Bệnh Viêm Khớp Cùng Chậu

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Viêm khớp cùng chậu xảy ra do rất nhiều tác nhân như viêm khớp, chấn thương, mang thai hoặc các tác nhân bệnh lý khác. Đặc trưng triệu chứng là cảm giác đau nhức vùng lưng dưới, hông, chân và hạn chế khả năng đi lại. Các chọn lựa điều trị viêm khớp cùng chậu phổ biến như dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

Viêm khớp cùng chậu là tình trạng khớp cùng chậu nằm ở đáy cột sống bị viêm

Tổng quan

Viêm khớp cùng chậu (Sacroliitis) là tình trạng khớp cùng chậu nằm ở khu vực xương hông bị viêm. Khiến người bệnh đau nhức vùng lưng dưới, hông và chân. Tình trạng này do rất nhiều tác nhân gây ra, thường xảy ra thứ phát sau viêm xương khớp, mang thai, chấn thương hoặc các bệnh lý cột sống khác. Ngoài ra, sau điều trị các bệnh về tiết niệu, đại tràng hoặc tiêu hóa cũng có thể gây ra bệnh lý này.

Do các triệu chứng bệnh lý này ít đặc hiệu, tương tự như các bệnh lý xương khớp khác nên dễ bị nhầm lẫn. Điều này khiến bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng, thậm chí phát sinh biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp cùng chậu. Có thể kể đến như:

Viêm khớp là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra viêm khớp cùng chậu

  • Viêm khớp: Viêm khớp nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm khớp cùng chậu. Trong đó có nhiều dạng khác nhau bao gồm:
    • Viêm cột sống dính khớp: Đây là căn bệnh tự miễn gây ảnh hưởng đến các khớp vùng cột sống. Trong đó, viêm khớp cùng chậu được xem là triệu chứng sớm thường gặp của bệnh.
    • Viêm khớp vảy nến: Đây là căn bệnh kết hợp giữa viêm khớp và bệnh vảy nến. Đặc trưng gồm các triệu chứng như viêm các khớp trên cơ thể và bong tróc da thành từng mảng, từng vảy.
  • Mang thai: Một số trường hợp phát sinh triệu chứng viêm khớp cùng chậu là do mang thai. Mang thai khiến cơ thể sản sinh nhiều hormone relaxin nhằm đáp ứng với sự phát triển của thai nhi. Điều này vô tình khiến cho dây chằng giãn ra, gây mất ổn định khớp cùng chậu, tăng nguy cơ viêm gây đau nhức.
  • Lão hóa: Hầu hết người lớn tuổi đều có xu hướng bị thoái hóa khớp dưới sự ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Lúc này, các sụn khớp dần bị bào mòn, dẫn đến thoái hóa khớp và gây viêm khớp cùng chậu.
  • Chấn thương: Các tác động lực mạnh đột ngột vào khớp gây chấn thương nặng có thể làm tổn thương khớp cùng chậu. Thường xuất phát từ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã khi leo trèo, chạy bộ, va chạm khi chơi thể thao...
  • Biến chứng hậu phẫu: Tuy hiếm gặp nhưng cũng có một số trường hợp viêm khớp cùng chậu xảy ra là do biến chứng hậu phẫu ghép xương hoặc thay khớp xương cánh chậu sai kỹ thuật.
  • Nhiễm trùng: Các tác nhân vi sinh vật gây hại như vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể, sau đó tấn công đến khớp cùng chậu, dẫn đến viêm nhiễm. Một trong những tác nhân thường gặp nhất là Staphylococcus Aureus.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Một số tình trạng sức khỏe khác làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp cùng chậu như:
    • Viêm khớp phản ứng (Hội chứng Reiter);
    • Viêm loét đại tràng;
    • Bệnh Crohn;
    • Bệnh Behcet;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của viêm khớp cùng chậu có thể biểu hiện khác nhau ở từng người. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đều sẽ có những dấu hiệu sau:

Bệnh nhân viêm khớp cùng chậu thường có cảm giác đau nhức khó chịu vùng lưng dưới và hạn chế cử động

  • Đau nhức khó chịu vùng lưng dưới, mông, hông;
  • Cơn đau có lúc âm ỉ kéo dài hoặc bộc phát dữ dội, nhất là khi ngồi hoặc đứng quá lâu;
  • Đau vùng háng hoặc hai chân;
  • Cứng khớp lưng dưới và hông gây hạn chế việc đi lại, nhất là sau khi ngủ dậy;
  • Sưng đau, nóng đỏ tại vùng da bị ảnh hưởng;
  • Một số trường hợp có thể gây sốt hoặc mệt mỏi (dấu hiệu nhiễm trùng);

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm khớp cùng chậu thường mất nhiều thời gian. Nguyên nhân do các triệu chứng bệnh thường giống với nhiều bệnh lý xương khớp khác như thoát vị đĩa đệm hoặc đau thần kinh tọa.

Dựa vào hình ảnh X quang hoặc MRI giúp chẩn đoán chính xác tổn thương viêm khớp cùng chậu

Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp chuyên sâu được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán viêm khớp cùng chậu. Bao gồm:

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ sưng đau của khớp cùng chậu cùng một số triệu chứng liên quan. Đồng thời, có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một vài động tác cử động đơn giản để đánh giá mức độ đau nhức khó chịu.
  • Kiểm tra hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT hoặc MRI cho phép dễ dàng quan sát tổn thương và xác định các dấu hiệu tổn thương bất thường ở khớp cùng chậu.
  • Xét nghiệm máu: Trong một vài trường hợp cần thiết, xét nghiệm máu cũng được chỉ định thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán xác nhận viêm khớp cùng chậu. Cụ thể xét nghiệm này có thể cho biết kết quả mức độ tăng cao của các dấu hiệu trong máu, có liên quan đến tình trạng viêm trong cơ thể như tốc độ lắng máu (ESR) hoặc protein phản ứng C (CRP).
  • Tiêm chẩn đoán: Một vài chuyên gia, bác sĩ xương khớp thường chỉ định thực hiện phương pháp này để xác nhận chẩn đoán viêm khớp cùng chậu. Cách này liên quan đến việc tiêm một lượng nhỏ thuốc gây mê vào trực tiếp khớp cùng chậu. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu thuyên giảm cơn đau rõ rệt, chứng tỏ khớp cùng chậu đang bị viêm.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm khớp cùng chậu là căn bệnh xương khớp rất phổ biến do rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra. Bệnh được đánh giá không quá nguy hiểm, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ở giai đoạn bệnh tiến triển nặng, tổn thương nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như:

  • Teo cơ do hạn chế đi lại trong thời gian dài;
  • Biến dạng khớp;
  • Gãy xương;
  • Bại liệt, tàn phế;
  • Phụ nữ gặp khó khăn khi sinh đẻ thường;

Biến chứng nguy hiểm của viêm khớp cùng chậu là teo cơ, bại liệt dẫn đến tàn phế

Ngoài ra, việc phải đối mặt với cơn đau nhức khớp dai dẳng, kéo dài còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất của người bệnh. Đau đớn khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, mất ngủ, lâu ngày dẫn đến suy nhược. Thậm chí, tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm...

Do đó, để kiểm soát tiến triển bệnh hiệu quả và ngăn chặn các biến chứng khó lường kể trên, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và tích cực tiếp nhận điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm khớp cùng chậu đều có tiên lượng tốt, tỷ lệ khỏi bệnh và phục hồi cao.

Điều trị

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của viêm khớp cùng chậu ở từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện phương pháp điều trị phù hợp.

Vật lý trị liệu

Sau thăm khám, nếu nhận thấy mức độ tổn thương khớp cùng chậu nhẹ, tiến triển viêm không có dấu hiệu tăng mạnh, bác sĩ thường chỉ định điều trị không dùng thuốc hay can thiệp ngoại khoa. Thay vào đó, ưu tiên phương pháp vật lý trị liệu, sử dụng các bài tập giãn cơ và tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh khớp cùng chậu.

Phương pháp này đã được nghiên cứu và chứng minh đem lại hiệu quả khả quan trong việc cải thiện các triệu chứng viêm khớp cùng chậu một cách an toàn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong đợi, bệnh nhân phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài và tuân theo hướng dẫn tập luyện của bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm.

Điều trị bằng thuốc

Nếu cơn đau viêm khớp cùng chậu biểu hiện rõ rệt và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng cử động, sinh hoạt hàng ngày, có thể sử dụng các loại thuốc sau để giảm nhanh cơn đau:

Giảm đau nhanh bằng các loại thuốc giảm đau kê đơn hoặc không kê đơn tùy mức độ triệu chứng

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Đây là nhóm thuốc không kê đơn có tác dụng giảm đau nhanh. Chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen... Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong vài ngày, tránh dùng liên tục trong 10 ngày để hạn chế gây tác dụng phụ.
  • Thuốc giãn cơ: Đây là loại thuốc kê đơn được bác sĩ chỉ định nhằm điều trị triệu chứng đau cơ. Thuốc có tác dụng ngăn chặn dây thần kinh truyền gửi tín hiệu gửi tín hiệu đau nhức đến não.
  • Thuốc tiêm Corticosteroid: Đây cũng là thuốc kê đơn được dùng dưới dạng tiêm trực tiếp nhằm giảm viêm và giảm các cơn đau nhức dữ dội.
  • Thuốc sinh học: Trường hợp viêm khớp cùng chậu do liên quan đến viêm cột sống dính khớp có thể sử dụng nhóm thuốc ức chế TNF-alpha. Các chọn lựa phổ biến như Enbrel, Humira, Remicade, Renflexis, Inflectra...

Phẫu thuật

Rất hiếm trường hợp viêm khớp cùng chậu được chỉ định phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có thể được chỉ định trong trường hợp các triệu chứng kéo dài dai dẳng, hình thành áp xe hoặc điều trị biến chứng.

Mục tiêu phẫu thuật chủ yếu nhằm loại bỏ tổn thương hoặc hỗ trợ giảm đau nặng. Một số kỹ thuật phẫu thuật phổ biến gồm:

  • Cắt bỏ bằng tần số vô tuyến (RFA): Đây là phương pháp hiện đại, sử dụng tần số vô tuyến để loại bỏ hoặc ức chế vĩnh viễn các dây thần kinh trong khớp gửi tín hiệu đau đến não.
  • Kích thích điện: Phẫu thuật mở cấy máy kích thích điện ở vùng cột sống dưới. Tác dụng chính nhằm giảm đau do viêm khớp cùng chậu gây ra.
  • Phẫu thuật hợp nhất: Rất hiếm trường hợp viêm khớp cùng chậu phải thực hiện phương pháp phẫu thuật này. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật kết hợp 2 xương lại với nhau, sau đó cố định chúng lại với nhau bằng ốc, vít kim loại.

Chăm sóc hỗ trợ tại nhà

Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân cũng có thể áp dụng các biện pháp tại nhà dưới đây để cải thiện triệu chứng:

Chườm nhiệt và xoa bóp hỗ trợ rất tốt trong việc giảm đau nhức, sưng viêm, căng cơ

  • Liệu pháp nhiệt: Chườm đá hoặc chườm ấm lên vùng xương khớp bị ảnh hưởng. Cách này giúp hỗ trợ giảm đau và viêm nhanh chóng. Mỗi lần chườm khoảng 20 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Tập giãn cơ: Một số bài tập giãn cơ nhẹ nhàng tại nhà giúp hỗ trợ giảm đau và cải thiện tính linh hoạt của khớp.
  • Xoa bóp: Xoa bóp các cơ xung quanh khớp cùng chậu giúp giảm căng thẳng, giãn cơ và cải thiện tuần hoàn.
  • Tập yoga: Các bài tập yoga nhẹ nhàng tự tập tại nhà có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và giảm căng thẳng cơ. Nhờ đó giúp giảm triệu chứng của viêm khớp cùng chậu.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa viêm khớp cùng chậu, cần thực hiện các biện pháp tích cực về thay đổi lối sống, từ đó loại trừ các tác nhân gây ra.

  • Duy trì thói quen giữ tư thế tốt khi cử động và thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.
  • Tránh thực hiện các hoạt động mạnh gây áp lực cho vùng xương cùng chậu, giảm nguy cơ phát triển viêm khớp cùng chậu.
  • Luôn giữ cho cân nặng ở mức phù hợp, vì trọng lượng quá nặng làm tăng áp lực lên hệ xương khớp, trong đó có xương cùng chậu.
  • Sử dụng các loại giày hỗ trợ tốt, di chuyển dễ dàng và giảm thiểu căng thẳng cho khớp cùng chậu.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm khớp cùng chậu?

2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm gì để chẩn đoán viêm khớp cùng chậu?

3. Bệnh viêm khớp cùng chậu có nguy hiểm không?

4. Tôi có thể gặp biến chứng gì khi bị viêm khớp cùng chậu?

5. Phương pháp điều trị viêm khớp cùng chậu tốt nhất dành cho tôi?

6. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị?

7. Tôi nên làm những gì để cải thiện triệu chứng viêm khớp cùng chậu tại nhà?

8. Thời gian điều trị viêm khớp cùng chậu mất bao lâu thì khỏi?

9. Chi phí điều trị viêm khớp cùng chậu tốn bao nhiêu? Dùng BHYT được không?

10. Tôi có cần tái khám lại sau điều trị không?

Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý không quá nguy hiểm, có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Kết hợp chăm sóc tích cực trong quá trình điều trị và phòng ngừa tái phát sau điều trị.

Ngày đăng 16:02 - 11/09/2023 - Cập nhật lúc: 16:02 - 11/09/2023
Chia sẻ:
Gai khớp gối Bệnh Gai Khớp Gối
Gai khớp gối được xem là một trong những biến chứng của thoái hóa khớp gối cấp độ nặng do không điều trị kịp thời. Người bệnh gai khớp gối…
Đau thần kinh tọa Bệnh Đau Thần Kinh Toạ
Đau thần kinh tọa là hiện tượng dây thần kinh…
Bệnh Bạch Cầu Cấp
Bạch cầu cấp là bệnh ung thư máu phát triển…
Xẹp Đốt Sống
Xẹp đốt sống xảy ra khi các đốt sống bị…
Bệnh Nhuyễn xương bánh chè

Nhuyễn xương bánh chè là tổn thương thường gặp ở vùng đầu gối. Tình trạng này không chỉ gây đau…

Bệnh Viêm Khớp Ngón Tay

Viêm khớp ngón tay là một trong những dạng viêm khớp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tùy…

Bệnh Vẹo Cột Sống

Vẹo cột sống là một trong những dị tật cột sống phổ biến. Bệnh có thể xảy ra ở bất…

Bệnh Viêm khớp cổ chân

Viêm khớp cổ chân là một trong những bệnh cơ xương khớp phổ biến, có thể xảy ra ở mọi…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua