Rau chân vịt (cải bó xôi): Giá trị dinh dưỡng, lợi ích

Rau chân vịt còn được biết đến với tên gọi quen thuộc khác là cải bó xôi. Loại rau này chứa hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngăn ngừa hen suyễn, chống táo bón, giảm nguy cơ bị ung thư, cải thiện sức khỏe xương khớp…

Mô tả về rau chân vịt

  • Tên gọi khác: Cải bó xôi, cải chân vịt, rau nhà chùa, vạn niên tùng, rau pố xôi, rau bina, cây ba thái, linh chi thảo, bắp xôi.
  • Tên khoa học: Spinacia oleracea
  • Họ: Dền – Amaranthaceae
Rau chân vịt
Rau chân vịt chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe

Đặc điểm thực vật

Cây rau chân vịt là một loại thực phẩm được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Loại rau này có danh pháp khoa học là Spinacia oleracea, thuộc họ dền. Nó có nhiều tên gọi khác nhưng cái tên quen thuộc và được dùng nhiều hơn cả đó chính là cải bó xôi hay rau bina.

Một số đặc điểm nhận biết rau chân vịt:

  • Cây thân thẳng
  • Lá màu xanh đậm, cuống dài, nhỏ và nhẵn. Mỗi cây có nhiều lá mọc ra từ gốc. Cuống lá khá giòn và mềm nên dễ bị gãy dập. Phiến lá hình tam giác hoặc hình lưỡi mác.
  • Hoa rau chân vịt màu vàng, dạng đơn tính.

Khu vực phân bố rau chân vịt

Rau chân vịt có nguồn gốc ở các nước Tây Nam Á hoặc Trung Á. Loại rau này hiện nay đã du nhập đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Cây ưa phát triển ở các vùng có khí hậu mát mẻ. Chính vì vậy, ở nước ta rau chân vịt được trồng chủ yếu trong vụ Đông ở các tỉnh miền Bắc hoặc các vùng núi cao có nhiệt độ thấp.

Gieo trồng – thu hoạch

Rau cải bó xôi được gieo trồng bằng hạt vào thời điểm từ tháng 10 – 11 trong năm. Tuy nhiên, một số nơi cũng có thể bắt đầu mùa vụ sớm hoặc muộn hơn một tháng tùy thuộc vào tình hình thời tiết của từng địa phương.

Người dân thường lựa chọn nơi có đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát tơi xốp, giàu mùn và chất dinh dưỡng để gieo hạt. Do rau chân vịt dễ bị úng nước nên khu vực trồng rau phải là nơi có thể thoát nước tốt và đất có độ pH dao động ở mức 6 – 8.

Thông thường, sau khoảng thời gian từ 35 – 40 ngày sau khi trồng, rau chân vịt có thể thu hoạch được. Lúc này, mỗi cây rau có khoảng 5 – 7 lá. Cây được nhổ cả rễ hoặc cắt sát gốc đem về sử dụng ngay hoặc bảo quản nơi thoáng mát.

Giá trị dinh dưỡng của rau chân vịt

Rau chân vịt chứa nguồn chất dinh dưỡng phong phú. Phân tích thành phần hóa học của rau, các chuyên gia đã ghi nhận nhiều dưỡng chất có trong lá rau như:

  • Kali
  • Kẽm
  • Magiê
  • Sắt
  • Canxi
  • Folate
  • Niacin
  • Vitamin A, B6, C, K, B1, B2

Trong số các dưỡng chất trên, rau chân vịt đặc biệt chứa nhiều vitamin C. Theo thông tin được công bố bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cứ ăn khoảng 100g rau chân vịt là bạn đã cung cấp cho cơ thể khoảng 28,1µg vitamin C, chiếm 34% nhu cầu vitamin C được khuyến nghị hàng ngày.

Nhờ sở hữu một kho tàng dưỡng chất phong phú, rau chân vịt được các bà nội trợ ưa chuộng lựa chọn làm rau ăn trong thực đơn hàng ngày. Chiết xuất từ loại rau này còn có mặt trong nhiều loại thực phẩm bổ sung hay thậm chí là các sản phẩm làm đẹp.

Lợi ích của rau chân vịt với sức khỏe

Những tác dụng của rau chân vịt được cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền ghi nhận. Không chỉ được dùng làm thực phẩm, loại rau này còn được Đông y công nhận là một vị thuốc chữa bệnh có tính mát, vị ngọt, giúp giải nhiệt, tiêu độc, trường vị. Chủ trị bệnh quáng gà, nhiệt miệng, sưng viêm nướu lợi, tiểu đường, bệnh trĩ hay nhiễm trùng bao tinh hoàn ở nam giới…

Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, rau chân vịt có thể mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe như:

– Ngăn ngừa hen suyễn

Rau chân vịt cung cấp nguồn beta-carotene dồi dào. Chất này khi được cơ thể sẽ được hấp thu và chuyển hóa thành vitamin A, giúp ngăn ngừa và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn hen suyễn.

– Nhuận tràng, chống táo bón

Chứa nhiều chất xơ và nước, rau chân vịt có đặc tính nhuận tràng tự nhiên. Nó giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, làm mềm phân, kích thích nhu động ruột co bóp để đẩy phân ra ngoài. Thường xuyên ăn cải bó xôi chính là một phương pháp phòng chống táo bón tự nhiên hữu hiệu, đồng thời nâng cao sức khỏe của hệ tiêu hóa.

tác dụng của rau chân vịt với sức khỏe
Rau chân vịt cung cấp nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón

– Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Nghiên cứu cho thấy, thành phần axit alpha-lipoic được tìm thấy trong rau cải bó xôi mang có nhiều tác động tích cực tới quá trình điều trị bệnh tiểu đường như:

  • Chống oxy hóa, bảo vệ thành mạch
  • Giảm đường trong máu
  • Tăng độ nhạy của insullin
  • Làm suy giảm một số bệnh lý ở thần kinh thường gặp ở bệnh nhân bị tiểu đường.

Công dụng của rau chân vịt với mắt:

Rau chân vịt có nhiều tác dụng tuyệt vời cho đôi mắt. Theo kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Cambridge (Anh) được báo cáo vào năm 2013 cho thấy, rau chân vịt cung cấp cho cơ thể nhiều beta-carotene và các chất khác như lutein, xanthene. Chúng giúp cải thiện thị lực, làm sáng mắt, giảm hiện tượng ngứa mắt, khô mắt, làm giảm bọng mắt và cải thiện tình trạng loét giác mạc.

Ngoài ra, một lượng lớn chất chống oxy hóa có trong rau chân vịt còn giúp ngăn chặn tác hại của gốc tự do, giảm nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và nhiều vấn đề khác về mắt.

– Ngăn ngừa ung thư:

 Các thành phần lutein, xanthene, folate hay chlorophyllin đều là những chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Chúng giúp bảo vệ các mô khỏe mạnh, tiêu diệt gốc tự do gây ung thư. Bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt, gan, phổi hay bàng quang nên bổ sung loại rau này vào thực đơn để cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể và ức chế sự phát triển của khối u.

Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên 12000 động vật cho thấy, sử dụng chiết xuất từ rau chân vịt có thể giúp làm giảm hoạt động của các heterocyclic amin. Chất này thường được sản sinh khi chúng ta nướng thức ăn với nhiệt độ  cao và có khả năng gây ra nhiều căn bệnh ung thư nguy hiểm.

– Làm giảm huyết áp

Tin vui cho những người bị cao huyết áp đó chính là sử dụng rau chân vịt có thể giúp ổn định huyết áp cho cơ thể. Thực phẩm này chứa một lượng lớn kali trong khi đó lượng natri lại tương đối thấp. Cơ thể được bổ sung đầy đủ kali sẽ giúp đảm bảo cho quá trình lưu thông máu được thông suốt, đồng thời cải thiện sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra, rau chân vịt còn giúp làm giảm huyết áp bằng cách cung cấp folate. Chất này được biết đến với tác dụng làm thư giãn mạch máu, duy trì lưu lượng máu cần thiết cho các cơ quan hoạt động.

– Rau chân vịt giúp xương khớp chắc khỏe

Thiếu hụt vitamin K có thể khiến xương khớp bị suy yếu và dễ gãy. Sử dụng rau chân vịt có thể cung cấp cho bạn một lượng lớn vitamin K. Chất này tham gia vào quá trình tổng hợp canxi , giúp xương khớp trở nên cứng cáp và chắc khỏe hơn.

Cùng với đó, một số khoáng chất sẵn có trong rau chân vịt như kẽm, phốt pho hay đồng cũng giúp phát triển hệ xương, răng và móng, giảm nguy cơ bị loãng xương và nhiều vấn đề khác về xương khớp.

– Cải thiện chức năng hoạt động của hệ thần kinh và não bộ:

Nhờ chứa chất chống oxy hóa và các thành phần khác như kali, folate, rau chân vịt là sự lựa chọn tốt nhất cho những người có vấn đề về thần kinh. Nó giúp cải thiện chức năng hoạt động của hệ thần kinh, tăng khả năng nhận thức và ghi nhớ của não bộ, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

– Làm đẹp da:

Rau chân vịt có tác dụng gì trong làm đẹp? Đây chính là thắc mắc được nhiều chị em quan tâm. Thành phần kẽm và vitamin A có trong rau sẽ giúp kiểm soát hoạt động của tuyến bã nhờn, ngăn ngừa mụn trứng cá, mang đến cho bạn một làn da mịn màng không tì vết.

Đặc biệt, rau chân vịt còn cung cấp nhiều vitamin C cho cơ thể. Chất này không chỉ giúp cải thiện khả năng miễn dịch mà còn có khả năng diệt khuẩn, chống oxy hóa, kích thích sản sinh collagen giúp đảm bảo cho làn da luôn duy trì được độ săn chắc, đàn hồi theo thời gian.

– Cải thiện tình trạng rối loạn đông máu

Bệnh nhân mắc chứng rối loạn đông máu được khuyến cáo nên thường xuyên ăn rau chân vịt. Lý do bởi thực phẩm này rất giàu vitamin K. Loại vitamin này giúp tăng cường sản xuất prothrombin, một chất có tác dụng làm máu đông nhanh hơn và ngăn chặn tình trạng chảy máu quá mức.

– Ngăn ngừa rụng tóc

Thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu gây rụng tóc. Các trường hợp bị bệnh vì nguyên nhân này có thể ăn rau chân vịt để nhanh chóng bổ sung được lượng chất sắt thiếu hụt và làm giảm số lượng tóc gãy rụng.

công dụng của rau chân vịt
Thường xuyên ăn rau chân vịt giúp chống rụng tóc hiệu quả

Cùng với đó, các vitamin và khoáng chất phong phú trong rau chân vịt còn giúp bảo vệ mái tóc trước tác hại của tia UV có trong ánh nắng mặt trời, đồng thời nuôi dưỡng mái tóc trở nên óng mượt, chắc khỏe hơn.

– Chống viêm loét dạ dày

 Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất glycerolipid trong rau chân vịt có thể giúp bảo vệ lớp màng nhầy bên trong dạ dày, đồng thời kháng viêm, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.

– Tăng cường sức mạnh cơ bắp:

Ăn rau chân vịt có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp nhờ chứa nhiều C0-Q10. Chất này đặc biệt tốt cho cơ tim. Nó giúp đảm bảo cho hoạt động bơm máu tại tim được diễn ra liên tục, ngăn ngừa bệnh mạch vành, suy tim hay cao huyết áp.

– Thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể

Thành phần protein trong rau chân vịt khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành các axit amin cần thiết cho quá trình trao đổi chất. Nó cũng giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể và làm các vết thương nhanh lành.

– Chống xơ vữa động mạch

Rau chân vịt cung cấp nhiều lutein. Đây là một loại sắc tố có khả năng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ bị đau tim, đột quỵ.

Ngoài ra, loại rau này còn giúp chống xơ vữa động mạch, cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách làm giảm cholesterol và chất béo trong máu.

– Hỗ trợ giảm cân:

Hoạt chất thylakoid có trong rau chân vịt đã được chứng minh về khả năng làm giảm sự thèm ăn. Bổ sung loại rau này vào thực đơn ăn kiêng vừa giúp đảm bảo cho cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vừa hạn chế được lượng thực phẩm khác sử dụng trong bữa ăn, từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

– Cải thiện các triệu chứng bệnh viêm khớp

Các chất chống oxy hóa trong rau chân vịt có thể giúp hỗ trợ kháng viêm, giảm hiện tượng sưng đỏ tại khớp. Đây chính là một thực phẩm lý tưởng cho bữa ăn của người bị viêm khớp hay bệnh gout.

– Giảm nguy cơ bị dị tật ống thần kinh, ngăn ngừa thiếu máu cho phụ nữ mang thai

Sở hữu hàm lượng folate dồi dào, rau chân vịt giúp phát triển hoàn thiện hệ thần kinh cho thai nhi, giảm nguy cơ bị dị tật ống thần kinh. Bên cạnh đó, thực phẩm này cũng cung cấp nhiều chất sắt giúp kích thích tái tạo hồng cầu, ngăn ngừa chứng thiếu máu trong thai kỳ.

– Tác dụng của rau chân vịt với trẻ em

Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất cũng như trí tuệ nên cần được cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng. Rau chân vịt chứa nguồn dưỡng chất vô cùng phong phú nên được nhiều mẹ lựa chọn để chế biến thức ăn cho con. 

Loại rau này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ như:

  • Tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ
  • Giúp bé thông minh, có khả năng tư duy, nhận thức và ghi nhớ tốt
  • Phát triển tốt về chiều cao
  • Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, ngăn ngừa biếng ăn, táo bón
  • Chống đau bụng giun
  • Cải thiện thị lực

Cách sử dụng rau chân vịt

Có nhiều cách chế biến rau chân vịt. Để tận dụng được tối đa nguồn dưỡng chất mà loại rau này mang lại, bạn có thể dùng rau theo những cách sau:

– Rau chân vịt xào thịt

Rau chân vịt có thể xào chung với thịt bò, thịt heo hay các loại thịt khác. Thịt được ướp gia vị đậm đà kết hợp với mùi thơm hấp dẫn của tỏi phi cùng với vị giòn ngọt, thanh mát của rau cải bó xôi sẽ mang đến cho bạn một món ăn ngon miệng và giàu dưỡng chất.

– Hấp, luộc:

Một số người thích ăn rau chân vịt được đem luộc hoặc hấp để giảm lượng mỡ tiêu thụ. Các hình thức chế biến này cũng giúp giữ được nguyên vẹn hương vị đặc trưng cũng như các dưỡng chất có trong rau.

cách chế biến rau chân vịt
Rau chân vịt hấp hoặc luộc là hình thức chế biến được nhiều bà nội trợ ưa chuộng

– Xay sinh tố hoặc ép nước:

Rau chân vịt cũng có mặt trong nhiều loại nước ép hay sinh tố. Loại rau này được dùng nguyên chất hoặc kết hợp chung với một số loại rau củ khác cho dễ uống. 

Sử dụng rau chân vịt theo cách này sẽ giữ được toàn bộ lượng lutein và các chất dinh dưỡng khác có trong rau. Đây là thức uống lý tưởng cho những người đang bị máu nhiễm mỡ, béo phì, thiếu máu hoặc có vấn đề về mắt, tim mạch.

– Nấu canh rau chân vịt:

Rau chân vịt có thể nấu canh chung với nõn tôm hay thịt bằm. Món ăn này khá đơn giản, dễ chế biến, giúp giải nhiệt cho cơ thể trong những ngày nóng nực.

– Nấu cháo:

Với các mẹ có con nhỏ, rau chân vịt chính là thành phần lý tưởng cho món cháo của bé. Mẹ chỉ cần xay nhuyễn hoặc rau và thêm vào nồi khi cháo chín. Cho bé sử dụng 3 – 4 lần trong tuần để bổ sung đầy đủ dưỡng chất để con yêu của bạn phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Món ăn bài thuốc chữa bệnh từ rau chân vịt

Rau chân vịt được y học cổ truyền sử dụng để chế biến ra nhiều món ăn bài thuốc có tác dụng điều trị bệnh. Dưới đây là một số cách dùng loại rau này chữa bệnh để bạn tham khảo:

Kích thích sản sinh dịch tụy mật và các tuyến nội tiết:

  • Dùng rau chân vịt 250g, cật heo và gan bò mỗi thứ 50g, hành tây 3g
  • Đem các nguyên liệu rửa sạch, thái nhỏ
  • Phi thơm hành, bỏ cật heo và gan bò vào nấu với 500ml nước. Khi nước sôi, bỏ rau vào tiếp tục nấu đến khi cạn còn 150ml, nêm thêm 1/3 thìa hạt nêm và 3 tép đầu của cây hành lá tươi.
  • Chia làm 3 lần ăn mỗi ngày trong 2 tuần liên tục.

Điều trị nhiễm trùng đường tiêu hóa cấp tính, kiết lị và táo bón ở trẻ em và người cao tuổi: 

  • Dùng 100g rau chân vịt rửa sạch, thái nhỏ
  • Bỏ rau vào nồi nấu chung với 1/3 thìa muối hột và 3 chén nước
  • Đun cho đến khi nước cạn còn 1 chén
  • Để trị bệnh, gạn nước uống 1 lần vào buổi trưa nếu là người cao tuổi. Trẻ em chia làm 2 lần dùng trong ngày vào buổi sáng và buổi chiều.

Tiêu khát, điều trị bệnh tiểu đường:

  • Chuẩn bị các nguyên liệu gồm: 60 – 120g rau chân vịt, kê nội kim 15g
  • Cả hai rửa sạch, đem sắc kỹ gạn lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày.

Điều trị hoại huyết

  • Lấy 150g rau chân vịt đem rửa sạch, để ráo nước, xắt sợi nhỏ
  • Thêm vào rau 1/3 thì muối, trộn đều để trong 1 tiếng
  • Tiếp theo bỏ rau vào chảo sao vàng, hạ thổ và giã nhuyễn
  • Chia làm 1 – 4 lần dùng trong ngày, mỗi lần lấy 1 muỗng canh pha với 30ml nước sôi uống
  • Sử dụng bài thuốc này trong 7 ngày liên tục để thấy được hiệu quả rõ ràng.
món ăn bài thuốc chữa bệnh từ rau chân vịt
Trong y học cổ truyền, rau chân vịt được dùng làm thuốc chữa hoại huyết

Chữa thiếu máu, cao huyết áp

+ Cách 1:

  • Chuẩn bị 80g rau chân vịt ( rửa sạch, thái nhỏ), 3 g hành tây ( lột vỏ, thái khoanh), 1/4 thìa muối
  • Đem rau nấu cùng với muối, hành tây và 3 chén nước đến khi cạn còn 1 chén
  • Chia làm 2 lần dùng trong ngày, uống nước và ăn cả cái.

+ Cách 2:

  • Chuẩn bị 50g thịt dê ( thái miếng vừa ăn), 100g rau chân vịt, 3 muỗng gạo rang
  • Nấu gạo với rau, thịt dê và 3 chén nước
  • Đun sôi, hạ nhỏ lửa cho cạn còn 1,5 chén
  • Chia đều làm 2 lần ăn mỗi ngày trong 3 – 5 ngày liên tục.

Bài thuốc bổ trợ tim

  • Chuẩn bị 250g rau chân vịt kết hợp với 150g dây lá chùm bao và 5g cam thảo
  • Cả 3 đem sao khô và khử thổ, tán nhuyễn
  • Pha với nước uống mỗi khi thấy khát
  • Sử dụng kiên trì một thời gian sẽ giúp giảm hồi hộp và ngủ ngon giấc hơn.

Chữa tức ngực, đại tiện khó, ngăn ngừa cao huyết áp

  • Dùng 250g rau chân vịt, rửa sạch, thái khúc ngắn
  • Đem rau chần qua nước sôi trong khoảng 3 phút
  • Vớt ra tô, trộn chung với một ít muối và dầu mè ăn mỗi ngày 2 lần.

Điều trị bệnh quáng gà

  • Cách 1: Lấy 500g rau chân vịt xay nhuyễn lấy nước uống mỗi ngày 1 thăng. Uống làm 2 lần trong ngày cho hết
  • Cách 2: Lấy 250g rau chân vịt luộc chung với 120g gan heo. Ăn nhạt, không chấm nước mắm

 Nhuận tràng, thông tiện, chữa táo bón, bệnh trĩ

  • Chuẩn bị: 100g rau chân vịt và 100g gạo tẻ
  • Rau rửa sạch, thái nhỏ. Gạo vo sạch rồi cho vào nồi hầm nhừ thành cháo
  • Tiếp tục cho rau vào nấu chung. Đảo đều để nồi cháo sôi trở lại có thể tắt bếp
  • Ăn 1 – 2 lần trong ngày.

Chống còi xương, cơ thể suy nhược, ngăn ngừa lão hóa:

  • Chuẩn bị: Rau chân vịt 200g, khoai mỡ tím và bí đỏ mỗi thứ 30g, củ sen 100g, hến 150g.
  • Trước tiên đem rau chân vịt, khoai mỡ và bí đỏ thái nhỏ, xay nhuyễn
  • Củ sen rửa sạch, thái khoanh, đem nấu với 500ml đến khi cạn còn 300ml thì cho thịt hến cùng các nguyên liệu còn lại vào.
  • Thêm 3g đường phèn, nấu vừa chín tới thì tắt bếp
  • Ăn hết trong 1 lần. Sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ trong 10 ngày liên tục.

Điều trị sưng đỏ mí mắt hoặc đỏ mắt do gió lùa

  • Dùng thang thuốc gồm 60g cải bó xôi và 15g hoa cúc dại
  • Cả hai đem sắc lấy nước đặc uống cho đến khi mắt trở lại bình thường

Chữa táo bón, bệnh trĩ, thiếu máu hoặc mất nhiều máu

  • Chuẩn bị 500g rau chân vịt và 250g tiết lợn
  • Rửa sạch rau và thái nhỏ
  • Tiết lợn luộc chín, thái nhỏ rồi cho rau vào
  • Nêm nếm chút muối, dầu ăn, đun cho canh sôi trở lại có thể dọn ra dùng với cơm

Điều trị bỏng lửa

  • Rau chân vịt rửa  sạch với nước muối
  • Bỏ rau vào chảo sao vàng, tán thành bột
  • Khi bị bỏng lửa, bạn hãy lấy một ít bột trộn chung với lòng trắng trứng gà và thoa một lớp mỏng bên ngoài vết bỏng
  • Thay thuốc sau mỗi 2 tiếng

Chữa chảy máu chân răng

  • Dùng rau chân vịt và cà rốt lượng bằng nhau
  • Cả hai rửa sạch, thái nhỏ, bỏ vào máy sinh tố xay nhuyễn
  • Lọc lấy nước cốt uống đều đặn mỗi tuần 2 – 3 lần

Lưu ý khi dùng rau chân vịt

Để đạt được những lợi ích tốt nhất khi sử dụng rau chân vịt, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

– Liều dùng thông thường:

Mỗi đối tượng, lứa tuổi, tình trạng sức khỏe sẽ được khuyến nghị lượng dùng rau chân vịt khác nhau. Hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn lượng rau thích hợp trong mỗi lần sử dụng.

– Tác dụng phụ:

Rau chân vịt khá lành tính và an toàn đối với hầu hết mọi đối tượng. Tuy nhiên, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ xấu như nổi phát ban, ngứa da, sưng môi, miệng, khó thở… nếu bị dị ứng với loại rau này.

tác dụng phụ của rau chân vịt
Một số trường hợp có thể bị dị ứng sau khi ăn rau chân vịt

– Thận trọng:

Thận trọng tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng rau chân vịt nếu bạn nằm trong nhóm các đối tượng dưới đây:

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
  • Người đang dùng thuốc Tây, thuốc thảo dược hay bất cứ sản phẩm bổ sung nào
  • Người quá mẫn với bất cứ thành phần nào có trong rau chân vịt
  • Người đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường
  • Mắc bệnh thận hoặc có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe
  • Đang chuẩn bị làm phẫu thuật hoặc mới làm phẫu thuật xong

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tốt nhất bạn nên tham vấn ý kiến các bác sĩ, thầy thuốc hay chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn những lợi ích và nguy cơ từ việc sử dụng rau chân vịt.

– Chống chỉ định:

  • Trẻ em dưới 4 tháng tuổi
  • Người bị dị ứng với rau chân vịt

– Tương tác thuốc:

Rau chân vịt có thể tương tác với một số loại thuốc sau:

  • Thuốc chữa bệnh tiểu đường: Sử dụng rau chân vịt cùng lúc với thuốc điều trị bệnh tiểu đường có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Nếu sử dụng chúng cùng lúc, bạn chỉ nên ăn rau với lượng nhỏ và theo dõi chặt chè đường huyết để đề phòng tính huống xấu xảy ra.
  • Thuốc Warfarin: Loại thuốc này thường được sử dụng để làm chậm quá trình đông máu. Do chứa một lượng lớn vitamin K, rau chân vịt có thể làm giảm tác dụng phụ của thuốc khi được sử dụng trong thời gian điều trị bằng Warfarin.

Ngoài ra, rau chân vịt cũng có thể tương tác với một số loại thảo dược hay thực phẩm chức năng khác. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ về vấn đề này để được cung cấp những thông tin hữu ích.

– Lưu ý khi lựa chọn và chế biến rau chân vịt:

  • Lựa chọn loại rau sạch, an toàn để sử dụng
  • Rửa rau qua nhiều lần nước trước khi chế biến. Trong quá trình rửa bạn nên nhẹ nhàng bởi rau chân vịt khá mềm nên dễ bị dập nát.
  • Không ăn rau có biểu hiện hư thối
  • Rau chân vịt chỉ nên nấu vừa chín tới. Việc đun nấu ở nhiệt độ cao có thể gây thất thoát một lượng lớn chất dinh dưỡng có trong rau.
  • Không chế biến rau chân vịt chung với hải sản
  • Các món ăn từ rau chân vịt sau khi chế biến xong bạn nên ăn ngay, tránh để lâu làm mất chất dinh dưỡng.
  • Nếu muốn bảo quản rau được lâu, bạn nên để nguyên rau còn khô ráo vào trong bịch ni lông hoặc gói vào giấy báo, để trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong vòng 1 – 2 ngày sau đó.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng 08:08 - 06/06/2023 - Cập nhật lúc: 15:09 - 07/06/2023
Chia sẻ:
Thành phần dinh dưỡng, công dụng của mít
Ngăn ngừa ung thư, ổn định nhịp tim, kích thích tuyến sữa, làm đẹp da, chống lão hóa... là những công dụng của mít không phải ai cũng biết. Mặc…
Ho và buồn nôn là dấu hiệu của các bệnh lý về hô hấp hoặc tiêu hóa Ho và buồn nôn là dấu hiệu của bệnh gì, làm sao khắc phục?

Ho hay buồn nôn đều là cơ chế giúp loại bỏ các dị vật, sinh vật có khả năng xâm…

Cảm mạo là gì? Mẹo trị cảm mạo nhanh chóng tại nhà

Bệnh cảm mạo có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như…

Cách sấy yến bằng quạt Cách Sấy Yến Bằng Quạt Mau Khô Tại Nhà Để Bảo Quản

Sấy tổ yến bằng quạt là phương pháp không quá xa lạ với những người chuyên sản xuất yến. Đây…

Cảm giác buồn nôn cả ngày – Có phải mắc bệnh nguy hiểm?

Cảm giác buồn nôn cả ngày thường là dấu hiệu mang thai, say tàu xe hoặc do căng thẳng thần…

Chữa lupus ban đỏ bằng tế bào gốc & thông tin cần biết

Chữa lupus ban đỏ bằng tế bào gốc là phương pháp mang lại hiệu quả vượt trội trong việc cải…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua