Bệnh Hen Suyễn

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Hen suyễn là bệnh mạn tính về đường hô hấp, chủ yếu là ở phổi. Bệnh xảy ra phổ biến ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em. Lên cơn hen suyễn khiến bệnh nhân khó thở, tức ngực, khò khè, ho nhiều về đêm hoặc sáng sớm. Tần suất bùng phát các cơn hen suyễn càng nhiều và không được can thiệp kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong tại chỗ do suy hô hấp. 

Tổng quan

Hen suyễn (tên tiếng Anh là Asthma) còn được gọi là hen phế quản. Đây là bệnh lý mãn tính trên đường hô hấp, xảy ra do tình trạng kích ứng, viêm nhiễm các lớp niêm mạc ống phế quản, gây co thắt, làm thu hẹp đường dẫn khí và cản trở quá trình lưu thông không khí, giảm lượng khí vào phổi.

Hen suyễn
Hen suyễn là bệnh lý hô hấp mạn tính khá nguy hiểm do ảnh hưởng trực tiếp đến phổi

Nhiễm trùng càng nặng, mức độ sưng phù càng nhiều càng khiến lưu lượng khí ít đi, không đủ cung cấp cho phổi và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Bệnh diễn tiến khá nhanh và nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Bệnh hen suyễn chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và người trưởng thành, đặc biệt là người già,  phụ nữ mang thai, bệnh nhân đang mắc các bệnh lý mạn tính khác, người có cơ địa dị ứng bẩm sinh, tiền sử mắc các bệnh về nhiễm khuẩn đường hô hấp, da, người thừa cân béo phì,...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cơn hen suyễn xảy ra tại đường thở, nơi đi qua của không khí để đến phổi. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà đường thở bị thu hẹp khiến lưu lượng không khí đi qua đây ít lại, dẫn đến kích ứng, sưng phù đường thở, dịch nhầy tiết ra nhiều.

Hen suyễn
Hen suyễn xảy ra do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như khói thuốc lá, mạt bụi, ảnh hưởng từ các bệnh hô hấp khác...

Nguyên nhân 

Có nhiều nguyên nhân gây hen suyễn, mỗi trường hợp sẽ gặp nguyên nhân khác nhau. Phổ biến nhất là:

  • Bị nhiễm trùng do ảnh hưởng từ các bệnh lý đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm amidan...;
  • Tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như mạt bụi trong nhà, khói thuốc lá, lông thú cưng, phấn hoa, khói công nghiệp, khói đốt gỗ, cỏ, nhang, nấm mốc, gián và phân gián...;
  • Môi trường sống ô nhiễm;
  • Thay đổi thời tiết, chuyển lạnh khiến nhiệt độ và độ ẩm xuống thấp;
  • Stress, căng thẳng hoặc thay đổi cảm xúc thất thường, trạng thái tình cảm mạnh, cú sốc tâm lý... cũng có thể lên  hen suyễn;
  • Tác dụng phụ của thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid...;
  • Ảnh hưởng từ bệnh trào ngược dạ dày thực quản;
  • Sử dụng quá mức các loại thực phẩm đóng hộp, đóng chai chứa chất bảo quản;
  • Vận động, tập thể dục quá sức;

Yếu tố nguy cơ 

Một số yếu tố nguy cơ có khả năng kích phát cơn hen suyễn bao gồm:

  • Di truyền từ bố mẹ hoặc anh chị em;
  • Bệnh nhân đã từng có tiền sử nhiễm virus (phổ biến nhất là virus RSV);
  • Yếu tố giới tính và tuổi tác. Tỷ lệ trẻ nam mắc bệnh cao hơn trẻ nữ, nhưng nam giới trưởng thành lại ít có nguy cơ mắc bệnh hơn nữ giới;
  • Hệ miễn dịch yếu kém ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai... tạo điều kiện cho các tác nhân dị ứng, nhiễm trùng bùng phát gây bệnh hen suyễn;
  • Tính chất nghề nghiệp như thợ mộc, họa sĩ, thợ làm tóc, trồng trọt & chăm sóc cây cối...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Cơn hen suyễn do từng nguyên nhân sẽ có các triệu chứng điển hình khác nhau. Nhưng về cơ bản vẫn sẽ có những biểu hiện đặc trưng như sau:

  • Thở khò khè kéo dài > 1 lần/ tháng;
  • Tái phát thường xuyên và lần sau nặng hơn lần trước;
  • Ho nhiều vào ban đêm hoặc về đêm gần sáng dù không có dấu hiệu nhiễm khuẩn;
  • Tức ngực, khó thở, thở rít;
  • Kèm theo các triệu chứng cảnh báo cơn hen như sổ mũi, ngứa mũi, hắt hơi, ngứa mắt, buồn ngủ...;
  • Cảm giác lo lắng, hoảng sợ, vã mồ hôi, mặt, môi và các đầu chi chuyển màu tím xanh, da nhợt nhạt...;

Hen suyễn
Lên cơn hen suyễn cấp gây tức ngực, khó thở, thở khò khè, ho và cần cấp cứu kịp thời

Riêng đối với triệu chứng khó thở điển hình ở bệnh nhân hen suyễn, ban đầu thở chậm, phát ra âm thanh lớn, sau đó vã mồ hôi, mức độ khó thở tăng dần, ngắt quãng, khó nói chuyện... Cơn hen suyễn khó thở kéo dài từ 5 - 15 phút. Sau khi cơn ho qua đi, bệnh nhân kết thúc cơn hen bằng cách ho khan hoặc khạc đờm.

Chẩn đoán bệnh hen suyễn sẽ dựa vào những triệu chứng lâm sàng vừa kể trên, khai thác tiền sử cá nhân và gia đình một cách chi tiết. Bệnh nhân lên cơn hen suyễn cấp cần phải nhập viện để cấp cứu. Sau đó, tiến hành thực hiện các kỹ thuật sau để chẩn đoán hen suyễn:

  • Đo chức năng hô hấp: Bằng phương pháp đo ho hấp ký, đo lưu lượng đỉnh phế quản trước và sau khi dùng thuốc giãn phế quản. Nếu chức năng phổi có sự cải thiện sau khi dùng thuốc, chứng tỏ bệnh nhân có nguy cơ cao bị hen suyễn.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một số xét nghiệm cận lâm sàng bằng hình ảnh như chụp X quang, CT scan... giúp quan sát rõ ràng cấu trúc, các tổn thương bất thường về phổi đối với bệnh nhân hen suyễn.
  • Các xét nghiệm khác: Trong các trường hợp cần thiết nhằm chẩn đoán phân biệt với viêm đường hô hấp hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)...
    • Xét nghiệm NO
    • Xét nghiệm Methacholin
    • Xét nghiệm bạch cầu đánh giá mức độ ưa acid trong dịch đờm
    • ...

Biến chứng và tiên lượng

Hen suyễn là bệnh lý mãn tính trên đường hô hấp khá nguy hiểm. Tùy theo mức độ, nguyên nhân và thể trạng sức khỏe mà việc điều trị cũng như dự phòng tái phát sẽ khác nhau. Trường hợp bùng phát hen suyễn cấp càng nhiều càng có mức độ nguy hiểm cao.

Một số biến chứng của bệnh hen suyễn thường gặp như:

Hen suyễn
Hen suyễn không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng

Biến chứng ngắn hạn

Nhóm biến chứng này thường xảy ra do bệnh nhân gặp phải những tác động tiêu cực khi lên cơn hen suyễn, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

  • Gây ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt hàng ngày, cản trở bệnh nhân tham gia các hoạt động thể chất, xã hội cộng đồng;
  • Suy giảm sức khỏe tổng thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...;
  • Tăng nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi và nhiều bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp khác do suy giảm miễn dịch;
  • Biến chứng từ việc sử dụng các loại thuốc đặc trị hen suyễn, gây hội chứng giả Cushing hoặc từ các cơn hen suyễn nặng cần được cấp cứu kịp thời;
  • Nguy cơ tử vong cao do biến chứng suy hô hấp do lên cơn hen suyễn nhưng không được cấp cứu, điều trị kịp thời;

Biến chứng dài hạn

Cùng với đó là những biến chứng dài hạn, kéo dài, thậm chí tác động vĩnh viễn đến sức khỏe của người bệnh, không có khả năng phục hồi. Chẳng hạn như:

  • Thay đổi cấu trúc đường thở: Các cơn hen suyễn tái đi tái lại khiến đường hô hấp sưng viêm nặng, tích tụ dịch nhầy quá mức. Nếu không điều trị sớm, theo thời gian sẽ làm thay đổi cấu trúc của ống phế quản vĩnh viễn, gây cản trở hoạt động vốn có của đường hô hấp, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Một số trường hợp nghiêm trọng còn phải dùng máy thở oxy.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Hầu hết bệnh nhân bị hen suyễn đều phải sống chung cả đời với tình trạng ngưng thở khi ngủ. Nguyên nhân là do tình trạng tắc nghẽn đường thở làm gián đoạn hô hấp. Về lâu dài kéo theo những hệ lụy khó lường cho sức khỏe như mất ngủ, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh...
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Biến chứng này xảy ra do hệ lụy từ việc sử dụng thuốc giãn phế quản đặc trị hen suyễn. Tác dụng phụ của thuốc gây kích thích tăng tiết axit dạ dày và tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thường xuyên, làm tăng nặng mức độ bệnh hen suyễn và ngược lại.
  • Tăng cân mất kiểm soát: Các triệu chứng hen suyễn khiến bệnh nhân có xu hướng lười vận động, ù lì, phản xạ chậm và kém linh hoạt. Cộng với tác dụng phụ của một số loại thuốc đặc trị gây kích thích cảm giác thèm ăn và khiến người bệnh tăng cân nhanh chóng.
  • Trầm cảm, lo âu: Bệnh nhân hen suyễn mạn tính và gần như phải sống chung với bệnh cả đời thường có tâm lý căng thẳng, dễ suy nghĩ tiêu cực. Lâu ngày dẫn đến sự mất kiểm soát tâm trạng, cảm xúc và góp phần gây ra trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các dạng rối loạn tâm thần khác.

Hen suyễn là bệnh lý không thể chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng nặng và dự phòng tái phát cơn hen. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp hen suyễn tự khỏi (thường là ở trẻ em) nhờ cơ chế tiến triển tự nhiên của bệnh. Chẳng hạn trẻ bị hen suyễn từ nhỏ, đến thời điểm trẻ 10 tuổi trở đi, triệu chứng hen sẽ thưa dần, giảm nhẹ và biến mất.

Điều trị

Điều trị hen suyễn được thực hiện dựa trên nguyên tắc kiểm soát nhanh cơn hen, ngăn chặn tiến triển biến chứng và hạn chế tiếp xúc tác nhân gây bệnh, dự phòng tái phát. Dưới đây là một số cách điều trị triệu chứng hen suyễn được áp dụng phổ biến trong các phác đồ hiện đại như:

1. Điều trị bằng thuốc 

Thuốc trị hen suyễn được chia làm 3 dạng chính gồm:

Hen suyễn
Xử lý cơn hen cấp bằng các loại thuốc xịt tác dụng nhanh, ngăn chặn biến chứng suy hô hấp nguy hiểm

  • Thuốc tác dụng nhanh (quick - relief): Loại thuốc này có tác dụng kiểm soát và xử lý nhanh các triệu chứng khi lên cơn hen suyễn. Có tác dụng cắt nhanh triệu chứng khó thở do lên cơn hen cấp. Một số loại thuốc giúp cắt cơn hen hiệu quả như: Berodual, Ventolin, Salbutamol...
  • Thuốc tác dụng dài hạn: Được chỉ định sử dụng duy trì trong thời gian dài, dùng hàng ngày nhằm hạn chế các đợt lên cơn hen cấp, suy hô hấp nhờ cơ chế giảm viêm, kích ứng đường thở như:
    • Thuốc Corticosteroid dạng hít: giúp xoa dịu kích ứng, giảm sưng phù đường thở, giảm tăng tiết chất dịch nhờn. Các loại ống hít phổ biến như Beclomethasone, Budesonide, Fluticasone...;
    • Thuốc kháng Leukotrien: tác dụng chính là ngăn chặn hoạt chất Leukotrien - tác nhân hàng đầu kích hoạt cơn hen cấp. Phổ biến như Zafirlukast, Montelukast...;
    • Ống hít kết hợp: Là sản phẩm kết hợp giữa ống hít Corticosteroid dạng hít với hoạt chất thuốc chủ vận beta nhằm xoa dịu cơn hen suyễn.
  • Thuốc phối hợp điều trị hen suyễn nặng:
    • Thuốc giãn phế quản: giúp làm giãn các cơ xung quanh phế quản bị thắt chặt. Loại thuốc này thường dùng dưới dạng ống hít hoặc khí dung phun sương. Các loại thường dùng như: thuốc chủ vận beta, thuốc kháng cholinergic (Ipratropium tác dụng nhanh hoặc Theophyllin, Tiotropium tác dụng kéo dài);
    • Thuốc Corticosteroid dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch: Chỉ định dùng thuốc dạng viên uống trong vòng 5 ngày, tối đa 2 tuần. Hoặc tiêm Corticosteroid trực tiếp vào tĩnh mạch nhằm kiểm soát nhanh triệu chứng lên cơn hen suyễn nặng.
    • Thuốc sinh học: Thường được chỉ định dùng trong trường hợp hen suyễn không đáp ứng với các loại thuốc kiểm soát ngắn ngày hoặc dài hạn. Loại thuốc sinh học thường dùng là Omalizumab dùng dưới dạng tiêm trong vòng 2 - 4 tuần, giúp kiểm soát cơn hen suyễn do tiếp xúc với các chất dị ứng. Khi vào trong cơ thể, các hoạt chất sinh học sẽ ức chế sự sản sinh tác nhân gây viêm của các tế bào miễn dịch.

2. Liệu pháp can thiệp 

Bên cạnh dùng thuốc, một phương pháp khác giúp điều trị hen suyễn hiệu quả và được áp dụng trong y học là liệu pháp chỉnh hình phế quản bằng nhiệt (Bronchial themoplasty).

Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn nhiệt một điện cực tác động lên các tổ chức sóng khí bên trong phổi, thu nhỏ kích thước các cơ, giữ cho cơ phế quản không bị co thắt. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được phổ biến rộng rãi do sự hạn chế về trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật, kinh nghiệm và chỉ áp dụng được cho những trường hợp bệnh nặng.

3. Kết hợp chăm sóc tại nhà 

Nhằm hỗ trợ điều trị hen suyễn, bệnh nhân cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà để ngăn chặn cơn hen tái phát nặng:

Hen suyễn
Chăm sóc sức khỏe tích cực tại nhà giúp hỗ trợ cải thiện hen suyễn hiệu quả

  • Tránh tiếp xúc với tất cả các tác nhân dị ứng có khả năng kích hoạt cơn hen;
  • Theo dõi sát sao các triệu chứng và phản ứng của cơ thể trong quá trình điều trị tại nhà để có hướng xử lý, điều chỉnh kịp thời;
  • Kết hợp một số phương pháp hỗ trợ đơn giản, an toàn như tập yoga, các bài tập thở, châm cứu, bổ sung TPCN... để giảm thiểu dùng thuốc, hạn chế tác dụng phụ;
  • Duy trì cân nặng phù hợp;
  • Ăn uống khoa học, bổ sung đủ chất thông qua đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe;
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày, nâng cao thể trạng và tăng cường miễn dịch tự nhiên đẩy lùi các tác nhân gây bệnh;

Phòng ngừa

Hen suyễn là bệnh lý tuy không thể chữa khỏi dứt điểm nhưng lại có thể tự thay đổi cơ chế theo thời gian. Nhưng để phòng ngừa hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp tích cực và đơn giản dưới đây.

Hen suyễn
Giữ vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các tác nhân dị ứng có khả năng kích hoạt cơn hen cấp

  • Đối với những trường hợp có tồn tại yếu tố cơ địa, tốt nhất nên sử dụng thuốc dự phòng đúng liều lượng và đúng thời điểm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh, lau dọn, hút bụt, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, duy trì nhiệt độ và độ ẩm dưới 50%.
  • Hạn chế tiếp xúc với các loài động vật có lông vũ hoặc lông mao, hoặc không nên nuôi động vật trong nhà là tốt nhất.
  • Tiêu diệt và loại bỏ các ổ gián trong nhà bằng gel hoặc bẫy gián chuyên dụng. Không nên dùng bình xịt để tránh gây kích ứng niêm mạc mũi và tăng nguy cơ lên cơn hen suyễn.
  • Tránh xa các loại cây cối, hoa cỏ có phấn hoặc mùi lạ, vì dễ gây lên cơn hen, dị ứng.
  • Tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc lá hoặc khói bụi, hóa chất.
  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có khả năng gây hoạt cơn hen tái phát như hải sản, thịt bò, trứng gá, cá biển, các loại thức ăn đóng hộp, đồ khô chứa chất sulfite...
  • Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ như thuốc giảm đau không steroid, aspirin, thậm chí cả thuốc nhỏ mắt...
  • Chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát cơn hen hoặc các bệnh lý hô hấp khác để có hướng điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân gây hen suyễn đối với tình trạng bệnh của tôi?

2. Các triệu chứng nguy hiểm của hen suyễn tôi cần chú ý theo dõi thêm?

3. Tiên lượng mức độ hen suyễn của tôi nặng hay nhẹ? Ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày của tôi?

4. Chẩn đoán hen suyễn bằng phương pháp nào tốt nhất?

5. Phác đồ điều trị hen suyễn tốt nhất dành cho tôi?

6. Thuốc trị hen suyễn nào tốt nhất? Dùng kháng sinh được không?

7. Dùng thuốc hít trị hen suyễn lâu dài có gây tác dụng phụ không? Cách xử lý cụ thể?

8. Bệnh hen suyễn có điều trị khỏi hoàn toàn được không? Có tái phát không?

9. Điều trị hen suyễn mất bao lâu?

10. Tôi có cần tái khám định kỳ sau khi cắt cơn hen suyễn hay không?

Hen suyễn là bệnh lý mãn tính nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, chỉ cần tuân thủ các chỉ định điều trị y tế đối với cơn hen cấp và chăm sóc tích cực lâu dài để dự phòng tái phát, bệnh nhân có thể sống chung với bệnh một cách hòa bình. Nhưng tốt nhất vẫn phải thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và thay đổi liều dùng thuốc cho phù hợp.

Ngày đăng 12:02 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 12:02 - 15/06/2023
Chia sẻ:
Bệnh Sưng tuyến mang tai
Sưng tuyến mang tai là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như viêm tuyến nước bọt. Hoặc nghiêm trọng hơn là các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do…
Bệnh Lao Thanh Quản
Lao thanh quản là dạng lao ngoài phổi thứ phát…
Viêm mũi dị ứng Bệnh Viêm Mũi Dị Ứng
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý hô hấp phổ…
Bệnh Bạch Hầu Thanh Quản
Bạch hầu thanh quản có thể xảy ra do nhiễm…
Bệnh Ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là một trong những dạng ung thư vùng đầu - cổ ít gặp. Bệnh lý này…

Bệnh Rubella

Rubella là bệnh truyền nhiễm gây sốt phát ban lành tính do virus RuV gây ra, rất dễ lây từ…

Bệnh Viêm Mủ Màng Phổi

Viêm mủ màng phổi là một trong những dạng nhiễm trùng phổi thường gặp do vi khuẩn hoặc biến chứng…

Bệnh viêm xoang Bệnh Viêm Xoang

Viêm xoang là bệnh lý Tai - Mũi - Họng có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam. Bản chất…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua