Hội chứng Cotard

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Hội chứng Cotard là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự ảo tưởng cho rằng bản thân mình sắp chết, đã chết hoặc bất tử. Trong trường hợp tiến triển nghiêm trọng, bệnh nhân thường phát triển kèm theo các dấu hiệu trầm cảm nặng và có khuynh hướng tự tử nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. 

Tổng quan

Hội chứng Cotard (Cotard Syndrome) còn được gọi là hội chứng xác sống zombie hay căn bệnh hoang tưởng ảo giác Cotard. Hội chứng này được đặt tên theo người phát hiện và mô tả nó lần đầu tiên là ông Jules Cotard - một nhà thần kinh học người Pháp vào năm 1880.

Đây là một căn bệnh lạ thuộc nhóm rối loạn tâm thần khá hiếm gặp. Được mô tả là người bệnh có suy nghĩ sai lệch về việc bản thân đã chết, không có sự sống. Họ phủ nhận sự sống của bản thân và nghĩ rằng sự tồn tại chỉ là ảo giác, cơ thể họ là một khối trống rỗng, thối rữa hoặc không còn máu hay bất kỳ cơ quan nội tạng nào, không có trí tuệ, nhận thức.

Hội chứng Cotard là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi việc người bệnh nhận thức sai lệch nghĩ rằng bản thân sắp chết, đã chết hoặc bất tử

Căn bệnh này rất hiếm gặp, hiện nay thế giới chỉ ghi nhận khoảng 200 trường hợp mắc phải. Đặc trưng bởi sự lo lắng, sợ hãi, lo âu và ảo tưởng về những vấn đề không tồn tại liên quan đến cơ thể chính mình. Thường xảy ra ở người trung niên và người lớn tuổi, phụ nữ dễ bị ảnh hưởng hơn nam giới. Một số ít trường hợp mắc bệnh dưới 25 tuổi do liên quan đến rối loạn lưỡng cực.

Nhiều báo cáo cho thấy những người mắc bệnh tâm thần do lạm dụng chất gây nghiện amphetamine, cocaine, trầm cảm nặng hoặc mất ngủ thường xuyên có nguy cơ cao mắc hội chứng Cotard. Đa số trường hợp đều phát sinh triệu chứng nghiêm trọng nhưng nếu được điều trị tích cực sẽ dần thuyên giảm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Cotard vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đưa ra nhận định hội chứng này là một dạng hoang tưởng phát triển song song với trầm cảm nặng, cực đoan.

Những tổn thương thần kinh hoặc rối loạn tâm lý làm thay đổi hoạt động não bộ có thể dẫn đến hội chứng Cotard

Ngoài ra, nó cũng có thể là hậu quả của các rối loạn tâm thần hoặc sự phát triển bất thường của não bộ. Chẳng hạn như:

Các bệnh lý sức khỏe tâm thần

  • Rối loạn phân ly;
  • Rối loạn đa nhân cách;
  • Rối loạn lưỡng cực;
  • Tâm thần phân liệt;
  • Trầm cảm sau sinh;
  • Căng trương lực;

Các bệnh lý thần kinh

  • Chứng mất trí nhớ;
  • Sa sút trí tuệ;
  • Động kinh;
  • Đột quỵ;
  • Bệnh Parkinson;
  • Chấn thương sọ não;
  • Hội chứng đau nửa đầu (Migrain);
  • U não hoặc nhiễm trùng não;
  • Tụ máu dưới càng cứng;

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, các yếu tố rủi ro dưới đây cũng làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng Cotard, bao gồm:

  • Rối loạn cảm xúc;
  • Lạm dụng chất gây nghiện;
  • Căng thẳng, stress và lo âu kéo dài;
  • Rối loạn lưỡng cực ở thanh thiếu niên và thanh niên;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như acyclovir, valaciclovir hoặc thuốc bôi trị nhiễm virus ngoài da (Zovirax);

Ngoài ra, trong một số trường hợp, hội chứng Cotard cũng có thể là kết quả của 2 loại tổn thương não kết hợp. Điều này khiến họ thay đổi suy nghĩ và cách nhìn nhận về bản thân. Sau đó là tin tưởng tuyệt đối vào suy nghĩ sai lệch này.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Những triệu chứng của hội chứng Cotard rất đa dạng, tuy nhiên chúng lại khó nhận biết vì khá giống với các triệu chứng bệnh lý khác. Nhưng có một đặc điểm về can bệnh này đó chính là bệnh nhân luôn có những suy nghĩ phủ định bản thân đến mức ảo tưởng.

Mỗi loại ảo tưởng thường là kết quả của sự hoạt động bất thường của các dây thần kinh kiểm soát vùng khuôn mặt của não. Đây là nơi nhận diện khuôn mặt và liên kết cảm xúc khuôn mặt và khả năng nhận dạng. Hậu quả của tình trạng mất kết nối này khiến người bệnh xác định rằng khuôn mặt, thậm chí một phần hoặc toàn bộ cơ thể của họ không còn tồn tại.

Người mắc hội chứng Cotard thường ít giao tiếp xã hội và có suy nghĩ rằng bản thân mình như xác sống hoặc đã chết

Từ đó phát sinh hàng loạt các triệu chứng bất thường. Quá trình phát sinh triệu chứng được phân chia làm 3 giai đoạn gồm: cấp tính, tiến triển và mạn tính. Trong mỗi giai đoạn, các triệu chứng bộc phát khác nhau về loại và mức độ nghiêm trọng.

  • Giai đoạn cấp: Xuất hiện các triệu chứng ban đầu của chứng trầm cảm loạn thần và tình trạng suy nhược do lo lắng quá mức khi nghi ngờ bản thân mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng.
  • Giai đoạn tiến triển: Đây là giai đoạn người bệnh đã phát triển đầy đủ các biểu hiện về ảo giác nghi ngờ và phủ định bản thân.
  • Giai đoạn mạn tính: Những biểu hiện về ảo tưởng ngày càng nghiêm trọng kết hợp với các tổn thương thần kinh và trầm cảm tâm thần mạn tính.

Cụ thể một số triệu chứng điển hình của hội chứng Cotard gồm:

  • Phủ định bản thân: Đây là triệu chứng trung tâm và phổ biến nhất ở hầu hết những người mắc hội chứng Cotard. Người bệnh có xu hướng phủ định, chối bỏ những thứ thuộc về cơ thể chính mình, tin tuyệt đối việc mình đã chết. Thậm chí, họ còn phủ định toàn bộ thế giới bên ngoài, nghĩ rằng mọi thứ đều không tồn tại đúng.
  • Hoang tưởng về cái chết: Bệnh nhân phủ định sự tồn tại của bản thân, nghĩ bản thân đã chết nhưng lại sợ cái chết, mong muốn bản thân là bất tử. Biểu hiện rõ rệt là đa số người mắc hội chứng Cotard đều có xu hướng bỏ bê việc vệ sinh cá nhân và ăn uống.
  • Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân khi đang trong cơn hoang tưởng, ảo giác, luôn nghĩ rằng cơ thể mình như xác sống, thối rữa, không có nội tạng, cơ thể không có máu, não bộ không hoạt động, không có ý thức hay trí tuệ...
  • Biểu hiện cảm xúc: Luôn có cảm giác tội lỗi, lo lắng quá mức, động kinh tâm thần hoặc có xu hướng tự tổn thương chính mình, thậm chí tự tử...

Chẩn đoán

Vì hội chứng Cotard rất hiếm gặp nên vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về căn bệnh này. Điều này đồng nghĩa việc chẩn đoán chỉ dựa trên các triệu chứng tâm lý và hành vi bất thường của bệnh nhân, chứ không có bất kỳ một danh sách tiêu chuẩn chẩn đoán cụ thể nào.

Việc chẩn đoán hội chứng Cotard chủ yếu thông qua:

  • Thăm khám sức khỏe toàn diện;
  • Thu thập và đánh giá các triệu chứng bất thường của bệnh nhân;
  • Khai thác tiền sử bệnh cá nhân, đặc biệt là bệnh thần kinh, tâm thần hoặc các tổn thương não (nếu có);

Ngoài ra, kết hợp với các kỹ thuật hiện đại như chụp CT, MRI hoặc đo điện não để đánh giá chức năng hoạt động của não bộ, phát hiện các tổn thương thần kinh nhằm khoanh vùng và đưa ra chẩn đoán chính xác về căn nguyên gây hội chứng Cotard.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân mắc hội chứng Cotard gần như sẽ rơi vào trạng thái hoang tưởng và ảo giác về bản thân. Họ luôn cho rằng bản thân không tồn tại, đã chết, có một cơ thể không bình thường hoặc những trường hợp khác nghĩ rằng mình bất tử. Theo các nhà thần kinh học, sự hoang tưởng này khiến họ rơi vào trầm cảm nặng và có xu hướng cố gắng tự sát, kết thúc cuộc sống.

Ngoài ra, trong quá trình phát bệnh, bệnh nhân còn thường xuyên rơi vào mất ngủ, không ăn uống, không chăm sóc bản thân khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược nặng. Làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh lý thực thể nguy hiểm khác có hại cho sức khỏe thể trạng.

Bệnh nhân hội chứng Cotard thường rơi vào trầm cảm nặng và luôn cố gắng tự sát

Đồng thời, người bệnh hội chứng Cotard gần như không thể duy trì công việc và các mối quan hệ trong cuộc sống. Do kết quả quét não cho thấy khả năng hoạt động của vùng trán và thùy đỉnh có nhiệm vụ kiểm soát trí nhớ, chức năng vận động rất thấp. Điều này làm tăng khả năng người mắc hội chứng Cotard gần như phải sống đời sống thực vật.

Mặc dù những triệu chứng của hội chứng Cotard rất nghiêm trọng và nguy hiểm. Nhưng nếu bản thân người bệnh tự ý thức được sự bất thường này sớm, chủ động thăm khám và điều trị kịp thời bằng thuốc men hoặc các liệu pháp tâm lý, tình trạng sức khỏe sẽ dần được cải thiện. Theo thời gian, cơ thể sẽ dần hồi phục hoàn toàn và lấy lại đời sống như những người bình thường.

Điều trị

Đa số các trường hợp mắc hội chứng Cotard đều bắt buộc phải điều trị y tế để kiểm soát triệu chứng và các tổn thương thần kinh. Việc điều trị cần dựa vào kết quả chẩn đoán ban đầu và mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp bệnh.

Điều trị hội chứng Cotard hiệu quả cần kết hợp dùng thuốc, sốc điện não và trị liệu tâm lý

Để đạt kết quả điều trị tốt nhất, phác đồ điều trị hội chứng Cotard thường phải kết hợp nhiều phương pháp cùng lúc. Bao gồm:

Dùng thuốc

Đối với các triệu chứng tâm lý và thần kinh do hội chứng Cotard, việc sử dụng các loại thuốc phù hợp sẽ giúp hỗ trợ cải thiện hiệu quả tình trạng triệu chứng.

Các loại thuốc thường dùng gồm:

  • Thuốc chống loạn thần;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc chống lo âu;
  • Thuốc làm ổn định tâm trạng;

Đa số các trường hợp mắc hội chứng Cotard đều cần kết hợp nhiều hơn một loại thuốc để đạt kết quả tốt nhất.

Liệu pháp sốc điện (ECT)

Đây cũng là một trong những lựa chọn điều trị khá hiệu quả đối với hội chứng Cotard. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách phát ra nguồn xung điện nhỏ tác động đến não bộ. Giúp thay đổi tính chất hóa học của não, kích thích sự hoạt động của các dây thần kinh liên quan đến nhận thức, hành vi và hỗ trợ cải thiện một số triệu chứng liên quan khác.

Tuy đây là phương pháp điều trị hiệu quả và được sử dụng phổ biến, nhưng nó cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Chẳng hạn như mất trí nhớ, lú lẫn, buồn nôn, đau nhức cơ... Nên cần hết sức thận trọng khi thực hiện phương pháp này.

Trị liệu tâm lý

Kết hợp những hình thức điều trị trên với trị liệu tâm lý, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) giúp hỗ trợ cải thiện đáng kể tình trạng bệnh cũng như giảm thiểu tối đa các suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng đến tính mạng. Đồng thời, giúp bệnh nhân dần lấy lại suy nghĩ, nhận thức đúng đắn và tự chăm sóc bản thân một cách bình thường.

Việc trị liệu cần được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm, môi trường trị liệu phải đảm bảo an toàn, thoải mái để người bệnh dễ dàng mở lòng và chia sẻ về cảm giác, suy nghĩ của mình, giúp kết quả điều trị cao hơn.

Phòng ngừa

Rất khó để phòng ngừa hội chứng Cotard vì nó xảy ra do rất nhiều tác nhân bất thường cả về thần kinh lẫn tâm lý. Tuy tỷ lệ mắc hội chứng Cotard rất hiếm, nhưng tốt nhất vẫn phải cố gắng loại bỏ những tổn thương hoặc phòng ngừa bệnh lý thần kinh, tâm thần ngoài ý muốn nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Hãy tạo dựng lối sống lành mạnh và khoa học, vừa rèn luyện sức khỏe thể chất và duy trì sức khỏe tinh thần. Hạn chế những tác động kích thích quá mạnh đến não bộ và thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với những người có tiền sử chấn thương não hoặc mắc các bệnh tâm lý. Điều này giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ngay khi bệnh chưa bộc phát và có hướng điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi mắc hội chứng Cotard?

2. Hội chứng Cotard là gì? Có nguy hiểm không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán hội chứng Cotard?

4. Mắc hội chứng Cotard có ảnh hưởng đến tính mạng không?

5. Hội chứng Cotard có tự khỏi khi không điều trị không?

6. Tôi nên điều trị hội chứng Cotard bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra trong quá trình điều trị hội chứng Cotard?

8. Thời gian điều trị hội chứng Cotard mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

Hội chứng Cotard tuy hiếm gặp nhưng lại là căn bệnh nhưng lại cực kỳ nguy hiểm. Trong những trường hợp mắc phải, đã có những bệnh nhân được ghi nhận luôn cố gắng tìm cách tự sát để kết thúc cuộc sống. Do đó, nếu chẳng may được chẩn đoán mắc hội chứng Cotard hoặc phát hiện các dấu hiệu bất thường về suy nghĩ, nhận thức, hành vi, hãy nhanh chóng thăm khám và thông báo cho bác sĩ để được chẩn đoán, hỗ trợ điều trị càng sớm càng tốt.

Ngày đăng 13:11 - 31/08/2023 - Cập nhật lúc: 13:11 - 31/08/2023
Chia sẻ:
Bệnh Bại Liệt
Bại liệt là bệnh truyền nhiễm khá hiếm gặp trong xã hội hiện đại do đã có vắc xin phòng ngừa. Poliovirus là tác nhân chính gây bệnh bại liệt,…
Bệnh Beriberi
Bệnh Beriberi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do…
Bệnh Động Kinh
Động kinh là một dạng rối loạn co giật xảy…
Bệnh sa sút trí tuệ (Dementia)
Sa sút trí tuệ thường xảy ra ở người lớn…
Não Úng Thủy

Não úng thủy là bệnh lý nguy hiểm ở não, xảy ra khi dịch não tủy tích tụ quá mức…

Bệnh Tụ máu dưới màng cứng

Tụ máu dưới màng cứng là tình trạng khối máu tụ hình thành trên bề mặt não và làm tổn…

Bệnh Thần kinh tự trị

Bệnh thần kinh tự trị được mô tả là căn bệnh có liên quan đến hệ thống thần kinh tự…

Bệnh Moyamonya

Bệnh Moyamonya là một trong những dạng tắc nghẽn mạch máu não mạn tính, chủ yếu ở động mạch cảnh.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua