Bệnh Bạch Sản

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Bạch sản là một dạng sang thương đặc trưng với các màng trắng dày ở lưỡi và miệng. Bệnh có thể lành tính hoặc ác tính hóa chuyển sang ung thư rất nguy hiểm. Nam giới hút thuốc lá và nghiện các chất kích thích là yếu tố hàng đầu gây ra bệnh. Điều trị bạch sản chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng, loại bỏ tổn thương và theo dõi dự phòng tái phát. 

Tổng quan

Bạch sản (Leukoplakia) là tình trạng xuất hiện các mảng trắng dày, có giới hạn rõ và dính chặt, không cạo tróc được. Đây là hậu quả của tình trạng tăng sinh quá mức các lớp biểu mô phủ, một số trường hợp còn kèm theo tăng sừng, gai. Vị trí xuất hiện chủ yếu ở niêm mạc miệng, má, lưỡi... Các biểu mô này có xu hướng chuyển hóa sang dạng nghịch sản và carcinôm tại chỗ bất thường.

Bạch sản là các mảng trắng dày đồng đều xuất hiện ở lưỡi, miệng và có xu hướng ác tính hóa

Bệnh có trường hợp lành tính hoặc ác tính tùy từng trường hợp. Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bạch sản, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng căn bệnh này có liên quan đến các yếu tố như nghiện rượu bia, thuốc lá, chất kích thích...

Vì đặc trưng tổn thương của bạch sản là tiền ung thư nên vẫn có phần trăm tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư (khoảng 5 - 6%). Do đó, tuyệt đối không nên chủ quan, tốt nhất nên chủ động thăm khám và làm sinh thiết để chẩn đoán bệnh chính xác, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Phân loại

Dựa vào tiến triển và mức độ của bệnh, bạch sản được chia làm 2 dạng chính gồm:

Bệnh bạch sản được phân chia làm nhiều loại dựa vào tính chất, tiến triển và đặc điểm tổn thương

  • Thể đồng nhất: Thể bạch sản này có các tổn thương đặc trưng như: xuất hiện các mảng màu trắng, bề mặt nhẵn hoặc có gờ rõ rệt, trong suốt đồng nhất.
  • Thể không đồng nhất: Là các mảng niêm mạc tổn thương màu trắng hoặc đỏ, hồng, kèm theo các nốt sần sùi hoặc phẳng bề mặt. So với thể đồng nhất, thể bạch sản không đồng nhất được đánh giá nguy hiểm hơn, tỷ lệ tiến triển thành ung thư cao gấp 7 lần.

Ngoài ra, bạch sản còn có 2 dạng nhỏ được phân loại dựa vào căn nguyên. Bao gồm:

  • Thể bạch sản mụn cóc tăng sinh (PVL): Thể bệnh này còn được gọi là u nhú hoa, là một dạng bạch sản ở miệng khá hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy bệnh có liên quan mật thiết với sự tồn tại và phát triển của virus herpes Eptesin Barr. Thể này thường được chẩn đoán vào giai đoạn muộn của bạch sản, do bệnh cần có thời gian để lây lan sang nhiều vị trí khác trong cơ thể. Thể bệnh này có tỷ lệ tái phát khá cao sau điều trị.
  • Thể bạch sản lông ở miệng: Thể bệnh này cũng được ghi nhận do virus Epstein Barr gây ra. Chủ yếu khởi phát ở những người có hệ miễn dịch yếu kém do bẩm sinh, rối loạn tự miễn hoặc các bệnh lý khác. Tổn thương đặc trưng của bệnh là những mảng lông trắng, có nếp gấp da bên dưới. Chúng xuất hiện chủ yếu ở lưỡi và nhiều bộ phận khác trong miệng. Thể bệnh ít ghi nhận có tiến triển thành ung thư.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh bạch sản. Nhưng nhiều giả thuyết khoa học cho rằng bệnh có liên quan mật thiết đến các yếu tố sau:

Thuốc lá là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra bạch sản

  • Nghiện thuốc lá thông qua hút, nhai hoặc hít khói thuốc
  • Uống nhiều rượu bia;
  • Những người có thói quen nhai trầu cau;
  • Hay cắn vào má hoặc lưỡi do răng mọc khấp khểnh;
  • Do nhiễm virus;

Ngoài ra, một số ít trường hợp bạch sản được phát hiện nhưng không tìm ra nguyên nhân được gọi là bạch sản vô căn hoặc bạch sản tự phát. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, trong đó nam giới từ 50 - 70 có nguy cơ mắc cao nhất. Tỷ lệ bệnh nhân < 30 tuổi chỉ chiếm khoảng 1%.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh bạch sản có các triệu chứng và biểu hiện rõ ràng, đặc trưng tổn thương của bệnh giúp ích trong việc chẩn đoán. Có thể kể đến một số dấu hiệu rõ ràng của bạch sản như:

Tổn thương bạch sản đặc trưng với các mảng trắng dày ở lưỡi và niêm mạc miệng

  • Xuất hiện các mảng trắng trên lưỡi, dưới lưỡi hoặc 2 bên má;
  • Không kèm theo đau nhức;

Tuy nhiên, trong trường hợp bạch sản có xu hướng chuyển hóa thành ung thư bắt đầu sẽ có nhiều biểu hiện hơn như:

  • Các mảng trắng tăng sinh nhiều hơn ở trên dưới lưỡi, 2 bên lưỡi hoặc trên sàn miệng;
  • Xuất hiện kèm theo các nốt sần, khối màu trắng hoặc đỏ hồng nhiều kích thước như sỏi;
  • Loét và chảy máu;

Chẩn đoán 

Tuy các biểu hiện của bạch sản khá đặc hiệu nhưng nếu chỉ đánh giá lâm sàng sẽ rất khó đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh. Bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra chuyên sâu khác để loại trừ các bệnh lý khác (như HIV/AIDS, ung thư miệng) và đưa ra kết luận chính xác nhất.

Sinh thiết mẫu mô niêm mạc tổn thương là tiêu chuẩn quan trọng giúp chẩn đoán bạch sản

Chẳng hạn như:

  • Kiểm tra các mảng trắng trong miệng, lưỡi có thể do thứ gì đó gây tổn thương ma sát không, chẳng hạn như cắn má nhiều lần, cấn răng giả, nhiễm nấm hoặc bị lichen phẳng;
  • Tiếp tục theo dõi sau khi không tìm ra nguyên nhân và các tổn thương cũng không thuyên giảm sau 2 - 4 tuần;
  • Tiến hành sinh thiết mẫu mô tại vị trí tổn thương để phân tích và kiểm tra. Sinh thiết là phương pháp hiệu quả trong chẩn đoán bạch sản và cả khi bệnh chuyển thành ung thư;

Biến chứng và tiên lượng

Theo các chuyên gia, hầu hết các trường hợp mắc bạch sản đều lành tính và không quá nguy hiểm. Chỉ cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ sớm khỏi bệnh mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Nhưng ngược lại, với những trường hợp người bệnh chủ quan, lơ là trong điều trị, các tế bào niêm mạc có xu hướng ung thư hóa rất nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe và cả tính mạng của bệnh nhân.

Bệnh bạch sản rất khó chẩn đoán, gây khó khăn trong việc điều trị. Vì chẩn đoán sai khiến việc điều trị chậm trễ, sai phương pháp sẽ tạo điều kiện cho các tổn thương ngày càng tiến triển nặng, có xu hướng chuyển hóa thành ung thư.

Hiện nay, tiên lượng điều trị bạch sản và cả thể ung thư khá tốt nhờ phác đồ y tế phù hợp hoặc can thiệp phẫu thuật khi cần thiết. Kết hợp theo dõi và tái khám ít nhất 3 -  6 tháng/lần nhằm đánh giá tiến triển bệnh, sớm phát hiện các bất thường để có hướng điều trị kịp thời. Thông thường, sau 3 năm nếu không có các dấu hiệu bất ổn mới có thể kết thúc theo dõi.

Điều trị

Mục tiêu điều trị bạch sản chủ yếu là kiểm soát triệu chứng, ức chế tiến triển và ngăn chặn quá trình chuyển hóa ung thư, phòng ngừa các rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp để đạt kết quả tốt nhất.

Điều trị nội khoa

Dùng thuốc và kết hợp chăm sóc y tế tích cực giúp cải thiện rõ rệt một số triệu chứng bạch sản. Chẳng hạn như:

Hầu hết các trường hợp bạch sản đều đáp ứng tốt với dùng thuốc và chăm sóc y tế tích cực tại nhà

  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc hỗ trợ điều trị bạch sản được chỉ định sử dụng phổ biến như:
    • Retinoids: Đây là phương pháp sử dụng hoạt chất vitamin A để điều trị vảy nến hoặc mụn trứng cá. Thuốc được điều chế dưới dạng viên uống, chỉ định liều dùng phù hợp với bệnh nhân bạch sản giúp cải thiện các tổn thương. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng tạm thời và dễ gây tác dụng phụ.
    • Thuốc bổ sung vitamin A & betacarotene: Viên uống bổ sung 2 hoạt chất này có tác dụng làm sạch các mảng bám trắng trên lưỡi, miệng, má khá hiệu quả. Nhưng nếu ngưng dùng triệu chứng sẽ tái phát trở lại.
    • Isotretinoin: So với beta carotene, Isotretionin được đánh giá cao hơn khi đem lại hiệu quả tích cực trong việc ngăn chặn tiến triển ung thư của bạch sản.
  • Tuyệt đối không sử dụng thêm rượu bia hay thuốc lá. Có thể kết hợp áp dụng phác đồ cai thuốc lá dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, hạn chế các loại thức ăn dầu mỡ, chế biến nhiều gia vị, có tính acid... vì càng gây kích ứng các tổn thương bạch sản. Thay vào đó, nên thay thế bằng một chế độ ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc...
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc, không thức khuya, không làm việc quá sức...

Điều trị ngoại khoa

Can thiệp phẫu thuật được chỉ định thực hiện trong trường hợp tổn thương bạch sản ngày càng phát triển lớn và có tính chất nghiêm trọng. Phẫu thuật loại bỏ tổn thương tuy đem lại hiệu quả tốt nhưng tỷ lệ tái phát cũng rất cao. Trong đó, có 10 - 20% trường hợp tổn thương bạch sản tái phát trở lại và khoảng 3 - 12% trong số đó là phát triển kèm theo ung thư.

Phẫu thuật loại bỏ tổn thương bạch sản tuy đem lại hiệu quả cao nhưng cũng rất dễ tái phát sau điều trị

Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật loại bỏ tổn thương bạch sản như:

  • Chiếu tia laser: Chiếu trực tiếp vào trong miệng, vị trí tổn thương bạch sản phát triển;
  • Đốt điện: Sử dụng thiết bị chuyên dụng như kim điện đốt nóng hoặc các dụng dụng y tế khác để loại bỏ tổn thương;
  • Phương pháp áp lạnh: Sử dụng nguồn nhiệt lạnh đủ để loại bỏ tổn thương;
  • Phương pháp quang động: Kết hợp giữa thuốc và  liệu pháp ánh sáng để điều trị tổn thương ung thư bạch sản;

Lưu ý, cân nhắc kỹ lưỡng và nghe theo sự tư vấn của bác sĩ để chọn kỹ thuật điều trị phù hợp. Đồng thời, tuân thủ thực hiện các chỉ định y tế để tránh gây ra các rủi ro, biến chứng khó lường cho sức khỏe.

Phòng ngừa

Điều trị bệnh bạch sản là một quá trình dài và phức tạp, phải theo dõi sau điều trị khá lâu vì bệnh rất dễ tái phát. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nói không với thuốc lá và các chất kích thích khác để phòng ngừa bệnh bạch sản

  • Cai thuốc lá ngay từ bay giờ hoặc tránh xa những nơi có nhiều người hút thuốc lá.
  • Từ bỏ thói quen vừa hút thuốc lá vừa uống rượu.
  • Giữ vệ sinh khoang miệng sạch sẽ thông qua đánh răng và súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và cân bằng đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Tăng cường bổ sung nhiều rau củ quả tươi, ưu tiên nhóm các thực phẩm chứa chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Có lối sống sinh sinh hoạt lành mạnh, điều độ, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, tập thể dục mỗi ngày nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.
  • Thăm khám y tế ngay lập tức nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Trong lưỡi và miệng tôi xuất hiện các mảng trắng dày là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị bạch sản?

3. Bệnh bạch sản có phải ung thư không?

4. Tiên lượng mức độ bệnh bạch sản trong trường hợp của tôi?

5. Bệnh bạch sản có tự khỏi được không? Có cần điều trị không?

6. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh bạch sản?

7. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị bạch sản?

8. Phương pháp điều trị bệnh bạch sản tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

9. Điều trị bạch sản theo phác đồ y tế có khỏi hoàn toàn được không?

10. Quá trình điều trị bạch sản mất bao lâu?

11. Sau điều trị, bệnh bạch sản có tái phát không?

12. Chế độ ăn uống và sinh hoạt tôi cần thực hiện khi điều trị bạch sản?

Hầu hết các trường hợp phát hiện bạch sản đều lành tính và không quá nguy hiểm. Chỉ cần bệnh nhân chủ động thăm khám sớm, điều chỉnh lối sống sinh hoạt sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và ngăn chặn tiến triển ung thư. Khuyến cáo người dân, đặc biệt là nam giới nên giảm hoặc cai thuốc lá để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh bạch sản.

Ngày đăng 09:53 - 10/04/2023 - Cập nhật lúc: 09:54 - 10/04/2023
Chia sẻ:
Bệnh Sâu răng
Sâu răng là hậu quả của việc nhiễm trùng do vi khuẩn, được hình thành từ các mảng bám và axit trên răng. Bất kỳ ai cũng có thể bị…
Lệch khớp cắn
Lệch khớp cắn xảy ra khi răng hàm trên và…
Nghiến răng
Nghiến răng là vấn đề sức khỏe răng miệng nhiều…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua