dựa vào biểu hiện, triệu chứng của bệnh: 

Rối loạn tiền đình ngoại biên

Dạng rối loạn tiền đình này xảy ra ngay ở bên trong tai như sỏi tai trôi trong ống bán khuyên hoặc dính chặt vào đài tai. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng biểu hiện rõ rệt:

  • Mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, dễ bị loạng choạng, đứng không vững; 
  • Rối loạn thính giác, ù tai, suy giảm thính lực, nghe kém hoặc điếc vĩnh viễn, luôn có cảm giác ù, tiếng ve kêu trong tai, nhất là vào ban đêm;
  • Hạ huyết áp, thiếu tập trung, người mệt mỏi, mất ngủ thường xuyên; 
  • Buồn nôn và nôn ói dữ dội; 
  • Nhãn cầu rung giật; 
Rối loạn tiền đình
Một số triệu chứng rối loạn tiền đình phổ biến như chóng mặt, choáng váng, ù tai, nặng đầu kèm theo buồn nôn, giảm thính giác…

Thậm chí một số trường hợp bị rối loạn tiền đình ngoại biên mức độ nặng và kéo dài khiến người bệnh không thể đi đứng hay thay đổi tư thế dễ dàng được. Các triệu chứng lúc này khá nghiêm trọng như chóng mặt dữ dội, kèm theo buồn nôn, nôn ói, ù tai, nặng đầu, suy giảm thính lực, vã mồ hôi, giảm nhịp tim, khó tập trung, rối loạn vận mạch… và nguy hiểm nhất là té ngã, chấn thương do mất kiểm soát thăng bằng. 

Rối loạn tiền đình trung ương 

Đây là bệnh lý xuất phát từ các tổn thương nhân tiền đình trong thân não, tiểu não. Mặc dù bệnh này có tỷ lệ khá hiếm gặp nhưng lại rất phức tạp và nguy hiểm, dễ gây tổn thương não như tai biến mạch máu não, hệ động mạch sống nền sau cổ ở người lớn tuổi.

Nhóm bệnh này có tính chất nguy hiểm và khó chữa hơn rất nhiều so với nhóm bệnh rối loạn tiền đình gốc ngoại. Một số dấu hiệu của chứng bệnh này thường ít lộ rõ như:

  • Chóng mặt nhẹ, có cảm giác bồng bềnh lơ lửng, dáng đi như người say rượu, đi theo đường ziczac, không đi theo một đường thẳng;
  • Giảm thính lực, nghe kém, ù tai
  • Mất phối hợp và khó có thể làm chính xác các động tác như ngón tay chỉ mũi, lật xấp bàn tay…; 
  • Rung giật nhãn cầu dọc, liên tục theo nhiều hướng; 

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình 

Các chuyên gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, cụ thể như sau:

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên

  • Viêm tiền đình; 
  • Viêm thần kinh tiền định; 
  • Virus Zona thần kinh, quai bị, thủy đậu gây ra liệt dây thần kinh tiền đình; 
  • Viêm tai giữa
  • U và tắc nghẽn dây thần kinh số 8; 
  • Các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa như suy tuyến giáp, tiểu đường, tăng ure huyết… 
  • Có các chấn thương, dị dạng ở tai trong; 
  • Lỗ rò Perilymphatic (PLF);
  • Mắc chứng song thị (nhìn đôi); 
  • Say tàu xe; 
  • Tác dụng phụ của thuốc; 

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình trung ương

  • Nhồi máu tiểu não;
  • Hội chứng Wallenberg; 
  • Thoái hóa cột sống; 
  • Thiểu năng tuần hoàn não; 
  • Xơ vữa động mạch; 
  • Đau đầu do bệnh Migraine
  • Cống tiền đình giãn rộng (EVA);
  • Hạ huyết áp; 
  • U tiểu não; 
  • Giang mai thần kinh; 
  • Bệnh Parkinson; 

Một số yếu tố nguy cơ khác gây ra rối loạn tiền đình

Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý, chứng rối loạn tiền đình còn có thể dễ dàng xuất hiện do các yếu tố sau: 

Rối loạn tiền đình
Càng lớn tuổi tốc độ lão hóa càng nhanh nên có nguy cơ bị rối loạn tiền đình cao hơn so với người trẻ tuổi
  • Tuổi tác: Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc chứng bệnh này, nhưng những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người trẻ tuổi. Theo một nghiên cứu cứ trung bình 100 người 40 tuổi trở lên thì có đến 35 người mắc chứng rối loạn tiền đình. 
  • Người có tiền sử bị chóng mặt: Những người đã từng thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, đau đầu sẽ có nhiều khả năng mất thăng bằng trong tương lai và tăng nguy cơ bị rối loạn tiền đình. 
  • Do mất máu quá nhiều: Phụ nữ sau sinh, đau bụng đi cầu ra máu, nôn ra máu, mất nhiều máu do chấn thương… là những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn tiền đình cao hơn so với người bình thường. 
  • Các yếu tố khác: Do căng thẳng quá mức, lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu bia, cà phê, do thời tiết quá khắc nghiệt, ăn trúng thức ăn có độc… 

Những đối tượng dễ mắc bệnh rối loạn tiền đình

Theo các khảo sát, một số đối tượng sau đây dễ mắc bệnh rối loạn tiền đình:

  • Người cao tuổi: Tuổi tác càng lớn thì càng dễ mắc bệnh rối loạn tiền đình vì con người ở độ tuổi này bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa, các cơ quan dần bị suy yếu.
  • Người bị stress kéo dài: Những người bị stress và căng thẳng kéo dài do áp lực công việc, các sự kiện, sự việc trong cuộc sống khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone Cortisol gây suy giảm chức năng hệ thống tiền đình, dẫn đến rối loạn và hoạt động sai lệch.
  • Những người lao động trí óc và dân văn phòng: Đây cũng là những đối tượng dễ mắc bệnh rối loạn tiền đình vì phải thường xuyên tiếp xúc với máy tính, ngồi lâu trong phòng lạnh. Khiến cho vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh, mỏi lâu ngày gây co thắt động mạch cột sống thân nền, gây ra thiếu máu lên não dẫn đến rối loạn tiền đình. 
  • Phụ nữ mang thai: Ốm nghén quá mức khi mang thai khiến người phụ nữ không ăn uống được dẫn đến thiếu dưỡng chất, kéo theo thiếu máu não và hoa mắt chóng mặt, choáng váng dẫn đến rối loạn tiền đình khi mang thai. 

Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không? 

Theo các chuyên gia, rối loạn tiền đình là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời nó sẽ trở thành bệnh lý nền tác động đến sự phát sinh của nhiều căn bệnh và các ảnh hưởng, biến chứng đáng lo ngại như:

1. Suy giảm chất lượng cuộc sống

Những triệu chứng của rối loạn tiền đình như đau đầu, mất ngủ chóng mặt, hoa mắt, loạng choạng gây ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động hằng ngày của người bệnh như khả năng lái xe, dễ bị té ngã do mất thăng bằng đột ngột, đặc biệt là vào ban đêm, đang làm việc trên cao hoặc điều khiển phương tiện giao thông… gây nguy hiểm cho bản thân người bệnh và những người xung quanh. 

Rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình gây ra các cơn chóng mặt đột ngột khiến người bệnh dễ té ngã nguy hiểm và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày

2. Dễ bị trầm cảm

Những người bị rối loạn tiền đình thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, hay buồn nôn khan, sinh hoạt khó khăn, đứng không vững… khiến cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn, mệt mỏi, lạc lõng, chán nản và rơi vào trầm cảm lúc nào không biết. 

3. Suy giảm trí nhớ 

Hầu hết những người mắc chứng rối loạn chức năng tiền đình luôn đi kèm theo sự kém tập trung, suy giảm trí nhớ. Nguyên nhân là do não bộ phải tập trung làm việc nhiều hơn để giữ cho cơ thể được cân bằng, duy trì tư thế thẳng đứng, đi theo đường thẳng… tăng nguy cơ suy giảm chức năng não. 

4. Giảm thính giác, thị giác

  • Rối loạn tiền đình gây nghe kém, thường xuyên bị ù tai, nặng tai, thậm chí là điếc vĩnh viễn. Biến chứng này thường xảy ra ở những người bị tổn thương chức năng tiền đình ngoại vi. 
  • Người mắc chứng rối loạn chức năng tiền đình do viêm dây thần kinh có thể làm thay đổi cơ chế phối hợp hoạt động của hệ thống tiền đình và thị giác. Lúc này, thị lực của người bệnh trở nên nhạy cảm hơn với các triệu chứng như hoa mắt, khó khăn trong việc chuyển động mắt, cử động đầu… 

5. Tăng nguy cơ tai biến, đột quỵ

Những người bị rối loạn tiền đình do hệ mạch máu não sẽ làm tăng nguy cơ bị tai biến, đột quỵ cực kỳ nguy hiểm. Lúc này người bệnh cần chủ động thăm khám và điều trị kịp thời bằng các biện pháp thích hợp.

Ngoài ra, chứng rối loạn tiền đình nếu không được chữa trị kịp thời còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu não, huyết áp thấp… 

Biện pháp chẩn đoán rối loạn tiền đình 

Rối loạn tiền đình là tổn thương liên quan đến sự hoạt động của hệ thống thần kinh, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự hoạt động của tai, mắt và các bộ phận khác trên cơ thể. Mặt khác, các triệu chứng của rối loạn tiền đình thường dễ bị nhầm lẫn với với chứng tăng huyết áp, thiếu máu não… Vì vậy, bắt buộc phải tiến hành thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán thăm dò chức năng mới có thể đưa ra kết luận chính xác. 

1. Khám lâm sàng

Bước đầu tiên trong quá trình thăm khám và chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình sẽ dựa vào các dấu hiệu đặc trưng sau:

Rối loạn tiền đình
Đo âm ốc tai, chụp MRI, CT scan, điện não đồ… là những xét nghiệm hiện đại giúp chẩn đoán chính xác chứng rối loạn tiền đình
  • Chóng mặt: Người bệnh có cảm giác bồng bềnh, đồ vật xoay tròn xung quanh, khó chịu kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như sợ ngã, vã nhiều mồ hôi, buồn nôn, nôn ói… Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm xoay vòng sử dụng kính video hoặc các điện cực để theo dõi chuyển động của mắt trong khi đầu di chuyển. 
  • Mất thăng bằng: Những người bị rối loạn tiền đình ngoại biên sẽ bị mất thăng bằng rất dữ dội trong giai đoạn đầu hoặc ở mức độ vừa phải thông qua một số nghiệm pháp kiểm tra như bước đi hình sao, dấu hiệu Romberg… 
  • Rung giật nhãn cầu: Đây là bài test ở cả hai nhãn cầu và đặc trưng bởi sự xuất hiện đều đặn và có nhịp, liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau… Thực hiện điện ký rung giật nhãn cầu (ENG) là một quy trình bao gồm các xét nghiệm điện và sử dụng nguồn điện cực nhỏ tác động đến vùng da xung quanh mắt để đánh giá mức độ rối loạn chức năng tiền đình. 

2. Các xét nghiệm chẩn đoán hiện đại

Một số xét nghiệm chẩn đoán được áp dụng phổ biến như:

  • Kiểm tra thính giác như đo âm ốc tai OAE nhằm theo dõi sự hoạt động của các tế bào lông chuyển bên trong ốc tai bằng cách đo sự đáp ứng của các tế bào này với các kích thích âm thanh. 
  • Chụp cộng hưởng từ MRI, CT scan, điện não đồ, chụp X – quang sọ não nhằm phát hiện các khối u, nguy cơ đột quỵ và những bất thường liên quan đến các mô mềm như u góc cầu tiểu não, tai biến mạch máu não… 
  • Siêu âm hệ mạch cành đốt sống bằng cách bóc tách động mạch gây tắc mạch, hẹp động mạch, xác định mảng xơ vữa…

Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình 

Tùy theo nguyên nhân gây rối loạn tiền đình mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trên thực tế, chứng rối loạn tiền đình có rất nhiều loại và hầu hết chúng đều lành tính, hoàn toàn có thể chữa khỏi dứt điểm được nếu áp dụng đúng cáchs. 

1. Trị chứng rối loạn tiền đình bằng thuốc

Điều trị nội khoa là phương pháp trị chứng rối loạn tiền đình phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, y học hiện đại vẫn chưa nghiên cứu được loại thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy phương pháp này chủ yếu kết hợp nhiều loại thuốc với nhau để tập trung kiểm soát triệu chứng bệnh. 

Rối loạn tiền đình
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị rối loạn tiền đình như thuốc tăng tuần hoàn não, an thần, điều chỉnh chức năng tiền đình…

Tùy theo mức độ rối loạn tiền đình nặng cấp tính (kéo dài trên 5 ngày) hay mạn tính (liên tục, tái phát thường xuyên) mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Vậy rối loạn tiền đình uống thuốc gì? 

  • Thuốc Glucocorticoid: Điển hình là Methylprednisolon có khả năng chống viêm gây hoa mắt chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình. 
  • Thuốc ức chế kênh canxi, đặc biệt chọn lọc mạch máu não: Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng chóng mặt như Cinnarizin (Stugeron), Flunarizin (Sibelium)… 
  • Thuốc tăng tuần hoàn não: Có tác dụng thúc đẩy tăng tuần hoàn đến bộ phận tiền đình. Nhóm thuốc này có thể sử dụng lâu dài, duy trì điều trị sau giai đoạn cấp. Một số loại phổ biến như Almitrin – Raubasin (Duxil), Betahistin (Betaserc)… 
  • Thuốc an thần: Thường được chỉ định sử dụng trong vài ngày đầu khi bị chóng mặt, giảm lo lắng do rối loạn tiền đình. Điển hình như Lorazepam, Diazepam… 
  • Thuốc hỗ trợ điều chỉnh chức năng tiền đình: như Ginkgo bilola (Tanakan), Piracetam (Nootropyl)… 

Lưu ý: Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc trị rối loạn tiền đình nào cũng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ và người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối liều dùng, thời gian sử dụng để tránh gây ra những tác dụng phụ có hại cho sức khỏe. 

2. Liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình bằng vật lý trị liệu

Đây là một trong những biện pháp chữa rối loạn tiền đình hiệu quả không cần dùng thuốc được nhiều người chọn lựa. Cơ chế hoạt động của liệu pháp này là giúp kiểm soát sự mất cân bằng của hệ thống tiền đình, làm tăng sự thích nghi với việc thay đổi tư thế, giúp người bệnh dần dần phục hồi khả năng duy trì cảm giác thăng bằng khi cử động, đi lại, xoay vòng hay lắc lư. 

Hiện nay, có các liệu pháp phổ biến được áp dụng trong điều trị rối loạn tiền đình như:

  • Bài tập ổn định mắt: Bài tập này giúp hỗ trợ cải thiện khả năng kiểm soát sự chuyển động mắt để người bệnh nhìn rõ hơn trong quá trình chuyển động. Cách thực hiện đơn giản nhất như sau: người bệnh di chuyển đầu liên tục qua lại lên xuống hoặc qua hai bên vài phút. 
  • Bài tập dựa vào thói quenNhằm làm giảm các triệu chứng rối loạn tiền đình thông qua việc tiếp xúc trực tiếp và liên tục với các cử động nhất định gây kích thích. Bài tập này được khuyến khích tập luyện với mức độ nhẹ hoặc trung bình, để gây ra triệu chứng chóng mặt nhẹ. Dưới sự kiên trì chịu đựng của người bệnh và theo thời gian các triệu chứng sẽ giảm dần khi não bộ quen với sự kích thích. 
  • Bài tập giữ thăng bằng: Giúp cải thiện khả năng duy trị sự thăng bằng để người bệnh thực hiện an toàn các hoạt động, cử động trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, các bài tập này cần phải có độ khó vừa đủ để đảm bảo an toàn tránh gây nguy hiểm cho bản thân. 
  • Bài tập yoga: Đây là môn thể thao đem lại sự dẻo dai và điều hòa phần tĩnh trong cơ thể duy trì sự khỏe mạnh. Đặc biệt, người bị rối loạn tiền đình thường xuyên tập yoga giúp nâng cao hệ thống tuần hoàn mạch máu, tăng cường lưu lượng tuần hoàn và làm giảm nhanh chóng các triệu chứng đau đầu, chóng mặt do rối loạn tiền đình. Cụ thể mỗi lần bị nặng đầu, chóng mặt hãy dùng tay tự xoa bóp trán, hai bên gáy, vùng ổ mắt và vùng đỉnh đầu từ 10 – 15 phút sẽ giúp làm giảm các triệu chứng nhanh chóng. 

3. Chữa rối loạn tiền đình theo Đông y

Chứng rối loạn tiền đình theo Đông y thuộc phạm vi chứng huyễn vựng, có nghĩa là gây ra hoa mắt, chóng mặt, cảm giác như trời đất quay cuồng, dễ té… Cũng như Tây y, các nguyên nhân gây ra chứng bệnh này rất đa dạng, có thể do đàm ẩm, khí hư, huyết hư, thận thủy bất túc – mệnh hỏa suy… 

Vì vậy, để đạt được kết quả khả quan khi chữa bệnh bằng phương pháp này chỉ cần tập trung vào bồi bổ sinh khí huyết, tư âm dưỡng huyết, bổ thận tráng dương, dưỡng tâm an thần… 

Rối loạn tiền đình
Chữa rối loạn tiền đình theo Đông y được đánh giá là phương pháp đem lại hiệu quả khả quan và an toàn với cơ thể

Các bài thuốc Đông y chữa rối loạn tiền đình

  • Bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị: Dùng để cải thiện các chứng như choáng váng, tinh thần mệt mỏi, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, nhìn không rõ, tâm hồi hộp, buồn nôn. Chuẩn bị: thục địa, đan bì, trạch tả, bạch thược, mẫu lệ, hoài sơn, bạch linh mỗi loại 12g, cúc hoa, thạch quyết minh, sơn thù, hà thủ ô mỗi loại 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống và kiên trì trong vòng 4 – 6 tháng. 
  • Bài thuốc Thiên ma Câu đằng ẩm gia giảm: Giúp cải thiện tình trạng đầu mắt choáng váng nặng đến mức không ngồi được, bứt rứt, khó chịu, tâm phiền, đầy bụng, buồn nôn, mất ngủ, đau thắt lưng… Chuẩn bị các loại dược liệu gồm: câu đằng, ngưu tất, tang ký sinh, đan bì, thạch quyết minh, đỗ trọng, hoàng cầm mỗi loại 12g, long cốt và thiên ma mỗi vị 8g, chi tử, long đởm thảo và mẫu lệ mỗi loại 10g. Sắc lấy nước uống đều đặn mỗi ngày một thang, mỗi ngày uống 3 lần liên tục trong vòng 5 ngày. 

Phương pháp không dùng thuốc

  • Bấm huyệt, châm cứu: Châm cứu, bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình đều là những phương pháp vừa hiệu quả vừa an toàn được nhiều người áp dụng. Các liệu pháp này giúp tác động đến một số huyệt đạo nhất định, thư giãn và kích thích tuần hoàn máu hoạt động trơn tru hơn, dần dần khắc phục chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình. Lưu ý biện pháp này cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia, lương y có tay nghề cao để tránh những rủi ro không đáng có. 
  • Ngâm chân bằng nước nóng thảo dược: Nước nóng thảo dược sẽ giúp tác động làm giãn các mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn và giảm mệt mỏi, căng thẳng, nhờ đó giúp cải thiện chứng chóng mặt do rối loạn chức năng tiền đình hiệu quả. 

4. Can thiệp ngoại khoa (nếu cần thiết)

Phương pháp phẫu thuật chỉ được chỉ định thực hiện nếu biện pháp điều trị nội khoa dùng thuốc để làm giảm chóng mặt không đạt hiệu quả như mong muốn. Cộng với việc diễn tiến của bệnh ngày càng có xu hướng nặng hơn gây các biến chứng đe dọa đến sức khỏe và chức năng của một số cơ quan như mắt, tai… thì can thiệp ngoại khoa là điều cần thiết. 

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp phẫu thuật phù hợp. Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến như: 

  • Phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình; 
  • Sửa lại dò tai trong hoặc cắt mê đạo; 
  • Phẫu thuật lấy u thần kinh tiền đình trong ống tai trong; 
  • Phẫu thuật điều trị u dây thần kinh số VIII; 

Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng ngừa rối loạn tiền đình hiệu quả

Bên cạnh áp tuân thủ đúng phác đồ trị rối loạn tiền đình do chuyên gia hướng dẫn, người bệnh cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để nhanh chóng dứt điểm bệnh và phòng ngừa tái phát lâu dài. 

Về chế độ ăn uống

  • Tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm như:
Rối loạn tiền đình
Người bệnh rối loạn tiền đình nên bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm có lợi giàu acid folic, vitamin B6, C, D…
    • Acid folic: Giúp làm giảm bớt các rối loạn về thăng bằng ở người lớn tuổi nhờ khả năng khắc phục các tổn thương trong hệ thống tiền đình. Một số loại thực phẩm nên ăn như bánh mỳ, đậu phộng, mầm lúa mì, đậu trắng, rau chân vịt, nước ép cam, măng tây, bông cải xanh,… 
    • Vitamin C: Có tác dụng giảm nhanh chóng các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn do chứng rối loạn tiền đình gây ra. Người bệnh có thể bổ sung vitamin C thông qua các loại rau xanh và trái cây như: trái cây họ cam quýt, dâu tây, kiwi, đu đủ, dứa, ổi, ớt chuông, cà chua, súp lơ xanh… 
    • Vitamin B6: Hỗ trợ tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, trong đó có khả năng điều hành tiền đình hiệu quả, giảm nguy cơ phát sinh triệu chứng buồn nôn, chóng mặt. Điển hình như: thịt gà không da, các loại cá béo, táo, chuối, bơ, hạnh nhân, hạt óc chó… 
    • Vitamin D: Hỗ trợ phục hồi tốt biến chứng xơ cứng tai của bệnh rối loạn tiền đình. Nên ưu tiên bổ sung vitamin D thông qua các loại ngũ cốc, cá, trứng, sữa, các chế phẩm từ đậu nành, nấm… 
  • Tránh ăn các loại thực phẩm, đồ uống quá mặn hay quá ngọt; 
  • Người bị rối loạn tiền đình cần kiêng chất béo có gốc động vật như bò, lợn hoặc từ bơ, phô mai, kem béo… Vì hầu hết chúng đều chứa chất béo no dễ gây tắc tĩnh mạch. 
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, caffein vì sẽ càng làm tăng nặng triệu chứng ù tai, chóng mặt cũng như tác động xấu đến hệ thần kinh. 
  • Uống đủ nước tối thiểu từ 1.5 – 2 lít để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình trao đổi chất, tăng tuần hoàn máu. 

Về chế độ sinh hoạt

Việc chủ động nắm bắt những thói quen tốt trong sinh hoạt sẽ giúp người bệnh biết cách xử lý tạm thời khi lên cơn chóng mặt cũng như phòng tránh bệnh hiệu quả. 

Rối loạn tiền đình
Tập luyện thể dục thao rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng phòng ngừa bệnh tật
  • Khi bùng phát cơn chóng mặt dữ dội, đột ngột với dấu hiệu choáng váng, đứng ngồi không vững và thay đổi vị trí của đầu theo một hướng, người bệnh cần phải lập tức nằm yên một chỗ và đợi cho các triệu chứng qua đi. 
  • Nên hạn chế việc thay đổi đột ngột tư thế. 
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn hằng ngày và thường xuyên kiểm tra xem bản thân có làm được 3 động tác cơ bản gồm chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8 – 10 phút; dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái; vung hai tay và quay mặt hết cỡ sang hai bên hay không. 
  • Tránh stress, căng thẳng kéo dài, tốt nhất nên tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái, lạc quan và không ù lì, ngồi lâu một chỗ. 
  • Ngủ đủ giấc, 7 – 8 tiếng/ ngày tùy theo thể trạng sức khỏe. Vì khi ngủ sâu tuần hoàn máu sẽ tốt hơn, giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng bệnh. 
  • Hạn chế ở trong môi trường quá lạnh hay công việc phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn. 

Tóm lại, rối loạn tiền đình là chứng bệnh do rất nhiều nguyên nhân gây ra và bệnh sẽ rất khó kiểm soát nếu không được phát hiện sớm điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi nhận thấy những triệu chứng bất thường hãy nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân, mức độ bệnh nặng hay nhẹ và có chỉ định điều trị phù hợp từ bác sĩ chuyên khoa. 

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng 00:00 - 06/06/2023 - Cập nhật lúc: 14:51 - 07/06/2023
Chia sẻ:
Nghệ sĩ ưu tú Hương Dung đã thoát khỏi bệnh mất ngủ kinh niên khi gặp được thầy giỏi, thuốc hay. Cùng tìm hiểu kinh nghiệm ngủ ngon của nghệ sĩ trong bài viết này.
bài tập yoga chữa rối loạn tiền đình 7 Bài Tập Yoga Chữa Rối Loạn Tiền Đình Hiệu Quả Nhất
Các bài tập yoga chữa rối loạn tiền đình là một trong những phương pháp trị bệnh hiệu quả được nhiều người ưa chuộng chọn lựa. Những động tác yoga…
Bài tập chữa rối loạn tiền đình 5 Bài Tập Chữa Rối Loạn Tiền Đình Đơn Giản Và Hiệu Quả

Bên cạnh dùng thuốc thì một số bài tập thể dục đơn giản cũng góp phần hỗ trợ cải thiện…

Thuốc trị rối loạn tiền đình của Úc 3 Loại Thuốc Trị Rối Loạn Tiền Đình Của Úc Phổ Biến Nhất

Bên cạnh những dòng thuốc trị rối loạn tiền đình của Nhật, Pháp, Mỹ... thì thuốc tiền đình của Úc…

Chóng mặt do rối loạn tiền đình Chóng Mặt Do Rối Loạn Tiền Đình Nên Làm Gì Nhanh Hết?

Chóng mặt do rối loạn tiền đình là một trong những biểu hiện thường gặp nhất, bất kỳ cũng có…

Rối loạn tiền đình TOP 7 Món Ăn Trị Rối Loạn Tiền Đình Hiệu Quả Lại Ngon

Rối loạn tiền đình là căn bệnh khiến nhiều người khổ sở vì thường xuyên hoa mắt chóng mặt, mệt…

Rối loạn tiền đình nên uống nước gì? Rối Loạn Tiền Đình Nên Uống Nước Gì? (Dừa, Cam, Gừng…)

Bị rối loạn tiền đình nên uống nước gì để tốt cho sức khỏe và sớm khỏi bệnh là vấn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua