Bệnh thoái hóa cột sống
Bệnh thoái hóa cột sống thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên hiện nay bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Triệu chứng do thoái hóa cột sống gây ra ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khỏe. Trường hợp không điều trị có thể phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan
Bệnh thoái hóa cột sống là một trong những vấn đề xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Đây là tình trạng lão hóa cột sống tự nhiên, khiến phần đĩa đệm, sụn khớp dần bị mài mòn, mất nước gây ra các cơn đau nhức khó chịu ở cột sống.
Trong giai đoạn cơ thể lão hóa, nhiều vấn đề sức khỏe hình thành, trong đó có thoái hóa cột sống. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân bị thoái hóa cột sống khi còn trẻ cũng không ngừng gia tăng. Cảnh báo xu hướng bệnh xương khớp từ sớm tăng vọt, điều này gây ảnh hưởng chất lượng đời sống của nhiều người trẻ.
Phân loại
Bệnh thoái hóa cột sống được phân thành 3 loại dựa vào vị trí thoái hóa người bệnh gặp phải. Cụ thể:
- Thoái hóa cột sống cổ: Tình trạng đốt sống cổ bị thoái hóa xảy ra phổ biến, nhiều bệnh nhân mắc phải. Từ C1-C7 tương ứng với 7 đốt ống có thể bị tổn thương, thoái hóa ở bất kỳ vị trí nào. Do đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là nâng đỡ phần đầu, điều khiển vận động, giữ thăng bằng và liên kết dây thân kinh, khi đốt sống cổ bị chấn thương sẽ gây ra không ít rủi ro cho bệnh nhân.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng: Cột sống thắt lưng có 5 đốt sống là L1 đến L5. Khi bị thoái hóa khu vực này, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong cử động, ảnh hưởng đến hai chân, gây cứng cột sống và làm cơ thể không giữ thăng bằng.
- Thoái hóa cột sống ngực: Đây cũng là một loại thoái hóa thường gặp. Tuy nhiên so với hai trường hợp kể trên, tình trạng thoái hóa đốt sống ngực ít xảy ra hơn. Thế nhưng nếu bệnh xuất hiện không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng. Chẳng hạn hẹp ống sống lưng, chèn ép tủy sống, dây thần kinh và nhiều vấn đề khác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thoái hóa cột sống thường xảy ra do tuổi tác, tuy nhiên cũng có rất nhiều yếu tố khác tác động khiến bệnh lý này xuất hiện ngay cả người trẻ. Khi cột sống bị tổn thương đĩa đệm, vòng sợi hoặc dây chằng sẽ làm cấu trúc cột sống thay đổi theo.
Dưới đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh thoái hóa cột sống chính:
- Thoái hóa xương khớp tự nhiên do tuổi tác.
- Ảnh hưởng khi chấn thương cột sống do tai nạn, chấn thương khi tham gia giao thông, chơi thể thao, té ngã, khiêng vác nặng,... Tuy nhiên tình hình lại không được kiểm soát phù hợp.
- Ảnh hưởng bởi tính chất công việc, thường xuyên ngồi một chỗ quá lâu, đứng một chỗ, khuân vác nặng.
- Do thói quen sống không lành mạnh ảnh hưởng đến chất lượng xương khớp. Chẳng hạn lười vận động, thường xuyên hút thuốc lá, uống bia rượu hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
- Ăn uống không đảm bảo, thiếu hụt dưỡng chất cũng là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề xương khớp, trong đó có tình trạng thoái hóa sớm.
- Liên quan đến các bệnh lý xương khớp khác, do bẩm sinh, xuất hiện khối u cột sống,...
Nhận biết dấu hiệu bất thường, thăm khám và tìm nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bệnh nhân có điều kiện phục hồi hiệu quả. Dựa trên mức độ thoái hóa, các điều chỉnh cần thiết sẽ được tiến hành nhằm ngăn chặn rủi ro và giúp bệnh nhân khắc phục triệu chứng, ổn định và duy trì chức năng cột sống.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh thoái hóa cột sống gây ra các triệu chứng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết tương ứng với từng trường hợp thoái hóa:
- Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ
- Giai đoạn đầu chưa gây ra nhiều triệu chứng, bệnh nhân khó nhận biết.
- Sau khi bệnh tiến triển, thoái hóa gây đau nhức, cứng phần cổ khiến bệnh nhân khó xoay chuyển cổ. Đặc biệt, tình trạng cứng cổ thường xuất hiện khi bệnh nhân mới ngủ dậy.
- Cơn đau cứng cổ diễn ra trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, sau đó bắt đầu lan ra các vùng khác như cánh tay, vai.
- Chèn ép dây thần kinh khiến cơn đau lan rộng lên vùng đầu, trán, vùng chẩm. Bả vai tê bì, dọc theo cả cánh tay khiến bệnh nhân khó cầm nắm như bình thường.
- Kèm theo các biểu hiện tại cột sống cổ, bệnh nhân còn gặp phải các biểu hiện khác như ngáp, nấc cục thường xuyên, choáng váng, chóng mặt.
- Triệu chứng thoái hóa cột sống thắt lưng
- Đau vùng giữa lưng dọc lên trên, xuống dưới.
- Dây thần kinh bị ảnh hưởng dẫn đến việc đau mạn sườn, đau dọc xuống hai chi dưới.
- Người bệnh gặp khó khăn khi đi đại tiện, đôi khi thoái hóa nặng còn dẫn đến mất tự chủ đại, tiểu tiện do ảnh hưởng đến ruột và bàng quan, khiến các cơ quan này bị rối loạn hoạt động.
- Triệu chứng thoái hóa cột sống ngực
- Đau nhức vùng thắt lưng, gây cứng khớp.
- Khó khăn khi người bệnh chuyển động vùng lưng.
- Ảnh hưởng thoát vị đĩa đệm cột sống lưng đến tay, chân, gây tê bì kém linh hoạt.
- Đau nhức kèm theo hiện tượng co thắt cơ bắp, mất thăng bằng, đau đầu.
- Tương tự trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống ngực, trường hợp cột sống thắt lưng bị thoái hóa nặng gây rối loạn hoạt động của bàng quang và ruột.
Khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường kể trên, bệnh nhân tốt hơn hết nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Thăm khám sớm để kịp thời có phương án kiểm soát, phòng bệnh biến chứng.
Chẩn đoán
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như:
- Chụp X quang
- Siêu âm nội soi khớp
- Xét nghiệm dịch khớp
Sau khi có kết quả chẩn đoán, nhận diện bệnh lý, mức độ tổn thương cột sống để có biện pháp điều trị tương ứng.
Biến chứng và tiên lượng
Thoái hóa cột sống gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh. Không những thế, nếu không điều trị kiểm soát, thoái hóa cột sống có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Cụ thể:
- Gai cột sống: Gai xương cột sống hình thành khiến các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cơn đau buốt từ cổ, thắt lưng sẽ lan rộng ra các vị trí khác. Người bệnh bị đau đớn, tê bì chân tay ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sức khỏe.
- Đau dây thần kinh tọa: Dây thần kinh bị chèn ép ngày càng nghiêm trọng. Đây là một trong những biến chứng thường gặp nếu thoái hóa cột sống trở nặng.
- Biến dạng cột sống: Cột sống tổn thương kéo dài khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ biến dạng cột sống. Người trưởng thành bị cong vẹo cột sống do thoái hóa lâu ngày kéo theo nhiều biến chứng khác.
- Các biến chứng khác: Người bị thoái hóa cột sống có thể gặp phải nhiều biến chứng khác nếu bệnh kéo dài. Chẳng hạn thoát vị đĩa đệm, rối loạn dây thần kinh thực vật, rối loạn tiền đình, đau nhức đầu, bại liệt,...
Vì những biến chứng nguy hiểm kể trên, bệnh nhân nên được khám và chữa trị sớm. Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ tương ứng với hiện tượng thoái hóa mà bệnh nhân đang gặp phải.
Điều trị
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định giải pháp điều trị cho bệnh nhân. Dưới đây là các hướng chữa bệnh thoái hóa cột sống được áp dụng phổ biến:
Dùng thuốc
Các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh thoái hóa cột sống kể đến như:
- Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroids
- Thuốc chống thoái hóa cột sống dạng kem bôi giúp giảm đau
- Thuốc tiêm màng cứng, thuốc giãn cơ cột sống
- Thuốc chống trầm cảm cho những trường hợp cần thiết
Người bệnh có thể được chỉ định thêm các loại thuốc khác điều trị thoái hóa cột sống. Bệnh nhân cần tuân thủ liều dùng thuốc để đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro gặp tác dụng phụ hoặc phản ứng tương tác hại sức khỏe.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là biện pháp can thiệp chuyên sâu, xâm lấn loại bỏ tổn thương cột sống, cân chỉnh cột sống bị thoái hóa cho người bệnh. Áp dụng phẫu thuật khi các giải pháp can thiệp khác không còn mang lại hiệu quả tích cực.
Bệnh nhân được kiểm tra, chẩn đoán thận trọng trước khi phẫu thuật nhầm giảm rủi ro cho người bệnh. Phương pháp giúp ngăn chặn biến chứng, điều trị tổn thương tại chỗ. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải là biện pháp điều trị bệnh hoàn toàn.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được vận dụng kết hợp thời gian dùng thuốc hoặc sau phẫu thuật hỗ trợ bệnh nhân sớm quay trở lại sinh hoạt bình thường. Các biện pháp thường được áp dụng như vận động trị liệu, diện chẩn, cấy chỉ trị liệu hoặc sử dụng sóng cao tần, tia hồng ngoại, kéo giãn cột sống và nhiều biện pháp khác.
Thực hiện vật lý trị liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, các phòng vật lý trị liệu phục hồi chức năng chất lượng. Điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thông báo với bác sĩ nếu trong thời gian điều trị bệnh nhân gặp phải bất kỳ dấy hiệu bất thường nào để được hỗ trợ.
Phòng ngừa
Bệnh thoái hóa cột sống có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không khám chữa trị bằng giải pháp phù hợp. Ngoài ra, chủ trương phòng bệnh từ đầu cũng được các chuyên gia khuyến khích. Một vài lưu ý kể đến như:
- Phòng bệnh thoái hóa sớm bằng cách xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm chứa canxi, vitamin D, collagen,... Hạn chế rượu bia, thuốc lá, các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
- Xây dựng thói quen tập thể dục, vận động cơ thể tăng cường lưu thông máu, giúp cơ thể dẻo dai, ngăn nguy cơ lão hóa xương khớp sớm.
- Điều chỉnh tư thế ngồi, đứng để tránh ảnh hưởng cột sống. Tốt nhất bạn đọc không ngồi hoặc đứng một chỗ trong thời gian dài.
- Tránh thực hiện các động tác vặn người, xoay chuyển quá đột ngột ảnh hưởng đến xương cột sống.
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế căng thẳng, stress trong thời gian dài.
- Đối tượng mắc bệnh xương khớp hoặc các bệnh liên quan trước đó nên theo dõi y tế và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thăm khám sức khỏe, kiểm tra tổng quát để phát hiện sớm bất thường và điều trị ngăn nguy cơ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Thoái hóa cột sống uống thuốc có hết không?
2. Bị thoái hóa cột sống có tập thể dục được không?
3. Nên ăn gì và không ăn gì khi bị thoái hóa cột sống?
4. Tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng khi nào thì phù hợp?
5. Bệnh thoái hóa cột sống có chữa dứt điểm được không?
6. Thoái hóa cột sống có cần phẫu thuật không?
7. Bị thoái hóa cột sống có chạy bộ, đạp xe được không?
8. Uống sữa gì tốt cho người bệnh thoái hóa cột sống?
Bệnh thoái hóa cột sống có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được thăm khám và điều trị. Do đó, nếu bạn nhận thấy cơ thể có biểu hiện nghi ngờ nên chủ động đến gặp bác sĩ để được khám, chữa trị sớm, phòng rủi ro biến chứng.