Mất Thính Lực (điếc tai)

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Mất thính lực hay điếc tai có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ đến người lớn. Bạn có thể mất thính lực đột ngột hoặc dần dần tùy theo các nguyên nhân cụ thể. Mất đi thính lực gây ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất của người bệnh. Điều trị mất thính lực sớm bằng các biện pháp phù hợp giúp phục hồi thính giác, ngăn tiến triển nặng của bệnh. 

Tổng quan

Mất thính lực (Hearing Loss) là tình trạng không thể nghe thấy âm thanh, có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ, tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy vào nguyên nhân. Nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, mất thính lực có thể điều trị được bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Tùy theo nguyên nhân, các triệu chứng mất thính lực được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tình trạng này thường xảy ra do di truyền, tuổi tác, bệnh lý, thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn và nhiều tác nhân khác.

Mất thính lực là tình trạng nghe kém, khó hiểu hoặc không nghe bất kỳ âm thanh nào

Những người bị mất thính lực kéo dài thường phát triển kèm theo các dấu hiệu của trầm cảm, có cảm giác bị cô lập và gây chứng rối loạn xử lý cảm giác. Đây là tình trạng rối loạn chức năng não trong việc xử lý các giác quan như thính giác, thị giác, vị giác, xúc giác...

Mất thính lực cần được can thiệp y tế và điều trị ngày để phục hồi chức năng nghe, giảm nguy cơ biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị mất thính lực, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, sắc tộc. Trong đó, tình trạng này xảy ra phổ biến ở những người lớn tuổi, tỷ lệ ảnh hưởng là 1/3 số người > 65 tuổi và 1/2 người > 75 tuổi. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể bị mất thính lực do bẩm sinh.

Phân loại

Mất thính lực được chia làm nhiều loại khác nhau dựa vào nguyên nhân:

Mất thính lực có nhiều dạng như tổn thương dẫn truyền, giác quan hoặc hỗn hợp

  • Mất thính giác dẫn truyền: Là tình trạng xuất hiện vật cản ngăn chặn đường truyền của âm thanh đi vào tai. Tình trạng này gây tắc nghẽn đường dẫn truyền, gây mất thính giác.
  • Mất thính lực giác quan: Xảy ra khi có tổn thương cấu trúc tai trong hoặc các dây thần kinh truyền thông tin kết nối với não. Hầu hết các trường hợp mất thính lực giác quan đều gây điếc vĩnh viễn.
  • Mất thính lực hỗn hợp: Là tình trạng mất thính lực hoàn toàn do có các yếu tố kết hợp giữa tổn thương dẫn truyền và dây thần kinh.

Cụ thể với số tác nhân như:

  • Mất thính lực bẩm sinh;
  • Mất thính lực do tiếng ồn;
  • Mất thính lực đột ngột do viêm nhiễm;
  • Mất thính lực do tổn thương bên trong tai;
  • Mất thính lực do tuổi tác;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Thính giác là một trong những giác quan quan trọng, giúp bạn nghe thấy những âm thanh xung quanh và xử lý các hoạt động hàng ngày. Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro khiến bạn mất đi thính lực. Bao gồm:

Mất thính lực mắc phải

Có nhiều nguyên nhân gây mất thính lực như bệnh tật, thói quen sinh hoạt...

Tắc nghẽn ráy tai là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất thính lực tạm thời

  • Có chất lỏng trong tai;
  • Nhiễm trùng tai, thủng màng nhĩ;
  • Chấn thương tai do thay đổi áp suất môi trường (thường là khi đi máy bay hoặc lặn biển;
  • Tắc nghẽn ráy tai;
  • Tổn thương tai do tai nạn, chán thương hoặc ráy tai quá sâu;
  • Tiếp xúc với tiếng ồn lớn thường xuyên như đeo tai nghe âm lượng lớn, tiếng nổ, tiếng máy móc công trình...;
  • Tuổi tác lớn dẫn đến lão hóa mất thính lực (presbycusis);
  • Mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, viêm màng não, sốt tinh hồng nhiệt...;
  • Chấn thương vùng đầu;
  • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất;
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc kháng sinh dạng uống hoặc dạng lỏng;
  • Ảnh hưởng từ một số bệnh lý khác như xơ cứng tai, Meniere, u dây thần kinh thính giác, các bệnh tự miễn, bệnh động mạch vành, cao huyết áp, đột quỵ...;

Mất thính lực bẩm sinh

Điếc bẩm sinh là một trong những dị tật thường gặp, xảy ra khi trẻ chào đời với các biểu hiện khiếm thính một phần hoặc hoàn toàn. Nguyên nhân xuất phát từ sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và các tác nhân từ bên ngoài như mẹ ăn uống thiếu chất, hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc tùy tiện... hoặc trẻ sinh non < 37 tuần.

Mất thính giác bẩm sinh do di truyền gen đột biến từ bố mẹ

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp tình trạng mất thính lực bẩm sinh thường có liên quan đến một số tác nhân như:

  • Hội chứng di truyền:
    • Hội chứng Down
    • Hội chứng Usher
    • Hội chứng Treacher collins và microtia
  • Nhiễm trùng:
    • Virus như cytomegalovirus, herpes, zika;
    • Vi khuẩn gây bệnh giang mai;
    • Ký sinh trùng toxoplasmosis;
  • Phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella có nguy cơ cao sinh con bị điếc bẩm sinh;
  • Bị nhiễm độc máu thai kỳ, tiền sản giật;

Cần phân biệt rõ giữa tình trạng tích tụ chất lỏng trong tai trẻ sơ sinh với chứng khiếm thính bẩm sinh. Vì nếu có dịch trong tai, thính giác của trẻ sẽ phục hồi trở lại sau khi hết dịch. Còn riêng mất thính lực bẩm sinh thường là vĩnh viễn và không thể phục hồi hoặc phải dùng đến các thiết bị hỗ trợ thính giác.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Mất thính lực có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột tùy theo nguyên nhân. Ngoại trừ các chấn thương, rất ít người nhận biết rằng bản thân đang dần nghe kém hơn. Mất thính lực thường không gây đau, thay vào đó bạn sẽ có các biểu hiện sau:

Người mất thính lực thường phải tăng âm lượng khi xem tivi hoặc trong các cuộc trò chuyện

  • Thường yêu cầu mọi người lặp lại câu nói trong giao tiếp;
  • Không nghe rõ những gì người khác nói qua điện thoại;
  • Không thể hiểu rõ nội dung cuộc trò chuyện gia đình, bạn bè hoặc cuộc họp;
  • Không nghe được những âm thanh cao độ như tiếng chim hót, tiếng nhạc;
  • Nghĩ rằng người đối diện đang nói chuyện lầm bầm trong miệng;
  • Tăng lớn âm lượng tivi, radio hoặc máy tính;
  • Hay bị ù tai, chóng mặt và có vấn đề trong việc giữ thăng bằng;

Riêng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị mất thính lực sẽ có các biểu hiện điển hình như:

  • Không có biểu hiện giật mình, sợ hãi trước những âm thanh, tiếng động lớn;
  • Không quay người hoặc phản ứng lại khi được gọi tên, thường là những trẻ > 6 tháng tuổi;
  • Thường xuyên nói "hả?";
  • Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, không biết gọi ba mẹ dù đã được 1 tuổi;

Chẩn đoán 

Mức độ mất thính giác được đánh giá bằng khả năng nghe thấy âm thanh, đo bằng decibel (dB HL). Một người bình thường sẽ có phạm vi dB dao động từ 10 (-10) đến 15. Dựa vào đó, có thể chia mất thính lực thành các mức độ sau:

  • Cấp độ nhẹ: Có phạm vi dB HL từ 26 - 40. Mức độ mất thính lực được miêu tả giống như người bình thường nhưng dùng tay bịt tai lại.
  • Cấp độ vừa: Phạm vi dB HL từ 41 - 55. Bạn vẫn có thể nghe thấy vài từ đơn giản, nhưng với những nội dung dài thường không nghe hiểu được.
  • Cấp độ trung bình nặng: Phạm vi dB HL từ 56 - 70. Với cấp độ này phải sử dụng máy trợ thính để nghe rõ những âm thanh xung quanh. Hoặc khó hiểu dù có máy trợ thính.
  • Cấp độ nghiêm trọng: Phạm vi dB HL từ 71 - 90. Trong trường hợp này, người bệnh hoàn toàn không thể nghe thấy bất kỳ âm thanh nào nếu không có máy trợ thính hoặc đeo ốc tai.
  • Cấp độ mất thính lực sâu: Bạn không thể nghe thấy bất kỳ âm thanh nào có dB từ 91 trở lên. Không thể nghe thấy bất kỳ âm thanh nào nếu không đeo máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử, kể cả những tiếng động lớn như chuông báo cháy, động cơ máy bay...

Trước những biểu hiện bất thường và nghi ngờ bị mất thính lực, hãy đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và đo mức độ khiếm thính bằng một số biện pháp sau:

Chẩn đoán mất thính lực thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng như đo nhĩ lượng, đo âm phát ốc tai, đo thính lực...

  • Xét nghiệm ABR hoặc BAER: Đây là xét nghiệm phản ứng thân não thính giác hoặc xét nghiệm phản ứng gợi lên thính giác thân não. Mục đích của 2 xét nghiệm này là kiểm tra phản ứng của não đối với các mức âm thanh cụ thể, thường được thực hiện trong lúc ngủ.
  • Kiểm tra thính giác phát xạ âm thanh (Otoacoustic - OAE): Đo âm thanh do ốc tai tạo ra, thông qua đánh giá chức năng của các tế bào lông, cùng với các bộ phận khác của tai, dây thần kinh thính giác. Kỹ thuật này thường áp dụng cho trẻ em nhằm đánh giá độ nhạy thính giác và đo mức độ mất thính lực. Thường được thực hiện trong lúc ngủ.
  • Các kiểm tra khác:
    • Bác sĩ sờ, nắn, soi đèn vào tai để kiểm tra và giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc tai như nhiều ráy, có khối u...;
    • Kết hợp đánh giá thính lực hành vi, khả năng phản ứng với âm thanh trong trạng thái tỉnh táo;
    • Chụp CT scan xương thái dương, nội soi tai mũi họng, thăm khám tiền đình hoặc các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý nội khoa như đái tháo đường, tăng mỡ máu, huyết áp cao...;

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt rõ giữa mất thính lực và điếc tai hoàn toàn để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Chẳng hạn như người khiếm thính nghe kém có thể sử dụng máy trợ thính. Nhưng với những người điếc hoàn toàn, việc sử dụng thiết bị này không có tác dụng, bắt buộc phải học và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp.

Biến chứng và tiên lượng

Mất thính giác gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bạn. Thậm chí là tiền đề gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, thể chất, tinh thần, xã hội, tài chính... Việc không thể nghe rõ, nghe tốt khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiếp thu và xử lý các nội dung, thông tin quan trọng do người khác truyền tải. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên đáng kể.

Người mất thính lực thường xuyên nhập viện do mất khả năng xử lý cảm giác, dễ bị té ngã. Đặc biệt, người cao tuổi mất thính lực có nguy cơ tử vong cao hơn so với người không bị mất thính lực.

Ngoài ra, việc mất đi thính lực còn khiến cho người bệnh có cảm giác bị cô lập, cô đơn và dễ rơi vào trầm cảm. Tăng nguy cơ mất trí nhớ và các chứng sa sút trí tuệ khác khi không còn thính giác.

Điều trị

Để điều trị mất thính lực hiệu quả, cần dựa vào kết quả chẩn đoán nguyên nhân và cấp độ nghiêm trọng. Có 2 phương pháp điều trị chính gồm:

Trợ thính

Máy trợ thính là thiết bị đeo ngoài hoặc bên trong tai nhằm khuếch đại âm thanh. Nhờ đó, giúp bạn nghe được các âm thanh nhỏ và vừa. Hiện nay, máy trợ thính được thiết kế đa dạng kiểu dáng và tính năng nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân khiếm thính.

Đeo máy trợ thính giúp hỗ trợ khả năng nghe cho những bệnh nhân không phục hồi thính lực

Điều trị bằng thuốc

Đối với những trường hợp mất thính lực đột ngột do nhiễm trùng có thể sử dụng thuốc để loại bỏ tổn thương, phục hồi thính lực. Một số loại thuốc thường dùng như:

  • Thuốc Corticoid: Dùng dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào màng nhĩ tai giữa. Đây là chọn lựa điều trị tốt đối với hầu hết các trường hợp mất thính lực do nhiễm trùng tai.
  • Thuốc giãn mạch: Giúp thúc đẩy lưu lượng máu đến ốc tai. Các loại thường dùng như histamin, papaverin, nicotinic acid, carbogen và niacin;
  • Các thuốc khác:
    • Thuốc tiêu sợi huyết;
    • Thuốc chống oxy hóa;
    • Thuốc tăng tuần hoàn;

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp mất thính lực dẫn truyền. Chẳng hạn như:

  • Phẫu thuật cấy ống thông khí và ống thính giác để dẫn lưu dịch ra ngoài;
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u trong tai do chứng u dây thần kinh âm thanh;
  • Phẫu thuật xơ cứng tai;

Phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử cũng là biện pháp điều trị mất thính lực được áp dụng phổ biến

Ngoài các phẫu thuật trên, phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất để điều trị mất thính lực. Ốc tai điện tử là thiết bị hiện đại nhằm có tác dụng kích thích dây thần kinh ốc tai. Cho phép bạn nghe và hiểu rõ âm thanh, xử lý thông tin hiệu quả hơn.

Một số biện pháp khác

Ngoài các biện pháp trên, với những trường hợp mất thính lực nhẹ do áp suất cao hoặc ráy tai nhiều có thể áp dụng các kỹ thuật điều trị đơn giản hơn như:

  • Liêu pháp oxy cao áp: Phương pháp này được đánh giá cao cho những trường hợp điếc đột ngột do môi trường áp suất cao. Bệnh nhân sẽ được chỉ định thở oxy 100% với áp xuất 250kPa liên tục trong vòng 1 tiếng để đạt kết quả tốt nhất.
  • Loại bỏ ráy tai: Nếu ráy tai tích tụ nhiều, không nên dùng tăm bông hay bất kỳ vật nhọn nào để đưa vào bên trong tai. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại thuốc loại bỏ ráy tai không kê đơn, thường là dạng thuốc nhỏ trực tiếp chứa các hoạt chất như glycerin, dầu khoáng, carbamide peroxide, nước muối, axit axetic... Hoặc đến bệnh viện để được xử lý loại bỏ ráy tai đúng cách, an toàn bằng phương pháp nội soi.

Phòng ngừa

Bất kỳ ai cũng có thể bị mất thính lực do nhiều nguyên nhân. Do đó, để giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực sau:

Điều chỉnh mọi âm thanh ở tần số vừa phải để giảm nguy cơ mất thính lực

  • Hạn chế tiếp xúc với những môi trường có nhiều tiếng ồn lớn và kéo dài liên tục.
  • Không nên xem tivi, nghe nhạc bằng loa với âm thanh lớn. Nếu đeo tai nghe chỉ nên nghe trong mức âm lượng trung bình, sử dụng tai nghe có nút giảm âm hoặc bịt tai.
  • Đeo tai nghe bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn.
  • Lấy ráy tai bằng tăm bông hoặc dụng cụ nhẹ nhàng, không nên lấy quá sâu.
  • Sau khi bơi xong phải đảm bảo loại bỏ hết nước ra khỏi tai.
  • Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Nhất là phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai.
  • Tiêm phòng vắc xin đầy đủ và tránh lạm dụng rượu, thuốc lá khi mang thai để tránh nguy cơ sinh con bị dị tật mất thính lực bẩm sinh.
  • Trẻ sơ sinh vừa chào đời nên thực hiện kiểm tra sàng lọc thính giác. Chỉ mất 5 - 10 phút giúp kiểm tra phản ứng tai, não của trẻ đối với âm thanh. Phát hiện sớm các bất thường và có hướng điều trị kịp thời.
  • Thăm khám ngay khi có các bất thường về thính lực bất thường như nghe kém, ù tai...

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị mất thính lực?

2. Tôi bị mất thính lực tạm thời hay vĩnh viễn?

3. Tình trạng mất thính lực của tôi có chữa trị được không?

4. Tôi nhiễm rubella khi mang thai có sinh con khiếm thính bẩm sinh không?

5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán mất thính lực?

6. Phương pháp điều trị mất thính lực tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Khi nào tôi nên phẫu thuật đặt ốc tai điện tử điều trị mất thính lực?

8. Tôi có nên đeo máy trợ thính không? Dùng loại nào tốt?

Mất thính lực không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe mà còn kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất, khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, tâm lý, xã hội. Do đó, hãy chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ mắc các biến chứng khó lường khác.

Ngày đăng 12:33 - 27/04/2023 - Cập nhật lúc: 12:34 - 27/04/2023
Chia sẻ:
Bệnh viêm họng
Bệnh viêm họng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Người bị viêm họng gặp phải những triệu chứng khó chịu ở cổ họng, khoang miệng, kèm…
Bệnh Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là một trong những dạng ung…
Lưỡi Bản Đồ
Lưỡi bản đồ là một dạng viêm lưỡi lành tính.…
Bệnh viêm thanh quản
Bệnh viêm thanh quản là một trong những vấn đề…
Bệnh Viêm Màng Nhĩ

Viêm màng nhĩ là bệnh nhiễm trùng phổ biến, thường xảy ra ở trẻ em do cấu trúc ống tai…

Hen suyễn Bệnh Hen Suyễn

Hen suyễn là bệnh mạn tính về đường hô hấp, chủ yếu là ở phổi. Bệnh xảy ra phổ biến…

Bệnh ho Bệnh Ho

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Nhưng ho quá nhiều có thể là dấu hiệu của cảm…

Bệnh Viêm Mủ Màng Phổi

Viêm mủ màng phổi là một trong những dạng nhiễm trùng phổi thường gặp do vi khuẩn hoặc biến chứng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua