Bệnh U Nhầy Ruột Thừa

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

U nhầy ruột thừa là căn bệnh hiếm gặp và có những biểu hiện khá giống với viêm ruột thừa. Bệnh nhân thường có các biểu hiện cấp tính như đau bụng dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là biện pháp điều trị duy nhất đối với căn bệnh này. 

U nhầy ruột thừa là khối u được hình thành do sự tích tụ chất dịch nhầy bên trong lòng ống ruột thừa

Tổng quan

U nhầy ruột thừa (Appendiceal Mucocele/ Mucocele of the appendix) là khối u tích tụ lượng lớn nhất nhầy (mucin) trong ruột thừa. Tình trạng này khiến lòng ruột thừa bị giãn ra quá mức dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

U nhầy ruột thừa có thể là kết quả của sự tăng sinh bất thường các biểu mô niêm mạc (lành hoặc ác tính), viêm ruột thừa hoặc tắc nghẽn gốc ruột thừa do sỏi phân hoặc sỏi ruột thừa.

Tỷ lệ mắc bệnh này khá hiếm. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải, nhưng thường là > 35 tuổi, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Đa số khối u nhầy ruột thừa thường lành tính và không nguy hiểm đến tính mạng. Sau các chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật loại bỏ trọn khối u này để phục hồi sức khỏe.

Phân loại

Bệnh u nhầy ruột thừa được chia làm 4 dạng khác nhau gồm:

  • U nhầy đơn thuần (simple mucocele);
  • U tăng sản nhầy (Mucosal hyperplasia);
  • U nang tuyến nhầy (Mycinous cystadenoma);
  • Ung thư nang tuyến nhầy ruột thừa (Mucinous cystadenocarcinoma);

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ruột thừa là cơ quan nhỏ thuộc hệ thống tiêu hóa, được nối với ruột già ở phía bên phải bụng. Sự tích tụ quá mức các chất nhầy mucin (một loại protein chiếm phần lớn trong chất nhầy) tạo thành khối u trong lòng ruột thừa.

Cho đến nay, nguyên nhân gây u nhầy ruột thừa vẫn chưa được xác định rõ. Bệnh không có tính di truyền và cũng không phát hiện bất kỳ yếu tố rủi ro nào làm tăng nguy cơ phát triển khối u nhầy này trong ruột thừa.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

U nhầy ruột thừa thường có không có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm ruột thừa cấp. Tuy nhiên, dựa trên thăm khám lâm sàng, bệnh nhân u nhầy ruột thừa sẽ có các triệu chứng sau:

Đau bụng dữ dội vùng hố chậu phải là triệu chứng điển hình trong đợt bùng phát cấp tính

  • Đau vùng hố chậu phải;
  • Vùng hố chậu gồ lên và sờ được khối u kích thước lớn;
  • Kích thích bàng quang gây són tiểu, bí tiểu do khối u chèn ép lên bàng quang;
  • Đầy hơi, chướng bụng;

Trong trường hợp nặng có thể phát sinh kèm theo các dấu hiệu như:

  • Chảy máu dạ dày - ruột;
  • Tiểu ra máu;
  • Lồng ruột;
  • Vỡ u giả phúc mạc;

Chẩn đoán

Có khoảng 50% trường hợp u nhầy ruột thừa không được phát hiện do không có triệu chứng. Bệnh chỉ được phát hiện sớm nhờ tình cờ làm xét nghiệm hoặc kiểm tra hình ảnh để chẩn đoán các bệnh lý khác.

Khối u nhầy ruột thừa có thể được chẩn đoán bằng các kiểm tra hình ảnh như siêu âm hoặc chụp CT scan

Do đó, bệnh chỉ có thể được phát hiện và chẩn đoán chính xác bằng các kỹ thuật như:

  • Siêu âm: Đây là xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn, sử dụng sóng âm thanh cường độ cao tạo ra hình ảnh về ruột thừa, giúp phát hiện khối u nhầy bất thường. Siêu âm bụng là kỹ thuật được áp dụng chủ yếu trong trường hợp này.
  • Chụp CT scan: Là kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh 3D về cấu trúc mô mềm về các cơ quan trong ổ bụng, trong đó có ruột thừa. Nhờ đó, giúp chẩn đoán chính xác sự tồn tại và tính chất của khối u nhầy ruột thừa.
  • Các xét nghiệm sinh hóa khác: Xét nghiệm máu, nước tiểu để tìm kiếm dấu hiệu viêm nhiễm, đo nồng độ bạch cầu... Loại trừ cơn đau đến từ những nguyên nhân khác như sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Chẩn đoán phân biệt giữa khối u nhầy ruột thừa và viêm ruột thừa cấp tính thường dựa vào các đặc điểm sau:

  • Viêm ruột thừa cấp tính:
    • Đường kính ruột thừa khoảng 6mm;
    • Có dấu hiệu thâm nhiễm mỡ xung quanh;
    • Trong lòng ruột thừa chứa dịch, sỏi phân;
  • U nhầy ruột thừa:
    • Đường kính ngoài ruột thừa > 15mm;
    • Lòng ruột thừa > 1.3cm;
    • Có dấu hiệu giãn nang và vôi hóa thành ruột thừa;
    • Có thể có calci hóa ngoại vi dạng viền;
    • Có vòng hồi âm dày như vỏ hành hoặc vân cát;
    • Xuất hiện các đốm hồi âm có khả năng lắng đọng theo trọng lực;

Đồng thời, chẩn đoán phân biệt u nhầy ruột thừa với các bệnh lý khác như:

  • Viêm manh tràng;
  • Viêm túi thừa manh tràng;
  • Viêm bờm mỡ manh tràng;
  • U nang buồng trứng;
  • U nang mạc treo;

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán u nhầy ruột thừa đều lành tính, chỉ khoảng 10% là ác tính. Dù lành hay ác tính, nếu không can thiệp điều trị kịp thời, khối u nhầy ruột thừa có thể vỡ bất kỳ lúc nào, chất dịch viêm có thể tràn vào khoang bụng và gây nhiễm trùng ổ bụng (bệnh viêm phúc mạc). Tăng nguy cơ hình thành áp xe.

Tiên lượng cho những trường hợp u lành tương đối tốt, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh bình thường sau khi được phẫu thuật cắt bỏ (tỷ lệ từ 91 - 100%). Riêng số ít trường hợp được chẩn đoán ác tính, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn khoảng 20 - 25%.

Điều trị

Phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị duy nhất đối với bệnh u nhầy ruột thừa. Tùy từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định mổ nội soi hoặc mổ hở.

Dù phẫu thuật bằng phương pháp nào cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc an toàn, tránh làm vỡ khối u nhầy, giảm thiểu nguy cơ biến chứng nhiễm trùng lan sang các cơ quan khác trong ổ bụng. Điển hình là viêm phúc mạc, tình trạng Pseudomyxoma peritonei, đặc biệt nguy hiểm hơn nếu đó là khối u ung thư.

Phẫu thuật mổ hở cắt bỏ u nhầy ruột thừa là phương pháp điều trị xâm lấn nhằm giảm nguy cơ gây vỡ khối u

Khối u sau khi được loại bỏ sẽ được mang đi xét nghiệm mô bệnh học, xác định tính chất u lành hoặc ác tính để có hướng điều trị phù hợp tiếp theo.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu lại bệnh viện để theo dõi sức khỏe, xử lý các biến chứng hậu phẫu (nếu có). Nếu không có vấn đề bất thường, bệnh nhân có thể xuất hiện sau 5 - 7 ngày điều trị nội trú. Trong quá trình điều trị, các chỉ định về ăn uống, vệ sinh sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể.

Phòng ngừa

Do y học chưa xác định được nguyên nhân hình thành u nhầy ruột thừa, nên không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với căn bệnh này. Tuy nhiên, do phần lớn khối u đều lành tính nên chỉ cần sau khi bùng phát triệu chứng, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện để làm phẫu thuật loại bỏ càng sớm càng tốt.

Cách duy nhất để dự đoán trước sự khởi phát của khối u nhầy ruột thừa là thường xuyên thăm khám sức khỏe tổng quát, định kỳ làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm các bất thường về ruột thừa.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau bụng dữ dội, kéo dài ở vùng hố chậu phải là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh u nhầy ruột thừa?

3. Tôi cần làm các xét nghiệm nào để chẩn đoán u nhầy ruột thừa?

4. U nhầy ruột thừa có phải bệnh ung thư không?

5. Cách điều trị tốt nhất đối với bệnh u nhầy ruột thừa?

6. Phẫu thuật cắt bỏ u nhầy ruột thừa có điều trị khỏi bệnh triệt để không?

7. Khi nào cần phẫu thuật? Quy trình phẫu thuật như thế nào? Tôi cần lưu ý những gì?

8. Chi phí phẫu thuật u nhầy ruột thừa bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT được không?

9. Những điều tôi cần làm để chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật?

10. U nhầy ruột thừa có tái phát sau phẫu thuật không?

U nhầy ruột thừa thường bộc phát cấp tính dữ dội gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật ngay lập tức để loại bỏ khối u và chăm sóc phục hồi sức khỏe. Hầu hết các khối u được phát hiện đều là lành tính, ít nguy hiểm. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo vẫn nên làm xét nghiệm mô bệnh học cần thiết để có hướng điều trị phù hợp nhất.

Ngày đăng 16:40 - 27/04/2023 - Cập nhật lúc: 16:41 - 27/04/2023
Chia sẻ:
Lao Màng Bụng
Lao màng bụng là thể lao ngoài phổi hiếm gặp và thường là kết quả của bệnh lao đường tiêu hóa. Bệnh đặc trưng với các biểu hiện nhiễm trùng…
Viêm hang vị dạ dày Bệnh Viêm Hang Vị Dạ Dày
Viêm hang vị dạ dày là bệnh về đường tiêu…
Nhiễm Ấu Trùng Sán Lợn
Nhiễm ấu trùng sán lợn xảy ra khi bạn ăn…
Hội chứng Boerhaave
Hội chứng Boerhaave là tình trạng vỡ tự phát của…
Bệnh Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là dạng ung thư phổ biến xảy ra bên trong niêm mạc dạ dày. Đây là…

Bệnh Tiểu Đường

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính phổ biến có tỷ lệ mắc cao hiện nay. Bệnh có thể kiểm…

Bệnh Đa polyp tuyến gia đình

Đa polyp tuyến gia đình là hội chứng di truyền xảy ra khi bên trong đại trực tràng xuất hiện…

Dị ứng sữa Bệnh Dị Ứng Sữa

Dị ứng sữa là một dạng dị ứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, xảy ra khi cơ thể dung…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua