Ù tai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chẩn đoán, điều trị

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Ù tai là triệu chứng thường xảy ra khi bạn tiếp xúc nhiều với tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cần được chẩn đoán và điều trị sớm, chẳng hạn như xơ vữa động mạch, u thần kinh sọ, cao huyết áp hay các chấn thương ở đầu cổ.

Ù tai là gì?

Ù tai là hiện tượng trong tai xuất hiện những tiếng ồn bất thường có âm thanh tương tự như tiếng ve kêu hay tiếng huýt gió. Những đối tượng khác thường không nghe được âm thanh này. Chỉ có khoảng chưa đầy 1% trường hợp bị ù tai, những người khác có thể nghe được tiếng ồn tương tự như người bệnh và tình trạng này thường có liên quan đến sự chuyển động của hệ tim mạch hay hệ cơ xương khớp.

ù tai
Ù tai là triệu chứng cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe

Chứng ù tai ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Hiện tượng này kéo dài không chỉ khiến người bệnh khó chịu mà nó còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe cần được điều trị sớm.

Nguyên nhân gây ù tai

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ù tai như tác dụng phụ của thuốc tây, tiếp xúc nhiều với tiếng ồn, tuổi cao… Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài bạn nên thận trọng bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý trong cơ thể.

Ù tai là bệnh gì?

Ù tai là triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý sau:

  • Bị khối u ở đầu hoặc cổ: Sự xuất hiện của một khối u lành tính hay ác tính ở vùng đầu hoặc cổ có thể gây chèn ép vào mạch máu, làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu đến tai. Điều này có thể gây ra những tiếng ồn bất thường mà chỉ có người bệnh mới nghe được.
  • Bệnh xơ vữa mạch máu: Căn bệnh này xảy ra khi có sự tích tụ của cholesterol, chất béo và một số chất khác ở thành mạch. Chúng tạo thành các mảng xơ vữa làm thu hẹp không gian của động mạch lớn làm nhiệm vụ dẫn máu đến tai. Khi mắc căn bệnh này, tim bạn sẽ phải dùng một lực lớn hơn để đẩy máu đi qua đoạn xơ vữa, từ đó tạo ra những tiếng ồn xuất hiện theo nhịp ở cả hai bên tai.
  • Hẹp hoặc xoắn động mạch cổ: Các động mạch ở cổ bị thu hẹp hay bị xoắn sẽ làm ảnh hưởng đến dòng chảy của máu tới tai. Vì vậy mà bạn có thể bị ù tai hay thậm chí là suy giảm thính lực.
  • Tăng huyết áp: Chứng huyết áp cao cũng được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng ù tai cho nhiều bệnh nhân. Khi bị căng thẳng thần kinh hoặc sử dụng nhiều bia rượu, tình trạng ù tai càng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn.
  • Xơ cứng tai: Bệnh lý này xảy ra do sự phát triển bất thường của xương trong tai. Bệnh có khuynh hướng di truyền và là nguyên nhân chính gây ù tai ở một số đối tượng ngay từ khi còn trẻ.
  • Bệnh Meniere: Ù tai là triệu chứng ban đầu của bệnh Meniere. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai do sự gia tăng bất thường của lượng dịch hay ion nội mô.
  • U thần kinh sọ: Đây là dây thần kinh nối từ não đến tai trong, chịu trách nhiệm kiểm soát trạng thái cân bằng của cơ thể và hoạt động của thính giác. Sự xuất hiện của một khối u lành tính ở cơ quan này có thể gây ù tai trái hoặc ù tai phải.
  • Đa xơ cứng: Bệnh đa xơ cứng và một số bệnh lý thần kinh khác có thể gây ra hiện tượng co thắt cơ ở tai trong. Hiện tượng này gây ra nhiều triệu chứng bất thường như ù tai, nghe kém và có cảm giác đầy trong tai.
  • Rối loạn chức năng ống Eustachian: Ống Eustachian là bộ phận nối tai giữa với cổ họng. Hoạt động của ống này có thể bị rối loạn khi bệnh nhân được xạ trị ung thư, mang thai hoặc sụt giảm nhiều cân nặng một cách đột ngột dẫn đến tiếng ồn lạ trong tai, ù tai.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm: Đây cũng là một vấn đề về sức khỏe thường gặp có thể khiến tai bị ù.
  • Bệnh đường hô hấp: Bệnh viêm xoang, viêm họng hay ung thư vòm họng có thể gây tắc vòi nhĩ và khiến một cá nhân bị ù tai.

Bị ù tai do các nguyên nhân khác

Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe, chứng ù tai có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác như:

  • Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng một số loại thuốc tân dược ở liều cao hoặc dùng trong thời gian dài có thể khiến bạn gặp nhiều tác dụng phụ, bao gồm cả tình trạng ù tai. Thường gặp nhất là các loại thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, Aspirin, Methotrexate , Cisplatin. Thông thường, tiếng ồn trong tai sẽ biến mất sau khi bạn ngừng dùng các thuốc trên.
  • Chấn thương ở đầu hoặc cổ: Những chấn thương ở khu vực này có thể gây tổn thương cho dây thần kinh thính giác hay tai trong. Chúng có thể gây ra tiếng ồn ở một bên tai.
  • Tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn có cường độ cao: Đây là nguyên nhân gây ù tai thường gặp ở công nhân trong công trường xây dựng thường xuyên phải nghe tiếng ồn của máy móc, người có thói quen đeo tai nghe nhạc, ca sĩ hoặc người sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn.
nguyên nhân gây ù tai
Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn lớn là nguyên nhân gây ù tai
  • Có nhiều ráy tai: Sự tích tụ của nhiều ráy tai có thể gây kích thích lên màng nhĩ khiến bạn bị ù tai, nghe kém hoặc nghiêm trọng hơn là mất thính giác.
  • Lớn tuổi: Hiện tượng ù tai thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi. Do ảnh hưởng của quá trình lão hóa, thính giác của một cá nhân sẽ ngày càng trở nên kém hơn theo sự gia tăng của tuổi tác.
  • Hút thuốc lá: Thói quen này mang đến nhiều tác hại cho sức khỏe. Chất độc trong khói thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến thị giác bị suy giảm và dẫn đến tiếng ồn trong tai.

Phân loại ù tai

Trong y học, ù tai được chia thành hai loại gồm:

  • Ù tai chủ quan: Đây là dạng ù tai nhiều người gặp nhất. Với thể bệnh này, chỉ có mình bạn mới nghe được những tiếng ồn bất thường. Ù tai chủ quan thường gặp ở người có vấn đề về tai hoặc dây thần kinh thính giác.
  • Ù tai khách quan: Bác sĩ có thể nghe được âm thanh khác lạ trong tai của bạn khi khám. Đây là dạng ù tai hiếm gặp gây ra bởi các vấn đề ở mạch máu, xương tai giữa hay hiện tượng co thắt cơ ở tai.

Dấu hiệu bị ù tai

Triệu chứng đặc trưng của ù tai chính là những tiếng ồn bất thường bạn nghe được trong tai trong khi âm thanh này không xuất hiện bên ngoài. Đó có thể là tiếng huýt gió, tiếng nhạc, tiếng huýt sáo, tiếng la hét hay tiếng kêu ù ù của gió. Chúng có thể lâu lâu mới xuất hiện hoặc xảy ra thường xuyên ở một hay cả hai bên tai.

Đôi khi, tiếng ồn trong tai quá lớn gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung và khiến bạn không thể nghe rõ âm thanh thực tế từ bên ngoài. Tình trạng này kéo dài gây tâm lý hoang mang, lo lắng và có thể làm suy giảm hiệu quả học tập, lao động.

Trong một số trường hợp, người bị ù tai còn xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Đau đầu
  • Hoa mắt
  • Chóng mặt
  • Mất ngủ
  • Suy nhược cơ thể…

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị nếu:

  • Chứng ù tai xảy ra liên tục ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc và chất lượng sống
  • Ù tai kéo dài không cải thiện sau 1 tuần
  • Bạn bất ngờ bị ù tai mà không rõ nguyên nhân
  • Ù tai sau khi bị nhiễm trùng ở đường hô hấp trên.

Chẩn đoán ù tai

Các kỹ thuật được thực hiện để chẩn đoán ù tai bao gồm:

– Thăm khám lâm sàng:

  • Kiểm tra tiền sử bệnh
  • Ghi nhận các vấn đề liên quan đến ù tai: Thời điểm bị ù tai, tính chất ù tai, các triệu chứng khác đi kèm
  • Quan sát tai hoặc vùng đầu cổ để tìm kiếm chấn thương
  • Kiểm tra đánh giá chức năng nghe
chẩn đoán ù tai
Bác sĩ khám chẩn đoán ù tai

– Chẩn đoán hình ảnh:

Một số xét nghiệm hình ảnh cũng có thể được chỉ định nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây ù tai. Bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính sọ não ( CT scan)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp mạch não đồ

Cách điều trị ù tai

Để điều trị ù tai, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng các loại thuốc để loại bỏ nguyên nhân gây nên tiếng ồn, đồng thời giảm bớt sự khó chịu đối với tiếng ồn trong tai. Một số trường hợp phải làm phẫu thuật để khắc phục triệu chứng này. 

Các phương pháp chữa ù tai đang được áp dụng bao gồm:

1. Cách chữa ù tai bằng nội khoa

Với phương pháp này, bạn sẽ được điều trị bằng thuốc kết hợp với một số phương pháp khác châm cứu, trợ thính, thôi miên… để khắc phục tình trạng ù tai.

– Thuốc trị ù tai:

Bao gồm:

  • Thuốc làm tăng toàn hoàn máu lên thần kinh trung ương và ốc tai
  • Thuốc làm giãn cơ trơn
  • Thuốc kháng histamin, thuốc kháng viêm cho người bị ù tai do mắc chứng rối loạn chức năng vòi.
  • Thuốc an thần: Thường được chỉ định là Magnesi sulfat hay Barbiturate,… Chúng giúp giải phóng lực áp chế lên hệ lưới thuộc hệ thần kinh trung ương.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Nhóm thuốc này ẩn chứa một số tác dụng phụ nên thường chỉ được sử dụng cho người bị ù tai nặng. Bạn có thể được chỉ định thuốc Amitriptyline hay Nortriptyline.
  • Thuốc làm giảm độ nhạy cảm ở hệ thống mô dẫn truyền thần kinh: Bao gồm Procain, Lidocaine hay Lignocaine.

– Các phương pháp hỗ trợ khác:

  • Sử dụng thiết bị tạo ra tiếng ồn trắng có thể giúp che bớt đi tiếng ồn trong tai khi ngủ vào ban đêm, mang đến cho bạn một giấc ngủ ngon hơn.
  • Mang máy trợ thính
  • Châm cứu
  • Thôi miên
  • Điều trị thần kinh bằng phương pháp kích thích từ xuyên sọ ( TMS)
  • Làm sạch tai
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thay đổi loại thuốc điều trị khác nếu thuốc đang dùng là nguyên nhân dẫn đến ù tai.
  • Giảm tiếp xúc với tiếng ồn. Nếu cần thiết hãy đeo đồ bịt tai để không phải nghe tiếng ồn quá lớn.
  • Ngưng hút thuốc lá hoặc uống bia rượu
  • Hướng sự chú ý của bạn đến những vấn đề khác để quên đi tiếng ồn khó chịu trong tai
  • Ngồi thiền, tập yoga hay áp dụng các kỹ thuật thư giãn khác để thần kinh bớt căng thẳng, qua đó giảm bớt tiếng ồn trong tai.
  • Dùng Ginkgo biloba
  • Bổ sung các chất như kẽm và vitamin B thông qua các chế phẩm hoặc chế độ ăn uống
cách điều trị ù tai
Bệnh ù tai thường được điều trị bằng phương pháp nội khoa

2. Phẫu thuật chữa ù tai

Một số trường hợp bị ù tai không đáp ứng với điều trị nội khoa sẽ được bác sĩ chỉ định làm phẫu thuật. Phổ biến nhất là các đối tượng bị bệnh Ménière, u tai kèm điếc dẫn truyền, u tân sinh ở thùy thái dương,…

Cách phòng ngừa ù tai

Để giảm thiểu nguy cơ bị ù tai, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây:

  • Làm sạch ráy tai thường xuyên và đúng cách,. Tránh dùng tăm bông ngoái tai thường xuyên vì nó có thể đẩy bụi bẩn và ráy tai vào sâu hơn, đồng thời gây tổn thương cho màng nhĩ. Hàng ngày, bạn chỉ cần dùng khăn mềm để làm sạch phần ráy tai tràn ra ngoài. Nếu ráy tai quá nhiều, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ.
  • Giữ cho hai tai luôn khô ráo, sạch sẽ. Sử dụng nút tai mỗi khi tắm hoặc khi đi bơi. Sau khi tắm xong, bạn có thể dùng khăn mềm lau khô tai, tránh để nước xâm nhập vào bên trong.
  • Đeo đồ bảo hộ tai khi phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Hạn chế nghe nhạc bằng tai nghe hoặc mở tivi quá lớn.
  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế sử dụng rượu bia và các thức uống chứa caffein
  • Không sử dụng thuốc tây bừa bãi
  • Tập thể dục mỗi ngày để cải thiện dòng máu đến tai, qua đó giúp tăng cường thính giác
  • Nếu có bất kỳ vấn đề bào bất thường ở tai, bạn nên đi khám để điều trị triệt để, tránh chần chừ kéo dài dẫn đến ù tai, suy giảm thính lực.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng 08:06 - 30/07/2022 - Cập nhật lúc: 16:13 - 07/02/2023
Chia sẻ:
Ù tai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chẩn đoán, điều trị

Ù tai là triệu chứng thường xảy ra khi bạn tiếp xúc nhiều với tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, đây…

Các biến chứng của bệnh viêm tai giữa bạn cần biết

Biến chứng của viêm tai giữa bao gồm: áp xe tai, viêm tai xương chũm, thủng màng nhĩ,... Nếu không…

Bị viêm tai giữa nên uống thuốc gì?

Bị viêm tai giữa nên uống thuốc gì? Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây tổn thương màng…

Viêm tai giữa – Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng, bệnh lý này thường xảy ra vào mùa đông…

Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma và cách điều trị

Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma là một trong những bệnh nguy hiểm trong tất cả các loại viêm…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua