Bệnh sa sút trí tuệ (Dementia)

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Sa sút trí tuệ thường xảy ra ở người lớn tuổi nhưng không liên quan đến yếu tố tuổi tác, lão hóa. Đây là tình trạng tổn thương các tế bào thần kinh trong não, gây suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi, ngôn ngữ và cảm xúc. Trạng thái này là dấu hiệu của bệnh Alzheimer và nhiều bệnh lý khác. Cần can thiệp điều trị sớm để tránh những hệ lụy khó lường về sức khỏe và chất lượng cuộc sống. 

Tổng quan

Sa sút trí tuệ (Dementia) là thuật ngữ dùng để chỉ sự suy giảm chức năng thần kinh gây ảnh hưởng đến trí tuệ, trí nhớ, suy nghĩ, tính cách, tâm trạng và hành vi. Hầu hết những biểu hiện sa sút trí tuệ này thường gây ra những thay đổi rõ rệt về sinh hoạt hàng ngày, khả năng giao tiếp và các hoạt động khác.

Sa sút trí tuệ được mô tả là tình trạng suy giảm chức năng thần kinh não bộ gây suy giảm trú trí nhớ, kỹ năng ngôn ngữ, hành vi, tâm trạng...

Tình trạng sa sút trí tuệ chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng không đến từ việc lão hóa do tuổi tác cao. Nguyên nhân phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ là bệnh Alzheimer. Ngoài ra còn có một số bệnh lý khác như sa sút trí tuệ mạch máu, vùng thái dương hoặc thể Lewy...

Ước tính có khoảng 5 triệu người > 65 tuổi mắc mắc các chứng sa sút trí tuệ. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong.

Phân loại

Sa sút trí tuệ được phân chia làm 3 loại chính dựa vào căn nguyên gây bệnh:

Sa sút trí tuệ được chia làm nhiều loại khác nhau dựa vào căn nguyên gây bệnh

  • Sa sút trí tuệ nguyên phát: Người bệnh bị sa sút trí tuệ do sự tổn thương trực tiếp ở não bộ, thường được biểu hiện rõ rệt thông qua các bệnh lý như Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy...
  • Sa sút trí tuệ thứ phát: Là tình trạng suy giảm trí tuệ gây mất trí nhớ do các bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe khác. Chẳng hạn như: bệnh Parkinson, Hungtington, Creutzfeldt-Jakob, hội chứng Wernicke-Korsakoff, chấn thương sọ não...
  • Sa sút trí tuệ có thể phục hồi: Xảy ra khi xuất hiện các triệu chứng tương tự như sa sút trí tuệ nhưng có thể điều trị và phục hồi tốt. Chẳng hạn như: chứng não úng thủy áp suất bình thường, nhiễm trùng, thiếu vitamin, tác phụ của thuốc, rối loạn nội tiết và chuyển hóa...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Chứng sa sút trí tuệ là hậu quả của việc não bộ bị tổn thương. Cụ thể là các tế bào thần kinh trong não bị phá hỏng, mất chức năng liên kết và giao tiếp với các khu vực khác trong não. Ngoài ra, tắc nghẽn lưu thông máu lên não khiến các mô não thiếu oxy, dưỡng chất và chết đi cũng là một trong những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.

Dựa vào căn nguyên, vị trí não và mức độ tổn thương não mà các nhà khoa học đã tìm ra rất nhiều loại sa sút trí tuệ khác nhau. Chẳng hạn như:

Nhóm sa sút trí tuệ nguyên phát: Xảy ra do các nguyên nhân thoái hóa gồm:

Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ, mất trí nhớ ngắn hạn và những thay đổi về tính cách, hành vi

  • Bệnh Alzheimer: Đây là loại sa sút trí tuệ phổ biến nhất (tỷ lệ mắc 60 - 80%). Đặc trưng với tình trạng phát triển bất thường các protein tau và amyloid trong não. Chúng tích tụ với nhau gây gián đoạn quá trình giao tiếp giữa các tế bào thần kinh trong não. Lâu dần khiến chúng chết đi và gây ra hàng loạt các vấn đề về trí nhớ, lú lẫn, chỉ nhớ những chuyện trong quá khứ, thay đổi tính cách, hành vi...
  • Sa sút trí tuệ mạch máu: Sau Alzheimer, đây là thể sa sút trí tuệ phổ biến thứ 2 (tỷ lệ mắc 15 - 25%). Thể bệnh này được gây ra do chứng đột quỵ hoặc xơ vữa động mạch làm tổn thương các mạch máu trong não. Bệnh nhân mắc thể bệnh này thường gặp các vấn đề về suy giảm trí nhớ, khó tập trung, nhầm lẫn, khó thực hiện các hoạt động thường ngày...
  • Sa sút trí tuệ thể Lewy: Thể Lewy sa sút trí tuệ chiếm khoảng 5 - 10% tỷ lệ mắc. Đây là tình trạng tích tụ nhiều protein tại tế bào thần kinh trong não và gây ra tổn thương. Tình trạng này được biểu hiện thông qua các vấn đề như khả năng chuyển động, giữ thăng bằng, suy giảm trí nhớ, thường xuyên gặp ảo giác...
  • Sa sút trí tuệ phía trước thái dương (FTD): Chiếm tỷ lệ mắc khoảng 5 - 6%. Đây là hậu quả của tổn thương thùy tràn và vùng thái dương não. Nguyên nhân lớn nhất là do sự tích tụ quá mức của các tế bào protein tại khu vực này. Thể bệnh này khiến bệnh nhân có những thay đổi về tính cách, suy nghĩ, trí nhớ, mất các kỹ năng, tư duy về hành vi xã hội, ngôn ngữ hoặc khả năng phối hợp vận động. Thể sa sút trí tuệ FTD này cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mất trí nhớ ở độ tuổi trung - lão niên từ 45 - 64.
  • Sa sút trí tuệ thể hỗn hợp: Thể bệnh này được kết hợp từ 2 loại sa sút trí tuệ trở lên. Chẳng hạn như bệnh Alzheimer kết hợp với chứng sa sút trí tuệ mạch máu. Người mắc thể bệnh này thường gặp khó khăn trong việc chẩn đoán vì các triệu chứng thường bị rối loạn, chồng chéo lên nhau. Tuy nhiên, khả năng điều trị và thuyên giảm của thể hỗn hợp thường tốt hơn so với những người chỉ mắc một thể đơn thuần.

Nhóm sa sút trí tuệ thứ phát

Các bệnh lý và vấn đề sức khỏe khác gây sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ gồm:

  • Bệnh Parkinson: Sa sút trí tuệ là biểu hiện điển hình ở những người bị bệnh Parkinson giai đoạn sau. Cụ thể với các dấu hiệu như giảm trí nhớ, suy nghĩ kém, trầm cảm, dễ bị ảo tưởng, ảo giác.
  • Bệnh Hungtington: Đây là bệnh lý rối loạn não do đột biến gen thiếu khuyết. Bệnh gây ra các vấn đề nghiêm trọng về suy nghĩ, trí nhớ, khả năng chuyển động, thay đổi tính cách... do tổn thương các tế bào thần kinh trong não.
  • Bệnh Creutzfeldt - Jakob: Đây là bệnh não nhiễm trùng khá hiếm gặp, xảy ra do protein prion phát triển bất thường trong não. Khi các protein này tập trung lại có thể làm chết các tế bào thần kinh trong não. Hậu quả dẫn đến suy giảm trí nhớ, khả năng suy nghĩ, giao tiếp, phán đoán kém, thay đổi tâm trạng, dễ kích động, dễ bị trầm cảm.
  • Hội chứng Wernicke-Korssakoff: Hội chứng này xảy ra do thiếu hụt vitamin B1, gây xuất huyết ở những khu vực não bộ có liên quan đến trí nhớ. Đa phần các trường hợp mắc bệnh là do nghiện rượu hoặc suy dinh dưỡng, nhiễm trùng. Ngoài các triệu chứng về sa sút trí tuệ, người bệnh cũng có thể gặp vấn đề về việc khối hợp các cơ, chứng nhìn đôi, suy giảm thị lực...
  • Chấn thương sọ não: Va chạm hoặc bị tấn công mạnh vào vùng đầu rất dễ dẫn đến chấn thương sọ não. Mức độ tổn thương càng nặng, các triệu chứng sa sút trí tuệ càng nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm hoặc vĩnh viễn không thể phục hồi, bao gồm mất trí nhớ, thay đổi tâm trạng, hành vi, hay bị đau đầu, giảm khả năng ngôn ngữ, giao tiếp...

Nhóm sa sút trí tuệ không gây thoái hóa thần kinh

Bao gồm các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ với các triệu chứng tương tự trên nhưng có thể đảo ngược điều trị.

Cơ thể thiếu vitamin nhóm B và E có thể gây ra các dấu hiệu tương tự như sa sút trí tuệ

  • Thiếu vitamin: Ăn uống không đủ chất là nguyên nhân gây thiếu vitamin. Một số loại vitamin có thể gây sa sút trí tuệ nếu bị thiếu hụt như B1, B6, B12 hoặc vitamin E.
  • Chứng não úng thủy áp suất bình thường (NPH): Xảy ra khi trong não (tâm thất) tích tụ lượng lớn dịch não tủy (CSF). Hậu quả của tình trạng này là làm tăng áp suất trong não, gây chấn thương, chảy máu não, dễ nhiễm trùng... Bệnh nhân thường có các biểu hiện sa sút trí tuệ như hay quên, giảm chú ý, tập trung kém, mất thăng bằng, dễ té ngã.
  • Nhiễm trùng: Một số bệnh lý và vấn đề sức khỏe nhiễm trùng gây sa sút trí tuệ như giang mai, HIV, bệnh Lyme, các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, hệ thàn kinh... và cập nhật mới đây nhất là nhiễm Covid-19.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Tình trạng sa sút trí tuệ có thể xuất hiện ở một số người do ảnh hưởng bởi tác dụng phụ một số loại thuốc như:
    • Thuốc ngủ
    • Thuốc an thần nonbenzodiazepine
    • Thuốc chống co giật
    • Thuốc chống trầm cảm
    • Thuốc giảm đau gây nghiện
    • Thuốc Statin
    • Thuốc điều trị Parkinson
  • Rối loạn nội tiết và chuyển hóa: Có thể kể đến một số rối loạn gây sa sút trí tuệ như bệnh Adsison, Cushing, hạ đường huyết, tăng canxi máu, xơ gan, suy giáp hoặc tiếp xúc với các kim loại nặng (thủy ngân, asen).
  • Một số nguyên nhân khác: Sự xuất hiện của khối u não và tụ máu dưới màng cứng cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng sa sút trí tuệ.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân bệnh lý vừa kể trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ gây sa sút trí tuệ như:

  • Tiền sử gia đình;
  • Tiểu đường;
  • Cao huyết áp;
  • Hàm lượng cholesterol cao;
  • Tuổi tác cao;
  • Giới tính (nữ giới có nguy cơ sa sút trí tuệ cao gấp đôi so với nam giới);
  • Hội chứng Down;
  • Sắc tộc (người da đen có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao gấp đôi so với người da trắng);
  • Tai nạn, chấn thương não;
  • Người có hành vi lối sống kém lành mạnh như nghiện rượu bia, hút thuốc lá, béo phì...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng sa sút trí tuệ thường tiến triển qua nhiều giai đoạn, biểu hiện từ nhẹ đến nặng thông qua các biểu hiện chung về khả trí nhớ, nhận thức, tư duy, suy nghĩ, tâm lý, hành vi, ngôn ngữ... Cụ thể như sau:

Hay quên, lú lẫn, ảo giác, mất trí nhớ, cảm xúc thất thường... là những dấu hiệu đậc trưng của chứng sa sút trí tuệ

Triệu chứng giai đoạn khởi phát

  • Hay quên các sự kiện vừa xảy ra gần đây;
  • Quên ngày tháng năm hoặc mùa;
  • Đặt sai vị trí của các vật dụng quen thuộc;
  • Gặp khó khăn trong việc sử dụng từ ngữ phù hợp cho cuộc trò chuyện;
  • Thay đổi sở thích, tâm trạng hoặc hành vi không có lý do;

Triệu chứng sa sút trí tuệ đang tiến triển nặng

  • Khả năng ghi nhớ ngày càng kém;
  • Không thể suy nghĩ, phân tích phức tạp và đưa ra những phán đoán, quyết định chính xác, nhanh chóng;
  • Dễ thay đổi cảm xúc và tâm trạng, hay rơi vào tình trạng lo sợ, hoang mang, bối rối, thất vọng, buồn bã hoặc dễ kích động, nổi cáu, thậm chí có dấu hiệu trầm cảm;
  • Khó ngủ hơn;
  • Không thể hoàn thành các công việc đơn giản như đánh răng, chỉnh remote máu lạnh, tivi, nấu ăn hay pha cà phê...
  • Cần sự giúp đỡ khi ăn uống, tắm gội, thay đồ hoặc đi vệ sinh;
  • Thường xuyên gặp ảo giác;

Dựa vào những triệu chứng sa sút trí tuệ chung này, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán nguyên nhân và mức độ bệnh cụ thể. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Chẩn đoán

Khác với các bệnh lý khác, sa sút trí tuệ rất khó để chẩn đoán. Vì có rất nhiều bệnh lý và vấn đề sức khỏe khác gây ra mất trí nhớ, thay đổi suy nghĩ, tính cách, hành vi xã hội... Do đó, để đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh sa sút trí tuệ, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện phối hợp nhiều biện pháp sau:

Chẩn đoán sa sút trí tuệ thông qua khám thần kinh và các xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh tìm kiếm dấu hiệu tổn thương não

  • Khám lâm sàng: Tiến hành thu thập các triệu chứng lâm sàng, thăm hỏi về thời điểm phát bệnh, có những biểu hiện nào, tiền sử dùng thuốc, chấn thương và khai thác tiền sử bệnh của gia đình, trong đó có chứng sa sút trí tuệ để khoanh vùng nhóm nguyên nhân.
  • Kiểm tra thần kinh: Thường được thực hiện bằng các bài test trên giấy hoặc thiết bị đo não đánh giá tinh thần của bạn. Chủ yếu tập trung vào các vấn đề về trí nhớ, ký ức, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, tính toán, lý luận, ngôn ngữ, lập kế hoạch... Một số trường hợp có thể được kiểm tra dấu hiệu trầm cảm hoặc giám định tâm thần để xác định các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ khác.
  • Xét nghiệm kiểm tra: Một số xét nghiệm kiểm tra máu, dịch não tủy... giúp loại trừ các bệnh hoặc tình trạng khác gây sa sút trí tuệ như suy tuyến giáp, nhiễm trùng, thiếu vitamin...
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một số kỹ thuật kiểm tra hình ảnh về não như chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc quét FDG-PET giúp phát hiện các tổn thương bất thường trong não, chẩn đoán nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.

Biến chứng và tiên lượng

Não bộ là nơi kiểm soát và điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Nếu não bị tổn thương, đồng nghĩa với mọi chức năng, hoạt động, sức khỏe tổng thể đều bị suy giảm và gây ra hàng loạt các biến chứng bệnh tật khó lường như:

  • Mất thăng bằng, dễ té ngã gây gãy xương, chấn thương sọ não;
  • Đột quỵ;
  • Bệnh tim;
  • Mất nước và suy dinh dưỡng;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Viêm phổi;
  • Suy thận;
  • Tử vong;

Người bị sa sút trí tuệ nghiêm trọng có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng

Hầu hết những loại sa sút trí tuệ do thoái hóa đều không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Vì tổn thương não là một dạng tổn thương vĩnh viễn, rất khó để phục hồi. Việc can thiệp điều trị y tế chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, giảm thiểu tối đa biến chứng, rủi ro xảy ra để đảm bảo sức khỏe, sự an toàn và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Ngoại trừ các nguyên nhân như tác dụng phụ của thuốc, thiếu vitamin, suy giáp, tụt đường huyết, trầm cảm, có khối u, tụ máu màng cứng.. có thể điều trị được bằng các biện pháp đặc hiệu như dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa. Sau điều trị, các biểu hiện sa sút trí tuệ cũng sẽ thuyên giảm và người bệnh phục hồi sức khỏe bình thường.

Điều trị

Trong hầu hết các trường hợp sa sút trí tuệ, tình trạng sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng, phục hồi phần nào tinh thần, tính cách, ổn định cảm xúc và làm chậm tiến triển sa sút trí tuệ, ngăn ngừa biến chứng.

Các biện pháp điều trị sa sút trí tuệ hiệu quả nhất được áp dụng hiện nay gồm:

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc được nghiên cứu và điều chế dành riêng cho người bị sa sút trí tuệ, điển hình là bệnh Alzheimer. Thực chất, đây không phải thuốc đặc trị, nó chỉ có tác dụng làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh.

Cholinesterase và memantine là 2 loại thuốc trị sa sút trí tuệ hiệu quả nhờ khả năng cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức

Các loại thuốc được dùng phổ biến như:

  • Thuốc ức chế Cholinesterase: Loại thuốc này được FDA chấp nhận dùng trong điều trị chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt là tình trạng suy giảm nhận thức. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế sự phân hủy của các acetylcholine, giúp các dây thần kinh não phục hồi khả năng giao tiếp, xử lý thông tin. Các loại đang được dùng phổ biến hiện nay như Exelon (rivastigmine), Razadyne (Galantamine), Aricept (Donepezil)...
  • Thuốc đối kháng thụ thể NMDA: Namenda (memantine) là loại thuốc đối kháng thụ thể NMDA duy nhất được chấp nhận sử dụng trong điều trị sa sút trí tuệ. Tác dụng chính của thuốc là ức chế hoạt chất glutamate, không làm kích hoạt các thụ thể NMDA gây tổn thương tế bào thần kinh trong não. Nhờ đó, giúp đạt hiệu quả điều trị cao đối với những bệnh nhân bị Alzheimer hoặc các dạng sa sút trí tuệ khác ở giai đoạn cuối.

Cholinesterase và memantine là 2 loại thuốc được kê đơn đồng thời để đạt hiệu quả điều trị cao. Hiện nay, đã có dạng viên nang kết hợp cả 2 hoạt chất này và được chấp thuận dùng trong điều trị sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, sự phát triển của y học hiện đại đã phát triển thêm một loại thuốc mới điều trị sa sút trí tuệ là Aduhelm. Loại thuốc này hoạt động bằng cách nhắm vào các mảng amyloid tồn tại trong não và loại bỏ để tránh gây ra các tổn thương thần kinh trong não. Tuy nhiên, loại thuốc này vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa được đưa vào chương trình điều trị chính thức.

Song song với dùng thuốc làm giảm tổn thương não, ức chế suy giảm nhận thức, bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng được chỉ định sử dụng một số loại thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng tâm lý, ổn định hành vi và các hoạt động kỹ năng khác:

  • Thuốc chống trầm cảm: Có tác dụng giảm cảm giác lo âu và cải thiện các triệu chứng hành vi sa sút trí tuệ. Bao gồm nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), nhóm ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) và thuốc chống trầm cảm không điển hình;
  • Thuốc chống co giật: Thường dùng nhất là Gabapentin (Neurontin) hoặc Pregabalin (Lyrica) giúp kiểm soát sự kích động, hung hăng.
  • Thuốc chống loạn thần: Giúp cải thiện triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, ảo tưởng trong giai đoạn sau của Alzheimer. Có 2 loại thường dùng nhất là Risperdal (Risperidone) hoặc Seroquel (Quetiapine).

Chăm sóc người bị sa sút trí tuệ

Bệnh nhân bị sa sút trí tuệ thường trải qua rất nhiều cảm xúc bất ổn, không thể kiểm soát hành vi, lời nói. Do đó, ngoài việc dùng thuốc, cần kết hợp thực hiện một số biện pháp tích cực để cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trị liệu tâm lý

Trị liệu hành vi nhận thức (Congnitive Behavioral Therapy - CBT) là một dạng trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân xác định và thay đổi những suy nghĩ, lo lắng bất an gây ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc.

Đối với những bệnh nhân sa sút trí tuệ, phương pháp này tập trung vào việc loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tìm ra cách đối mặt và xử lý những khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc và hành vi.

Trị liệu tâm lý hồi tưởng giúp bệnh nhân sa sút trí tuệ nhớ lại những ký ức trong cuộc sống

Ngoài ra, người bệnh sa sút trí tuệ cũng có thể thực hiện một các liệu pháp khác như:

  • Liệu pháp hồi tưởng;
  • Liệu pháp âm nhạc;
  • Liệu pháp nghệ thuật;
  • Trị liệu ngôn ngữ;
  • Trị liệu nghề nghiệp;

Chăm sóc tích cực từ người thân

Đối mặt và chung sống với chứng sa sút trí tuệ rất khó khăn. Do đó, người thân cần có những hỗ trợ thiết thực nhằm giúp đỡ người bệnh thực hiện các công việc hàng ngày hoặc cải thiện sức khỏe, nhất là khi sa sút trí tuệ đang dần có xu hướng tiến triển nặng.

  • Tránh để người bệnh tự lái xe và đảm bảo loại bỏ hết các vật sắc nhọn, có tính chất nguy hiểm;
  • Khuyến khích người bị sa sút trí tuệ nên tham gia các hoạt động xã hội;
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, giảm chất béo, dầu mỡ và các chất kích thích khác;
  • Tập thể dục nâng cao sức khỏe thể chất và cải thiện cảm xúc, tinh thần ở bệnh nhân sa sút trí tuệ;
  • Thường xuyên trao đổi với bác sĩ về tiến triển bệnh và các dấu hiệu bất ổn để điều chỉnh biện pháp điều trị;

Phòng ngừa

Các tổn thương não bộ gây sa sút trí tuệ rất khó để dự phòng. Tuy nhiên, thực hiện tốt các biện pháp sau đây sẽ giúp giảm thấp nguy cơ mắc phải:

Xây dựng lối sống lành mạnh về thể chất, tinh thần và rèn luyện trí não giúp phòng ngừa sa sút trí tuệ

  • Cai hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.
  • Vận động, tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, ưu tiên những bộ môn nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga...
  • Rèn luyện trí não bằng những trò chơi giải đố, chơi chữ hoặc các hoạt động kích thích thần kinh tích cực, giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.
  • Tích cực tham gia các hoat động xã hội, tương tác với mọi người, thả lõng cảm xúc và tạo các mối quan hệ tình cảm gắn kết.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi bị sa sút trí tuệ?

2. Dựa vào những biểu hiện nào để chẩn đoán sa sút trí tuệ?

3. Tôi mắc thể sa sút trí tuệ nào? Có nghiêm trọng không?

4. Bệnh sa sút trí tuệ có chữa khỏi được không?

5. Phương pháp điều trị sa sút trí tuệ tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

6. Bị sa sút trí tuệ nên sống ở nhà hay trung tâm dưỡng lão?

7. Bị sa sút trí tuệ có thể đồng ý việc quan hệ tình dục không?

8.  Tôi và gia đình cần làm gì để tự chăm sóc kiểm soát sa sút trí tuệ?

9. Bảo hiểm y tế có hỗ trợ chi trả điều trị sa sút trí tuệ không?

10. Bị sa sút trí tuệ sống được bao lâu?

Những khó khăn về trí nhớ, khả năng tư duy, giao tiếp, thay đổi tính cách, hành vi do sa sút trí tuệ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần, thể chất và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó, hãy chủ động thăm khám sớm ngay từ giai đoạn đầu để kịp thời điều trị, ngăn ngừa tiến triển bệnh nặng và phần nào phục hồi trạng thái sức khỏe bình thường, tái hòa nhập xã hội.

Ngày đăng 13:34 - 21/04/2023 - Cập nhật lúc: 20:39 - 24/04/2023
Chia sẻ:
Bệnh Trầm cảm
Trầm cảm là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng và phổ biến trong xã hội hiện đại. Bất kỳ đối tượng nào cũng…
Chấn Thương Sọ Não
Chấn thương sọ não là tình trạng sức khỏe nguy…
Bệnh Amip Ăn Não
Amip ăn não là bệnh lý nhiễm trùng hệ thần…
Bệnh Thần kinh tự trị
Bệnh thần kinh tự trị được mô tả là căn…
Não Úng Thủy

Não úng thủy là bệnh lý nguy hiểm ở não, xảy ra khi dịch não tủy tích tụ quá mức…

Hẹp Động Mạch Cảnh

Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi các mảng bám xơ vữa tích tụ trong lòng động mạch cảnh gây…

Viêm Não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng thần kinh nguy hiểm do lây nhiễm virus JEV. Bệnh gây ra…

Dị Dạng Mạch Máu Não

Dị dạng mạch máu não là một nhóm các dị dạng hiếm gặp về mạch máu và lưu lượng máu…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua