Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai – Khoa Thần kinhGiám đốc chuyên môn – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý về cột sống phổ biến, xảy ra ở hơn 30% dân số Việt Nam. Bệnh có mối liên hệ mật thiết đến lão hóa và di truyền. Đĩa đệm cột sống tổn thương kéo dài gây đau lưng kéo dài, có thể gây biến chứng nếu không can thiệp điều trị, nặng nhất là tàn phế vĩnh viễn. 

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý tổn thương tại cột sống lưng hoặc cổ

Tổng quan

Đĩa đệm là một trong những bộ phận quan trọng của cột sống. Nằm giữa các đốt sống, có nhiệm vụ như một lớp nệm lót giúp giảm ma sát, giảm xóc và bảo vệ cột sống khỏi các tác động ngoại lực trong quá trình vận động. Theo cấu trúc giải phẫu, đĩa đệm có cấu tạo từ 2 phần: lớp bao xơ (là các sợi hình khuyên, dai) và nhân nhầy bên trong (dạng gel mềm, sền sệt).

Thoát vị đĩa đệm (tên tiếng Anh là Herniated Disc) là hiện tượng đĩa đệm cột sống có xu hướng lệch hoặc trượt khỏi vị trí ban đầu, lớp màng bao xơ của đĩa đệm bị rách, khối nhân nhầy thoát ra chèn ép lên các rễ dây thần kinh, tủy sống gây đau nhức cột sống, rối loạn cảm giác cục bộ.

Tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống. Phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tại một thời điểm, tình trạng thoát vị có thể xảy ra ở một hoặc nhiều đĩa đệm.

Phân loại

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Có nhiều loại thoát vị đĩa đệm tùy theo vị trí và mức độ tổn thương

Dựa theo từng vị trí đĩa đệm, bệnh được như sau:

  • Thoát vị đĩa đệm cổ;
  • Thoát vị đĩa đệm cổ - ngực;
  • Thoát vị đĩa đệm ngực;
  • Thoát vị đĩa đệm lưng - ngực;
  • Thoạt vị đĩa đệm lưng;

Dựa theo vị trí trước sau, bệnh được chia như sau:

  • Thoát vị đĩa đệm ra sau;
  • Thoát vị đĩa đệm ra trước;
  • Thoát vị đĩa đệm thân đốt sống (Tên khoa học là thoát vị đĩa đệm nội xốp);

Dựa theo vị trí chèn ép tủy sống hoặc rễ dây thần kinh, bệnh được chia như sau:

  • Thoát vị thể trung tâm: là tình trạng khối nhân nhầy thoát vị chèn ép trực tiếp lên tủy sống;
  • Thoát vị thể cạnh trung tâm: khối nhân nhầy thoát vị chèn lên hệ thống rễ dây thần kinh và cả tủy sống;
  • Thoát vị thể trái - phải: khối nhân nhầy chèn ép lên các rễ dây thần kinh bên phải hoặc trái;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

  • Lão hóa: Đến độ tuổi nhất định, mọi cơ quan trong cơ thể đều bị thoái hóa và suy giảm chức năng. Và đĩa đệm cột sống cũng không ngoại lệ. Khi bị lão hóa, đĩa đệm khô lại do mất nước, kém linh hoạt, dễ tổn thương dù bị tác động nhẹ.
  • Chấn thương: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, nghề nghiệp, chấn thương khi chơi thể thao, vận động sai tư thế quá mức, đột ngột... cũng khiến đĩa đệm cột sống đĩa đệm bị tổn thương thoát vị.

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Phần lớn các trường hợp thoát vị đĩa đệm do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa tự nhiên

Yếu tố nguy cơ

  • Yếu tố di truyền
  • Tuổi tác
  • Thừa cân béo phì
  • Nghiện thuốc lá
  • Tính chất nghề nghiệp
  • Lười vận động
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt kém khoa học
  • Lạm dụng thuốc giảm đau chứa steroid

Triệu chứng và chẩn đoán 

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm tiến triển qua 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng

Tiến triển của thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm tiến triển qua 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng:

  • Giai đoạn phình đĩa đệm (Disc protrusion): là giai đoạn bệnh vừa khởi phát, triệu chứng còn mơ hồ, chưa rõ ràng. Lớp màng bao xơ chưa rách, nhân nhầy chưa thoát vị.
  • Giai đoạn lồi đĩa đệm (Prolapsed Disc): Lớp màng bao xơ có tổn thương, bắt đầu suy yếu nhưng nhân nhầy chưa thoát vị.
  • Giai đoạn thoát vị đĩa đệm chính thức (Disc extrusion): Lớp bao xơ bị rách, khối nhân nhầy tràn ra ngoài và đè chèn lên các rễ dây thần kinh. Trong giai đoạn này, các biểu hiện bệnh thể hiện rõ ràng, đau nhức dữ dội, tê bì, ngứa ran.
  • Giai đoạn thoát vị đĩa đệm có mảnh rời (Sequestered Disc): Các khối thoát vị tích tụ quá nhiều, dần tách ra thành từng mảng rời, rơi vào ống tủy gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng

  • Đau nhức âm ỉ kéo dài, đau nhiều hơn khi hắt hơi, ho hoặc cử động mạnh;
  • Cơn đau tập trung chủ yếu ở cổ, vai gáy, cánh tay, lưng, mông, đùi, bắp chân, bàn chân... tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị;
  • Tê bì tay chân, ngứa ran, bỏng rát;
  • Yếu cơ, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, nâng đỡ đồ vật;
  • Bại liệt, vận động khó khăn do teo chi, liệt cơ;

Chẩn đoán

Khi gặp các triệu chứng sau, hãy đến bệnh viện thăm khám ngay:

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng

  • Tần suất và mức độ đau nhức ngày càng tăng nặng;
  • Són tiểu, bí tiểu và đại tiện không tự chủ do rối loạn chức năng ruột & bàng quang;
  • Mất cảm giác tại chỗ ở những vùng "yên ngựa" (Saddle anesthesia) như quanh hậu môn trực tràng, bắp đùi trong, phía sau chân;

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thông qua các triệu chứng lâm sàng, các bài test khả năng cử động, phạm vi chuyển động và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng như: chụp X quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính CT scan... cột sống.

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán Sapotar 1980, người bị thoát vị đĩa đệm khi có từ 4/6 triệu chứng dưới đây:

  • Có đủ các yếu tố chấn thương cột sống;
  • Đau nhức cục bộ, lan sang các vị trí khác, điển hình là đau dây thần kinh tọa;
  • Lệch vẹo cột sống cổ, thắt lưng;
  • Đường cong sinh lý cột sống có xu hướng cong vẹo;
  • Nghiệm pháp Lasègue (+);
  • Dấu hiệu chuông bấm (+);

Biến chứng và tiên lượng

Thoát vị đĩa đệm không điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm như:

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Biến chứng teo cơ, bại liệt vĩnh viễn do thoát vị đĩa đệm

  • Rối loạn chức năng vận động;
  • Rối loạn thần kinh thực vật;
  • Hội chứng đuôi ngựa;
  • Hội chứng đau khập khễnh cách hồi;
  • Rối loạn đại tiểu tiện;
  • Biến dạng teo cơ, mất khả năng vận động;
  • Bại liệt, tàn phế tạm thời hoặc vĩnh viễn;

Tiên lượng thoát vị đĩa đệm cao hay thấp tùy theo thời điểm phát hiện và điều trị bệnh. Có trên 90% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, phục hồi khả năng vận động khi kết hợp vật lý trị liệu. Để có phác đồ điều trị chính xác, tốt nhất hãy thăm khám chuyên khoa sớm.

Hầu hết các trường hợp sau khi được điều trị và phục hồi ổn định, bệnh nhân sẽ mất khoảng 3 - 6 tháng mới trở lại đời sống sinh hoạt bình thường.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị thoát vị đĩa đệm là bảo tồn chức năng đĩa đệm cột sống, kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn tiến triển và phòng ngừa biến chứng.

1. Điều trị nội khoa

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Nằm nghỉ ngơi tại giường đúng tư thế trong đợt bùng phát cấp làm giảm tổn thương, thu nhỏ khối thoát vị

# Chế độ vận động

  • Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại chỗ;
  • Nằm trong tư thế ngửa trên tấm ván cứng có lót nệm bên dưới vị trí khoeo chân để khớp háng và khớp gối co lại tự nhiên, nhằm giảm áp lực lên nội đĩa đệm;
  • Sau vài phút nằm, thay đổi tư thế khác sao cho đỡ đau và bệnh nhân thoải mái nhất;
  • Áp dụng chế độ này liên tục trong 5 - 7 ngày. Vài trường hợp đau nặng có thể kéo dài hơn 2 tuần để tránh khiến cột sống đĩa đệm tổn thương nặng hơn;

# Về điều chỉnh tâm lý

  • Bệnh nhân sẽ được bác sĩ giải thích kỹ càng việc tại sao phải nằm nghỉ ngơi một chỗ tại giường để tạo sự an tâm và tuân thủ thực hiện;
  • Vì trong đợt cấp, chỉ có ngưng tất cả các áp lực lên đĩa đệm mới giúp giảm kích thước thoát vị, thúc đẩy quá trình tái tạo, phục hồi vị trí và chức năng đĩa đệm trở lại bình thường.

# Dùng thuốc

  • Thuốc giảm đau acetaminophen;
  • Thuốc chống viêm không steroid hoặc chứa corticosteroid;
  • Thuốc chống đau thần kinh;
  • Thuốc giãn cơ;
  • ...

Tuân thủ liều dùng và cách sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ phát sinh tác dụng phụ như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, loãng xương, suy giảm chức năng gan thận...

2. Vật lý trị liệu

Điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả bằng các phương pháp vật lý trị liệu gồm:

Bệnh thoát vị đĩa đệm
Bài tập vật lý trị liệu giảm đau cột sống do thoát vị đĩa đệm

  • Sóng siêu âm
  • Tia hồng ngoại
  • Điện xung
  • Điện phân
  • Đắp paraphin
  • Các bài tập vật lý trị liệu phù hợp từ tuần thứ 3, thứ 3

Ngoài ra, trên cơ sở bất động khi nghỉ ngơi, kết hợp áp dụng các phương pháp nội khoa khác như:

  • Chườm nóng
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Kéo giãn cột sống
  • Châm cứu

3. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa được chỉ định thực hiện cho các trường hợp sau:

  • Điều trị nội khoa sau 5 - 8 tuần nhưng thất bại;
  • Bùng phát chèn ép hệ thần kinh cấp tính;
  • Thoát vị đĩa đệm gây gây đau nhức nghiêm trọng, có biến chứng teo cơ, bại liệt hoặc hội chứng đuôi ngựa;

Hiện nay, y học ghi nhận các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến như:

  • Mổ hở
  • Mổ nội soi
  • Phẫu thuật phá hủy nhân nhầy bằng men chympapain
  • ...

Phòng ngừa

Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát hoặc bảo vệ cấu trúc, chức năng cột sống ngay từ khi còn trẻ, bạn cần chú ý:

  • Tập luyện thể dục thể thao điều độ hàng ngày, tập vừa sức với những bộ môn phù hợp như đi bộ, bơi lội, yoga, đạp xe, thái cực quyền... Thói quen này giúp duy trì sự ổn định, giảm tổn thương cột sống khi bị tác động ngoại lực.
  • Vận động đúng tư thế, giữ lưng thẳng khi ngồi, khom người mang vác đồ vật, không lắc cổ, xoay lưng đột ngột, không ngồi quá nhiều, đứng quá lâu...
  • Duy trì cân năng phù hợp, ngăn ngừa thừa cân béo phì, giảm áp lực lớn lên cột sống.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đủ chất, bổ sung canxi, protein, acid béo omega-3, chất xơ... Kiêng chất kích thích, thức ăn dầu mỡ, đạm, purine, fructose...
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc mệt mỏi, tạo điều kiện cho cột sống thư giãn, phục hồi.
  • Nói không với hút thuốc lá để duy trì sức khỏe xương khớp và sức khỏe toàn diện.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

Gợi ý các câu hỏi bạn cần hỏi bác sĩ để hiểu rõ tình trạng và cách chữa trị thoát vị đĩa đệm.

1. Tôi mắc bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh là gì?

2. Những triệu chứng tôi gặp phải có phải xuất phát từ 1 bệnh hay không?

3. Với tình trạng bệnh hiện tại phải thực hiện xét nghiệm nào?

4. Bệnh thoát vị đĩa đệm của tôi phải điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?

5. Việc điều trị mất bao lâu? Chi phí bao nhiêu?

6. Những lợi ích và rủi ro về từng phương pháp điều trị được chỉ định là gì?

7. Làm thế nào tôi biết được thuốc đang phát huy tác dụng hay gây tác dụng phụ?

8. Sẽ ra sao nếu tôi không tiếp nhận điều trị?

9. Trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm tôi nên tránh làm gì?

10. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn về tình trạng bệnh của tôi?

Thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, khả năng vận động và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí gây biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta cần chăm sóc cột sống tích cực, từ bỏ những thói quen xấu. Thường xuyên thăm khám sức khỏe tổng quát để sớm phát hiện các bất thường, bảo tồn khả năng vận động.