1Viêm nang lông ở chân là tình trạng nang lông ở chân bị viêm, thường được gây ra bởi vi khuẩn hoặc nấm. Tình trạng này không lây nhiễm và không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Viêm nang lông ở chân là gì?
Viêm nang lông là bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả chân, lưng, ngực và cả mặt. Các nguyên nhân phổ biến gây viêm nang lông ở chân bao gồm:
- Thường xuyên mặc quần bó hoặc quần quá chật và làm bằng chất liệu vải không thoáng khí, tích ẩm, trữ mồ hôi.
- Tham gia có hoạt động ra nhiều mồ hôi, đặc biệt là khi thời tiết nóng.
- Tuyến bã nhờn ở chân hoạt động quá mức.
- Tẩy lông hoặc triệt lông chân không đúng cách.
- Thường xuyên ngâm mình trong bồn nước nóng.
- Có tiền sử bệnh chàm (eczema), viêm da cơ địa hoặc một số bệnh viêm da khác.
- Hệ thống miễn dịch yếu hoặc không hoàn thiện. Điều này có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể và là nguyên nhân của nhiều bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm viêm nang lông ở chân.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm nang lông có thể tự khỏi mà không gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể bị nhiễm trùng và hình thành mụn nhọt có mủ. Do đó, nếu người bệnh nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đến bệnh viện để được tư vấn điều trị phù hợp.
Cách trị viêm nang lông ở chân
Hầu hết các trường hợp viêm nang lông đều không cần điều trị. Các triệu chứng bệnh sẽ tự động khỏi trong một vài ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh biến chứng hoặc không có dấu hiệu thuyên giảm sau một thời gian, người bệnh nên đến bác sĩ để được thăm khám và có liệu trình điều trị thích hợp.
Một số biện pháp biện pháp điều trị viêm nang lông ở chân bao gồm:
1. Điều trị tại nhà
Các trường hợp viêm nang lông nhẹ hoặc trung bình có thể được khắc phục, cải thiện tại nhà. Người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc làm giảm sự khó chịu, tăng tốc độ chữa và ngăn chặn nhiễm trùng bằng một số cách sau:
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh vùng da bị tổn thương. Điều này có thể giảm bớt khó chịu, ngứa ngáy và giảm đau.
- Vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ bằng xà phòng kháng khuẩn. Sử dụng khăn sạch và mềm để lau khô da. Không sử dụng chung khăn lau với người khác.
- Thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn, gối, nệm hoặc bất cứ vật dùng nào đã chạm vào vùng da bệnh.
- Bảo vệ da tránh khỏi các tổn thương hoặc trầy xước. Tẩy lông đúng cách, thoa kem cạo trong trường hợp bạn muốn cạo lông chân.
- Sử dụng thuốc kháng sinh không kê đơn để làm dịu vùng da bệnh. Một số loại gel, kem hoặc xà phòng điều trị viêm nang lông không kê đơn cũng có thể hỗ trợ điều trị bệnh.

2. Sử dụng thuốc điều trị
Việc sử dụng thuốc điều trị viêm nang lông ở chân cần phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và nhu cầu của người bệnh. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Kem hoặc thuốc để kiểm soát nhiễm trùng: Một số trường hợp nhiễm trùng nhẹ, bác sĩ có thể kê một toa thuốc kháng sinh, kem dưỡng hoặc gel làm dịu da để điều trị. Tuy nhiên, các loại thuốc kháng sinh đường uống thường ít khi được chỉ định điều trị viêm nang lông. Do đó, trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi sử dụng thuốc.
- Kem, sữa tắm hoặc xà phòng điều trị nhiễm nấm: Thuốc chống nấm có thể được chỉ định cho các trường hợp viêm nang lông do nhiễm nấm men. Trong trường hợp nhiễm nấm, thuốc kháng sinh và thuốc điều trị nhiễm trùng sẽ không có hiệu quả điều trị.
- Kem hoặc thuốc chống viêm: Thuốc được chỉ định cho các trường hợp viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan nhẹ. Bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh sử dụng một số loại kem Steroid để giảm ngứa.
3. Biện pháp điều trị tiểu phẫu
Đối với các trường hợp viêm nang lông ở chân nghiêm trọng hoặc các dấu hiệu bệnh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, bác sĩ có thể đề nghị tiểu phẫu hoặc điều trị bằng laser.
- Tiểu phẫu mụn: Thường được áp dụng khi người bệnh có các nốt mụn to, chứa đầy mủ và máu. Tiểu phẫu có thể gây đau đớn nhưng sẽ làm tăng tốc độ hồi phục và làm giảm nguy cơ để lại sẹo.
- Triệt lông bằng laser: Sẽ được áp dụng khi các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Triệt lông bằng laser là phương pháp làm sạch nhiễm trùng. Mặc dù phương pháp này có thể loại bỏ triệt để viêm nang lông nhưng chi phí thường khá cao. Tác dụng phụ bao gồm làm thay đổi màu da hoặc để lại sẹo thâm.

Biện pháp phòng ngừa viêm nang lông ở chân
Người bệnh có thể ngăn ngừa viêm nang lông ở chân bằng các thực hiện một số lời khuyên sau:
- Tránh mặc quần bó hoặc quá chật. Điều này có thể hạn chế ma sát giữa chân và quần của bạn.
- Tránh cạo lông chân bởi vì các vết dao cạo có thể gây ra các bệnh viêm da, viêm nang lông. Lựa chọn cách triệt lông an toàn hoặc tốt nhất là không triệt lông để hạn phòng ngừa bệnh.
- Nếu cần cạo lông chân hãy sử dụng kem cạo để hạn chế các nguy cơ tổn thương da.
- Xem xét thành phần các loại mỹ phẩm tẩy lông, thuốc làm rụng lông hoặc các loại hóa chất tẩy lông khác.
- Tắm trong nước mát hoặc nóng ấm, sử dụng nước nóng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm nang lông.
- Trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn uống. Đôi khi điều này có thể góp phần tích cực vào việc điều trị viêm nang lông của bạn.
Viêm nang lông ở chân không phải là một tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu các triệu chứng có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc biến chứng, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ hoặc nhân viên y tế có chuyên môn nếu bạn có bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào.
Chị ơi ek bị viêm nang lông làm gì để hết đc bệnh z chị