Hóa trị ung thư buồng trứng khi nào? Điều cần biết

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Hóa trị hiện đang là giải pháp điều trị được áp dụng phổ biến cho các bệnh ung thư nói chung và ung thư buồng trứng nói riêng. Tùy thuộc vào loại ung thư cũng như giai đoạn của bệnh mà có thể điều trị bằng lựa chọn hóa trị khác nhau. Cần tuân thủ chỉ định từ bác sĩ để nhận được kết quả tối ưu.

hóa trị ung thư buồng trứng
Hóa trị là một trong 3 giải pháp điều trị chính cho bệnh ung thư buồng trứng

Hóa trị ung thư buồng trứng là gì?

Ung thư buồng trứng là căn bệnh ung thư sinh dục thường gặp ở phái nữ, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung. Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của các khối u ác tính ngay tại buồng trứng.

Bệnh lý này nếu như không sớm phát hiện và can thiệp điều trị thì các tế bào ung thư sẽ phát triển rất nhanh và rất khó kiểm soát. Thậm chí chúng còn di căn sang các bộ phận khác ở trong cơ thể. Đồng thời gây ra ung thư thứ phát tại các vị trí đó.

Hóa trị ung thư buồng trứng là giải pháp điều trị ung thư buồng trứng bằng thuốc. Mục đích của việc dùng thuốc là nhằm tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. 

Ngoài ra, hóa trị cũng có thể được chỉ định với mục đích kiểm soát sự phát triển của khối u. Phục vụ việc hỗ trợ bệnh ở giai đoạn trước hoặc sau khi thực hiện phẫu thuật. Bên cạnh đó, hóa trị cũng có thể được dùng để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng ung thư buồng trứng ở giai đoạn cuối.

Hóa trị ung thư buồng trứng có thể sẽ được dùng dưới 3 dạng sau đây:

  • Tiêm tĩnh mạch: Hầu hết các thuốc hóa trị ung thư buồng trứng đều được sử dụng ở dạng này. Thuốc có thể được tiêm vào tĩnh mạch trực tiếp hoặc cũng có thể được tiêm thông qua ống Catheter.
  • Đường uống: Bên cạnh dạng thuốc tiêm tĩnh mạch thì một số thuốc còn được dùng theo đường uống. Lúc này, thuốc sẽ được đưa vào trong máu. Sau đó lưu thông tới toàn cơ thể.
  • Bơm trực tiếp vào khoang bụng: Đây cũng là 1 cách để dùng thuốc hóa trị ung thư buồng trứng. Thông qua ống Catheter, thuốc được bơm trực tiếp vào khoang bụng. Đồng thời sẽ được giữ lại trong đó.

Liều lượng cũng như tần suất hóa trị sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể căn cứ vào mức độ bệnh và khả năng đáp ứng của mỗi người bệnh. Có thể dùng 1 lần/ ngày, 1 lần/ tuần hoặc thậm chí có thể 1 lần/ tháng.

Khi nào cần áp dụng hóa trị ung thư buồng trứng?

Thực tế cho thấy rằng, với bệnh ung thư buồng trứng, phương pháp hóa trị thường được dùng trong 2 trường hợp sau đây:

– Mục tiêu trị khỏi bệnh:

Hóa trị thường được kết hợp với phẫu thuật với mục đích điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Còn được gọi là hóa trị hỗ trợ phẫu thuật (adjuvant chemotherapy). Có 2 cách hỗ trợ phẫu thuật như sau:

  • Hóa trị hỗ trợ sau mổ (post-op adjuvant chemotherapy). Hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư hay khối u ác tính còn sót lại sau khi phẫu thuật.
  • Hóa trị hỗ trợ trước mổ (neoadjuvant chemotherapy). Giúp cho việc phẫu thuật diễn ra dễ dàng hơn. Mặc dù không chắc chắn là sẽ giúp làm tăng tiên lượng sống nhiều hơn so với hóa trị sau mổ.
Dùng thuốc hóa trị ung thư buồng trứng
Đa phần các thuốc hóa trị ung thư buồng trứng được dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch

– Mục tiêu giảm nhẹ triệu chứng:

Mục tiêu lúc này không phải là điều trị khỏi bệnh mà là để giảm nhẹ các triệu chứng thống khổ khi ung thư buồng trứng bước vào giai đoạn muộn. Giải pháp này còn gọi là hóa trị giảm nhẹ (palliative chemotherapy). Mặc dù có thể không tăng tiên lượng sống nhưng sẽ làm tăng chất lượng sống. Hóa trị có thể đơn thuần hoặc được phối hợp với phẫu thuật hay xạ trị.

Các lựa chọn điều trị ung thư buồng trứng bằng hóa trị

Các chuyên gia cho biệt tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn phát triển của bệnh mà mỗi người bệnh sẽ có các lựa chọn điều trị ung thư buồng trứng bằng hóa trị khác nhau.

Dưới đây là các lựa chọn sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định:

1. Hóa trị ung thư biểu mô buồng trứng

Ung thư biểu mô buồng trứng được nhận định là loại ung thư buồng trứng thường gặp nhất ở nữ giới. Đặc trưng của nó là tình trạng khối u ác tính hình thành từ các tế bào ung thư nằm ngay trên bề mặt buồng trứng.

Đối với hóa trị ung thư biểu mô buồng trứng, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp 2 loại thuốc khác nhau. Bao gồm:

  • Hợp chất bạch kim: Phổ biến là cisplatin hoặc carboplatin.
  • Taxane: Thường là paclitaxel hoặc docetaxel.

Sự kết hợp của 2 loại thuốc này được ghi nhận là mang đến hiệu quả điều trị tốt hơn. Và đây cũng được xem là giải pháp điều trị đầu tiên trước khi áp dụng các giải pháp khác.

Trong một số trường hợp, các loại thuốc khác cũng có thể được cân nhắc:

  • Albumin
  • Altretamine
  • Capecitabine
  • Cyclophosphamide
  • Etoposide
  • Gemcitabine
  • Ifosfamide
  • Irinotecan
  • Doxorubicin liposome

Thuốc điều trị ung thư biểu mô buồng trứng có thể được đưa vào cơ thể qua đường tiêm hay truyền tĩnh mạch với tần suất 3 – 4 tuần/ lần. Một liệu trình sẽ bao gồm khoảng từ 3 – 6 chu kỳ điều trị tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh.

Hóa trị có thể sẽ giúp hỗ trợ làm thu nhỏ kích thước của các khối u ác tính. Trong nhiều trường hợp còn làm cho chúng biến mất. Tuy nhiên, phương pháp này rất khó có thể tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư. Vì vậy bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Đợt hóa trị đầu tiên nếu nhận được kết quả tốt thì có thể đẩy lùi ung thư ít nhất từ 6 – 12 tháng.

2. Hóa trị trong phúc mạc (IP)

Lựa chọn hóa trị trong phúc mạc (IP) thường sẽ được áp dụng với trường hợp bị ung thư buồng trứng đã bước sang giai đoạn III. Tuy nhiên các khối u ác tính vẫn không lan ra ngoài bụng. Đồng thời ung thư đã được loại bỏ tối ưu. Tức là không còn khối u lớn hơn 1cm sau phẫu thuật.

lựa chọn hóa trị ung thư buồng trứng
Hóa trị trong phục mạc là lựa chọn được áp dụng khi ung thư buồng trứng đã bước sang giai đoạn 3

Các thuốc được dùng trong trường hợp này bao gồm:

  • Cisplatin
  • Paclitaxel

Trong hóa trị IP thì các thuốc này sẽ được tiêm vào trong khoang bụng thông qua ống Catheter. Ống Catheter thường được đặt ngay trong quá trình phẫu thuật nhưng đôi khi cũng có thể được đặt sau đó.

Đưa thuốc hóa trị ung thư buồng trứng vào cơ thể theo cách này sẽ giúp thuốc tập trung trực tiếp vào các tế bào ung thư ở trong khoang bụng. Bên cạnh đó, hóa chất cũng sẽ được hấp thu vào máu. Do đó thuốc vẫn có thể lưu thông đến các tế bào ung thư ở bên ngoài khoang bụng.

Thực tế cho thấy, hóa trị trong phúc mạc (IP) có thể giúp kéo dài tiên lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên nó thường dễ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Điển hình như đau bụng, buồn nôn hay nôn ói. Đây cũng chính là lý do khiến không ít người bệnh phải ngừng điều trị sớm.

3. Hóa trị cho khối u tế bào mầm buồng trứng

Trường hợp ung thư buồng trứng là khối u tế bào mầm thì bác sĩ có thể chỉ định bằng hóa trị kết hợp. Tức là sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc khác nhau cùng một lúc.

Sự kết hợp thường xuyên nhất là BEP, bao gồm các thuốc hóa trị liệu như:

  • Bleomycin
  • Etoposide
  • Platinol

Nếu ung thư là một rối loạn sắc tố thì chúng thường sẽ rất nhạy cảm với hóa trị liệu. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị bằng sự kết hợp ít độc hơn. Có thể là:

  • Carboplatin
  • Etoposide

Trường hợp ung thư không đáp ứng với điều trị hoặc điều trị ung thư tái phát thì có thể kết hợp các thuốc khác. Bao gồm:

  • Thuốc hóa trị liệu liều cao
  • TIP (Taxol + Ifosfamide + Platinol)
  • VeIP (Vinblastine + Ifosfamide + Platinol)
  • VIP (VP-16 + Ifosfamide + Platinol)
  • VAC (Vincristine + Dactinomycin + Cyclophosphamide)

4. Hóa trị cho khối u đệm buồng trứng

Đối với khối u đệm buồng trứng thì hóa trị liệu thường được áp dụng hơn. Tuy nhiên với các trường hợp cần thiết thì bác sĩ vẫn có thể sử dụng phác đồ chuẩn là BEP.

phác đồ hóa trị ung thư buồng trứng
Bleomycine là một trong 3 thuốc thuộc phác đồ hóa trị ung thư buồng trứng BEP

Phác đồ BEP sử dụng 3 loại thuốc bao gồm Bleomycine (B), Etoposide (E) và Cisplatin (P). Các thuốc này đều được sử dụng qua đường tĩnh mạch cho mỗi 3 tuần hay còn gọi là chu kỳ 3 tuần. Thời gian cho thuốc 1 chu kỳ là 5 ngày với Cisplatin và Etoposide, còn mỗi tuần với Bleomycine.

5. Hóa trị giảm nhẹ triệu chứng

Ung thư buồng trứng bước sang giai đoạn muộn thường sẽ không còn khả năng chữa khỏi. Tuy nhiên lúc này nó có thể gây ra các triệu chứng thống khổ như chèn ép dây thần kinh, đau nhức. Thậm chí là gây ung thư tái phát, di căn xa và không còn khả năng phẫu thuật.

Trong trường hợp này, đơn hóa trị sẽ được sử dụng nhiều hơn là đa hóa trị. Điều này giúp làm giảm các tác dụng phụ mà hóa trị gây ra cho người bệnh.

Có thể dùng một số thuộc dạng viêm hoặc dạng truyền tĩnh mạch như:

  • Topotecan
  • Gemcitabine
  • Navelbine

Tìm hiểu tác dụng phụ của hóa trị ung thư buồng trứng

Các loại thuốc hóa trị ung thư buồng trứng khi được đưa vào cơ thể thì không chỉ ảnh hưởng đến khối u ác tính mà còn tác động tới các tế bào khỏe mạnh khác. Do vậy rất dễ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ còn phụ thuộc vào loại thuốc cũng như liều lượng và tần suất sử dụng. Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp nhất:

  • Buồn nôn, nôn ói
  • Ăn không ngon, chán ăn
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Tê bì ở bàn tay, bàn chân
  • Rụng tóc
  • Loét miệng
  • Sạm da và móng

Nhiều hóa chất còn có thể ảnh hưởng đến các tế bào tạo máu của tủy xương. Mặc dù hiếm gặp nhưng cũng có thể dẫn tới một số nguy cơ như:

  • Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (do số lượng bạch cầu trong máu giảm)
  • Dễ bị bầm tím hay chảy máu (do số lượng tiểu cầu trong máu giảm)
  • Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu máu (do số lượng hồng cầu ở mức thấp)

Những tác dụng phụ nêu trên thường sẽ biến mất sau khi kết thúc hóa trị liệu. Tuy nhiên, khi đang trong quá trình điều trị, nếu gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào hãy báo cho bác sĩ được biết. Có nhiều cách để làm giảm ảnh hưởng của tác dụng phụ. Trong đó, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng một số loại thuốc để làm giảm triệu chứng phản ứng phụ nếu có.

Ngoài ra, một số loại thuốc hóa trị còn có thể gây ra các tác dụng phụ kéo dài hay thậm chí là vĩnh viễn. Phải kể đến như:

  • Cisplatin có thể khiến thận bị tổn thương hoặc làm hỏng các dây thần kinh thính giác.
  • Cisplatin kết hợp với Taxan có thể khiến hệ thống dây thần kinh bị tổn thương.
  • Một số hóa chất có thể gây ra mãn kinh sớm hay làm tăng nguy cơ bị vô sinh.
  • Ifosfamide có thể gây kích ứng và chảy máu niêm mạc bàng quang.
  • Mặc dù hiếm gặp nhưng thuốc hóa trị ung thư buồng trứng có thể gây ra hội chứng myelodysplastic hay bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

Hóa trị ung thư buồng trứng là một trong những giải pháp điều trị chính cho những nữ giới mắc phải bệnh lý này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng loại ung thư và giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định các lựa chọn hóa trị khác nhau. Trong nhiều trường hợp, hóa trị sẽ được kết hợp với phẫu thuật và xạ trị cùng các liệu pháp bổ sung để mang đến kết quả điều trị tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Ngày đăng 09:10 - 06/06/2023 - Cập nhật lúc: 14:39 - 07/06/2023
Chia sẻ:
U nang buồng trứng phải có nguy hiểm không, cần lưu ý gì?

U nang buồng trứng phải là một bệnh lý phụ khoa khá phổ biến nhưng có thể gây ra nhiều…

Chi phí mổ u nang buồng trứng tại một số bệnh viện lớn Chi Phí Mổ U Nang Buồng Trứng Tại Một Số Bệnh Viện Lớn

Mổ u nang buồng trứng là thủ thuật đơn giản giúp loại bỏ khối u phòng nguy cơ biến chứng…

ung thư buồng trứng nên ăn gì Bị ung thư buồng trứng nên ăn và kiêng gì giảm bệnh?

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp có ý nghĩa rất lớn đến quá trình kiểm…

U nang buồng trứng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Bệnh u nang buồng trứng là loại khối u thường phát triển ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.…

vòi trứng thông hạn chế Vòi trứng thông hạn chế là gì? Giải pháp nào để có thai?

Vòi trứng thông hạn chế cũng giống như tình trạng tắc vòi trứng không hoàn toàn. Tình trạng này có…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua