Trẻ bị viêm amidan có mủ dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như áp xe quanh amidan, viêm mô tế bào, áp xe quanh vòm họng,… Vì vậy phụ huynh cần trang bị các kiến thức cần thiết để biết cách xử lý khi bệnh xảy ra ở con trẻ.

Trẻ bị viêm amidan có mủ do những nguyên nhân nào? Có nguy hiểm không?
Viêm amidan có mủ (viêm amidan hốc mủ) là tình trạng nhiễm trùng mãn tính, đi kèm với triệu chứng tụ mủ ở niêm mạc amidan.
Không giống với viêm amidan ở giai đoạn cấp tính và mãn tính, viêm amidan hốc mủ có mức độ nghiêm trọng và dễ gây ra các biến chứng nặng nề.
1. Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây viêm amidan có mủ ở trẻ em bao gồm:
- Thời tiết thay đổi đột ngột khiến tình trạng nhiễm trùng ở amidan chuyển biến nghiêm trọng và hình thành mủ.
- Suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh lý như cảm cúm, sởi, viêm họng, viêm VA, viêm tai giữa,…
- Không tiến hành điều trị viêm amidan cấp tính cho trẻ kịp thời.
2. Triệu chứng
Viêm amidan hốc mủ ở trẻ gây ra các triệu chứng cấp tính có mức độ nặng nề, bao gồm:

- Người mệt mỏi và mất nước
- Cổ họng sưng đau
- Nhìn vào cổ họng và amidan nhận thấy có các đốm mủ trắng hoặc xanh
- Miệng hôi tanh
- Khó nuốt
- Lười ăn
- Cổ họng sưng đỏ
- Mất tiếng
- Khàn giọng
- Sưng hạch bạch huyết
Viêm amidan có mủ ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Viêm amidan có mủ là giai đoạn dễ gây ra biến chứng nhất. Ban đầu trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống và giao tiếp. Sau đó vi khuẩn và virus gây nhiễm trùng amidan có thể xâm nhập vào các cơ quan tai mũi họng và gây ra hàng loạt các biến chứng như viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm VA, viêm thanh quản,…

Ảnh hưởng của viêm amidan có thể lan rộng đến những cơ quan xa và gây ra các biến chứng nặng nề như thấp tim, viêm cầu thận, viêm khớp hoặc thậm chí là nhiễm trùng huyết. Trẻ bị viêm amidan hốc mủ lâu ngày sẽ chậm chạp trong giao tiếp, giảm khả năng tiếp thu và học tập.
Trẻ bị viêm amidan có mủ điều trị như thế nào?
Ban đầu trẻ sẽ được chỉ định các phương pháp bảo tồn nhằm cải thiện triệu chứng và đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên khi điều trị nội khoa không có đáp ứng, bác sĩ sẽ cân nhắc và xem xét để cắt bỏ amidan.
1. Sử dụng thuốc
Trước khi chỉ định loại thuốc phù hợp, bác sĩ sẽ lấy dịch tiết và mủ ở amidan để xác định vi khuẩn gây bệnh.

Sau đó trẻ sẽ được sử dụng một trong những loại kháng sinh sau:
- Acid clavulanic
- Amoxicillin
- Cephalexin
- Roxithromycin
- Erythromycin
Nếu trẻ có tiền sử dị ứng với loại kháng sinh nào, bạn cần thông báo điều này với bác sĩ để tránh tình trạng dị ứng chéo. Việc sử dụng kháng sinh có vai trò ức chế và kìm hãm vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Tuy nhiên khi sử dụng, bạn cần chú ý dùng thuốc cho trẻ đều đặn và đúng thời gian được chỉ định. Ngưng thuốc ngay khi triệu chứng thuyên giảm có thể khiến vi khuẩn bùng phát và gây nhiễm trùng trở lại.
Trẻ nhỏ có thể nhạy cảm hơn với các loại thuốc điều trị – đặc biệt là thuốc kháng sinh. Vì vậy khi cho trẻ uống thuốc, bạn nên chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thông báo với bác sĩ.
Bên cạnh việc dùng kháng sinh, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau, chống viêm và hạ sốt để làm giảm các triệu chứng do nhiễm trùng amidan gây ra. Các loại thuốc thường được sử dụng như Paracetamol, Amitase, Ibuprofen,… Tuyệt đối không dùng Aspirin cho trẻ nhỏ, loại thuốc này có độc tính cao và có nguy cơ gây ra hội chứng Reye.
2. Phẫu thuật cắt amidan
Cắt amidan có thể được cân nhắc khi trẻ không đáp ứng với điều trị nội khoa, mức độ phì đại lớn khiến trẻ khó giao tiếp và ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra phẫu thuật cắt bỏ amidan còn được thực hiện khi bệnh đã gây ra các biến chứng như áp xe quanh amidan, viêm cơ tim, viêm phế quản,…
Tuy nhiên việc phẫu thuật cắt amidan chỉ được thực hiện cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Với trẻ dưới 5 tuổi bác sĩ có thể trì hoãn phẫu thuật bằng cách nạo VA và sử dụng kháng sinh.
Phòng ngừa bệnh viêm amidan có mủ cho trẻ
Tình trạng tái phát viêm amidan có mủ không chỉ gây khó chịu cho trẻ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng giao tiếp và học tập. Vì vậy bạn cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh cho con trẻ.

Các biện pháp hạn chế tái phát viêm amidan hốc mủ ở trẻ em:
- Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh cơ thể, tay chân và răng miệng. Khuyến khích trẻ chải răng và súc nước muối loãng 2 – 3 lần/ ngày. Đồng thời phải vệ sinh tay trước và sau khi ăn.
- Khi thời tiết thay đổi đột ngột, cần giữ ấm cho trẻ, sử dụng máy tạo độ ẩm để tránh khô họng và kích thích niêm mạc mũi.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ nhỏ, hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh. Nên cho trẻ ăn các món ăn nhiều dinh dưỡng, rau xanh và trái cây.
- Dặn dò trẻ uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Nếu trẻ thường xuyên quên uống nước, bạn có thể ép trái cây và rau xanh để bù điện giải và bổ sung các thành phần cần thiết cho trẻ nhỏ.
- Hướng dẫn trẻ tập thể dục mỗi ngày nhằm nâng cao sức khỏe và hoàn thiện chức năng miễn dịch.
- Bảo vệ toàn diện tai mũi họng để hạn chế các bệnh lý lây nhiễm như viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang, viêm mũi,…
Khi trẻ bị viêm amidan có mủ, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ. Điều này có thể khiến việc điều trị không có kết quả hoặc thậm chí gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Để trẻ được điều trị đúng cách, bạn nên đưa con trẻ đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thăm khám và tư vấn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!