Bệnh Bại Liệt

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm khá hiếm gặp trong xã hội hiện đại do đã có vắc xin phòng ngừa. Poliovirus là tác nhân chính gây bệnh bại liệt, chúng tác động và gây tổn thương hệ thần kinh, cơ bắp khiến bệnh nhân đau nhức, co thắt cơ, thậm chí liệt mất khả năng vận động. Điều trị y tế đối với bệnh bại liệt chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng, giảm thiểu biến chứng và bảo tồn sự sống cho bệnh nhân. 

Tổng quan

Bại liệt (Poliomyelitis) là bệnh truyền nhiễm do virus Polio gây ra. Bệnh khởi phát dưới dạng nhiễm virus cấp tính, có khả năng lây truyền qua đường tiêu hóa và bùng phát thành dịch nếu có đủ các yếu tố thuận lợi. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em < 5 tuổi hoặc những đối tượng chưa tiêm phòng.

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không có cách chữa trị đặc hiệu

Bệnh bại liệt đặc trưng với biểu hiện tê liệt các cơ do sự xâm nhập và phát triển của virus vào não bộ, cột sống. Bệnh nhân bại liệt thường mất khả năng cử động hoặc khởi phát viêm màng não nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Dù sống sót sau bệnh bại liệt cũng sẽ để lại các di chứng đau nhức cơ, yếu chi khi trưởng thành. Tình trạng này được gọi là hội chứng sau bại liệt (Post-polio Syndrome - PPS).

Hiện nay, dù đã có vắc xin phòng ngừa nhưng bệnh bại liệt vẫn tồn tại và phát triển ở một số quốc gia trên thế giới chưa mở rộng chương trình tiêm chủng. Chủ yếu ở những quốc gia có điều kiện y tế và dân sinh kém như Afghanistan, Nigeria, Pakistan... Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã từng bùng phát rất mạnh, nhưng nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2000, bệnh đã được loại bỏ gần như hoàn toàn.

Phân loại

Theo nghiên cứu, virus bại liệt có 3 biến thể chính gồm type 1, 2 & 3 (WPV1, WPV2 và WPV3) được phân chia theo mức độ nguy hiểm. Trong đó, virus bại liệt type 2 và 3 hiện không còn tồn tại nhờ vắc xin phòng ngừa, chỉ còn type 1 vẫn còn tồn tại và phát triển ở một số nơi trên thế giới, nó cũng chính là loại có khả năng gây bệnh bại liệt cao nhất.

Bệnh bại liệt được chia làm nhiều thể khác nhau dựa vào vị trí và mức độ ảnh hưởng của virus

Ngoài ra, phân loại bệnh bại liệt còn dựa vào vị trí và mức độ ảnh hưởng khi virus tấn công vào. Gồm các thể chính sau:

  • Thể bại liệt thông thường: Bệnh chỉ gây ra các triệu chứng nhiễm trùng thông thường như cúm hoặc biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Tiến triển bệnh không nghiêm và thuyên giảm sau vài ngày.
  • Thể bại liệt không tê liệt: Thể bệnh này thực chất chính là biến chứng viêm màng não vô trùng do bại liệt, gây sưng các tổ chức xung quanh não. Tiên lượng thể bại liệt này khá nguy hiểm, triệu chứng phức tạp nên bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị nội trú.
  • Thể bại liệt gây liệt: Virus bại liệt tấn công vào não và tủy sống gây tê liệt các cơ trong cơ thể. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân không thể cử động, đi lại, nuốt, nói chuyện như bình thường. Thể bệnh này thường hiếm gặp, tỷ lệ mắc thường < 1%. Thể bệnh này thường xảy ra kèm theo với bại liệt hành tủy gây tổn thương các dây thần kinh giác quan, có nguy cơ tử vong cao.
  • Thể viêm não bại liệt: Đây là thể bại liệt rất hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh, gây sưng phù não với tỷ lệ tử vong cao.
  • Hội chứng sau bại liệt: Đây là di chứng của bệnh bại liệt đã chữa khỏi và tái phát sau nhiều năm (trung bình khoảng 35 năm). Các triệu chứng bùng phát trở lại nhưng có tiến triển chậm, không lây lan do không có sự tồn tại của virus. Đặc biệt, hội chứng này không thể chữa khỏi dứt điểm được.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Poliovirus là tác nhân hàng đầu gây ra bệnh bại liệt. Loại virus này thuộc giống Enterovirus, có đặc điểm là kích thước nhỏ, đường kính 28nm, chứa ARN một sợi, không có vỏ bọc và có capsid đối xứng hình khối với 32 capsome. Poliovirus được chia làm 3 type nhỏ (đánh dấu từ 1 - 3) với khả năng gây bệnh bại liệt và viêm màng não.

Poliovirus là nguyên nhân chính gây ra bệnh bại liệt

Sự tấn công của virus bại liệt gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương. Chúng phá hủy các nơ ron tủy sống hoặc tồn tại trong vỏ não dẫn đến liệt cơ. Virus bại liệt có khả năng truyền nhiễm cực mạnh thông qua đường hô hấp và đường tiêu hóa, nhưng phổ biến nhất là qua đường tiêu hóa.

Lây truyền qua đường phân - miệng hoặc thông qua giọt bắn khi ho, hắt hơi là con đường nhiễm virus nhanh nhất. Cụ thể một số hình thức lây lan virus bại liệt như:

  • Tắm/ bơi trong nước bị ô nhiễm, thường là do có người bị tiêu chảy làm ô nhiễm nguồn nước.
  • Ăn thực phẩm được tưới bằng nguồn nước hoặc bón phân nhiễm khuẩn;
  • Ăn uống chung hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm virus bại liệt;
  • Điều kiện vệ sinh kém, đại tiện ngoài trời, không rửa tay sau khi vệ sinh và trước khi ăn;
  • Chạm vào bề mặt nhiễm khuẩn;

Thời gian ủ bệnh khoảng 3 - 35 ngày. Bệnh nhân nhiễm virus v có khả năng lây truyền cho người khác tối đa 2 tuần sau khi xuất hiện triệu chứng.

Yếu tố nguy cơ 

Hiện nay, yếu tố nguy cơ gây bệnh bại liệt lớn nhất là chưa tiêm phòng vắc xin, nhất là những người có hệ miễn dịch yếu kém như trẻ em, phụ nữ mang thai... Có thể kể đến như:

Tắm nguồn nước nhiễm virus Polio dễ gây ra bại liệt

  • Du lịch đến những nơi đang bùng dịch bại liệt hoặc được cảnh báo đang tồn tại nguồn lây virus Polio;
  • Sống chung và phải chăm sóc người bệnh bại liệt;
  • Nhân viên y tế phòng chống dịch bệnh hoặc xử lý mẫu phẩm xét nghiệm chứa virus polio sống;
  • Mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch, điển hình như HIV, ung thư...;
  • Căng thẳng thần kinh hoặc vận động thể lực quá sức khiến hệ thống miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho poliovirus bùng phát;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Virus xâm nhập vào cơ thể gây ra các triệu chứng nhiễm trùng thông thường như:

Virus bại liệt tấn công vào hệ thần kinh cơ gây cứng cổ, đau nhức cơ tay, chân, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng...

  • Sốt cao
  • Đau đầu
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đau họng
  • Mệt mỏi

Sau đó, chúng tấn công đến hệ thần kinh và gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm:

  • Cứng cổ;
  • Có cảm giác đau nhói cánh tay chân như bị kim châm;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Co thắt gây đau nhức cơ bắp;
  • Rối loạn thần kinh khiến tinh thần bất ổn, giảm tập trung;
  • Động kinh;

Tùy theo đặc điểm của từng thể bệnh mà bệnh bại liệt còn kèm theo một số triệu chứng khác như:

  • Khó thở, khó nói, khó nuốt;
  • Bại liệt tủy sống;
  • Không thể cử động tay, chân;

Chẩn đoán

Bệnh bại liệt được chẩn đoán dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng từ nhẹ đến nặng của bệnh nhân. Khai thác tiền sử bệnh, gia đình, đã đi du lịch những đâu, điều tra dịch tễ... để có những nhận định chung về bệnh bại liệt.

Thăm khám lâm sàng và xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh bại liệt

Đồng thời, kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để tìm kiếm virus bại liệt, thông qua xét nghiệm máu, phân, nước bọt hoặc dịch não tủy bằng các biện pháp sau:

  • Nuôi cấy virus;
  • Xét nghiệm PCR;
  • Xét nghiệm huyết thanh học;
  • Xét nghiệm giải trình tự bộ gen;

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh bại liệt là liệt cơ bắp, gây cản trở vận động, dị dạng cột sống. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà tình trạng này có thể xảy ra tạm thời hoặc vĩnh viễn không phục hồi. Tuy đa phần các biến chứng dị tật đều có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, nhưng hầu hết các trường hợp bệnh bại liệt đều xảy ra ở những nơi có điều kiện y tế kém.

Tiên lượng bệnh bại liệt thường xấu đối với những người mắc thể liệt và hành tủy, nguy cơ tử cong khá cao

Bại liệt là bệnh lý nhiễm trùng khá hiếm gặp trong xã hội hiện đại do có vắc xin phòng ngừa. Poliovirus là tác nhân chính gây bệnh bại liệt, chúng tác động và gây tổn thương hệ thần kinh, cơ bắp khiến bệnh nhân đau nhức, co thắt cơ, thậm chí liệt mất khả năng vận động.

Điều trị y tế đối với bệnh bại liệt chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng và giảm thiểu biến chứng, duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Do đó, một khi đã mắc bệnh và sống sót sau bệnh, bệnh nhân thường phải chịu những hậu quả nặng nề như liệt hoàn toàn, mất khả năng tự đi lại, khuyết tật nặng, viêm màng não, có nguy cơ tử vong cao do co thắt cơ gây khó thở, dẫn đến suy hô hấp cấp nhưng không được cấp cứu kịp thời.

Điều trị

Cho đến nay, chưa có bất kỳ biện pháp đặc hiệu nào điều trị được bệnh bại liệt. Việc can thiệp y tế chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, tạo sự thoải mái cho bệnh nhân, ngăn chặn biến chứng. Cụ thể một số biện pháp điều trị hỗ trợ bại liệt gồm:

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh bại liệt, chủ yếu là dùng thuốc để cải thiện triệu chứng

  • Bệnh nhân cần được cách ly và nằm bất động trên giường để nghỉ ngơi;
  • Tăng cường bổ sung chất lỏng bằng cách uống nhiều nước, nước trái cây và các loại nước súp, canh hầm dinh dưỡng;
  • Truyền dịch bù nước, chất điện giải kết hợp dùng kháng sinh cải thiện các triệu chứng nhiễm trùng;
  • Chườm nóng khi cần thiết nhằm giảm đau nhức cơ bắp;
  • Dùng thuốc giảm đau theo sự hướng dẫn của bác sĩ, loại thường dùng là Ibuprofen (điển hình là (Advil®, Motrin®);
  • Kết hợp vật lý trị liệu hoặc những bài tập cơ bản được chuyên gia hướng dẫn giúp tăng cường sự linh hoạt cho cơ bắp;
  • Điều trị phục hồi chức năng phổi trong trường hợp bại liệt kèm theo biến chứng phổi;
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ như gậy, nạng, xe máy điện, xe lăn...;

Phòng ngừa

Tuy không có cách chữa, nhưng bệnh bại liệt hoàn toàn có thể được phòng ngừa thông qua vắc xin đặc hiệu. Y học ghi nhận có 2 loại vắc xin bại liệt gồm:

Tiêm vắc xin ngừa bại liệt là giải pháp hiệu quả nhất được các chuyên gia khuyến nghị ngay từ khi còn nhỏ

  • Vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV) dạng tiêm bắp;
  • Vắc xin bại liệt đường uống (OPV) điều chế từ virus sống nhưng đã làm giảm độc lực;

Tiêm vắc xin bại liệt được khuyến nghị tổng 4 liều cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cụ thể như sau:

  • Mũi đầu tiên lúc trẻ 2 tháng tuổi;
  • Mũi thứ 2 lúc trẻ 4 tháng tuổi;
  • Mũi thứ 3 khi trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi;
  • Tiêm mũi nhắc lại từ 4 - 6 tuổi;

Nếu bạn đã trưởng thành nhưng chưa tiêm vắc xin bại liệt, sẽ tiêm tổng 3 mũi gồm:

  • Hai liều đầu cách nhau từ 1 - 2 tháng;
  • Mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 khoảng 6 - 12 tháng;

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân gây ra bại liệt là gì?

2. Bại liệt có phải bệnh nhiễm trùng không?

3. Bệnh bại liệt có nguy hiểm không? Có gây tử vong không?

4. Bệnh bại liệt ảnh hưởng đến cơ thể tôi như thế nào?

5. Những triệu chứng thường gặp của bệnh bại liệt?

6. Bệnh bại liệt có lây không? Lây lan như thế nào?

7. Những xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bại liệt?

8. Bệnh bại liệt có phương pháp điều trị đặc hiệu không?

9. Tôi nên làm gì để dự phòng bệnh bại liệt?

10. Sau điều trị, bệnh bại liệt có tái phát không?

Những hệ lụy khó lường của bại liệt ngày nay gần như đã được khắc phục nhờ sự tiến bộ của y học. Vắc xin phòng ngừa bại liệt nằm trong nhóm khuyến nghị tiêm chủng cho trẻ từ thời thơ ấu để giảm nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những con đường lây nhiễm virus bại liệt. Thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ bại liệt.

Ngày đăng 14:35 - 15/04/2023 - Cập nhật lúc: 14:35 - 15/04/2023
Chia sẻ:
Viêm Đa Rễ Dây Thần Kinh
Viêm đa rễ thần kinh là trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp. Bệnh thường xảy ra sau đợt nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch tấn công đến…
Bệnh Thần kinh đái tháo đường
Thần kinh đái tháo đường là một biến chứng phổ…
Bệnh Nhược Cơ
Nhược cơ là bệnh lý tự miễn khá hiếm gặp.…
Bệnh Động Kinh
Động kinh là một dạng rối loạn co giật xảy…
Bệnh Uốn Ván

Uốn ván là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao do nhiễm độc tố mạnh của vi…

Áp Xe Não Do Amip

Áp xe não do amip là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do amip Entamoeba histolytica gây ra. Sự xuất…

Hội chứng Tourette

Hội chứng Tourette là một dạng rối loạn thần kinh khởi phát ở trẻ em. Đặc trưng với các triệu…

Viêm Não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng thần kinh nguy hiểm do lây nhiễm virus JEV. Bệnh gây ra…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua