Bệnh Nhuyễn xương bánh chè

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Nhuyễn xương bánh chè là tổn thương thường gặp ở vùng đầu gối. Tình trạng này không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn làm hạn chế khả năng đi lại. Do đó, để tránh các biến chứng khó lường, bệnh nhân cần sớm thăm khám để được chẩn đoán và điều trị. Đồng thời, tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc phục hồi để lấy lại khả năng sinh hoạt bình thường. 

Nhuyễn xương bánh chè là tình trạng tổn thương phần sụn dưới xương bánh chè

Tổng quan

Nhuyễn xương bánh chè (Chondromalacia Patella) hay nhuyễn sụn xương bánh chè là tình trạng sụn ở mặt dưới xương bánh chè bị tổn thương. Tình trạng này khiến cho xương sụn bị mềm, nứt rách và bào mòn, làm lộ ra bề mặt xương bánh chè. Hậu quả gây đau nhức dữ dội khi xương cọ xát vào xương đùi trong lúc di chuyển.

Đây là tổn thương xương khá phổ biến ở các vận động viên, nhất là vận động viên chạy bộ. Đặc biệt xảy ra ở phụ nữ. Tác nhân chính là do đầu gối bị căng thẳng do hoạt động quá mức, chấn thương do gãy xương, trật khớp. Đa số trường hợp liên quan đến cơ chế duỗi của đầu gối.

Phân loại

Có 3 dạng nhuyễn xương bánh chè bao gồm:

  • Type 1: Đây là thể nhẹ nhất của tình trạng nhuyễn xương bánh chè. Đặc trưng gồm các triệu chứng đau nhức nhẹ, khó chịu, nhất là khi chạy bộ hoặc cuối người. Vì mức độ bệnh không nặng nên nó có thể tự khỏi mà không cần điều trị trong hầu hết các trường hợp.
  • Type 2: Thể này nghiêm trọng hơn do xương bánh chè bị lệch. Các triệu chứng biểu hiện rõ rệt, đau nhức nhiều khi hoạt động, sưng tấy và khó duỗi thẳng chân hoàn toàn.
  • Type 3: Đây là thể nhuyễn xương bánh chè tiến triển nặng và có xu hướng nghiêm trọng tăng dần theo thời gian. Những trường hợp này cần thực hiện các biện pháp điều trị chuyên sâu như phẫu thuật để xử lý tổn thương.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Xương bánh chè là một xương nhỏ nằm ở phía trước khớp gối. Mặt bên dưới của xương bánh chè được bao phủ bởi sụn, cho phép đầu gối cử động một cách trơn tru. Những trường hợp hoạt động quá mức khiến xương bánh chè bị lệch gây bào mòn sụn.

Nguyên nhân gây ra tổn thương nhuyễn xương sụn bánh chè vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng theo các chuyên gia, nó liên quan đến việc đầu gối hoạt động quá sức hoặc căn chỉnh không đúng cách, mất cân bằng độ căng các cơ giữ đầu gối.

Chấn thương gây yếu, lệch xương bánh chè hoặc thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại ở đầu gối là nguyên nhân dẫn đến nhuyễn xương bánh chè

Các phân tích cụ thể về nguyên nhân gây nhuyễn xương bánh chè như sau:

  • Lệch xương bánh chè: Tình trạng này xảy ra khi xương di chuyển lên xuống quá mức, nhất là mỗi khi đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang...
  • Cơ tứ đầu yếu: Đây là đoạn cơ đùi bị suy yếu, hoạt động không đúng cách mỗi khi đi bộ. Tình trạng này cũng góp phần gây ra nhuyễn xương bánh chè.
  • Căng cơ: Căng cơ gân kheo hoặc cơ vùng xương chậu khiến hệ thống cơ bị mất cân bằng. Nguyên nhân này cũng góp phần tăng độ căng thẳng bất thường ở xương bánh chè, gây sưng viêm, đau nhức.
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài những tác nhân chính trên, còn một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây ra nhuyễn xương bánh chè như:
    • Vận động viên thể thao, chuyên các bộ môn liên quan đến cử động đầu gối lặp đi lặp lại;
    • Chấn thương gãy xương hoặc trật khớp;
    • Viêm khớp;
    • Lão hóa;
    • Tăng cân quá mức;
    • Hội chứng bàn chân phẳng;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng của nhuyễn xương bánh chè thường biểu hiện khác nhau ở từng trường hợp. Nhưng về cơ bản khi có tổn thương xảy ra, sẽ gây ra các triệu chứng điển hình như:

Bị nhuyễn xương bánh chè gây sưng đau, cứng vùng đầu gối, nhất là khi cử động hoặc duỗi thẳng

  • Đau mặt trước, phía sau hoặc xung quanh đầu gối;
  • Cơn đau càng nặng hơn khi chạy bộ, leo lên hoặc xuống cầu thang, đứng trong thời gian dài;
  • Phát ra âm thanh lạo xạo như tiếng nứt bên trong đầu gối khi di chuyển;
  • Sưng cứng khớp và có cảm giác mất ổn định, suy yếu đầu gối;
  • Tràn dịch khớp gối (hiếm gặp);

Chẩn đoán

Những triệu chứng nhuyễn xương bánh chè thường biểu hiện rất rõ ràng trong giai đoạn tiến triển. Hãy thông báo và mô tả chi tiết cho bác sĩ các triệu chứng này để được chỉ định các bước chẩn đoán tiếp theo.

Một số kiểm tra hình ảnh như chụp X quang hoặc MRI cho phép quan sát rõ và chẩn đoán nhuyễn xương bánh chè

Cụ thể gồm các bước sau:

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe chung cho bệnh nhân. Kết hợp kiểm tra triệu chứng bằng cách tạo áp lực lên các vị trí khác nhau ở đầu gối hoặc yêu cầu di chuyển chân theo nhiều hướng. Bước này giúp kiểm tra xem khớp có bị đau, sưng hay phát ra âm thanh khi cử động không. Có 2 kỹ thuật lâm sàng giúp kiểm tra triệu chứng vùng đầu gối được sử dụng phổ biến là:
    • Kiểm tra Clark: Bệnh nhân nằm ngửa với đầu gối duỗi thẳng. Bác sĩ sẽ dùng lực tay để tác động lên vùng xương bánh chè ở đầu gối. Đồng thời, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn co nhẹ cơ tứ đầu. Nếu bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức khó chịu, sẽ cho kết quả dương tính với nhuyễn xương bánh chè.
    • Kiểm tra gõ xương bánh chè: Bệnh nhân nằm ngửa và duỗi thẳng 2 chân. Bác sĩ tiến hành ấn vào vị trí gần đầu gối để tạo áp lực, nhằm ép chất lỏng di chuyển ra khỏi túi nằm trên xương bánh chè. Sau đó dùng tay ấn vào các hốc trong và ngoài để ép chất lỏng xuống dưới xương bánh chè. Cuối cùng là gõ nhẹ xuống vùng này để tạo chuyển động lên xuống. Kỹ thuật này giúp kiểm tra dấu hiệu tổn thương liên quan đến nhuyễn xương bánh chè.
  • Chụp X quang: Đây là kỹ thuật phổ biến thường dùng để chẩn đoán nhuyễn xương bánh chè. Hình ảnh trên X quang cho thấy những thay đổi về hình dạng và độ lệch của xương bánh chè. Kết quả cuối cùng giúp loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác và đánh giá mức độ tổn thương ở đầu gối.
  • Siêu âm: Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá tính toàn vẹn của lớp sụn bên dưới xương bánh chè. Chẳng hạn như sụn có bị mỏng, bào mòn hay tổn thương bất thường nào hay không. Dựa vào kết quả này góp phần đưa ra chẩn đoán về sự hiện diện của tổn thương nhuyễn xương bánh chè.
  • Nội soi khớp: Phương pháp này liên quan đến việc sử dụng một thiết bị ống mềm, nhỏ và dẻo có gắn camera để đưa vào trong đầu gối. Hình ảnh chi tiết bên trong về cấu trúc hoặc tổn thương sụn xương bánh chè sẽ được hiển thị rõ nét ra màn hình bên ngoài. Từ đó, giúp bác sĩ dễ dàng đưa ra đánh giá về nguyên nhân và mức độ tổn thương của tình trạng.
  • Chụp MRI: Đây là kỹ thuật hình ảnh hiện đại, cho phép phát hiện những thay đổi trong cấu trúc sụn và mô mềm liên quan đến nhuyễn xương bánh chè. Trên kết quả hình ảnh, tổn thương này là những mô sụn bị sờn, mềm và nứt rách nằm xung quanh mặt dưới xương bánh chè.

Biến chứng và tiên lượng

Nhuyễn xương bánh chè là một trong những tổn thương vùng đầu gối phổ biến, gây đau nhức khó chịu và hạn chế khả năng cử động, đi lại. Tuy nhiên, dựa trên mức độ tổn thương tối đa mà bệnh có thể gây ra, các chuyên gia đánh giá đây là bệnh lý không quá nghiêm trọng. Các biến chứng của bệnh hầu như rất hiếm, nếu có thường liên quan đến tác dụng phụ của các biện pháp pháp điều trị.

Nhuyễn xương bánh chè có thể gây teo cơ, liệt chi hoặc phát triển nhiều bệnh lý xương khớp khác nếu không điều trị kịp thời

Có thể kể đến một vài ảnh hưởng của bệnh như:

  • Teo cơ bắp chân do khớp gối đau nhức dai dẳng, khiến người bệnh không vận động thường xuyên;
  • Kéo theo hàng loạt các phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống;
  • Tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp và nhiều bệnh lý về xương khác tại khớp gối;
  • Các biến chứng điều trị như:
    • Triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa, do tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
    • Triệu chứng về da do sử dụng nẹp cố định khớp gối;

Vì bản chất của nhuyễn xương bánh chè không nguy hiểm, nên tiên lượng ở hầu hết các trường hợp rất tốt. Những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau thời gian ngắn, nhất là khi được kết hợp chăm sóc tích cực tại nhà. Riêng những bệnh nhân bị tổn thương nặng hơn, cần can thiệp điều trị bằng các biện pháp y tế phù hợp để xử lý tổn thương và thúc đẩy tốc độ hồi phục, ngăn ngừa biến chứng.

Thời gian phục hồi có thể mất từ 3 - 6 tháng hoặc lâu hơn tùy mức độ tổn thương. Sau giai đoạn này, bệnh nhân vẫn cần phải tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực và tập luyện bổ sung để duy trì kết quả, thúc đẩy tiến trình phục hồi hoàn toàn của xương bánh chè.

Điều trị

Điều trị nhuyễn xương bánh chè là cần thiết nhằm cải thiện triệu chứng, ngăn chặn tiến triển tổn thương và phục hồi chức năng vận động càng sớm càng tốt. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương sụn xương bánh chè, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Có rất nhiều cách trị nhuyễn xương bánh chè, nhưng chung quy sẽ có 2 phương pháp chính gồm điều trị không phẫu thuật và phẫu thuật.

Điều trị không phẫu thuật

Nhằm bảo tồn chức năng cho xương bánh chè và các cơ xương khớp xung quanh, bác sĩ luôn ưu tiên chỉ định thực hiện những biện pháp điều trị không phẫu thuật trước.

Vật lý trị liệu tích cực giúp cải thiện triệu chứng và thúc đẩy quá trình tự phục hồi tổn thương

Một số phương pháp điều trị cơ bản bao gồm:

  • Dùng thuốc: Để giảm nhanh các triệu chứng sưng viêm, đau nhức tại vùng đầu gối và cải thiện vận động, có thể sử dụng một số loại thuốc sau:
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một vài thuốc NSAID được dùng hiệu quả cho bệnh nhuyễn xương bánh chè như aspirin, ibuprofen, naproxen... Khi vào cơ thể và được hấp thu, chúng sẽ phát huy tác dụng giảm viêm, sưng đau tại khớp xương bị ảnh hưởng.
    • Corticosteroid: Loại thuốc này thường được điều chế dưới dạng viên uống hoặc dạng tiêm trực tiếp vào khớp gối. Tác dụng chính của thuốc cũng là cải thiện triệu chứng sưng viêm, đau nhức do nhuyễn xương bánh chè gây ra. Nhưng thường chỉ áp dụng cho những trường hợp nặng.
    • Tiêm Axit hyaluronic: Axit hyaluronic được tiêm trực tiếp vào khớp gối giúp cải thiện triệu chứng đau nhức khớp do tổn thương sụn xương bánh chè. Đồng thời, nó còn hỗ trợ rất tốt trong việc phục hồi lớp màng đệm tự nhiên nằm giữa khớp và sụn, vừa giảm đau vừa phục hồi khả năng vận động.
  • Vật lý trị liệu: Mục tiêu chính của các phương pháp vật lý trị liệu là giảm đau, thúc đẩy cơ chế tự phục hồi tổn thương và tăng cường liên kết cơ xương sụn vùng đầu gối. Có rất nhiều cách vật lý trị liệu khác nhau, chẳng hạn như:
    • Bài tập: Các bài tập isometric tập trung vào vùng cơ tứ đầu hoặc bài tập kéo giãn gân kheo vừa đơn giản vừa đem lại hiệu quả cao. Giúp nâng cao phạm vi chuyển động và tăng cần sức mạnh, sự ổn định khi đi lại.
    • Nẹp: Nẹp xương bánh chè và khớp giúp cố định tổn thương, giảm áp lực lên xương bánh chè, nhất là mỗi khi chuyển động.
    • Dùng dụng cụ chỉnh hình bàn chân: Cách này cũng giúp hỗ trợ giảm đau đáng kể khi di chuyển, cử động.
    • Chườm lạnh: Có tác dụng giảm nhanh cơn đau cấp tính và sưng viêm, tuy nhiên chỉ tạm thời. Bạn có thể chườm thường xuyên, nhiều lần trong ngày, mỗi lần 5 - 7 phút để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, cần chú ý tránh chườm đá trực tiếp lên da để hạn chế nguy cơ bị bỏng lạnh.
    • Các liệu pháp khác: Chẳng hạn như kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS) hoặc điện nhiệt sóng ngắn (SWM) theo tự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ.

Phẫu thuật

Những trường hợp điều trị nội khoa không làm giảm triệu chứng, phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được cân nhắc nhằm loại bỏ tổn thương.

Phẫu thuật giúp loại bỏ các tổn thương do nhuyễn xương bánh chè gây ra

Một số phẫu thuật được áp dụng phổ biến như:

  • Phẫu thuật cắt bỏ xương: Được thực hiện bằng cách cắt và sắp xếp, định hình xương đùi hoặc xương chày. Cách này giúp làm giảm áp lực ở đầu gối, giảm triệu chứng đau nhức, sưng viêm do nhuyễn xương bánh chè gây ra.
  • Phẫu thuật giải nén: Nhằm giải phóng độ căng của các khớp xương gây ma sát với phần phía sau xương bánh chè, cải thiện cơn đau nhức. Được thực hiện bằng cách phẫu thuật loại bỏ một phần mô của dải xương chậu.
  • Phẫu thuật định hình: Đối với những trường hợp lệch xương bánh chè, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mổ hở. Nhằm thực hiện các thao tác định hình dây chằng hai bên xương bánh chè, sắp xếp lại và cố định đúng vị trí để giảm áp lực cho khớp, cải thiện cơn đau.

Lưu ý, tuy phẫu thuật là những phương pháp hiện đại, đem lại kết quả cao trong việc giải quyết dứt điểm tổn thương. Tuy nhiên, can thiệp xâm lấn vào cơ thể luôn tiềm ẩn một số rủi ro khó lường như chảy máu, nhiễm trùng... Nên tốt nhất người bệnh cần tuân thủ các chỉ định y tế trước, trong và sau điều trị để giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Phòng ngừa

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh nhuyễn xương bánh chè, cách hiệu quả nhất chính là ngăn ngừa các chấn thương ở đầu gối hoặc sử dụng khớp gối quá mức. Để làm được điều này, bạn cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Tập luyện vừa phải, không cố sức để giảm thiểu căng thẳng lên vùng đầu gối ngăn ngừa nhuyễn xương bánh chè

  • Khởi động kỹ lưỡng trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động thể thao nào.
  • Tạo thói quen tập thể dục hàng ngày, nên chọn những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga... để tăng cường sức mạnh cơ bắp chân quanh đầu gối. Đặc biệt là ở các cơ đùi (cơ tứ đầu).
  • Chú ý tập luyện vừa sức, tăng dần cường độ qua từng ngày tập, không cố gắng quá sức, dùng lực quá mạnh với cường độ cao để giảm nguy cơ chấn thương.
  • Duy trì tư thế hoạt động tốt trong các hoạt động hàng ngày. Điều này giúp giảm áp lực lên đầu và các khớp khác trên cơ thể.
  • Nếu tính chất công việc đòi hỏi phải quỳ gối nhiều, hãy đeo miếng đệm bảo vệ để giảm thiểu tác động ngoài ý muốn.
  • Chọn giày dép có kích cỡ phù hợp và có khả năng hỗ trợ khi di chuyển.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi hay bị sưng đau đầu gối, đau nhức và cử động khó khăn>

2. Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán căn nguyên gây ra?

3. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh nhuyễn xương bánh chè?

4. Tình trạng tổn thương xương bánh chè của tôi có nghiêm trọng không?

5. Tổn thương nhuyễn xương bánh chè có tự khỏi không?

6. Nếu không điều trị, tôi có thể gặp phải những biến chứng gì?

7. Phương pháp điều trị nhuyễn xương bánh chè tốt nhất dành cho tôi?

8. Tình trạng của tôi có cần phẫu thuật không? Phương pháp phẫu thuật nào tốt nhất?

9. Thời gian điều trị và phục hồi nhuyễn xương bánh chè mất bao lâu?

10. Chi phí điều trị nhuyễn xương bánh chè tốn bao nhiêu?

Nhuyễn xương bánh chè là tình trạng gây đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh hoạt, cử động. Cách duy nhất để khắc phục chính là can thiệp điều trị sớm bằng biện pháp y tế phù hợp. Quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng sau khi tổn thương được loại bỏ. Người bệnh cần chú ý tái khám định kỳ để được kiểm tra và theo dõi thường xuyên.

Ngày đăng 10:01 - 07/09/2023 - Cập nhật lúc: 10:01 - 07/09/2023
Chia sẻ:
Đau vai gáy Bệnh Đau Vai Gáy
Đau vai gáy là căn bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng trên khoảng 30% dân số thế giới. Bệnh đặc trưng với những cơn đau nhức dữ…
Bệnh Loạn Dưỡng Cơ Duchenne
Loạn dưỡng cơ Duchenne là bệnh lý di truyền đặc…
Bàn Chân Phẳng
Bàn chân phẳng là một trong những dị tật bàn…
Bệnh Viêm Gân Nhị Đầu Vai
Viêm gân nhị đầu vai là một trong những tổn…
Bệnh Viêm Khớp Cổ Tay

Viêm khớp cổ tay là một dạng viêm khớp phát triển ở cổ tay, gây sưng đau, cứng khớp và…

Bệnh Viêm tủy xương đốt sống

Viêm tủy xương đốt sống là một trong những dạng viêm tủy xương hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến các…

Bệnh Gù Cột Sống

Gù cột sống là một trong những biến dạng về cột sống phổ biến, có thể xảy ra ở mọi…

Hội chứng chùm đuôi ngựa

Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tổn thương của bệnh có thể gây ra…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua