Giãn Ống Dẫn Sữa

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Giãn ống dẫn sữa là mối lo ngại của không ít chị em phụ nữ bước vào độ tuổi mãn kinh. Bệnh lý này khiến bầu ngực sưng đau khó chịu, rỉ dịch nhiễm trùng cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe bất thường khác. Tuy bệnh không thể phát triển thành ung thư nhưng tốt nhất vẫn nên thăm khám, điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. 

Giãn ống dẫn sữa xảy ra khi một hoặc nhiều ống dẫn sữa dưới núm vú bị giãn rộng

Tổng quan

Giãn ống dẫn sữa (Mammary duct ectasia) hay còn gọi là giãn ống tuyến vú. Xảy ra khi tuyến vú bị giãn rộng và dày thành ống dẫn sữa, khiến ống dẫn sữa bị tắc nghẽn và tích tụ chất lỏng.

Đây là vấn đề sức khỏe tuyến vú lành tính, không phải ung thư. Xuất hiện phổ biến ở phụ nữ sắp mãn kinh hoăc sau mãn kinh. Bệnh lý này không nghiêm trọng, tuy nhiên lại ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bầu vú của người phụ nữ được cấu tạo với hệ thống mạng lưới các ống dẫn sữa và mô liên kết phức tạp. Do đó, rất khó để biết chính xác nguyên nhân gây giãn ống dẫn sữa. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh giãn ống dẫn sữa như:

Các mô vú thay đổi do lão hóa làm tăng nguy cơ gây bệnh giãn ống dẫn sữa

  • Lão hóa: Những rối loạn nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể khiến các mô vú thay đổi. Chính những thay đổi này gây ra tình trạng giãn ống dẫn sữa bất thường.
  • Tụt núm vú: Núm vú bị thụt vào bên trong làm thay đổi cấu trúc ống dẫn sữa, tăng nguy cơ tắc nghẽn gây giãn ống dẫn sữa.
  • Nghiện hút thuốc: Những người hút thuốc lá thường xuyên rất dễ gặp phải tình trạng ống dẫn sữa bị giãn rộng, thậm chí viêm nhiễm do nồng độ chất nicotine cao. Theo thống kê, nhóm người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với những người không hút.
  • Thừa cân - béo phì: Những người có trọng lượng và thân hình quá khổ thường có nguy cơ mắc chứng giãn ống dẫn sữa.
  • Thiếu hụt dưỡng chất: Ăn uống không phù hợp, thiếu hụt dưỡng chất, nhất là vitamin A cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh lý này.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Chị em phụ nữ bị giãn ống dẫn sữa có thể có hoặc không xuất hiện triệu chứng. Trong trường hợp bệnh biểu hiện ra ngoài sẽ gặp các triệu chứng như:

Giãn ống dẫn sữa gây ra các dấu hiệu điển hình như sưng đau, nóng đỏ ngực, tụt núm vú và rỉ dịch

  • Đau tức ngực;
  • Núm vú, bầu vú nhạy cảm ngay cả khi không chạm vào;
  • Đỏ vùng da ngực;
  • Sờ thấy khối u dưới da;
  • Núm vú bị thụt vào trong;
  • Đầu núm vú rỉ dịch xanh, đen ở 1 hoặc cả 2 bên vú (dấu hiệu nhiễm trùng);

Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng này sẽ dần thuyên giảm và tự khỏi. Tuy nhiên, trường hợp vú sưng tấy, đỏ đau dai dẳng trong thời gian dài và có xu hướng tăng nặng hơn, nghi ngờ nhiễm trùng nặng hãy đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Chẩn đoán 

Bệnh nhân giãn ống dẫn sữa thường đi khám với tình trạng bầu vú sưng tấy và đau nhức bất thường, kèm theo rỉ dịch nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng và chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng sau:

  • Siêu âm vú: Kỹ thuật này giúp bác sĩ xác định vùng vú bị tổn thương và đánh giá tình trạng hoạt động của ống dẫn sữa.
  • Chụp nhũ ảnh: Là phương pháp chụp X quang tuyến vú, cho phép quan sát hình ảnh bên trong vú và phát hiện các bất thường.
  • Sinh thiết: Mẫu mô vú được lấy nhờ kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ FNA, sau đó mang đi sinh thiết, quan sát dưới kính hiển vi. Hoặc trường hợp núm vú tiết dịch nhầy lẫn máu, có thể dùng mẫu bệnh phẩm này để mang đi xét nghiệm.

Biến chứng và tiên lượng

Thông thường, giãn ống dẫn sữa là tình trạng lành tính, không có khả năng ung thư hóa và không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, trong đợt tiến triển, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng sau:

  • Núm vú rỉ dịch thường xuyên gây ẩm ướt bầu vú, gây cảm giác ngứa ngáy trên da, làm bẩn quần áo;
  • Cảm giác đau nhức, sưng tấy quanh núm vú ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày, nhất là khi vận động nặng;
  • Viêm nhiễm ống dẫn sữa, nhiễm trùng lan rộng, tổn thương mô và tăng nguy cơ hình thành áp xe;

Tiên lượng về bệnh giãn ống dẫn sữa tương đối tốt ở hầu hết các trường hợp. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khuyến cáo chị em vẫn nên thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị phù hợp.

Điều trị

Chăm sóc tại nhà

Đa phần các trường hợp giãn ống dẫn sữa ở chị em phụ nữ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Hoặc chỉ cần điều trị tại nhà bằng các phương pháp đơn giản sau để cải thiện triệu chứng:

  • Đắp gạc ấm lên ngực giúp giảm cảm giác sưng, đau;
  • Hạn chế mặc áo ngực hoặc nếu mặc nên đặt miếng gạc y tế bên trong áo ngực để thấm dịch;
  • Nằm ngủ nghiêng sang bên vú không sưng đau;
  • Vệ sinh vú nhẹ nhàng, nhất là khi núm vú rỉ dịch để giảm nhiễm trùng lan rộng;

Điều trị bằng thuốc

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau các biện pháp chăm sóc tích cực này, hãy thăm khám bác sĩ để được chỉ định điều trị bằng các biện pháp y tế phù hợp. Dùng thuốc là phương pháp điều trị ưu tiên đối với bệnh giãn ống dẫn sữa, gồm các loại thuốc phổ biến sau:

Dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng do giãn ống dẫn sữa

  • Thuốc kháng sinh: Tùy mức độ nhiễm trùng ống dẫn sữa nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh với liều dùng phù hợp. Thời gian dùng kháng sinh thường kéo dài từ 10 - 14 ngày. Lưu ý, khi sử dụng thuốc kháng sinh, chị em cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng, không tự ý ngưng thuốc hay tăng/ giảm liều khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn thường dùng như paracetamol, acetaminophen, ibuprofen...

Can thiệp ngoại khoa 

Rất hiếm trường hợp bị giãn ống dẫn sữa được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật có thể được thực hiện nhằm loại bỏ khối áp xe nhiễm trùng trong vú, cắt bỏ các vi mô hoại tử hoặc cắt bỏ tất cả ống dẫn sữa bị giãn ra khỏi vú.

Bệnh nhân thường được gây mê toàn thân trong quá trình phẫu thuật. Giai đoạn hậu phẫu, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc vết mổ, dinh dưỡng đầy đủ để sớm phục hồi bệnh.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ mắc bệnh giãn ống dẫn sữa, chị em phụ nữ cần chú ý thực hiện các vấn đề sau:

Lối sống lành mạnh và khoa học giúp chị em phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh giãn ống dẫn sữa

  • Ăn uống đầy đủ, kết hợp tập thể dục đều đặn hàng ngày giúp nâng cao đề kháng, tăng cường sức khỏe chung, phòng ngừa mọi bệnh tật.
  • Duy trì cân nặng phù hợp, ngăn ngừa thừa cân béo phì.
  • Phụ nữ sắp hoặc đã bước vào độ tuổi mãn kinh cần có lối sống lành mạnh, bổ sung vitamin cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường và các bệnh lý nền bằng cách thăm khám định kỳ thường xuyên.
  • Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để ngăn ngừa sự phát triển của các vấn đề về tuyến vú, bao gồm cả giãn ống dẫn sữa.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên bị sưng đau đỏ ngực, vú rỉ dịch có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán giãn ống dẫn sữa?

3. Lý do tại sao tôi mắc bệnh giãn ống dẫn sữa?

4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

5. Bệnh giãn ống dẫn sữa có tự khỏi không?

6. Tôi nên dùng thuốc gì để điều trị giãn ống dẫn sữa?

7. Mất bao lâu tôi có thể khỏi hẳn bệnh giãn ống dẫn sữa?

8. Bệnh có tái phát sau điều trị hay không?

Giãn ống dẫn sữa xảy ra không có dấu hiệu khiến việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, chị em phụ nữ khi bước vào độ tuổi mãn kinh nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh liên quan đến tuyến vú để phát hiện sớm các bất thường và điều trị kịp thời, phòng ngừa những hệ lụy khó lường về sau.

Ngày đăng 13:46 - 11/05/2023 - Cập nhật lúc: 13:48 - 11/05/2023
Chia sẻ:
Bệnh Cường Giáp
Cường giáp là một dạng rối loạn miễn dịch gây tăng sinh hormone tuyến giáp quá mức cần thiết. Phát hiện và điều trị cường giáp càng trễ càng làm…
Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm
Đổ mồ hôi trộm là tình trạng hay xảy ra…
Bệnh Hạ Canxi Máu
Hạ canxi máu xảy ra khi mức canxi trong máu…
Bệnh Rối Loạn Nội Tiết Tố
Rối loạn nội tiết tố là tình trạng mất cân…
Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát)

Bệnh Addison là bệnh lý khá hiếm gặp. Xảy ra khi cơ thể không sản sinh đủ lượng homorme cần…

Biến chứng do hội chứng cushing Hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing được mô tả là tình trạng cơ thể dư thừa hormone cortisol trong thời gian dài. Điều…

Bệnh Bướu Cổ

Bướu cổ là một dạng tổn thương tuyến giáp, xảy ra khi tuyến này phát triển lớn hơn bình thường.…

Bệnh U Tuyến Yên

U tuyến yên là khối u lành tính (không phải ung thư). Tuy không có khả năng lây lan nhưng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua