Bệnh zona có để lại sẹo không là vấn đề lo lắng của rất nhiều người bệnh. Bởi những tổn thương zona trên da là các dải mụn nước, mụn mủ mọc thành chùm lớn, thậm chí có dấu hiệu nhiễm trùng, nhất là khi chúng xuất hiện ở những vị trí “lộ thiên” như mặt, cổ, tay, chân, da đầu…

Tổn thương zona thần kinh có hình thành sẹo không?
Zona thần kinh là bệnh truyền nhiễm ngoài da do sự tấn công của virus thủy đậu Varicella zoster. Bệnh lý này chỉ xảy ra ở những người đã từng mắc bệnh thủy đậu, mặc dù bệnh khỏi hẳn nhưng virus vẫn còn tồn tại dưới trạng thái ngủ trong các dây thần kinh. Khi gặp điều kiện thuận lợi như sức đề kháng giảm, cơ thể suy yếu miễn dịch… sẽ làm phát sinh thành bệnh zona.
Các tổn thương zona đặc trưng bởi những dải mụn nước tụ thành từng mảng lớn hoặc mọc rải rác tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy, châm chích và đau rát như bị bỏng. Những đốm mụn này phát triển với nhiều kích thước khác nhau, sau khoảng 7 – 10 ngày sẽ tự vỡ ra, đóng mài và liền sẹo sau 2 – 3 tuần.
Tuy nhiên, vì tổn thương của zona gây tác động trực tiếp đến các cấu trúc của tế bào và hệ thống thần kinh tại vùng da đó nên hầu hết các trường hợp bị sau zona thần kinh đều để lại sẹo, các vết thâm gây mất thẩm mỹ. Các vết sẹo zona chủ yếu xuất phát từ các biến chứng của bệnh như: zona đau dây thần kinh liên sườn, mặt, cổ, bội nhiễm da, hình thành mụn mủ, viêm loét sâu, sưng tấy gây đau đớn khó chịu. Hầu hết các biến chứng này đều xuất phát từ việc điều trị, chăm sóc sai cách như bôi thuốc, đắp thuốc dân gian, từ đó tạo thành những vết sẹo xấu.

Các vết sẹo này thường có những đặc điểm chung như:
- Màu sắc của sẹo rất đa dạng như màu đỏ đậm, đỏ tím hoặc thâm đen tùy theo nguyên nhân gây zona và cách điều trị chăm sóc, ăn uống, vệ sinh không đúng cách.
- Vết sẹo zona có thể nằm bằng phẳng hoặc lồi lên khỏi bề mặt da. Hoặc cũng có những trường hợp hình thành sẹo rỗ do biến chứng của zona thần kinh.
- Những vết sẹo này có thể mờ dần đi theo thời gian, tuy nhiên cũng có những trường hợp chúng tồn tại vĩnh viễn nếu tổn thương, biến chứng quá nặng.
Nhìn chung, sẹo sau zona là điều hết sức bình thường, chúng không gây ngứa ngáy hay đau rát gì như các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng trên da, nhất là ở những vùng da “lộ thiên” như mặt, cổ, tay, chân, đùi, da đầu… gây thiếu thẩm mỹ cho da, ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý, sự tự tin của người bệnh, đặc biệt là với chị em phụ nữ.
Cách điều trị và làm mờ sẹo zona hiệu quả
Hiện nay, sẹo thâm, sẹo lồi… do zona gây ra hoàn toàn có thể được xử lý tối ưu bằng nhiều phương pháp khác nhau như:
Bôi kem trị sẹo
Dùng kem trị sẹo là phương pháp trị sẹo zona phổ biến hiện nay được nhiều người áp dụng. Sản phẩm này được điều chế dưới dạng kem hoặc gel bôi tiện lợi, dễ sử dụng và phù hợp với nhiều đối tượng. Cơ chế của các loại kem bôi trị sẹo chứa các thành phần có khả năng tác động trực tiếp vào ổ sẹo, làm phá vỡ cấu trúc melanin, làm mờ sẹo thâm, thúc đẩy tái tạo các tế bào da mới và làm đều màu da.
Việc sử dụng kem trị sẹo zona nên được áp dụng ngay sau khi vùng da bị tổn thương đã liền sẹo. Vì lúc này da non vừa mới hình thành nên sẽ dễ dàng hấp thu các hoạt chất điều trị và đem lại hiệu quả tốt. Ngược lại nếu vết sẹo zona kéo dài, càng lâu năm thì việc điều trị sẽ rất khó khăn và gần như không có tác dụng. Hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại thuốc, kem bôi trị sẹo phù hợp nhất.
Tận dụng các nguyên liệu tự nhiên
Trị sẹo zona bằng các nguyên liệu tự nhiên được nhiều người áp dụng do sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội như an toàn, hạn chế sử dụng hóa chất, tiết kiệm chi phí và dễ dàng thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, những mẹo tự nhiên không dùng thuốc chỉ có hiệu quả với những vết sẹo mới, vừa được hình thành, sẹo tồn tại càng lâu thì hiệu quả sẽ không cao, thậm chí không có tác dụng.

Một số nguyên liệu tự nhiên nổi tiếng với công dụng trị sẹo như:
- Nghệ: Trong nghệ chứa hàm lượng cao curcumin, một loại chất chống oxy hóa mạnh có khả năng loại bỏ các gốc tự do, hỗ trợ tái tạo tế bào và đào thải độc tố trên da. Nhờ đó mà vùng da sau tổn thương phục hồi nhanh chóng và đánh bay vết sẹo thâm. Để thực hiện, bạn cần dùng 1 củ nghệ tươi, gọt vỏ, rửa sạch, sau đó giã nát trộn cùng mật ong rồi đắp lên sẹo 15 – 20 phút. Thực hiện mỗi ngày để đạt kết quả tốt nhất.
- Nha đam: Nha đam chứa nhiều dưỡng chất tốt giúp cải thiện cơn ngứa ngáy, khó chịu trên da do zona gây ra. Đặc biệt, những thành phần này còn giúp làm mờ các vết sẹo thâm sau zona hiệu quả. Bạn có thể dùng nha đam bằng cách bôi trực tiếp gel lên da, uống nước nha đam nguyên chất hoặc nấu nha đam với đường phèn.
- Khoai tây: Trong khoai tây chứa hàm lượng cao tinh bột, photpho, các loại vitamin… tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, những chất này còn giúp ức chế quá trình lão hóa da, loại bỏ sắc tố đen tại các vết sẹo thâm do zona thần kinh gây ra và nuôi dưỡng, thúc đẩy tái tạo làn da hiệu quả.
- Rượu trắng: Chất phenol trong rượu trắng có tác dụng làm tăng hiệu quả điều trị sẹo do zona thần kinh của nghệ. Nghệ rửa sạch, gọt vỏ, giã nát rồi cho vào lọ thủy tinh, đổ rượu trắng vào ngâm 3 ngày là có thể lấy ra sử dụng. Bôi rượu nghệ lên vết sẹo zona giúp làm mờ sắc tố đen, nám, ngăn chặn bội nhiễm và tăng khả năng tái tạo làn da.
- Mật ong: Mật ong có khả năng diệt khuẩn, virus tốt và đặc biệt giúp trị sẹo zona thần kinh hiệu quả khi kết hợp với bột ngọc trai. Hỗn hợp này sẽ giúp tẩy đi các sắc tố đậm màu trên da một cách nhẹ nhàng và giúp da đều màu hơn. Kiên trì sử dụng đều đặn từ 1 – 2 lần/ tuần sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất.
Lưu ý: Mặc dù đem lại hiệu quả tốt nhưng phương pháp này vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, đó là mất thời gian chuẩn bị, cho hiệu quả chậm và chỉ có tác dụng trên bề mặt da, chủ yếu làm mờ màu sẹo chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Trị sẹo zona bằng công nghệ cao
Điều trị sẹo do zona thần kinh bằng công nghệ cao là phương pháp tân tiến, hiện đại và đem lại hiệu quả tốt nhất hiện nay. Phương pháp này phù hợp với những người có tổn thương nghiêm trọng, kéo dài và sau khi chữa khỏi để lại những vết sẹo lớn, lâu năm, không đáp ứng điều trị bằng kem bôi hoặc các công thức từ thiên nhiên.

Phương pháp này sử dụng các thiết bị tân tiến, dùng công nghệ tác động đến vết sẹo zona nhằm phá vỡ cấu trúc mô sẹo để giúp làm mờ hoặc thúc đẩy sự phục hồi, tái tạo da non mới. Có nhiều công nghệ trị sẹo zona bạn có thể chọn lựa áp dụng như: công nghệ Laser Fractional CO2, công nghệ Mezo, công nghệ PRP, Ella…
Khi quyết định trị sẹo bằng công nghệ, người bệnh cần chú ý cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn lựa cơ sở thẩm mỹ uy tín và có chuyên môn cao để thực hiện. Điều này sẽ giúp đảm bảo quy trình thực hiện bài bản, đúng cách và đem lại hiệu quả tối ưu, tránh được những nguy cơ rủi ro không tốt cho làn da nói riêng và sức khỏe nói chung.
Cần làm gì để nói không với sẹo zona?
Sẹo zona là biến chứng phổ biến nhiều người gặp phải sau khi quá trình điều trị kết thúc. Tuy nhiên vẫn có cách phòng tránh được nếu người bệnh tuân thủ thực hiện các nguyên tắc chăm sóc sau đây:

- Trong vòng 48 tiếng kể từ khi da xuất hiện những tổn thương zona, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối những hướng dẫn, chỉ định điều trị của bác sĩ.
- Vệ sinh tắm gội hằng ngày, làm sạch vùng da bị tổn thương. Chú ý không sử dụng bất kỳ loại hóa chất tẩy rửa nào hoặc chà xát quá mạnh lên vùng da này.
- Sau khi tắm xong phải thấm khô bằng khăn, lưu ý khăn phải sạch và không dùng chung khăn với bất kỳ ai để giảm thiểu nguy cơ lây lan.
- Sau khi tổn thương zona vừa khép miệng liền lại, bạn cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại thuốc bôi trị sẹo phù hợp. Vì đây là thời điểm da non vừa hình thành dễ hấp thu thuốc và phục hồi tốt hơn.
- Không cào gãi, chà xát mạnh hay chà chanh, chà muối lên vùng da bị bệnh. Cách này sẽ bảo vệ tổn thương, giảm bội nhiễm và giảm nguy cơ hình thành sẹo sau khi khỏi bệnh.
- Tránh để vùng da này tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì tia UV có khả năng kích thích sản sinh sắc tố melanin hình thành sẹo, khiến vùng da này sạm đen xấu xí.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho làn da để hỗ trợ cải thiện các vết sẹo từ bên trong như rau xanh, củ quả, trái cây, thực phẩm giàu vitamin C, omega- 3…
- Chú ý không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, dễ hình thành sẹo như gạo nếp, thịt bò, rau muống, thức ăn chứa chất bảo quản, cay nóng hoặc chiên xào nhiều màu mỡ…. Các chất trong những loại thực phẩm này có thể gây cản trở quá trình chữa lành các vết thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Người bệnh luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan trong quá trình điều trị để nhanh chóng khỏi bệnh, giảm nguy cơ hình thành sẹo.
- Để phòng ngừa sẹo zona nói riêng và bệnh zona thần kinh nói chung, cách tốt nhất là tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh thủy đậu.
Hy vọng với những thông tin vừa trong bài viết trên đã giúp quý bạn đọc câu trả lời chính xác về vấn đề “Zona có để lại sẹo không?” cũng như hướng điều trị và phòng ngừa phù hợp. Việc áp dụng bất kỳ phương pháp nào cũng đều cần phải tuân theo sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý thực hiện, nhất là với những cách dân gian hoặc dùng thuốc để tránh gây ảnh hưởng rủi ro cho sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
Xin cho hỏi ! Sau khi hết zona sẹo đã chuyển thành thâm đen và có chỗ sẹo lõm xuống! Thì sửa dụng loại thuốc bôi nào phù hợp ạ ! Sẹo ở vùng tráng và chân mày ạ….mong được bác sĩ tư vấn giúp vì trên thị trường quá nhiều loại thuốc bôi quả thật em ko biết loại nào phù hợp!!!!!!