Nghiến răng

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Nghiến răng là vấn đề sức khỏe răng miệng nhiều người mắc phải nhưng lại ít ai nhận biết, vì đa số xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ. Hầu hết những trường hợp nghiến răng được phát hiện đều chưa nghiêm trọng đến mức phải điều trị và chỉ kéo dài tạm thời. Tuy nhiên, nếu nghiến răng gây các biến chứng tổn thương răng, biến dạng hàm cần phải can thiệp điều trị bằng các biện pháp y tế thích hợp. 

Nghiến răng là tình trạng bạn nghiến chặt hai hàm răng với nhau trong vô thức, có thể đang tỉnh táo hoặc đang ngủ

Tổng quan

Nghiến răng (Bruxism) là tình trạng hai hàm răng nghiến chặt một cách vô thức. Đây là tình trạng nhiều người gặp phải và thường không phải bệnh lý, nhưng nếu nó xảy ra quá thường xuyên có thể được xem là tật nghiến răng, vì có thể gây ra các tổn thương liên quan như răng, cơ hàm, khớp thái dương hàm...

Theo thống kê, chứng nghiến răng ảnh hưởng đến khoảng 15% trẻ em và thanh thiếu niên, 8 - 10% ở người lớn. Nam giới và nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh gần như nhau. Các tác nhân được cho là có liên quan đến tật nghiến răng như căng thẳng quá mức, lạm dụng chất kích thích, rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về sức khỏe răng miệng...

Phân loại

Nghiến răng có 2 loại được phân chia dựa vào thời điểm xảy ra, bao gồm:

  • Nghiến răng lúc tỉnh táo: Là tình trạng bạn nghiến chặt 2 hàm răng trong vô thức nhưng vẫn tỉnh táo. Thường liên quan đến các cảm giác như căng thẳng, tức giận, lo lắng hoặc tập trung quá mức vào một việc gì đó.
  • Nghiến răng khi ngủ: So với nghiến răng lúc tỉnh táo thì dạng nghiến răng này có hại hơn, vì bạn nghiến chặt răng trong suốt thời gian ngủ mà không hề nhận ra. Về lâu dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như đau răng, mòn răng, đau đầu, tổn thương nướu, hàm...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây ra tật nghiến răng vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng có nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này. Bao gồm:

Căng thẳng, lo lắng hoặc tức giận quá mức tạo áp lực thần kinh gây ra chứng nghiến răng

  • Rối loạn giấc ngủ: Những người mắc các rối loạn giấc ngủ như chứng ngưng thở, ngủ ngáy... thường có nguy cơ phát triển kèm theo tật nghiến răng cao hơn những người có giấc ngủ bình thường.
  • Tổn thương não: Các chuyên gia thần kinh cũng khẳng định rằng những tổn thương não hoặc các bệnh thần kinh cơ cũng có thể gây ra nghiến răng.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine... sử dụng quá mức có thể gây ra chứng nghiến răng.
  • Các vấn đề về răng: Răng mọc lệch, lệch khớp cắn, sâu răng, sứt mẻ,... đều góp phần gây ra chứng nghiến răng.
  • Các yếu tố về lối sống sinh hoạt: Những người có thói quen hút thuốc, nghiện rượu và lạm dụng caffein cũng góp phần phát triển chứng nghiến răng.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Chứng nghiến răng cũng có thể phát triển như một dấu hiệu của các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh Parkinson, bệnh Hungtington...
  • Một số yếu tố rủi ro khác:
    • Di truyền;
    • Phụ thuộc vào tính cách, những người năng động thường dễ mắc tật nghiến răng hơn;
    • Stress;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng nghiến răng thường xuất hiện trong lúc vô thức, nhất là vào ban đêm nên rất khó để bạn có thể nhận biết bản thân đang mắc phải tình trạng này. Nhưng về cơ bản, khi một người mắc tật nghiến răng sẽ có các triệu chứng sau:

Những dấu hiệu cho thấy bạn mắc tật nghiến răng như ê buốt, đau răng, đau mặt, đau hàm hoặc đau đầu sau khi thức dậy

  • Phát ra âm thanh ken két;
  • Ê buốt răng;
  • Gián đoạn giấc ngủ;
  • Đau đầu, đau mặt, nhất là vào buổi sáng;
  • Đau răng, mòn răng, gãy răng;
  • Đau hàm sau khi ăn;

Chẩn đoán

Nếu phát hiện bản thân có những dấu hiệu trên, hãy chủ động đến bệnh viện nha khoa để thăm khám và kiểm tra răng, hàm. Từ những đánh giá lâm sàng triệu chứng, khai thác thông tin về thói quen vệ sinh răng miệng, tiền sử dùng thuốc, lối sống sinh hoạt, giấc ngủ... để đưa ra kết luận về việc bạn có bị mắc tật nghiến răng hay không.

Đồng thời, kết hợp hình ảnh chụp X quang răng, hàm sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến chứng nghiến răng. Trường hợp cần thiết có thể thực hiện thử nghiệm đa ký giấc ngủ để góp phần xác nhận chẩn đoán chính xác về tật nghiến răng.

Biến chứng và tiên lượng

Đối với hầu hết các trường hợp bị nghiến răng đều không quá nghiêm trọng, không gây biến chứng nào quá nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp nghiến răng liên tục trong quãng thời gian dài có thể gây ra các hệ lụy sau:

Nghiến răng trong thời gian dài khiến người bệnh đau nhức dai dẳng, thậm thí làm thay đổi cấu trúc khuôn mặt

  • Mệt mỏi kéo dài do bị ảnh hưởng bởi những cơn đau nhức như đau răng, đau hàm, đau đầu, đau mắt...;
  • Rối loạn hoặc viêm khớp thái dương hàm gây đau nhức và khó khăn đóng mở miệng, ăn nhai;
  • Thay đổi cấu trúc và diện mạo khuôn mặt;

Hầu hết các trường hợp nghiến răng dù ở trẻ em hay người lớn đều có thể kiểm soát tốt thông qua các biện pháp phù hợp. Do đó, hãy chủ động thăm khám nha khoa càng sớm càng tốt và tập trung điều trị theo kế hoạch do bác sĩ chỉ định để đạt hiệu quả cao.

Điều trị

Đối với đa số các trường hợp, điều trị nghiến răng là không cần thiết. Vì thường ở trẻ em hoặc nhiều người lớn, nghiến răng chỉ dừng lại ở mức nhẹ, tạm thời và không xuyên suốt nên chưa cần điều trị y tế. Nhưng ngược lại, với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị can thiệp nhằm giảm tần suất nghiến răng và ngăn ngừa các biến chứng về răng, hàm.

Có nhiều phương pháp điều trị can thiệp chứng nghiến răng, chẳng hạn như:

Có nhiều phương pháp điều trị chứng nghiến răng như dùng thuốc, dụng cụ bảo vệ răng và kiểm soát stress

  • Dùng thuốc: Những trường hợp bệnh nhân đau nhức quá mức do nghiến răng, có thể được kê toa dùng thuốc giãn cơ hoặc thuốc chống trầm cảm để cải thiện các triệu chứng liên quan. Một số trường hợp có thể tiêm botox giúp thư giãn các cơ ở hàm và giảm triệu chứng nghiến răng.
  • Điều trị nha khoa: Nếu chứng nghiến răng xuất phát từ các vấn đề răng miệng, khớp hàm... cần can thiệp điều trị nha khoa sớm, triệu chứng nghiến răng sẽ tự động biến mất. Một số biện pháp cụ thể như:
    • Đeo nẹp và dụng cụ bảo vệ miệng: Giúp giảm thiểu tối đa áp lực của việc nghiến răng giúp giảm tổn thương cho răng và hàm. Bạn có thể sử dụng được cả lúc thức lẫn khi ngủ.
    • Chỉnh răng: Trong những trường hợp răng không mọc lệch, sai khớp cắn hoặc không còn khả năng nhai cần phải tiến hành điều trị chỉnh răng, sửa chữa vị trí bị hư hỏng.
  • Các biện pháp hỗ trợ cải thiện nghiến răng: Một số cách hữu ích giúp bạn ngăn ngừa chứng nghiến răng, chẳng hạn như:
    • Kiểm soát stress: Căng thẳng là nguyên nhân phổ biến gây ra nghiến răng. Do đó, hãy giữ cho bản thân luôn trong trạng thái thư giãn, thoải mái, tránh xa stress hết mức có thể để tật nghiến răng không có cơ hội phát triển. Có nhiều hình thức giảm stress đơn giản mà hiệu quả bạn có thể tham khảo như tập yoga, thiền định, hít thở sâu...
    • Trị liệu hành vi: Các chuyên gia đã khẳng định rằng, một số liệu pháp trị liệu tâm lý hành vi cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng nghiến răng. Trong đó, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là phương pháp được áp dụng nhiều nhất để kiểm soát căng thẳng, giảm triệu chứng nghiến răng.
    • Liệu pháp phản hồi sinh học: Phương pháp này sử dụng một loại thiết bị cảm biến điện tử đặt lên nhiều vùng khác nhau của cơ thể. Chúng có nhiệm vụ theo dõi phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể thông qua trạng thái căng thẳng, nhắc nhở cơ thể phải kiểm soát hoạt động của cơ hàm, giảm tần suất nghiến răng.
  • Điều trị các rối loạn liên quan: Ngoài các biện pháp trên, còn có một số biện pháp điều trị khác dành cho một số rối loạn liên quan đến tật nghiến răng, bao gồm:
    • Đổi thuốc: Trong trường hợp nghiến răng khởi phát do tác dụng phụ của một số loại thuốc đặc trị, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định đổi thuốc, thay bằng một loại thuốc khác có tác dụng tương tự.
    • Xử lý các vấn đề về giấc ngủ: Tình trạng ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy... đều có thể xử lý được bằng cách sử dụng máy thở oxy cao áp lực lương liên tục qua đường mũi hoặc các thay đổi về lối sống, sinh hoạt, ăn uống...
    • Điều trị các bệnh lý tiềm ẩn: Tập trung điều trị dứt điểm các bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng nghiến răng.
  • Chăm sóc hỗ trợ: Một số mẹo đơn giản tại nhà giúp giảm triệu chứng đau nhức và cảm giác khó chịu do nghiến răng gây ra gồm:
    • Chườm ấm;
    • Tránh ăn các loại thức ăn cứng;
    • Tuyệt đối không nhai những thứ không phải thực phẩm như bút chì, đá và cũng hạn chế nhai kẹo cao su liên tục hàng ngày;
    • Áp dụng các kỹ thuật thư giãn, massage, xoa bóp;

Phòng ngừa

Các mẹo tích cực dưới đây có thể giúp bạn cải thiện hoặc phòng ngừa chứng nghiến răng:

  • Giảm căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn cơ bản như nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc, yoga, thiền, tập các bài tập hít thở sâu...
  • Tránh xa các chất kích thích có hại cho thai kỳ như ma túy, rượu bia, thuốc lá...
  • Thăm khám và điều trị dứt điểm các vấn đề nha khoa mà bạn đang mắc phải như gãy răng, mất răng, răng lệch lạc, lệch khớp hàm...
  • Kiểm tra nha khoa định kỳ để sớm phát hiện các tổn thương răng ngay từ sớm, tránh khỏi những tổn thương lâu dài.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi hay bị đau răng, đau hàm, đau đầu, nhức mắt sau khi ngủ dậy?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc phải tật nghiến răng?

3. Tình trạng nghiến răng kéo dài có gây ra ảnh hưởng lâu dài nào không?

4. Có những phương pháp điều trị nào để khắc phục tình trạng nghiến răng?

5. Bị nghiến răng nhiều có nên dùng thuốc không?

6. Tôi có nên đeo nẹp bảo vệ răng khi ngủ hay không?

7. Tôi cần làm gì để cải thiện triệu chứng tại nhà và ngăn ngừa tái phát tật nghiến răng?

Nghiến răng tuy là tình trạng phổ biến nhưng nếu kéo dài quá lâu không thuyên giảm có thể gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe răng miệng, thậm chí biến dạng hàm và thay đổi cấu trúc khuôn mặt. Do đó, ngay từ khi thời gian đầu phát hiện các dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng thăm khám nha khoa để được kiểm tra và tư vấn hướng điều trị, khắc phục tốt nhất, ngăn chặn các biến chứng rủi ro về sau.

Ngày đăng 16:41 - 24/07/2023 - Cập nhật lúc: 16:41 - 24/07/2023
Chia sẻ:
Lệch khớp cắn
Lệch khớp cắn xảy ra khi răng hàm trên và răng hàm dưới không khít đều với nhau mà xuất hiện các khiếm khuyết không cân xứng. Tình trạng này…
Bệnh Sâu răng
Sâu răng là hậu quả của việc nhiễm trùng do…
Bệnh Bạch Sản
Bạch sản là một dạng sang thương đặc trưng với…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua