Bệnh Gù Cột Sống

Bác sĩ phụ trách

LƯƠNG Y PHÙNG HẢI ĐĂNG

Trưởng khoa khám bệnh

Gù cột sống là một trong những biến dạng về cột sống phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Nếu chỉ bị gù nhẹ và gù do tư thế, chỉ cần điều chỉnh tư thế hoạt động và chăm sóc tích cực bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Nhưng với những trường hợp gù cột sống nặng cần can thiệp phẫu thuật sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. 

Tổng quan

Gù cột sống (Kyphosis) hay bệnh lưng gù là tình trạng cột sống bị cong ra ngoài quá mức, khiến lưng bị biến dạng tạo thành đường cong tròn. Cột sống bị cong khiến bạn không thể đứng thẳng và gây khó khăn khi thực hiện các tư thế cơ bản như đi, đứng, ngồi, nằm.

Gù cột sống là tình trạng cột sống bị cong quá mức khiến phần lưng trên cong tròn bất thường

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị gù lưng, nhưng phổ biến nhất là ở người lớn tuổi do cột sống lão hóa hoặc ở thanh thiếu niên gặp chấn thương trong độ tuổi đi học (0.04 - 10%) hoặc bẩm sinh.

Hầu hết các trường hợp bị gù cột sống không quá ảnh hưởng đến sức khỏe và không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, một số trường hợp gù cột sống nghiêm trọng bị đau nhức dữ dội, khó thở, cần phải phẫu thuật sớm để điều chỉnh đường cong cột sống.

Phân loại

Bệnh gù cột sống được chia làm 3 loại chính gồm:

Gù cột sống được chia làm nhiều loại gồm gù tư thế, gù Scheurmann hoặc gù bẩm sinh

Bệnh gù lưng tư thế

  • Đây là thể bệnh gù lưng phổ biến nhất, trẻ gái có tỷ lệ mắc cao hơn trẻ trai. Chủ yếu xảy ra ở  trẻ thiêu niên, do thường xuyên cúi, khom người hoặc thực hiện những tư thế xấu làm giãn dây chằng, lỏng lẻo các cơ giữ đốt sống.
  • Hậu quả khiến các đốt sống trượt ra khỏi vị trí ban đầu, khiến cột sống cong tròn. Dạng gù lưng này thường không gây đau nhức, chỉ hơi khó chịu nhẹ và không kèm theo các vấn đề khác.

Bệnh gù lưng Scheuermann

  • Dạng gù lưng này được đặt theo tên của vị bác sĩ chuyên ngành X quang người Đan Mạch vì ông đã phát hiện ra dạng bệnh này.
  • Đặc điểm của các đốt sống bị gù thể này là có nhiều hình dạng khác nhau, thường là hình chêm, hình tam giác thay vì hình chữ nhật.
  • Sự biến dạng này làm thu hẹp không gian bên trong đĩa đệm, khiến cột sống ngực cong tròn quá mức. Dạng gù này nguy hiểm hơn gù tư thế, đường cong không linh hoạt, gây đau nhức khi cử động và có xu hướng nghiêm trọng ở những người có cân nặng thấp.

Bệnh gù bẩm sinh 

Là thể gù lưng được hình thành ngay từ khi trẻ chào đời, tuy nhiên thể này khá hiếm gặp. Tình trạng này xảy ra khi các đốt sống phát triển bất thường, không hợp nhất ngay từ trong bụng mẹ. Mức độ gù có xu hướng tăng nặng khi trẻ lớn lên. Thậm chí, có nguy cơ biến chứng tổn thương tim, thận.

Khuyến cáo phẫu thuật cho trẻ càng sớm càng tốt để ngăn cột sống ngày càng cong nặng hơn, giảm nguy cơ biến chứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đường cong tự nhiên của cột sống dao động từ 20 - 45 độ. Tuy nhiên, do các nguyên nhân dưới đây, cột sống sẽ tăng biên độ cong > 50 độ, bao gồm:

Gù cột sống thường do cúi người thường xuyên, sai tư thế

  • Dị tật bẩm sinh khiến xương cột sống không thể phát triển;
  • Loãng xương, gãy xương;
  • Thoát vị đĩa đệm;
  • Trẻ mắc chứng tăng trưởng nhảy vọt;
  • Các hội chứng từ thời thơ ấu, điển hình như hội chứng Marfan;
  • Ung thư hoặc tác dụng phụ của các biện pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị;
  • Một số yếu tố rủi ro khác như:
    • Tuổi tác cao, lão hóa, thường > 40 tuổi nguy cơ gù lưng tăng lên
    • Ở phụ nữ, gù lưng tiến triển nhanh hơn nam giới;
    • Hoạt động không đúng tư thế;
    • Tai nạn, chấn thương cột sống;
    • Yếu tố di truyền, ước tính khoảng 54% người lớn tuổi bị gù lưng do di truyền;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Gù cột sống gây ra một số triệu chứng chung sau đây:

Người bị gù cột sống thường có các biểu hiện như tròn vai, cứng cột sống, đau lưng...

  • Cong tròn vai, tương tự như bướu trên lưng;
  • Cứng cơ vai, cột sống lưng;
  • Đau lưng;
  • Căng cứng gân kheo;
  • Khó thở hoặc các vấn đề hô hấp khác;
  • Mất thăng bằng;
  • Tiểu tiện không tự chủ;
  • Một số trường hợp hiếm còn gây tê bì, ngứa ran và mất cảm giác ở chân;

Chẩn đoán

Chẩn đoán gù cột sống được thực hiện bằng các biện pháp sau:

Các kiểm tra hình ảnh như X quang, CT, MRI giúp chẩn đoán chính xác mức độ gù cột sống

  • Khám lâm sàng: Kiểm tra mức độ cong của lưng bằng bài tập gập người về phía trước, hai chân khép chặt, đầu gối thẳng và buông thõng hai cánh tay. Kết hợp khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, điều tra yếu tố di truyền, có người mắc chứng rối loạn cong cột sống, trong đó có gù cột sống.
  • Chẩn đoán hình ảnh:
    • Chụp X quang: Hình ảnh X quang cột sống giúp bác sĩ dễ dàng nhìn thấy đường cong bất thường của cột sống;
    • Chụp CT giúp tạo ra hình ảnh cắt lớp chi tiết về các bộ phận của cột sống, phát hiện các tổn thương gây làm cong cột sống;
    • Chụp MRI được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ có khối u cột sống hoặc nhiễm trùng;
  • Khám thần kinh: Nếu người bệnh gù cột sống có các triệu chứng bất thường như đau co thắt, ngứa ran hoặc mất kiểm soát ruột/ bàng quang sẽ được chỉ định khám thần kinh. Sau đó, kết hợp các biện pháp chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
  • Các xét nghiệm bổ sung khác: Để xác định nguyên nhân cơ bản gây gù cột sống, người bị gù lưng có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm bổ sung như:
    • Xét nghiệm máu kiểm tra nhiễm trùng;
    • Quét mật độ xương đánh giá mức độ chắc khỏe của xương, hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề xương khớp như yếu xương, loãng xương, gãy xương;

Biến chứng và tiên lượng

Phát hiện, chẩn đoán và điều trị gù cột sống sớm là yếu tố quan trọng đem lại tiên lượng tốt cho hầu hết bệnh nhân gù cột sống. Ngược lại nếu không điều trị, đường cong lưng ngày càng tiến triển nặng hơn, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe như:

Gù cột sống ảnh hưởng đến tư thế hoạt động, ảnh hưởng hô hấp, tiêu hóa, ngoại hình...

  • Giảm khả năng vận động;
  • Giảm tầm nhìn, nhất là khi nhìn lên trên;
  • Các vấn đề về tiêu hóa như khó nuốt, trào ngược dạ dày thực quản..;
  • Các vấn đề về cảm xúc do tâm lý tự ti ngoại hình, vóc dáng, nhất là với trẻ em hoặc thanh thiếu niên;

Hầu hết các trường hợp gù cột sống đều không quá nghiêm trọng và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Nếu được phát hiện sớm, điều chỉnh tư thế, kết hợp vận động tích cực, đeo nẹp, cột sống sẽ dần được cải thiện.

Riêng những trường hợp gù lưng bẩm sinh hoặc gù nghiêm trọng do không điều trị sớm có thể phải phẫu thuật. Kết quả phẫu thuật thường có tiên lượng tốt, phục hồi đường cong cột sống và sinh hoạt khỏe mạnh, bình thường.

Điều trị

Điều trị gù cột sống tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, thể bệnh, tiền sử bệnh, mức độ gù có nghiêm trọng hay không... Nguyên tắc điều trị bệnh là ngăn chặn tiến triển cong cột sống ngày càng nặng, bảo tồn cấu trúc cột sống và khả năng cử động linh hoạt.

Có 2 cách điều trị chính đối với bệnh gù cột sống là không phẫu thuật và phẫu thuật.

Vật lý trị liệu

Một số bài tập giúp cải thiện tư thế, giảm đau và tăng cường sức mạnh cơ lưng, cơ bụng khi bị gù cột sống nhẹ, tăng tính linh hoạt cũng như phạm vi chuyển động. Kết hợp với các bài tập kéo căng gân kheo và cải thiện sức mạnh ở nhiều vùng khác trên cơ thể.

Dùng thuốc giảm đau

Có tác dụng hỗ trợ kiểm soát cơn đau, giảm sưng, chống viêm ở cột sống và các vùng xung quanh. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như: thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc giảm đau, hạ sốt. Điển hình như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, Tylenol (Acetaminophen),...

Thuốc giảm đau giúp cải thiện cơn đau gù lưng tạm thời

Nẹp lưng 

Sử dụng nẹp lưng đem lại hiệu quả cao trong việc ngăn chặn và kiểm soát tiến triển đường cong cột sống của trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Tuy nhiên, chỉ những trẻ mắc thể gù lưng Scheuermann mới được đề nghị nẹp lưng.

Phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp bị gù cột sống là dạng gù tư thế khá lành tính, không quá nguy hiểm và không nhất thiết phải phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu mức độ gù tiến triển ngày càng nặng, đau dữ dội và gây những cản trở trong cuộc sống có thể được chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp gù bẩm sinh hoặc gù tư thế nghiêm trọng, gây đau nhức dữ dội

Cụ thể chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp sau:

  • Gù bẩm sinh;
  • Thể gù cột sống Scheuermann với đường cong lưng > 75 độ;
  • Không đáp ứng điều trị với các biện pháp nội khoa;

Phẫu thuật hợp nhất cột sống là phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất. Được thực hiện nhằm sắp xếp các đốt sống lại ở một vị trí thẳng hơn, sau đó kết nối chúng bằng các mảnh xương nhỏ, bù đắp khoảng trống thiếu hụt giữa các đốt sống. Sau thời gian phục hồi, các đốt sống sẽ hợp nhất lại và ngăn không cho tiến triển gù lưng.

Phòng ngừa

Ngoại trừ các thể gù cột sống bẩm sinh, bạn có thể phòng ngừa dạng gù tư thế bằng các biện pháp sau:

  • Duy trì cân nặng phù hợp để tránh tạo áp lực lên cột sống, giảm nguy cơ gù lưng.
  • Thực hiện các tư thế hoạt động đúng chuẩn, ngồi thẳng lưng, có điểm tựa, tránh cúi người quá lâu và thường xuyên.
  • Khuyến cáo trẻ em và thanh thiếu niên không nên đeo ba lô nặng để tránh gây áp lực cho cơ lưng.
  • Tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày. Chọn những bộ môn tốt cho cột sống lưng như yoga, đi bộ, chạy bộ, bôi lội...

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi mắc bệnh gù cột sống?

2. Làm sao để chẩn đoán tôi bụi gù lưng bệnh lý hay gù lưng bẩm sinh?

3. Mức độ gù cột sống của con tôi có nghiêm trọng không?

4. Gù cột sống có nguy hiểm không?

5. Bị gù cột sống ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và khả năng vận động của con tôi?

6. Phương pháp điều trị gù cột sống hiệu quả dành cho tôi?

7. Phẫu thuật có phải phương pháp chữa gù cột sống duy nhất không?

8. Bệnh gù cột sống có tái phát sau phẫu thuật không?

Gù cột sống nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp thường có tiên lượng tốt. Bệnh nhân có thể phục hồi dáng cột sống và sinh hoạt bình thường. Do đó, khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi và điều chỉnh ngay tư thế cho con, kiểm tra cột sống định kỳ giúp giảm nguy cơ gù lưng.

Ngày đăng 20:33 - 22/04/2023 - Cập nhật lúc: 20:34 - 22/04/2023
Chia sẻ:
Bệnh Còi Xương
Còi xương là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có nhiều mức độ còi xương với các biểu hiện khác nhau giúp…
Bàn Chân Phẳng
Bàn chân phẳng là một trong những dị tật bàn…
Căng Cơ
Căng cơ là một trong những chấn thương mô mềm…
Chấn Thương Dây Chằng Chéo Sau
Chấn thương dây chằng chéo sau là một trong 4…
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể xảy ra ở bất kỳ ai và thông qua nhiều…

Gai cột sống Bệnh Gai Cột Sống

Gai cột sống là bệnh lý xương khớp xảy ra phổ biến ở người cao tuổi và cả người trưởng…

Xẹp Đốt Sống

Xẹp đốt sống xảy ra khi các đốt sống bị xẹp xuống do ảnh hưởng bởi loãng xương và các…

Vôi hóa cột sống Bệnh Vôi Hoá Cột Sống

Vôi hóa cột sống là hiện tượng tích tụ canxi trên các mấu ngang, dây chằng trên thân cột sống,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

LƯƠNG Y PHÙNG HẢI ĐĂNG

Trưởng khoa khám bệnh

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua