Bệnh viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị triệt để sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này các triệu chứng thường nặng nề và kéo dài dai dẳng, việc khắc phục cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, những biến chứng tiềm ẩn có thể phát sinh bất cứ lúc nào.

Tìm hiểu về bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính?
Viêm mũi dị ứng mãn tính là tình trạng các triệu chứng viêm mũi kéo dài hơn 4 tuần liên tiếp. Trong khi một đợt viêm cấp tính chỉ kéo dài một vài ngày hoặc tối đa là 4 tuần.
Cũng giống như dạng cấp tính, bệnh lý này khởi phát khi hệ miễn dịch phản ứng thái quá với các chất gây dị ứng có trong không khí. Những chất gây dị ứng thường là phấn hoa, mạt bụi hay lông của thú cưng.
Trong nhiều trường hợp, thời tiết thay đổi thất thường cũng được cho là yếu tố nguyên nhân. Hay tình trạng viêm mãn tính cũng có thể là hệ quả của một đợt viêm cấp tính không được chăm sóc và dự phòng tốt.
Các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng thường có xu hướng xuất hiện theo mùa. Hoặc cũng có thể trở nên nặng nề hơn vào những khoảng thời gian nhất định trong năm.
Cũng tương tự như ở dạng cấp tính, triệu chứng mãn tính thường là:
- Hắt hơi
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Ngứa ngáy mắt, mũi và họng
- Ho, nhức đầu
- Có sự đổi màu hơi xanh ở dưới mí mắt
Khi các triệu chứng không được khắc phục bằng cách chăm sóc tại nhà hay dùng thuốc thông mũi và thuốc chống dị ứng không kê đơn thì bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ. Liên hệ ngay cho bác sĩ cũng là cần thiết khi bạn bị sốt hay đau dữ dội ở mặt kèm theo.
Viêm mũi dị ứng mãn tính có nguy hiểm không?
So với giai đoạn cấp tính thì bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính thường dễ phát sinh các vấn đề nghiêm trọng hơn. Bởi lúc này triệu chứng thường kích hoạt ở mức độ nặng. Thêm vào đó, việc điều trị cũng sẽ gặp phải nhiều vấn đề bất cập.
Bạn có thể sẽ gặp phải một số biến chứng sau khi mắc bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính:
- Viêm xoang: Đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh viêm mũi dị ứng kéo dài. Chất gây dị ứng có thể sẽ gây kích ứng lên niêm mạc xoang giống như cách mà chúng kích ứng niêm mạc mũi. Ngoài ra, dịch mũi còn có thể chảy ngược vào trong khiến xoang bị tắc nghẽn và dễ dàng bị nhiễm trùng hơn.
- Polyp mũi: Mặc dù không phổ biến nhưng đôi khi bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính không được điều trị sớm cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các khối Polyp trong mũi. Trường hợp Polyp lớn thì nhiều vấn đề sẽ phát sinh. Điển hình nhất là ảnh hưởng khứu giác hay mũi có cảm giác bị chặn, gây khó thở.

Giải pháp điều trị cho bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính
Việc sử dụng thuốc được cho là cần thiết để đáp ứng với các triệu chứng của viêm mũi dị ứng mãn tính. Tuy nhiên về liều lượng và tần suất sử dụng có thể sẽ được tăng lên tùy theo mức độ bệnh.
Một số loại thuốc dưới đây sẽ được bác sĩ sử dụng cho phương pháp điều trị dược lý:
1. Thuốc Corticosteroid
Corticosteroid dưới dạng xịt mũi chính là phương pháp điều trị đầu tiên cho viêm mũi dị ứng mãn tính. Steroid sẽ làm giảm phản ứng viêm gây ra bởi phản ứng dị ứng, từ đó giúp giảm các triệu chứng mũi như ngứa, nghẹt mũi hay chảy nước mũi.
Corticosteroid nội sọ rẻ hơn so với thuốc kháng histamine nhưng lại giúp giảm triệu chứng mũi tốt hơn. Cả hai sẽ có thể được sử dụng cùng nhau nhằm kiểm soát triệu chứng tối ưu.
Khi được sử dụng tại chỗ với liều lượng nhỏ thì Corticosteroid thường ít gây ra phản ứng phụ. Đôi khi chỉ gây ra những tác dụng cục bộ lên niêm mạc mũi.
Tuy nhiên, khi thuốc dạng xịt mũi không có tác dụng thì Corticosteroid đường uống có thể sẽ được dùng. Cần thận trọng với nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn khi sử dụng lâu dài.
2. Thuốc kháng Histamine
Được sử dụng phổ biến nhất là Fexofenadine hydrochloride (Telfast) và Cetirizine hydrochloride (Zyrtec). Các loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của Histamine – chất chính gây ra phản ứng dị ứng.
Histamine sẽ chịu trách nhiệm gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng mãn tính như hắt hơi, ngứa hay sổ mũi. Thuốc kháng Histamine sẽ ngăn chặn tác dụng này, đồng thời làm thuyên giảm triệu chứng.

Các thuốc thuộc thế hệ cũ có thể gây nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn ngủ, mất tập trung, táo bón hay khó tiểu. Còn các thuốc thế hệ mới thường ít phát sinh tác dụng phụ và giúp làm giảm triệu chứng hiệu quả hơn, nhất là khi kết hợp với Corticosteroid nội sọ.
3. Thuốc thông mũi
Phenylephrine hydrochloride (Sudafed) là thuốc được dùng phổ biến nhất trong nhóm này. Thuốc thông mũi có thể được dùng bằng đường uống hay dưới dạng xịt mũi. Tác dụng là giảm dịch tiết và sưng niêm mạc mũi bằng cách thu hẹp các mạch máu ở bên trong mũi.
Tuy nhiên, các triệu chứng đôi khi có thể nặng nề thêm khi ngưng thuốc. Chính vì thế, thuốc thông mũi chỉ được dùng trong 1 thời gian giới hạn với mục đích mở đường mũi để cho phép áp dụng các liệu pháp khác.
Những người đang bị cao huyết áp hay bệnh về tim mạch thì không nên dùng loại thuốc này. Ngoài ra, cần thận trọng bởi thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như lo lắng, mất ngủ hay bồn chồn.
4. Thuốc chống viêm
Ví dụ điển hình nhất là Natri cromoglycate (Rynacrom). Những loại thuốc này cũng có thể ngăn chặn con đường viêm làm kích hoạt triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính. Tuy nhiên, chúng chưa được ghi nhận là có tác dụng tốt hơn thuốc kháng Histamine hay Corticosteroid.
5. Thuốc nhỏ mắt
Ketotifen fumarate (Zaditen) hay Hydrocortison acetate (Hycor) là những loại được dùng nhiều nhất. Các thuốc nhỏ mắt có chứa steroid hay chất kháng histamine thường được dùng với mục đích kiểm soát các triệu chứng như ngứa và chảy nước mắt.
Một số cách hỗ trợ điều trị khác
Việc dùng thuốc sẽ không thể điều trị triệt để được bệnh nếu không chăm sóc và dự phòng tốt. Cần chú ý đến các khuyến nghị dưới đây để hỗ trợ điều trị cũng như ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái đi tái lại nhiều lần:
1. Tránh xa các tác nhân kích ứng
Đây là biện pháp hỗ trợ bạn cần phải ưu tiên thực hiện hàng đầu khi đang mắc bệnh viêm mũi dị ứng. Nhất là khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Nệm và gối nên được bọc trong vỏ bảo vệ không thấm mạt bụi. Ga trải giường cần được giặt thường xuyên. Thường xuyên làm sạch thảm, vật dụng trong nhà, vệ sinh cho thú nuôi. Tốt nhất là không nên nuôi động vật khi trong nhà có người bị viêm mũi dị ứng quanh năm.
Ngoài ra, cần chú ý che chắn cho cơ thể khi đi ra ngoài, nhất là giữ ấm trong những ngày thời tiết chuyển lạnh. Tránh những nơi không khí nhiều khói bụi, ô nhiễm, không hút thuốc hay tiếp xúc với khói thuốc lá.
2. Rửa mũi
Rửa mũi là một biện pháp khắc phục tại nhà có thể hỗ trợ đắc lực cho các phương pháp dược lý trong điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính. Có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh mũi.

Bạn có thể dùng thuốc xịt mũi có sẵn ở các nhà thuốc hay sử dụng một thiết bị gọi là bình neti. Nếu dùng bình neti để rửa mũi thì hãy chắc rằng bạn sử dụng nước cất, vô trùng hay lọc để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
3. Dùng máy tạo độ ẩm
Không khí khô chính là nguyên nhân cơ bản có thể khiến cho niêm mạc mũi bị kích ứng nhiều hơn. Từ đó làm nặng nề thêm các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính.
Chính vì thế, việc giữ ẩm không khí được cho là cần thiết để hỗ trợ điều trị. Sử dụng máy tạo độ ẩm cho phòng ngủ hay nơi làm việc khi không khí khô là giải pháp tốt.
4. Uống chất lỏng
Việc bổ sung đủ nước cho cơ thể luôn là vấn đề quan trọng ngay cả khi bạn đang duy trì một sức khỏe tốt. Trường hợp đang bị viêm mũi dị ứng mãn tính thì vấn đề bổ sung thêm chất lỏng càng trở nên quan trọng.
Có thể uống nước lọc hay nước ép trái cây để giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi. Đồng thời tăng đề kháng và miễn dịch cũng như thúc đẩy các quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra tốt hơn. Chú ý, cần tránh các thức uống có chứa caffein hay cồn bởi chúng có thể khiến triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh viêm mũi dị ứng khi đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu nghiêm túc tuân thủ phác đồ mà bác sĩ chỉ định, kết hợp với chăm sóc tốt thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh lý này.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!