Bệnh Lệch Vách Ngăn Mũi

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Lệch vách ngăn mũi là một dạng tổn thương cấu trúc mũi phổ biến. Có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người trưởng thành, người cao tuổi. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng thường xuất phát từ các tai nạn, chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh. Tùy theo mức độ lệch nhẹ hay nặng để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. 

Lệch vách ngăn mũi
Lệch vách ngăn mũi là tình trạng vách ngăn chia mũi bị vẹo lệch sang 1 hoặc cả 2 bên

Tổng quan

Vách ngăn mũi được cấu tạo từ sụn trước và xương phía sau, chiều dài khoảng 8cm, nối từ mũi đến vòm mũi họng, có tác dụng ngăn cách 2 cuốn mũi.  Lệch vách ngăn mũi (Nasal septum deviation) là tình trạng vách ngăn mũi bị cong vẹo, lệch hẳn sang một bên, làm thu hẹp kích thước của 1 bên khoang mũi so với bên còn lại.

Phần lớn các trường hợp bị lệch vách ngăn mũi với tỷ lệ nhỏ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp tiến triển lâu ngày làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc lệch vách ngăn mũi nghiêm trọng do chấn thương, cần được cấp cứu điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nguy hiểm như tắc mũi, khó thở, suy hô hấp và tử vong.

Phân loại

Dựa vào mức độ lệch của vách ngăn mũi, tình trạng này được phân chia làm 4 dạng chính gồm:

Lệch vách ngăn mũi
Lệch mũi chữ C, chữ S hoặc gai mào vách ngăn... là những dạng lệch vách ngăn mũi phổ biến

  • Lệch 1 bên mũi đơn thuần: Hay còn gọi là vẹo vách ngăn hình chữ C. Tức là vách ngăn bị vẹo hẳn sang 1 bên trái hoặc phải.
  • Lệch 2 bên: Hay còn được gọi vẹo vách ngăn hình chữ S. Lúc này, từng đoạn vách ngăn vẹo sang cả 2 bên trái và phải khá phức tạp.
  • Gai mào vách ngăn: Là tình trạng xảy ra ở phần tiếp giáp giữa sụn vách ngăn và xương. Khi phần gai mào chạm đến mũi niêm mạc sẽ làm tổn thương các mạch máu, dẫn đến chảy máu, đau nhức dữ dội.
  • Dày chân vách ngăn: Là tình trạng hốc mũi bị thu hẹp lại do phần xương ở phần thấp của vách ngăn dày lên.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các chuyên gia cho rằng, lệch vách ngăn mũi do nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra như:

Lệch vách ngăn mũi
Chấn thương do va chạm mạnh, tai nạn gây lệch vách ngăn mũi nghiêm trọng cần cấp cứu xử lý ngay

Nguyên nhân

Thường xuất phát do:

  • Các tổn thương mũi: Xung quanh chúng ta tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm tổn thương mũi như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương mạnh khi chơi thể thao, trẻ em vui đùa, chạy nhảy bị té ngã hoặc trẻ sơ sinh bị chấn thương mũi từ khi chào đời do quá trình sinh nở không thuận lợi...
  • Dị tật bẩm sinh: Lệch vách ngăn mũi cũng được xem là một trong những dị tật bẩm sinh được hình thành trong thai kỳ. Có thể do gen di truyền hoặc thiếu hụt dinh dưỡng khiến xương sụn mũi yếu và được biểu hiện rõ ràng sau khi sinh cho đến khi trưởng thành.

Yếu tố nguy cơ

Sự xuất hiện của một số yếu tố nguy cơ khác cũng làm tăng khả năng làm lệch vách ngăn mũi như:

  • Tuổi tác cao, lão hóa: Càng lớn tuổi tốc độ lão hóa của cơ thể càng nhanh và vách ngăn mũi cũng không ngoại lệ. Theo thời gian, cấu trúc mũi dần vẹo lệch hẳn sang 1 bên mà không hề có dấu hiệu báo trước nào.
  • Viêm nhiễm: Ảnh hưởng từ các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi, viêm mũi dị ứng... Cộng với thói quen dùng tay quẹt mũi thường xuyên, nhất là ở trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ có cấu trúc mũi chưa hoàn thiện rất dễ bị lệch, thay đổi cấu trúc và định hình lệch vách ngăn mũi khi trưởng thành.
  • Phẫu thuật nâng mũi thất bại: Nâng mũi là phẫu thuật thẩm mỹ được nhiều chị em thực hiện nhưng không phải ca nâng mũi nào cũng thành công. Nâng mũi thất bại khiến vách ngăn mũi bị lệch sang một bên, cánh mũi một bên bị thu hẹp lại kèm theo nhiều hệ lụy khác.

Triệu chứng và chẩn đoán

Lệch vách ngăn mũi thường không có các triệu chứng đặc hiệu nên khó có thể nhận biết khi từ đầu. Phải đến khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện dưới đây và sau khi thăm khám mới biết là vách ngăn mũi bị lệch.

Lệch vách ngăn mũi
Vách ngăn mũi bị lệch gây tắc nghẽn, khó thở, chảy máu cam, đau nhức...

  • Nghẹt mũi: Người bệnh có cảm giác khó thở ở 1 bên hoặc cả 2 bên mũi. Tần suất ngày càng tăng dù không có dấu hiệu của viêm mũi. Tình trạng này ngày càng nặng hơn khi bệnh nhân mắc đồng thời các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, tiếp xúc với các dị nguyên đường hô hấp...
  • Khó thở, thở ra tiếng: Do 1 bên ống mũi bị hẹp hơn so với bên còn lại nên khi không khí đi qua sẽ chậm hơn, gây khó thở và phát ra tiếng động ồn ào, nhất là khi đang ngủ.
  • Đau mũi: Vách ngăn mũi bị vẹo khiến mũi dễ bị tắc nghẽn ở 1 hoặc cả 2 bên lỗ mũi. Tình trạng này khiến bạn gặp khó khăn trong việc hô hấp bằng mũi, tạo áp lực và khiến các bề mặt bên trong mụi cọ xát vào nhau gây đau nhức vùng da mặt xung quanh, đau tức nửa bên mặt và nhất là dọc theo sống mũi.
  • Chảy máu cam: Vách ngăn mũi khá mỏng nhưng lại tập trung khá nhiều mạch máu. Tình trạng lệch vẹo kéo dài khiến bề mặt này trở nên khô hơn, dễ gây chảy máu cam.
  • Đau nửa đầu: Tùy theo vách ngăn mũi bị lệch sang bên nào thì nguy cơ gây đau nửa đầu sẽ xảy ra ở bên đó hoặc có thể đau cùng lúc cả 2 bên. Cơn đau này thường không bùng phát dữ dội, mà nó thường kéo dài âm ỉ trong thời gian dài, dai dẳng, khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, nhất là khi thời tiết nắng nóng, bí bách.
  • Chảy dịch mũi sau: Chất nhầy được sản sinh ra nhưng không thể thoát hết ra ngoài do vách ngăn mũi bị lệch sẽ ứ đọng lại bên trong, gây ra hiện tượng chảy dịch mũi sau.
  • Nhiễm trùng xoang: Kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng xoang khi bị lệch vách ngăn mũi. Đặc trưng nhất là sưng phù, tăng tiết dịch nhầy, các hốc xoang bị thu hẹp...
  • Hay nằm ngủ nghiêng: Người bị lệch vách ngăn mũi có xu hướng chọn nằm ngủ tư thế nghiêng hẳn sang một bên, đối diện với bên mũi bị lệch, tắc nghẽn để cảm thấy dễ thở hơn.
  • Một số triệu chứng khác: như biến dạng tháp mũi, suy giảm khứu giác, hắt hơi thường xuyên...

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng kể trên, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá sơ bộ vấn đề sức khỏe bệnh nhân đang gặp phải. Đồng thời, quan sát bằng đèn soi chuyên hoặc nội soi mũi để đánh giá toàn bộ cấu trúc bên trong mũi. Bước này nhằm nhằm chẩn đoán hình thái vẹo vách ngăn như chữ C, chữ S hoặc mào, gai, vách ngăn dày, điểm lồi vách ngăn đã chạm đến cấu trúc bên ngoài thành hốc mũi hay chưa (như cuốn mũi giữa, cuốn mũi dưới...).

Ngoài ra, một số trường hợp lệch vách ngăn mũi phức tạp và nghiêm trọng hơn sẽ được chỉ định thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng khác gồm:

Lệch vách ngăn mũi
Chẩn đoán lệch vách ngăn mũi bằng nội soi hoặc các xét nghiệm hình ảnh cần thiết

  • Chụp X quang: giúp quan sát rõ ràng tình trạng vách ngăn xương bị lệch, nhưng khó thấy được tình trạng lệch vẹo phần sụn;
  • Chụp MRI và CT: giúp hỗ trợ quan sát chi tiết những vị trí hẹp nhất bên trong mũi như khe khứu hoặc nóc mũi để phát hiện tổn thương;
  • Đo sóng âm: thu thập các dữ liệu về diện tích cắt ngang, vị trí của vách ngăn bị lệch nhằm xác định chính xác nơi tắc nghẽn.
  • Đo khí mũi kế (rhinomanometric): đo chỉ số áp lực thở bên trong từng hốc mũi, ghi chép lại và so sánh để đánh giá sự thay đổi bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Lệch vách ngăn mũi khiến cho hốc mũi bị thu hẹp lại, thường xuyên bị tắc nghẽn khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc hô hấp bằng mũi. Tình trạng này kéo dài còn làm tăng nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như:

  • Tắc nghẽn kéo dài gây ứ đọng dịch bên trong mũi xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm xoang (viêm xoang mũi, viêm xoang hàm, viêm xoang trán, ...);
  • Ảnh hưởng sức khỏe thể chất, xáo trộn giấc ngủ ban đêm;
  • Thở bằng miệng thường xuyên gây khô miệng và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về đường tiêu hóa;

Điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị lệch vách ngăn mũi khác nhau. Tùy theo tình trạng và mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp phù hợp.

Có 2 phương pháp chính bao gồm:

1. Điều trị nội khoa 

Bản chất của lệch vách ngăn mũi là sự tắc nghẽn cơ học và được biểu hiện thông qua các triệu chứng thực thể lâm sàng. Do đó, việc điều trị nội khoa chỉ được áp dụng như một phương pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng, giảm sự khó chịu cho bệnh nhân tạm thời và ngăn chặn các biến chứng phát sinh kèm theo. Hoàn toàn không có thuốc nào có thể điều chỉnh được vách ngăn bị lệch.

Lệch vách ngăn mũi
Dùng thuốc giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng tạm thời do lệch vách ngăn mũi gây ra

Dựa theo triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp với các loại phổ biến như:

  • Thuốc làm co mạch tại chỗ giúp giảm thiểu mức độ nghẹt mũi;
  • Thuốc chống dị ứng, thuốc kháng histamine;
  • Thuốc thông mũi, giãn mũi;
  • Thuốc chống xung huyết;
  • Thuốc chống viêm Corticoid dạng xịt hoặc uống;
  • Dung dịch xịt mũi, rửa mũi sinh lý có chứa nước muối biển sâu;

Lưu ý: Việc dùng thuốc cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân không tự ý tăng giảm liều thuốc hoặc lạm dụng trong thời gian dài để hạn chế các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

2. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật là hướng điều trị tốt nhất hiện nay dành cho bệnh nhân bị lệch vách ngăn mũi. Phương pháp này nhằm mục đích chỉnh sửa, tạo hình lại vách ngăn về đúng vị trí ban đầu, chấm dứt các triệu chứng liên quan và phục hồi chức năng đường hô hấp.

Tuy nhiên, chỉ những trường hợp bị lệch vách ngăn mũi nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng nhất là mổ nội soi, ít chảy máu, ít đau nhức, phục hồ nhanh và hiệu quả điều trị cao. Ngoài ra, mộ số trường hợp được chỉ định áp dụng phương pháp xén vách ngăn dưới niêm mạc nếu phù hợp.

Lệch vách ngăn mũi
Phẫu thuật tạo hình chỉnh sửa vách ngăn mũi bị lệch là phương pháp điều trị tối ưu nhất

Quy trình phẫu thuật được thực hiện theo các bước như sau:

  • Bước 1: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngưng sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm trước phẫu thuật ít nhất 2 tuần, không hút thuốc lá. Vì độc tố từ những loại này có thể gây cản trở quá trình phục hồi vết mổ hậu phẫu.
  • Bước 2: Tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê để tránh đau đớn.
    • Sử dụng các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng tiếp cận đến vách ngăn mũi bị vẹo và và cắt bỏ bớt phần xương, sụn dư thừa gây lệch.
    • Sau đó nắn chỉnh tạo hình vách ngăn thẳng trở lại đúng vị trí ban đầu. Có thể chèn thêm nẹp silicon có tác dụng nâng đỡ vách ngăn.
  • Bước 3: Bệnh nhân lưu lại bệnh viện ít nhất 24 tiếng để theo dõi tình trạng sức khỏe, chăm sóc và nghỉ ngơi theo chỉ định, xuất hiện khi không có bất thường.

Khi về nhà, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực để vách ngăn mũi sớm phục hồi và hạn chế biến chứng nhiễm trùng.

  • Tránh thực hiện các động tác sờ, chạm, cho ngón tay vào mũi, xì mũi, véo mũi hay va chạm mạnh;
  • Vận động nhẹ nhàng để nâng cao thể trạng, không tập luyện mạnh, quá sức;
  • Khi nằm ngủ nên giữ cao đầu;
  • Nên mặc áo có nút cài thay vì áo chui đầu để tránh tác động đến mũi;
  • Ăn uống đủ chất, ưu tiên những món dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng để bồi bổ cơ thể, phục hồi sức khỏe hậu phẫu nhanh chóng hơn;
  • Tái khám ngay khi gặp các bất thường như đau nhức mũi dữ dội, chảy dịch, chảy máu, quan sát thấy mũi lại lệch sang một bên...;

Phòng ngừa

Ngoại trừ yếu tố bẩm sinh, di truyền, tình trạng lệch vách ngăn mũi hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp sau:

Lệch vách ngăn mũi
Tránh những tác động mạnh gây tổn thương mũi là giải pháp phòng ngừa lệch vách ngăn mũi đơn giản nhất

  • Hạn chế tối đa các tác động mạnh có khả năng gây chấn thương mũi như chơi các bộ môn thể thao đối kháng, cảm giác mạnh, tốc độ...
  • Lái xe an toàn, đội nón bảo hiểm đối với xe máy, thắt dây an toàn đối với xe ô tô và tuân thủ luật giao thông.
  • Đối với nguy cơ lệch vách ngăn mũi trong quá trình sinh nở, chú ý quá trình xổ thai đúng tư thế hoặc sử dụng dụng cụ can thiệp đúng kỹ thuật để tránh gây tổn thương mũi cho trẻ sơ sinh.
  • Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện phẫu thuật nâng mũi, chọn những nơi uy tín, đáng tin cậy, bác sĩ có chuyên môn cao và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị lệch vách ngăn mũi?

2. Tôi bị lệch vách ngăn mũi có nghiêm trọng không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán mức độ lệch vách ngăn mũi?

4. Tiên lượng đối với tình trạng lệch vách ngăn mũi của tôi như thế nào?

5. Nếu tôi không điều trị liệu vách ngăn mũi bị lệch có tự phục hồi không?

6. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Bị lệch vách ngăn mũi khi nào cần phẫu thuật? Có rủi ro nào hay không?

8. Nếu chỉ dùng thuốc có chữa khỏi tình trạng lệch vách ngăn mũi không?

9. Thời gian điều trị lệch vách ngăn mũi mất bao lâu?

10. Tôi có thể bị tái lệch vách ngăn mũi sau điều trị không?

Lệch vách ngăn mũi là vấn đề sức khỏe phổ biến và khó tránh khỏi do đời sống tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ không ảnh hưởng sức khỏe bạn không cần quá lo lắng. Chỉ những trường hợp lệch vách ngăn mũi nghiêm trọng mới cần phải can thiệp điều trị y tế chuyên khoa theo chỉ định. Nhưng tốt nhất hãy tự nâng cao ý thức bảo vệ cấu trúc mũi để bảo tồn chức năng và tính thẩm mỹ tự nhiên.

Ngày đăng 10:00 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 12:02 - 15/06/2023
Chia sẻ:
Bệnh Rubella
Rubella là bệnh truyền nhiễm gây sốt phát ban lành tính do virus RuV gây ra, rất dễ lây từ người sang người. Phụ nữ mang thai là đối tượng…
Hen suyễn Bệnh Hen Suyễn
Hen suyễn là bệnh mạn tính về đường hô hấp,…
Mất Thính Lực (điếc tai)
Mất thính lực hay điếc tai có thể xảy ra…
Bệnh Viêm Màng Nhĩ Bọng Nước
Viêm màng nhĩ bọng nước là một dạng nhiễm trùng…
Bệnh Ung Thư Thanh Quản

Ung thư thanh quản là một trong những dạng ung thư vòm mũi họng khá phổ biến ở Việt Nam.…

Bệnh Ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là một trong những dạng ung thư vùng đầu - cổ ít gặp. Bệnh lý này…

Bệnh Viêm Mủ Màng Phổi

Viêm mủ màng phổi là một trong những dạng nhiễm trùng phổi thường gặp do vi khuẩn hoặc biến chứng…

Lưỡi Bản Đồ

Lưỡi bản đồ là một dạng viêm lưỡi lành tính. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua