Hội chứng Vulvodynia

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Hội chứng Vulvodynia được mô tả là tình trạng đau âm hộ mãn tính. Xảy ra do nhiều tình trạng khác nhau như nhiễm trùng, áp lực, tổn thương, mất cân bằng nội tiết tố... Chị em phụ nữ mắc phải hội chứng này phải đối mặt với nhiều bất ổn về sức khỏe, thể chất, đời sống tình dục và tinh thần. Do đó, cần chủ động thăm khám và tìm kiếm sự chăm sóc tích cực, điều trị phù hợp càng sớm càng tốt. 

Tổng quan

Hội chứng Vulvodynia (Vulvodynia Syndrome) hay còn gọi là chứng đau âm hộ mạn tính. Tình trạng này gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu ở âm hộ - cơ quan sinh dục ngoài của phụ nữ. Đặc trưng với cảm giác nóng rát, kích ứng, châm chích, đau nhức và thô ráp vùng da tại khu vực này. Thể mạn tính thường kéo dài ít nhất từ 3 - 6 tháng.

Ước tính có khoảng 16% phụ nữ tại Hoa Kỳ gặp phải tình trạng này. Cho đến nay nguyên nhân khởi phát hội chứng này vẫn còn là một ẩn số. Đa số các trường hợp đều mắc hội chứng Vulvodynia trong nhiều tháng, nhiều năm, triệu chứng tái phát thường xuyên.

Hội chứng Vulvodynia được mô tả là cơn đau mãn tính, nóng rát và khó chịu tại âm hộ, kéo dài ít nhất 3 tháng

Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi quan hệ tình dục, thậm chí đau đến mức không thể quan hệ hay ngồi quá lâu. Gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, tâm lý và đời sống tình dục của chị em phụ nữ.

Phụ nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc hội chứng Vulvodynia. Không phân biệt dân tộc, chủng tộc, tuy nhiên nó thường được phát hiện ở phụ nữ da trắng, phụ nữ Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha.

Phân loại

Hội chứng Vulvodynia được phân chia làm 2 dạng chính dựa vào vị trí nơi cơn đau khởi phát:

  • Đau âm hộ cục bộ: Xảy ra khi cơn đau xuất hiện tập trung ở một vị trí nhất định của âm hộ. Các triệu chứng đặc trưng như nóng rát, châm chích... Dạng đau âm hộ này thường là do áp lực, va chạm mạnh như ngồi quá lâu hoặc quan hệ tình dục mạnh bạo.
  • Đau âm hộ tổng thể: Đây là cơn đau ở những vùng khác nhau của âm hộ vào nhiều thời điểm khác nhau. Chúng có thể xảy ra liên tục hoặc thỉnh thoảng mới xảy ra. Các tác nhân áp lực hoặc va chạm thường không liên quan đến nguy cơ khởi phát hội chứng Vulvodynia. Tuy nhiên nó có thể khiến cơn đau âm đạo ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, nguyên nhân gây hội chứng Vulvodynia vẫn chưa được xác định chính xác. Qua nhiều nghiên cứu, không có bằng chứng nào cho thấy có liên quan đến dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng, điển hình là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) dẫn đến tình trạng đau âm hộ.

Các tổn thương, nhiễm trùng âm đạo hoặc kích thích, rối loạn nội tiết tố, co thắt sàn chậu là những tác nhân hàng đầu gây hội chứng Vulvodynia

Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ hội chứng Vulvodynia như:

  • Sự phản ứng bất thường của các tế bào âm hộ đối với tình trạng chấn thương, nhiễm trùng;
  • Tổn thương và các kích thích thần kinh;
  • Một số yếu tố di truyền kích thích âm hộ phản ứng kém với tình trạng viêm mãn tính;
  • Nhiễm trùng nấm men;
  • Dị ứng với các loại hóa chất độc hại;
  • Co thắt cơ bắp;
  • Lạm dụng kháng sinh trong thời gian dài;
  • Rối loạn nội tiết tố;
  • Tiền sử bị lạm dụng tình dục;
  • Tâm lý bất ổn như lo lắng quá mức, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD);

Ngoài ra, một số bệnh lý, hội chứng đau khác cũng có liên hệ với hội chứng Vulvodynia như:

  • Chứng đau cơ xơ hóa;
  • Hội chứng ruột kích thích;
  • Hội chứng bàng quang đau;
  • Rối loạn thái dương hàm;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Hội chứng Vulvodynia gây ra các triệu chứng điển hình như:

Chị em mắc hội chứng Vulvodynia thường bị đau nhức, nóng rát, ngứa ngáy khó chịu dữ dội

  • Cảm giác đau nhói, nóng rát, châm chích;
  • Sưng đỏ hoặc cảm giác nặng trì cơ quan sinh dục;
  • Cơn đau có thể khu trú hoặc lan rộng khắp âm hộ;
  • Cơn đau khởi phát liên tục hoặc xuất hiện đột ngột xuất hiện và biến mất nhanh chóng;
  • Cơn đau có thể được kích hoạt hoặc trầm trọng hơn khi tập thể dục, quan hệ tình dục, mang băng vệ sinh, ngồi xuống, thậm chí khi đang nghỉ ngơi;

Chẩn đoán

Do không có quá nhiều thông tin về nguyên nhân, cơ chế khởi phát... nên rất khó để chẩn đoán chính xác hội chứng Vulvodynia. Để chẩn đoán chính xác hội chứng Vulvodynia, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phối hợp một số kỹ thuật sau:

Chẩn đoán hội chứng Vulvodynia cần kết hợp nhiều bước như khám sức khỏe, kiểm tra âm hộ và làm xét nghiệm loại trừ nhiễm trùng

  • Khám sức khỏe: Trong quá trình kiểm tra này, bác sĩ sẽ thăm khám và tìm kiếm các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc các bất thường khác xuất hiện ở vùng âm hộ. Trong quá trình thăm khám, nhân viên y tế có thể lấy một số mẫu mô từ khu vực này để làm kiểm tra nhiễm trùng.
  • Kiểm tra bằng tăm bông: Hay còn gọi là thử nghiệm áp suất điểm. Được thực hiện bằng cách sử dụng tăm bông quét nhẹ lên vùng âm hộ để kiểm tra các triệu chứng.
  • Xét nghiệm: Để xác nhận chẩn đoán chứng đau âm hộ, bệnh nhân cần thực hiện kết hợp với các xét nghiệm khác như:
    • Xét nghiệm nước tiểu;
    • Xét nghiệm máu;
    • Sinh thiết;
    • Siêu âm vùng chậu;
    • Chụp CT scan/ MRI;

Trường hợp chưa đủ triệu chứng để chẩn đoán xác định hội chứng Vulvodynia, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ghi chép lại nhật ký về triệu chứng. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định loại và mức độ nghiêm trọng của cơn đau rát. Đồng thời, giúp xác định các tác nhân có liên quan đến cơn đau.

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng Vulvodynia được các chuyên gia đánh giá là tình trạng không quá nghiêm trọng và không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, khi mắc phải hội chứng này, chị em phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sức khỏe thể chất, đời sống sinh hoạt và khả năng tình dục.

Không những vậy, cơ quan sinh dục bị đau rát, thay đổi tính chất như màu sắc, làn da kém mịn màng, trở nên thô ráp... khiến chị em cảm thấy tự ti về bản thân. Hậu quả gây ra các trở ngại về tâm lý, chán nản, rối loạn giấc ngủ, lo âu trầm trọng, trầm cảm, giảm sút chất lượng cuộc sống và các vấn đề về mối quan hệ.

Hội chứng Vulvodynia hoàn toàn có thể được điều trị và kiểm soát tốt khi được phát hiện, điều trị kịp thời. Do đó, khuyến cáo chị em không nên quá lo lắng, hãy chủ động thăm khám tại bệnh viện để được kiểm tra chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Điều trị

Mục tiêu điều trị hội chứng Vulvodynia chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên, không có biện pháp điều trị đặc hiệu nào có hiệu quả đối với hội chứng này. Do đó, chỉ có thể cải thiện bệnh bằng cách kết hợp nhiều phương pháp điều trị.

Quá trình điều trị thường kéo dài vì mất thời gian tìm kiếm phương pháp phù hợp. Bao gồm một số phương pháp phổ biến sau:

Điều trị y tế

Hội chứng Vulvodynia là tình trạng sức khỏe phụ khoa cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thông qua các biện pháp sau:

Điều trị hội chứng Vulvodynia có thể dùng thuốc bôi, thuốc mỡ, thuốc uống hoặc thuốc tiêm

  • Dùng thuốc: Để điều trị hội chứng Vulvodynia, bạn có thể sử dụng 2 loại thuốc chính là thuốc bôi, thuốc uống hoặc thuốc tiêm.
    • Thuốc bôi: Thuốc bôi hoặc thuốc mỡ có tác dụng làm tê âm hộ hoặc ổn định chức năng thần kinh, giúp kiểm soát các triệu chứng đau ngứa, nóng rát âm hộ khó chịu. Chủ yếu là một số loại thuốc bôi như estrogen hoặc hỗn hợp chứa estrogen và progesterone, thuốc mỡ lidocaine. Cách dùng được khuyến khích nên bôi thuốc bôi 30 phút trước khi quan hệ tình dục để giảm bớt sự khó chịu, hỗ trợ tình dục.
    • Thuốc uống: Có tác dụng điều trị toàn thân có thể giảm đau mãn tính hiệu quả như: thuốc steroid, thuốc kháng histamine (hydroxyzine), thuốc chống trầm cảm ba vòng (desipramine, nortriptyline, amitriptylin), thuốc chống co giật (carbamazepine, gabapentin)...
    • Thuốc tiêm: Thuốc tiêm có tác dụng ngăn chặn các tín hiệu đau được truyền từ dây thần kinh đến não. Từ đó giúp cải thiện cơn đau nhức, khó chịu xảy ra tại âm hộ.
  • Vật lý trị liệu: Những trường hợp mắc hội chứng Vulvodynia không quá nghiêm trọng, thể áp dụng các bài tập vật lý trị liệu giúp nới lỏng căng cơ ở sàn chậu. Cơ sàn chậu có cấu tạo từ các cơ, dây chằng và mô liên kết trong xương chậu. Chỉ cần kiên trì tập luyện, làm giảm tần suất co thắt cơ sàn chậu, ức chế các cơn co thắt cơ bắp giúp cải thiện triệu chứng đau âm hộ. Đồng thời, cải thiện sức mạnh cơ sàn chậu.
  • Liệu pháp phản hồi sinh học: Liệu pháp này giúp bạn học cách tự làm thư giãn cơ âm đạo, giảm đau và kiểm soát cách cơ thể bạn phản ứng với các triệu chứng.
  • Kích thích thần kinh điện xuyên da (TENS): Phương pháp này sử dụng dòng điện có nguồn điện áp thấp nhằm mục đích giảm đau nhức.
  • Phẫu thuật: Trường hợp mắc hội chứng Vulvodynia nghiêm trọng, đau nhức dữ dội, đau cục bộ thường được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần mô, da bị ảnh hưởng (vestibulectomy). Đặc biệt là những trường hợp đã điều trị nội khoa không hiệu quả thường được chỉ định phẫu thuật.

Chăm sóc tại nhà

Bên cạnh điều trị y tế, bệnh nhân mắc hội chứng Vulvodynia có thể được khuyến cáo thực hiện một số biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà nhằm kiểm soát triệu chứng:

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhẹ nhàng giúp cải thiện đáng kể triệu chứng đau âm hộ mạn tính

  • Chườm lạnh: Đặt trực tiếp túi lạnh vào vị trí cơ quan sinh dục đau nhức. Thực hiện nhiều lần trong ngày nhằm giảm đau, ngứa rát, cảm giác châm chích khó chịu.
  • Không tắm nước nóng: Tuyệt đối không được tắm hoặc ngâm mình trong bồn tắm nước nóng để tránh làm kích thích cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
  • Không mặc đồ chật: Vì cơ quan sinh dục nằm ở vị trí khá nhạy cảm, do đó khi mắc hội chứng Vulvodynia, tuyệt đối không nên mặc đồ quá chật hoặc đồ lót làm bằng nylon. Thay vào đó hãy dùng đồ lót cotton, chất liệu thấm hút mồ hôi hoặc tốt nhất không nên mặc đồ lót ngủ ban đêm để tạo sự thoáng khí, thoải mái cho cơ quan sinh dục.
  • Vệ sinh đúng cách: Vùng kín rất nhạy cảm và dễ tổn thương. Tránh chà xát hay cọ rửa quá mạnh, sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không chứa hóa chất có thể làm tăng kích thích ngứa rát, đau nhức. Vệ sinh với tần suất vừa phải, không quá nhiều lần trong ngày để tránh gây kích ứng.
  • Sử dụng gel bôi trơn: Sử dụng chất bôi trơn trước khi quan hệ tình dục để giảm cảm giác kích ứng, đau rát và khó chịu.
  • Vận động điều độ: Chị em nên chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng để giúp giảm đau hiệu quả. Tránh các bài tập đòi hỏi dùng sức quá mức, khiến cơ quan sinh dục chịu nhiều áp lực. Chẳng hạn như đạp xe, cưỡi ngựa...

Ngoài ra, trong trường hợp những người mắc hội chứng Vulvodynia có các bất thường về đời sống tình dục. Bác sĩ thường khuyến nghị bệnh nhân áp dụng liệu pháp phương pháp trị liệu hành vi - nhận thức (CBT) nhằm thay đổi suy nghĩ, hành vi, lời nói... do ảnh hưởng từ hội chứng Vulvodynia.

Ngoài ra, kết hợp tư vấn tâm lý tình dục để khắc phục chướng ngại tâm lý khi quan hệ, giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi và phục hồi mối quan hệ khắng khít với người bạn đời.

Phòng ngừa

Hội chứng Vulvodynia gần như không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Do nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt các biện pháp dưới đây, hội chứng Vulvodynia có thể được kiểm soát, giảm nguy cơ mắc phải:

  • Chỉ mặc quần lót làm từ chất liệu vải cotton, vừa vặn, thoáng mát và thoải mái.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường nhiều hóa chất độc hại, nhất là các sản phẩm tẩy rửa vùng kín chứa nồng độ cồn, hương liệu cao.
  • Quan hệ tình dục an toàn, giữ vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ để tránh nguy cơ viêm nhiễm vùng kín.
  • Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện các vấn đề sức khỏe bất thường và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi mắc hội chứng Vulvodynia?

2. Tôi cần làm gì để chẩn đoán chắc chắn về tình trạng bệnh này?

3. Hội chứng Vulvodynia gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của tôi?

4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

5. Phương pháp điều trị hội chứng Vulvodynia tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

6. Loại thuốc giảm đau nào giúp tôi đỡ đau hơn khi mắc chứng đau âm hộ mãn tính?

7. Bị hội chứng Vulvodynia ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động tình dục?

8. Hội chứng Vulvodynia có gây ảnh hưởng đến sinh sản không?

9. Những hoạt động tôi không nên làm trong quá trình điều trị hội chứng Vulvodynia?

10. Hội chứng Vulvodynia có điều trị khỏi dứt điểm được không?

Hội chứng Vulvodynia khiến chị em phụ nữ phải chịu những cơn đau nhức, nóng rát âm hộ kéo dài, gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất cũng như đời sống tình dục, khả năng sinh sản. Bởi vậy, cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này đó là chủ động thăm khám và chẩn đoán bệnh sớm, điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.

Ngày đăng 15:43 - 05/06/2023 - Cập nhật lúc: 15:45 - 05/06/2023
Chia sẻ:
Bệnh Sứt Môi Hở Hàm Ếch
Sứt môi hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh rất phổ biến. Xảy ra do sự kết hợp giữa di truyền và các yếu tố tiêu cực bên ngoài.…
Ốm nghén nặng
Ốm nghén nặng là một dạng ốm nghén nghiêm trọng…
Sa tử cung
Sa tử cung là một trong những dạng sa tạng…
Viêm âm đạo Bệnh Viêm Âm Đạo
Viêm âm đạo là căn bệnh phụ khoa cực kỳ…
Viêm Tuyến Vú

Viêm tuyến vú là tình trạng nhiễm trùng tuyến vú do vi khuẩn, phổ biến nhất ở phụ nữ đang…

Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung là dạng ung thư khá phổ biến xảy ra gây ảnh hưởng đến hệ…

Ung thư cổ tử cung Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những dạng ung thư sinh dục thường gặp ở nữ giới. Đây…

U nang buồng trứng Bệnh U Nang Buồng Trứng

U nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa phổ biến và hầu hết đều lành tính, ít nguy hiểm.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua