Nổi mụn nước ở vành tai – Nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Nổi mụn nước ở vành tai có thể dấu hiệu của các bệnh da liễu như chàm, vệ sinh da kém, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng,… Ngoài ra triệu chứng này cũng có thể bắt nguồn từ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như viêm sụn vành tai và nhiễm trùng ống tai ngoài.

nổi mụn nước ở vành tai
Nguyên nhân và cách điều trị triệu chứng nổi mụn nước ở vành tai

Nguyên nhân và cách điều trị triệu chứng nổi mụn nước ở vành tai

Nổi mụn nước ở vành tai là triệu chứng vùng da xung quanh vành tai nổi các mụn nước, có thể đi kèm với triệu chứng đỏ da, sần sùi và ngứa ngáy. Để có hướng khắc phục và điều trị phù hợp, bạn cần xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng này.

Bài viết đã tổng hợp một số tình trạng sức khỏe có khả năng làm phát sinh mụn nước ở vành tai, bao gồm:

1. Chàm tai

Chàm tai là tình trạng tổn thương da ở ống tai ngoài hoặc ở phần da xung quanh vành tai. Bệnh lý này thường gặp trẻ em và được chia thành 3 giai đoạn cấp tính – bán cấp tính – mãn tính.

Hình thái tổn thương do bệnh chàm thường rất đa dạng. Tuy nhiên tổn thương thường gặp nhất là xuất hiện các mảng da màu đỏ, sần sùi và nổi mụn nước khu trú trên những mảng da này. Tổn thương da do chàm thường đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy và khó chịu.

nổi mụn nước ở vành tai
Bệnh chàm tai có thể khiến vùng da tai đỏ, ngứa ngáy, nổi mụn nước và bong vảy trắng

Sau khi các mụn nước vỡ, vùng da bao phủ vành tai sẽ đóng mài, bong vảy và liền sẹo. Chàm là bệnh khá lành tính và hầu hết đều không gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khắc phục:

Với tình trạng nổi mụn nước ở vành tai do bệnh chàm, bạn có thể sử dụng thuốc tím methyl 2% hoặc dùng thuốc mỡ kháng sinh thoa lên vùng da tổn thương trong khoảng 10 ngày.

Với những trường hợp mắc bệnh chàm tai mãn tính, cần kết hợp với chế độ chăm sóc, sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để tránh trường hợp các triệu chứng bùng phát dữ dội.

2. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là tổn thương da do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Trong đó nổi mụn nước được xem là một trong những triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh lý này.

Ngoài ra, viêm da tiếp xúc còn gây ra các triệu chứng đi kèm như nóng rát, đỏ, ngứa ngáy ở vành tai. Các tác nhân có khả năng gây viêm da tiếp xúc ở vành tai bao gồm khuyên tai, dầu gội, côn trùng, sản phẩm xịt tóc,…

Điều trị:

Sử dụng thuốc kháng viêm chứa steroid đường bôi hoặc thuốc kháng histamine để cải thiện các triệu chứng của viêm da tiếp xúc. Bên cạnh đó cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích ứng và vệ sinh vành tai đúng cách để làm giảm tổn thương da.

3. Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng cũng là một dạng tổn thương da thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi có các tác nhân kích thích như độ ẩm không khí thấp, thay đổi nội tiết, căng thẳng kéo dài, hen suyễn,…

nổi mụn nước ở vành tai
Nổi mụn nước ở vành tai cũng có thể là triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng thường có mức độ ảnh hưởng rộng, có thể xảy ra ở vành tai, cổ, mặt hoặc thậm chí rải rác khắp cơ thể. Trong khi đó, tổn thương do viêm da tiếp xúc thường khu trú ở vị trí có tiếp xúc vật lý với dị nguyên.

Điều trị:

Điều trị viêm da dị ứng tương tự như viêm da tiếp xúc. Trong trường hợp tổn thương da xảy ra trên phạm vi rộng, bạn có thể sử dụng thuốc corticoid và histamine đường uống để kiểm soát và cải thiện triệu chứng.

4. Viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng tai ngoài. So với viêm tai giữa, tình trạng nhiễm trùng ống tai ngoài ít phổ biến và có mức độ nhẹ hơn.

Các triệu chứng của bệnh lý này thường tập trung ở ống tai ngoài. Tuy nhiên khi nhiễm trùng lây lan, da ở vành tai có thể xuất hiện mụn nước, đỏ hoặc có dấu hiệu lở loét.

Điều trị:

Điều trị nhiễm trùng ống tai ngoài bao gồm việc vệ sinh đều đặn và sử dụng thuốc đúng cách. Thuốc được sử dụng trong quá trình chữa viêm ống tai ngoài chủ yếu là thuốc điều trị tại chỗ, bao gồm thuốc nhỏ tai chống nấm/ kháng sinh, thuốc nhỏ tai chứa steroid và dung dịch vệ sinh tai natri clorid 0.9%.

5. Vệ sinh kém

Vệ sinh kém khiến bụi bẩn, dầu thừa tích tụ ở vành tai và gây bít tắc lỗ chân lông tại vùng da này. Khi lỗ chân lông bị bít tắc, da sẽ xuất hiện các mụn nước nhỏ có màu đỏ. So với các tình trạng trên, nổi mụn nước ở vành tai do vệ sinh kém có mức độ nhẹ hơn và có thể xử lý một cách dễ dàng.

Xử lý:

Với trường hợp này, bạn cần vệ sinh tai bằng cách dùng khăn ẩm lau bên ngoài vành tai và ống tai ngoài. Sau đó sử dụng dung dịch natri clorid 0.9% nhỏ vào tai và dùng tăm bông thấm hút ráy tai ra bên ngoài.

nổi mụn nước ở vành tai
Giữ vệ sinh tai đúng cách là biện pháp giúp làm giảm tình trạng ngứa ngáy và nổi mụn nước ở vành tai

Bạn cần duy trì việc vệ sinh 2 – 3 lần/ tuần để phòng ngừa tái phát triệu chứng nổi mụn nước ở vành tai.

6. Thay đổi nội tiết

Thay đổi nội tiết là một trong những nguyên nhân gây kích thích và làm tổn thương da. Tình trạng tổn thương da do rối loạn nội tiết có thể xảy ra ở bất cứ cơ quan nào.

Khác với các tình trạng da liễu khác, tổn thương da do thay đổi nội tiết thường chỉ gây đỏ và nổi mụn nước, hiếm khi làm xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy và khó chịu. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ đang mang thai, tiền mãn kinh hoặc người có chế độ sinh hoạt không điều độ.

Xử lý:

Với trường hợp nổi mụn nước vành tai do thay đổi nội tiết, tình trạng sẽ thuyên giảm sau khi nội tiết được ổn định. Tuy nhiên bạn cần giữ vệ sinh vùng da để tránh lây lan và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

7. Viêm sụn vành tai

Viêm sụn vành tai là tình trạng sụn ở vành tai bị viêm do nhiễm trùng. Tình trạng này thường phát sinh sau khi tai bị chấn thương mạnh.

nổi mụn nước ở vành tai
Viêm sụn vành tai không chỉ gây tổn thương vùng da bên ngoài mà còn ảnh hưởng đến khả năng nghe

Viêm sụn vành tai gây ra các triệu chứng như đỏ, phù nề, nổi mụn nước ở vành tai và đi kèm với tình trạng tiết dịch vàng. Khi nhiễm trùng tiến triển, bạn có thể gặp phải triệu chứng nặng nề hơn như ù tai, nghe kém, đau nhức và chảy mủ. Nếu không kịp thời điều trị, tổn thương ở sụn vành tai có thể tiến triển nghiêm trọng và gây hoại tử cơ quan này.

Điều trị:

Nếu phát hiện bệnh sớm, việc sử dụng kháng sinh phổ rộng, thuốc chống viêm và giảm đau có thể điều trị dứt điểm nhiễm trùng ở sụn vành tai. Tuy nhiên khi cơ quan này đã bắt đầu tụ dịch, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch/ mủ và phối hợp với việc sử dụng thuốc.

Trong trường hợp tai xuất tiết dịch đi kèm với triệu chứng bội nhiễm, bác sĩ sẽ trích rạch tai để làm sạch dịch và mủ ứ đọng bên trong. Sau đó sẽ sử dụng thuốc chống viêm và kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Bài viết đã tổng hợp một số nguyên nhân và cách điều trị triệu chứng nổi mụn nước ở vành tai. Tuy nhiên thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và chỉ định các phương pháp khắc phục phù hợp.

Ngày đăng 08:17 - 31/05/2023 - Cập nhật lúc: 19:22 - 01/06/2023
Chia sẻ:
Viêm tai ngoài – Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Viêm tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng lỗ mở ở bên ngoài ống tai. Loại nhiễm trùng này thường…

Đau tai khi nhai và các bệnh lý có thể liên quan

Đau tai khi nhai có thể liên quan đến một số bệnh lý như viêm tuyến nước bọt mang tai,…

Viêm tai trong – Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị

Viêm tai trong hay nhiễm trùng tai trong thường là do viêm hoặc do các bộ phận của tai bị…

Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma và cách điều trị

Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma là một trong những bệnh nguy hiểm trong tất cả các loại viêm…

Viêm tai giữa kiêng ăn gì để bệnh nhanh khỏi?

Viêm tai giữa kiêng ăn gì? Đây là vấn đề cần được quan tâm vì chế độ ăn uống cũng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua