Bệnh Dịch hạch

Dịch hạch còn được gọi là "Cái chết đen". Là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử loài người vào thế kỷ 14, trải dài từ Âu đến Á. Bệnh xảy ra do một loại trực khuẩn có tên Yersinia pestis. Với tiến triển xấu đi trong thời gian ngắn, dịch hạch có nguy cơ tử vong cao. Nhưng nếu điều trị kịp thời bằng kháng sinh, có thể chữa khỏi bệnh và bảo toàn tính mạng. 

Tổng quan

Dịch hạch (Plague) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, bệnh nhân nhiễm độc toàn thân và phát triển các biểu hiện nhiễm khuẩn cấp, dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.

Dịch hạch là một trong những đại dịch nguy hiểm trên toàn thế giới

Con người thường mắc dịch hạch thông qua vết cắn của động vật nhiễm bệnh. Chủ yếu là bọ chét ký sinh trên chuột (Xenopsylla cheopis). Bọ chét nhiễm trực khuẩn dịch hạch và ký sinh trên người đươc gọi là Pulex irritans. Bệnh đặc trưng với tình trạng sưng hạch bạch huyết, xuất hiện ở bẹn, nách, cổ kèm theo chảy dịch mủ.

Lịch sử ghi nhận có khoảng 25 quốc gia trên thế giới xuất hiện dịch hạch, tính từ năm 2989 - 2003. Tỷ lệ mắc > 38.000 ca, trong đó có hơn 2.800 ca tử vong. Tính riêng ở Việt Nam, ước tính có khoảng 10.000 ca mắc dịch hạch mỗi năm, giai đoạn đỉnh điểm là từ 1960 - 1970. Tuy nhiên, con số này đang giảm dần và gần như không còn xảy ra trong những năm trở lại đây.

Phân loại

# Dựa vào con đường lây lan của trực khuẩn dịch hạch, bệnh được phân chia làm 4 dạng chính, bao gồm:

  • Lây trung gian: Đây là con đường lây lan chính của bệnh dịch hạch trong các đợt bùng phát đại dịch trước đây. Bọ chét nhiễm trực khuẩn ký sinh trên chuột và truyền sang cho con người thông qua vết cắn.
  • Lây qua đường hô hấp: Bệnh nhân nhiễm dịch hạch lây cho người khỏe mạnh thông qua các giọt bắn chứa vi khuẩn khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Một trường hợp khác khi người bệnh chết vì dịch hạch có thể phóng thích vi khuẩn ra không khí và người khỏe mạnh hít phải.
  • Lây qua da: Trực khuẩn dịch hạch xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước, tổn thương trên da khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.
  • Lây qua đường tiêu hóa: Xảy ra khi người khỏe mạnh ăn các loại thực phẩm đã bị chuột tiếp xúc và để lại bọt chét hoặc trực khuẩn dịch hạch. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp mắc bệnh thông qua con đường này, vì vi khuẩn dịch hạch không thể sống được dưới nhiệt độ cao.

# Dựa vào cơ quan bị vi khuẩn dịch hạch tấn công, bệnh được phân chia làm 3 loại gồm:

  • Dịch hạch ở hạch bạch huyết;
  • Dịch hạch ở phổi:
  • Dịch hạch ở máu;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Bệnh dịch hạch do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra. Chúng thường tồn tại trên các loại động vật nhỏ, chủ yếu là bọ chét. Chuột, sóc, thỏ, mèo hoang... là những loại động vật mang bọ chét hoặc dễ bị nhiễm khuẩn khi ăn phải các loài động vật chết nhiễm bệnh.

Trực khuẩn Yersinia pestis là nguyên nhân gây ra dịch hạch ở người

Yếu tố nguy cơ

Nguy cơ mắc dịch hạch thường cao hơn khi có các yếu tố rủi ro sau:

  • Các quốc gia, vùng lãnh thổ có điều kiện y tế kém phát triển hoặc các thành phố đông đúc dân cư;
  • Những người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với động vật như bác sĩ thú y, người chăm sóc động vật hoang dã hoặc nghiên cứu khoa học trên chuột;
  • Có sở thích đi bộ đường dài hoặc săn bắn, cắm trại trong rừng, những nơi có nhiều mầm bệnh dịch hạch;
  • Du lịch đến những vùng đang bùng phát dịch hạch;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy theo dạng dịch hạch mắc phải, triệu chứng sẽ được biểu hiện khác nhau ở từng bệnh nhân. Thông thường, triệu chứng dịch hạch thường xuất hiện trong vòng 2 - 6 ngày sau khi bị vi khuẩn tấn công.

Triệu chứng dịch hạch biểu hiện khác nhau tùy theo vị trí nhiễm khuẩn như hạch bạch huyết, phổi...

Cụ thể các triệu chứng dịch hạch thường gặp như:

Triệu chứng bệnh dịch hạch hạch bạch huyết (Bubonic Plague)

Đây là dạng dịch hạch phổ biến nhất, gây sưng các hạch bạch huyết. Biểu hiện đặc trưng nhất là sự xuất hiện của các nốt bong bóng ở dưới nách, cổ và bẹn. Sờ mềm, gây đau, thường có kích thước từ 1 - 10cm.

Kèm theo các triệu chứng khác gồm:

  • Sốt cao đột ngột, ớn lạnh;
  • Mệt mỏi;
  • Đau đầu;
  • Đau cơ;
  • Yếu sức;
  • Lở loét da (hiếm gặp);

Triệu chứng bệnh dịch hạch ở phổi (Pneumonic Plague)

Trực khuẩn dịch hạch có thể tấn công vào phổi hoặc lây lan từ hạch bạch huyết sang phổi. Tiến triển bệnh khá nhanh và chuyển biến xấu đi trong vòng vài giờ. Bao gồm các triệu chứng sau:

  • Sốt cao, ớn lạnh;
  • Ho có đờm hoặc ho ra máu;
  • Tức ngực, khó thở;
  • Đau bụng;
  • Buồn nôn & nôn mửa;
  • Đau đầu;
  • Yếu đuối;

Triệu chứng bệnh dịch hạch ở máu (Septicemic Plague)

Hay còn gọi là thể dịch hạch nhiễm trùng, xảy ra khi vi khuẩn Yersinia pestis nhân lên nhanh chóng trong máu. Thể bệnh này khó nhận biết hơn do chỉ gây ra các triệu chứng nhiễm trùng chung như:

  • Sốt cao, ớn lạnh;
  • Mệt mỏi, suy kiệt sức lực;
  • Rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, ói mửa);

Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng của dấu hiệu suy nội tạng như:

  • Xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, miệng hoặc trực tràng;
  • Sốc co giật, tụt huyết áp, phát ban;
  • Hoại tử đầu chi;

Chẩn đoán

Bệnh dịch hạch thường khó phát hiện trong giai đoạn đầu, do triệu chứng tương tự như cảm cúm. Nhưng ở giai đoạn nặng hoặc nghi ngờ mắc dịch hạch sau khi điều tra dịch tễ, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu và nuôi cấy giúp phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn dịch hạch

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện sự tồn tại của trực khuẩn Yersinia pestis trong máu hoặc các kháng thể đối với vi khuẩn. Một số kỹ thuật xét nghiệm máu phổ biến như xét nghiệm kháng nguyên F1 và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) giúp phát hiện vi khuẩn trong vài giờ.
  • Nuôi cấy: Tiến hành nuôi cấy mẫu máu, dịch đờm hoặc các mô hạch bạch huyết giúp xác nhận chẩn đoán dịch hạch.
  • Chụp X quang: Trong một số trường hợp, chụp X quang cũng có thể được chỉ định thực hiện nhằm đánh giá mức độ nhiễm trùng. Đồng thời, loại trừ các vấn đề sức khỏe khác.

Biến chứng và tiên lượng

Dịch hạch là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Trong đó, tỷ lệ tử vong cao nhất là ở nhóm bệnh nhân bị dịch hạch nhiễm trùng huyết, sau đó là dịch hạch phổi nếu không điều trị trong vòng 24h sau khi khởi phát triệu chứng.

Những trường hợp không tử vong, bệnh nhân cũng phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:

Hoại tử đầu chi là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh dịch hạch

  • Hoại tử đầu chi: Là sự hình thành cục máu đông trong các mạch máu nhỏ ở ngón tay, ngón chân hoặc tai, mũi. Hậu quả khiến các mô dần chết đi và hoại tử do không đủ máu nuôi dưỡng. Biến chứng này bắt buộc phải tiến hành cắt cụt chi để ngăn ngừa hoại tử lây lan.
  • Viêm màng não: Một số trường hợp hiếm có thể gây viêm màng não và tủy sống.
  • Viêm họng hạt: Đây là bệnh lý xảy ra khi các mô phía sau khoang mũi và miệng bị tấn công bởi trực khuẩn dịch hạch. Biến chứng này còn được gọi là dịch hạch hầu họng.

Ngược lại, nếu được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, thường trong vòng 24h đầu tiên, tỷ lệ sống sót và khỏi bệnh thường cao. Kết hợp chăm sóc tích cực, người bệnh sẽ nhanh chóng khỏi bệnh sau 1 - 2 tuần.

Điều trị

Điều trị kịp thời và đúng cách là 2 yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn tiến triển bệnh, loại bỏ vi khuẩn dịch hạch và ngăn ngừa biến chứng, giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh dịch hạch hiệu quả nhất là dùng thuốc kháng sinh.

Điều trị y tế

Trước tiên, bệnh nhân được chẩn đoán dịch hạch cần được cách ly và nhập viện càng sớm càng tốt. Trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện suy giảm dấu hiệu sinh tồn, cần tiến hành đặt máy thở, truyền nước hoặc các biện pháp cấp cứu khác.

Sử dụng thuốc kháng sinh trong 24h đầu kể từ khi nhiễm bệnh giúp chữa khỏi bệnh và giảm nguy cơ tử vong

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh nhằm kiểm soát bệnh. Các loại kháng sinh thường dùng như:

  • Doxycycline
  • Streptomycin
  • Ciprofloxacin
  • Gentamicin
  • Moxifloxacin
  • Chloramphenicol

Điều trị kháng sinh đạt hiệu quả cao nhất trong vòng 24h đầu tiên. Tỷ lệ sống sót cao từ 85 - 99%. Thuốc có thể dùng dạng uống hoặc dạng tiêm tĩnh mạch tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc hỗ trợ

Song song với dùng kháng sinh, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực nhằm điều trị cải thiện triệu chứng như:

  • Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt;
  • Truyền dịch hồi sức, chống suy đa tạng;
  • Thủ thuật chích rạch và dẫn lưu mủ;
  • Chế độ dinh dưỡng đủ chất;

Phòng ngừa

Trong những năm gần đây, bệnh dịch hạch gần như không còn xuất hiện nhờ kiểm soát dịch đúng cách. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cộng đồng không nên chủ quan, thường xuyên theo dõi các thông tin về dịch hạch để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Phòng chống dịch hạch bằng các biện pháp vệ sinh, phun thuốc diệt khuẩn, côn trùng

Cụ thể với các biện pháp sau:

  • Tránh tiếp xúc với các loài gặm nhấm, đặc biệt là chuột và bọ chét.
  • Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên phun thuốc diệt khuẩn hoặc thuốc diệt côn trùng.
  • Đeo găng tay và đồ bảo hộ kỹ càng trước khi xử lý động vật nhiễm bệnh, bao gồm cả động vật sống và chết.
  • Thông báo cho cơ quan chức năng về việc phát hiện dấu hiệu dịch hạch để kịp thời khoanh vùng và xử lý, ngăn ngừa bùng phát dịch.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sốt, đau đầu, đau cơ, suy nhược, sưng hạch bạch huyết, khó thở... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Bệnh dịch hạch do tác nhân nào gây ra?

3. Dịch hạch có lây không?

4. Bệnh dịch hạch ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể tôi?

5. Bị dịch hạch có gây tử vong không?

6. Tôi cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán dịch hạch?

7. Điều trị bệnh dịch hạch bằng phương pháp nào tốt nhất?

8. Bị dịch hạch có cần cách ly không?

9. Quá trình điều trị dịch hạch mất bao lâu thì khỏi?

10. Bệnh dịch hạch có vắc xin phòng ngừa không?

Bệnh dịch hạch ngày nay tuy ít xảy ra nhưng bản chất của nó vẫn là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, hãy nắm vững các kiến thức, thông tin liên quan đến dịch hạch và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngày đăng 13:48 - 19/05/2023 - Cập nhật lúc: 13:49 - 19/05/2023
Chia sẻ:
Bệnh Sốt mèo cào
Bệnh sốt mèo cào xảy ra rất phổ biến, nhất là ở trẻ em và trẻ vị thành niên từ 3 - 12 tuổi. Đây là bệnh nhiễm khuẩn lây…
Bệnh Lậu
Bệnh lậu là căn bệnh nhiễm trùng phổ biến lây…
Bệnh Sưng hạch bạch bẹn
Sưng hạch bạch bẹn có thể xảy ra đột ngột…
Bệnh Lao Vú
Lao vú là một trong những thể lao ngoài phổi…
Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira

Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira xảy ra do nhiễm vi khuẩn Leptospira lây từ động vật như chó, ngựa,…

Bệnh Viêm mô hoại tử

Viêm mô hoại tử là căn bệnh hiếm gặp và được nhiều người biết đến với cái tên bệnh vi…

Bệnh Thương hàn

Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi khuẩn Samonella Typhi gây ra. Bệnh thường phổ biến ở…

Bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore không phải căn bệnh hiếm gặp, được phát hiện lần đầu tiên ở Myanmar. Tại Việt Nam, ca…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua