Ung thư nội mạc tử cung

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Ung thư nội mạc tử cung là dạng ung thư khá phổ biến xảy ra gây ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản của nữ giới. Trong giai đoạn nặng, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể phát sinh các biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Tiên lượng bệnh chỉ tốt khi điều trị tích cực trong giai đoạn đầu, thông qua các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị...

Ung thư nội mạc tử cung là dạng ung thư phụ khoa phổ biến ở phụ nữ trên 50 tuổi

Tổng quan

Ung thư nội mạc tử cung (Endometrial cancer) là sự phát triển quá mức của các khối u ác tính ở niêm mạc hoặc nội mạc tử cung nằm trong vùng tiểu khung của phụ nữ. Đây là một trong những dạng ung thư phụ khoa phổ biến, chiếm khoảng 90% tổng các trường hợp ung thư vùng thân tử cung.

Chị em phụ nữ trên 50 và dưới 65 tuổi, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất (tỷ lệ khoảng 75%), phụ nữ dưới 40 tuổi và trong độ tuổi sinh sản nguy cơ mắc bệnh thấp, khoảng 2 - 14%. Tại Hoa Kỳ, ước tính có hơn 60.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư nội mạc tử cung trong năm 2020, trong đó có hơn 11.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng hơn 4000 ca mắc mới, với hơn 1.100 ca tử vong.

Phân loại

Ung thư nội mạc tử cung được phân chia làm 4 dạng cơ bản, bao gồm:

  • Ung thư tuyến nội mạc tử cung: Đây là dạng ung thư nội mạc tử cung phổ biến nhất, chiếm khỏng 80% trên tổng số các ca mắc. Dạng này thường tiến triển khá chậm, khó phát hiện sớm và thường phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc xạ trị,
  • Ung thư biểu mô tuyến thanh dịch: Đây là dạng ung thư nội mạc tử cung nguy hiểm hơn rất nhiều so với ung thư biểu mô tuyến nội mạc tử cung. Đặc điểm của bệnh là có khả năng phát triển và di căn nhanh sang các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, có thể điều trị được thông qua phương pháp hóa trị.
  • Ung thư biểu mô tử cung: Dạng ung thư nội mạc tử cung này khá hiếm gặp, nó được hình thành từ các tế bào ung ung thư kết hợp tế bào sarcoma. Loại này đặc biệt nguy hiểm, quá trình điều trị phức tạp và thường phải điều trị bằng cách kết hợp giữa phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
  • Ung thư biểu mô tuyến tế bào sáng: Loại ung thư nội mạc tử cung này thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh nhưng cũng khá hiếm gặp.

Có rất nhiều dạng ung thư nội mạc tử cung khác nhau. Do đó, điều quan trọng nhất là phải sớm thăm khám, chẩn đoán xác định loại ung thư bạn đang gặp phải để áp dụng đúng phác đồ điều trị tốt nhất.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư nội mạc tử cung đến nay vẫn chưa được biết rõ. Các nhà khoa học chỉ thông tin rằng có điều gì đó bất thường đã làm thay đổi sự phát triển của các tế bào trong tử cung. Chúng đột biến và phát triển nhân lên nhanh chóng vượt ngoài khả năng kiểm soát, từ đó tích tụ dần tạo thành khối u.

Phụ nữ mãn kinh bị rối loạn hormone hoặc bị béo phì, tiểu đường có nguy cơ cao phát triển ung thư nội mạc tử cung

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố nguy cơ và tác nhân có liên quan đến bệnh đã được xác định, bao gồm:

  • Rối loạn hormone: Buồng trứng có nhiệm vụ sản sinh ra 2 loại hormone là estrogen và progesteron. Tuy nhiên, sự mất cân bằng giữa 2 nồng độ hormone này kéo dài khiến cho nội mạc tử cung dày lên trong giai đoạn đầu mỗi chu kỳ và kích thích chúng tăng trưởng ngày càng nhiều. Hậu quả làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung ở chị em.
  • Không có thai: Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai làm giảm nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung. Nguyên nhân có thể là do việc mang thai kích thích sản xuất nhiều estrogen và progesterone trong thai kỳ. Điều này giúp khắc phục những tác động của việc chỉ tăng estrogen - tác nhân khởi phát ung thư nội mạc tử cung.
  • Mãn kinh sớm: Hiện tượng mãn kinh sớm có thể xảy ra ở những người có kinh sớm trước 12 tuổi. Tình trạng có kinh trong nhiều năm làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với những người có quá trình dậy thì có kinh bình thường.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Hội chứng này xảy ra khi buồng trứng không rụng trứng hoặc không rụng thường xuyên do hàm lượng estrogen tăng quá mức. Hậu quả làm ức chế quá trình rụng trứng và điều hòa kinh nguyệt hàng tháng, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư nội mạc tử cung.
  • Thừa cân béo phì: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu làm tăng sự phát triển của ung thư nội mạc tử cung. Điều này xảy ra la do lượng mỡ thừa tích tụ quá mức trong cơ thể, chúng kích thích sản sinh hormone estrogen và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.
  • Bệnh tiểu đường: Những chị em bị tiểu đường, dù bèo thì hay không béo phì đều có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung cao hơn những người khỏe mạnh.
  • Các điều kiện y tế: Một số yếu tố dưới đây là tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung:
    • Đã từng thực hiện xạ trị vùng chậu trước đó;
    • Điều trị triệu chứng mãn kinh bằng estrogen;
    • Sử dụng tamoxifen điều trị ung thư vú;
  • Một số yếu tố nguy cơ khác: Thường là về lối sống, tuổi tác và tiền sử gia đình:
    • Tuổi tác: Những người càng lớn tuổi nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung càng cao. Độ tuổi mắc bệnh chủ yếu là > 50 tuổi;
    • Chế độ ăn uống: Thói quen ăn uống không khoa học, sử dụng nhiều chất béo, nhiều calo, ít rau xanh, trái cây, ngũ cốc... khiến bạn dễ bị béo phì và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung;
    • Tiền sử gia đình: Một số trường hợp phát triển ung thư nội mạc tử cung được chẩn đoán là do di truyền các gen đột biến. Điển hình như những mắc hội chứng Lynch hoặc ung thư đại trực tràng không do polyp...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Ung thư nội mạc tử cung xuất phát từ những tổn thương bất thường bên trong tử cung, nên các triệu chứng có thể giống với nhiều tình trạng khác, nhất là các tình trạng làm ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản. Nhưng về cơ bản, khi được chẩn đoán bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng chính sau đây:

Triệu chứng ung thư nội mạc tử cung thường gặp là chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu

  • Chảy máu âm đạo bất thường, thường xảy ra giữa các thời kỳ, sau mãn kinh hoặc sau khi giao hợp;
  • Tiết dịch âm đạo màu trắng trong suốt dù đã mãn kinh;
  • Đau âm ỉ vùng bụng dưới kèm theo chuột rút xương chậu;
  • Đau rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục;

Chẩn đoán

Dựa vào những triệu chứng ban đầu kể trên, bệnh nhân cần thăm khám phụ khoa càng sớm càng tốt. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và nhiều yếu tố khác liên quan đến lối sống, đời sống sinh hoạt tình dục...

Khi nghi ngờ ung thư nội mạc tử cung, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện nhiều xét nghiệm và kỹ thuật y tế giúp xác nhận chẩn đoán bao gồm:

Thăm khám phụ khoa vùng chậu kết hợp siêu âm và làm sinh thiết để xác nhận chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung

  • Khám vùng chậu: Được thực hiện bằng cách sử dụng mỏ vịt để kiểm tra âm đạo và cổ tử cung. Hoặc trường hợp cần thiết có thể sử dụng ngón tay có đeo găng để sờ và dễ cảm nhận các dấu hiệu bất thường bên trong tử cung, buồng trứng hoặc ở các cơ quan lân cận.
  • Siêu âm: Đây là kỹ thuật xét nghiệm không xâm lấn, sử dụng nguồn sóng âm thanh năng lượng cao để tạo ra hình ảnh tử cung cùng các cơ quan vùng chậu khác. Dựa vào kết quả này giúp bác sĩ xác định các tổn thương, đặc biệt là khối u bất thường trong tử cung liên quan đến nội mạc.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ từ lớp nội mạc. Sau đó mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi để phân tích và phát hiện các tế bào bất thường.
  • Nội soi tử cung: Kỹ thuật này cũng góp phần vào quá trình chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung. Được thực hiện bằng cách luồn ống mỏng, mềm và dài vào trong cơ thể, tiếp cận gần vị trí nội mạc tử cung để kiểm tra bất thường. Kết hợp lấy mẫu sinh thiết nếu cần.
  • Xét nghiệm máu: Phương pháp này không thể chẩn đoán xác định ung thư nội mạc tử cung, nhưng có thể đo nồng độ hormone trong cơ thể và xác định có sự liên quan đến sự phát triển bất thường của khối u.
  • Các xét nghiệm khác: Trường hợp cần xác nhận chẩn đoán là ung thư nội mạc tử cung, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm bổ sung để đánh giá giai đoạn ung thư. Bao gồm:
    • Chụp CT scan;
    • Chụp MRI;
    • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET);
    • Nội soi ổ bụng;

Các thông tin về kiểm tra, xét nghiệm giúp xác định chính xác giai đoạn ung thư. Các giai đoạn của ung thư nội mạc tử cung được quy định bằng các chữ số La Mã từ I đến IV, từ giai đoạn nhẹ nhất, khối u phát triển khu trú đến giai đoạn nặng nhất, khối u đã lan sang các cơ quan xa trong cơ thể.

Biến chứng và tiên lượng

Cũng như nhiều dạng ung thư khác, biến chứng nguy hiểm nhất của ung thư nội mạc tử cung là tử vong. Ngoài ra, trong suốt quá trình phát bệnh, bệnh nhân cũng có thể gặp phải nhiều biến chứng khác, chẳng hạn như:

  • Thiếu máu trầm trọng;
  • Ung thư di căn sang nhiều cơ quan nội tạng khác của cơ thể;
  • Các biến chứng tác dụng phụ liên quan đến các chỉ định điều trị;

Tử vong là biến chứng nặng nề nhất của ung thư nội mạc tử cung nếu phát hiện và điều trị muộn

Tỷ lệ tử vong do ung thư nội mạc tử cung khá cao hàng năm. Hầu hết đều là những trường hợp mắc bệnh nhưng phát hiện muộn và không can thiệp điều trị kịp thời. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung khoảng 81%. Nhưng nếu chẩn đoán ở giai đoạn di căn, tỷ lệ sống sót chỉ còn khoảng 17%.

Ngược lại, tiên lượng ở những trường hợp ung thư nội mạc tử cung điều trị tích cực trong giai đoạn đầu khá tốt. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm còn cao hơn, đạt tới 95% và tăng dần nếu cơ thể bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt. Do đó, cách tốt nhất để có tiên lượng bệnh tốt chính là phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách.

Điều trị

Phác đồ điều trị ung thư nội mạc tử cung thường gồm các phương pháp điều trị cụ thể sau:

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ưu tiên dành cho những trường hợp ung thư nội mạc tử cung. Tùy mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung một phần hoặc toàn bộ, cũng như cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng. Một số kỹ thuật phẫu thuật thường được áp dụng như sau:

Phẫu thuật là phương pháp chính trong phác đồ điều trị ung thư nội mạc tử cung

  • Cắt bỏ tử cung ngả bụng: Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường ở bụng để tạo khe hở tiếp cận với tử cung, sau đó cắt bỏ.
  • Cắt bỏ tử cung ngả âm đạo: Tiến hành cắt bỏ tử cung bằng các dụng cụ thiết bị y tế chuyên dụng thông qua đường âm đạo.
  • Cắt bỏ tử cung và các phần lân cận: Trường hợp khối u ung thư nội mạc tử cung đã lan sang cổ tử cung, bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt bỏ toàn bộ tử cung và các mô lân cận, nhất là phần trên cùng của âm đạo, nằm cạnh cổ tử cung.
  • Cắt bỏ tử cung bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu: Các vết rạch nhỏ được tạo ra để luồn thiết bị nội soi hoặc robot để tiến hành cắt bỏ tử cung.

Đồng thời trong quá trình cắt bỏ tử cung, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thực hiện thêm 2 kỹ thuật sau nhằm đảm bảo tất cả khối u ung thư đều được loại bỏ:

  • Phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng - buồng trứng hai bên (BSO);
  • Bóc tách và loại bỏ các hạch bạch huyết bị di căn ung thư;

Phẫu thuật tuy đem lại hiệu quả cao, tuy nhiên với những phụ nữ chưa đến thời kỳ mãn kinh, việc cắt bỏ tử cung cũng đồng nghĩa với việc chu kỳ mãn kinh sẽ đến sớm hơn. Ngoài ra, những người chưa có con cũng sẽ không thể mang thai được sau khi đã cắt bỏ tử cung. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chi tiết những lợi ích và rủi ro trước khi áp dụng phương pháp này.

Xạ trị

Xạ trị được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn bức xạ năng lượng cao như tia X và proton để tiếp cận tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được chỉ định nhằm giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật hoặc thực hiện trước phẫu thuật, nhằm thu nhỏ khối u.

Đặc biệt, những trường hợp thể trạng bệnh nhân không đủ để làm phẫu thuật, xạ trị sẽ là phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Có 2 phương pháp xạ trị được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Chiếu bức xạ từ bên ngoài cơ thể bằng thiết bị chuyên dụng;
  • Phát bức xạ từ bên trong cơ thể thông qua cấy ghép các hạt nhỏ vào bên trong âm đạo;

Hóa trị

Phương pháp này sử dụng các loại hóa chất mạnh có khả năng tác động và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tùy giai đoạn ung thư, phác đồ hóa trị có thể sử dụng một loại hoặc kết hợp nhiều loại trở lên. Bệnh nhân có thể dùng thuốc hóa trị dạng tiêm tĩnh mạch hoặc uống trực tiếp.

Hóa trị sử dụng thuốc chống ung thư để tiêu diệt các tế bào niêm mạc tử cung ác tính

Hóa trị thường được chỉ định thực hiện sau phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát. Hoặc cũng có thể thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp quá trình phẫu thuật loại bỏ diễn ra dễ dàng hơn.

Các loại thuốc hỗ trợ khác

Một số loại thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư nội mạc tử cung hiệu quả khác như:

  • Liệu pháp hormone: Sử dụng các loại thuốc có tác dụng điều hòa nồng độ hormone trong cơ thể. Điều này khiến cho các tế bào ung thư phát triển dựa vào hormone sẽ dần chết đi và biến mất. Phương pháp này có thể được chỉ định áp dụng trong trường hợp khối u ung thư nội mạc tử cung đã phát triển lan ra bên ngoài tử cung. Tùy trường hợp có thể sử dụng thuốc tăng nồng độ progesterone hoặc giảm lượng estrogen.
  • Thuốc nhắm mục tiêu: Liệu pháp nhắm trúng mục tiêu là phương pháp sử dụng các loại thuốc được nghiên cứu với khả năng phát hiện và chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư, mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác.
  • Thuốc miễn dịch: Phương pháp này sử dụng các loại thuốc có khả năng tác động đến hệ thống miễn dịch và chống lại sự phát triển của tế bào ung thư.

Chăm sóc hỗ trợ 

Đây là bước quan trong trong quá trình điều trị ung thư nội mạc tử cung. Gồm các biện pháp chăm sóc y tế đặc biệt giúp hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng và các biến chứng, tác dụng phụ khi thực hiện những phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.

Theo thống kê, những bệnh nhân được chăm sóc hỗ trợ tích cực song song với điều trị y tế giúp quá trình điều trị đáp ứng tốt hơn, tăng thể trạng, thoải mái tinh thần và sống lâu hơn.

Ung thư nói chung và ung thư nội mạc tử cung rất khó để phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, chỉ cần có một lối sống khoa học và lành mạnh, sẽ phần nào giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh. Chẳng hạn như:

Duy trì cân nặng phù hợp thông qua ăn uống và tập luyện khoa học giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và đã mãn kinh nên định kỳ thăm khám để làm các xét nghiệm tầm soát sàng lọc ung thư nội mạc tử cung.
  • Sử dụng thuốc tránh thai ít nhất 1 năm có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, cần chú ý cân nhắc trong việc sử dụng để giảm nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ.
  • Phụ nữ sau mãn kinh có thể điều trị sớm bằng hormone progestin để làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư phụ khoa.
  • Duy trì cân nặng phù hợp và tốt cho sức khỏe. Tích cực thực hiện các biện pháp ngăn ngừa thừa cân béo phì thông qua chế độ ăn khoa học, đa dạng thực phẩm, đầy đủ dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao điều độ hàng ngày.
  • Quản lý và tuân thủ điều trị khỏi các bệnh lý như mạn tính, cao huyết áp, cholesterol cao theo chỉ định của bác sĩ.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi có những dấu hiệu bất thường như xuất huyết âm đạo, đau khi tiểu và quan hệ, tiết dịch nhiều, đau bụng dưới?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung?

3. Tôi mắc ung thư nội mạc tử cung giai đoạn mấy?

4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không? Tiên lượng sống sót của tôi là bao nhiêu năm?

5. Tôi có cần thực hiện thêm xét nghiệm nào để xác nhận chẩn đoán không?

6. Bệnh ung thư nội mạc tử cung có chữa khỏi được không?

7. Phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

8. Những lợi ích và rủi ro có liên quan đến các chỉ định điều trị ung thư nội mạc tử cung?

9. Chi phí cho các đợt điều trị ung thư nội mạc tử cung tốn bao nhiêu? Có được dùng BHYT không?

10. Bệnh ung thư nội mạc tử cung có tái phát trở lại sau điều trị không?

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung phải đối mặt với những triệu chứng và biến chứng khó lường. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong hoặc giảm tuổi thọ qua từng năm. Do đó, khuyến cáo chị em phụ nữ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường hãy chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.

Ngày đăng 14:17 - 24/07/2023 - Cập nhật lúc: 14:17 - 24/07/2023
Chia sẻ:
Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ xảy ra rất phổ biến trong thời điểm khoảng 24 - 28 tuần. Nguyên nhân được cho có liên quan nhất là sự rối loạn hormone…
Bệnh Sứt Môi Hở Hàm Ếch
Sứt môi hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh…
Buồng trứng đa nang Bệnh Buồng Trứng Đa Nang
Buồng trứng đa nang là bệnh lý phụ khoa phổ…
Ung thư cổ tử cung Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những dạng…
Hội chứng lão hóa sớm

Hội chứng lão hóa sớm là một trong những rối loạn hiếm gặp, xảy ra ở trẻ em. Các triệu…

Bệnh Tan Máu Bẩm Sinh (thalassemia)

Bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia là bệnh di truyền do thừa hưởng gen đột biến huyết sắc tố từ…

Hội chứng Apert

Hội chứng Apert là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến sự phát triển hộp…

Viêm lộ tuyến tử cung Bệnh Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung

Viêm lộ tuyến tử cung là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở nữ giới, nhất là các chị em…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua