Hội chứng chùm đuôi ngựa

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tổn thương của bệnh có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng và tổn thương thần kinh vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, cần chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp điều trị y tế phù hợp để ngăn chặn tổn thương nặng hơn, tăng khả năng phục hồi sau điều trị. 

Tổng quan

Hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda Quina Syndrome - CES) là một dạng tổn thương thần kinh hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng. Tổn thương xảy ra khi rễ thần kinh ở đoạn dưới tủy sống bị chèn ép quá mức. Hậu quả gây làm gián đoạn chức năng vận động và cảm giác ở khu vực chi dưới, bàng quang, ruột, chức năng tình dục..., thậm chí gây tê liệt vĩnh liệt nếu không được điều trị.

Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm gây tổn thương các dây thần kinh vùng lưng dưới

Thuật ngữ "Cauda Equina" là một bó dây thần kinh hình thành và phát triển ở đáy tủy sống, thường là ở đốt sống thắt lưng đầu tiên (L1). Nhóm dây thần kinh này có nhiệm vụ cung cấp và điều phối chức năng hoạt động cơ, cảm giác cho chi dưới, bàng quang, ruột... Hình dạng các dây thần kinh bó vào nhau giống như đuôi ngựa nên bệnh này mới được gọi là "hội chứng chùm đuôi ngựa".

Theo thống kê, tỷ lệ mắc hội chứng chùm đuôi ngựa là khoảng 1/65.000. Tỷ lệ mắc ở nam giới và nữ giới cân bằng nhau.

Phân loại

Hội chứng chùm đuôi ngựa được chia thành rất nhiều loại, việc phân chia tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như:

Hội chứng chùm đuôi ngựa thể cấp tính là thể nghiêm trọng cần được điều trị cấp cứu kịp thời

# Dựa vào tiến triển nghiêm trọng của bệnh, gồm cấp tính và mãn tính.

  • Thể cấp tính: Đây là một trường hợp cấp cứu y tế nguy hiểm, tổn thương đặc biệt nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức. Vì tổn thương tủy sống diễn ra đột ngột, thường là do chấn thương hoặc các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống...
  • Thể mãn tính: Đây là thể bệnh phát triển chậm theo thời gian. Thường là do một số tình trạng sức khỏe thoái hóa xương khớp như viêm khớp, u cột sống...

# Dựa vào mức độ ảnh hưởng của bệnh, gồm hội chứng chùm đuôi ngựa hoàn toàn và không hoàn toàn:

  • Hội chứng chùm đuôi ngựa hoàn chỉnh: Đặc điểm nổi trội của hội chứng chùm đuôi ngựa thể hoàn toàn là gây ra biểu hiện ứ tiểu, tắc ruột hoặc đại - tiểu tiện không tự chủ. Điều này chứng tỏ các dây thần kinh bị chèn ép gây tổn thương và mất kiểm soát hoàn toàn. Đây là thể phổ biến với hơn khoảng 60% người mắc hội chứng này.
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa không hoàn chỉnh: Thể bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 40% còn lại trong tổng số các trường hợp mắc bệnh. Đặc trưng triệu chứng là mất cảm giác hoặc mất khả năng kiểm soát ở ruột, bàng quang.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Thoát vị đĩa đệm do chấn thương hoặc sự phát triển của các tổn thương khác là nguyên nhân chính gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa, điển hình gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm: Tổn thương thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này. Đây thường là hậu quả của các chấn thương hoặc áp lực căng thẳng quá mức. Khi bị thoát vị, nó sẽ tạo áp lực lên các dây thần kinh, chèn ép đến bó đuôi ngựa, gây viêm và tổn thương.
  • Hẹp ống sống: Đây là tình trạng ống sống bị thu hẹp quá mức, tạo áp lực lên các dây thần kinh. Tổn thương này có thể được gây ra bởi những thay đổi cấu trúc hoặc thoái hóa vùng cột sống. Chẳng hạn như thoái hoa đĩa đệm hoặc viêm khớp.
  • Nhiễm trùng: Đây cũng là một trong những tác nhân phổ biến gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa. Nhiễm trùng có thể gây viêm và làm tổn thương các dây thần kinh. Có rất nhiều dạng nhiễm trùng phổ biến gây ra CES như viêm màng não hoặc áp xe cột sống.
  • Một số nguyên nhân tiềm ẩn khác: Ngoài các nguyên nhân trên, còn rất nhiều tác nhân rủi ro tiềm ẩn làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng chùm đuôi ngựa. Chẳng hạn như:
    • Chấn thương ở vùng lưng dưới do tai nạn giao thông, té ngã hoặc do đạn bắn, gây gãy xương hoặc trật khớp;
    • Các thủ tục y tế như phẫu thuật cột sống thắt lưng hoặc tiêm ngoài màng cứng;
    • Tổn thương do khối u phát triển trong cột sống;
    • Xuất huyết cột sống;
    • Dị dạng động tĩnh mạch cột sống (AVM);
    • Dị tật bẩm sinh;
    • Bệnh lao hoặc liệt Pott;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng hội chứng chùm đuôi ngựa thường xuất hiện dưới dạng cấp tính, sau khoảng vài giờ hoặc tiến triển dần dần trong thời gian dài, nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Bệnh nhân mắc hội chứng chùm đuôi ngựa thường bị đau lưng dưới dữ dội, tê ngứa chân, yếu chân, bí tiểu hoặc đại - tiểu tiện mất kiểm soát...

Những dấu hiệu dưới đây có thể cảnh báo bạn hoặc người thân đang mắc phải hội chứng chùm đuôi ngựa. Bao gồm:

  • Đau nhức dữ dội vùng lưng dưới;
  • Tê bì, ngứa ran hai chi dưới;
  • Yếu chân gây khó cử động, đi lại;
  • Rối loạn hoặc mất cảm giác ở chân, hông, mông, mặt trong của đùi, mặt sau của chân với mức độ ngày càng tăng dần;
  • Rối loạn khả năng kiểm soát bàng quang, ruột, khiến việc đại - tiểu tiện đột ngột không tự chủ hoặc bí tiểu;
  • Rối loạn chức năng tình dục;
  • Phản xạ kém;

Chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa thường gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng thường không đặc hiệu và giống với các triệu chứng của các vấn đề sức khỏe cột sống bất thường khác. Nhưng vì đây là hội chứng nghiêm trọng và nguy hiểm, việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn, nâng cao cơ hội điều trị thành công.

Chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa thông qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết

Các bước chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa cụ thể bao gồm:

  • Khám sức khỏe: Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa là thăm khám sức khỏe tổng quát, hỏi tiền sử bệnh và khám thực thể một cách kỹ lưỡng. Cụ thể hơn, bác sĩ sẽ đặt những câu hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh cá nhân trong quá khứ hoặc tiền sử chấn thương, phẫu thuật... Đồng thời, kết hợp các thủ tục kiểm tra thể chất, tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương thần kinh ở vùng cột sống thắt lưng như tê bì, yếu cơ, mất khả năng phản xạ...
  • Kiểm tra hình ảnh: Nếu nghi ngờ người bệnh mắc hội chứng chùm đuôi ngựa, thực hiện các xét nghiệm hình ảnh là điều cần thiết. Các kỹ thuật hình ảnh chuyên sâu được áp dụng phổ biến như như chụp CT hoặc MRI. Những hình ảnh này giúp phát hiện các dấu hiệu chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh đuôi ngựa. Ngoài ra, những kiểm tra này cũng có khả năng xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, khối u cột sống...
  • Xét nghiệm myelogram: Trong một số trường hợp, xét nghiệm kiểm tra myelogram cũng có thể đươc chỉ định áp dụng. Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm thuốc nhuộm trực tiếp vào ống sống. Sau đó, kết hợp chụp X quang để phát hiện các dấu hiệu bất thường ở tủy sống và các dây thần kinh liên quan.
  • Các xét nghiệm bổ sung khác:
    • Xét nghiệm máu;
    • Các thủ thuật kiểm tra thần kinh chuyên biệt như đo điện cơ hoặc kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh;

Biến chứng và tiên lượng

Tổn thương do hội chứng chùm đuôi ngựa gây ra tuy nguy hiểm nhưng thường không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, những tổn thương xảy ra lại rất nghiêm trọng, có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống.

Tiên lượng bệnh thường tốt nếu được phát hiện sớm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhưng ngược lại, nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng vĩnh viễn. Chẳng hạn như:

  •  Đau nhức kéo dài và phát triển thành mãn tính;
  • Tê liệt, mất cảm giác và khả năng phản xạ;
  • Rối loạn chức năng đại - tiểu tiện;
  • Rối loạn chức năng tình dục;

Do đó, khuyến cáo bệnh nhan nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào kể trên, hãy nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chuyên sâu. Nếu cần thiết, có thể đưa vào phẫu thuật ngay lập tức để giải phóng áp lực đè nén lên cột sống, gây tổn thương các rễ dây thần kinh.

Điều trị

Sau chẩn đoán xác nhận hội chứng chùm đuôi ngựa, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Phần lớn các trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết nhằm loại bỏ tổn thương để giảm áp lực lên dây thần kinh và ngăn chặn các tổn thương có thể tiến triển nặng hơn. Những trường hợp nhẹ còn lại, tổn thương không quá nghiêm trọng có thể được khuyến nghị các biện pháp điều trị bảo tồn như thuốc giảm đau, nghỉ ngơi hoặc vật lý trị liệu.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa đem lại hiệu quả cao và nhanh chóng nhất

Phẫu thuật

Phương pháp ngoại khoa thường được chỉ định áp dụng trong những trường hợp mắc hội chứng chùm đuôi ngựa cấp tính. Đây là những trường hợp khẩn cấp cần phải điều trị ngay để kiểm soát tổn thương. Tiên lượng về tỷ lệ thành công hậu thường cao nếu bệnh nhân được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm bộc phát triệu chứng.

Mục đích của việc phẫu thuật khẩn cấp nhằm giải phóng bớt sự chèn ép gây tổn thương lên các dây thần kinh. Kỹ thuật này đặc biệt phù hợp với các tổn thương điển hình như thoát vị đĩa đệm, khối u hoặc các tình trạng cột sống khác. Tùy theo mức độ tổn thương, việc cắt bỏ có thể một phần hoặc toàn bộ để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Điều trị nội khoa

Tùy từng trường hợp mắc hội chứng chùm đuôi ngựa cụ thể, các biện pháp điều trị nội khoa cũng sẽ được chỉ định phù hợp. Ở giai đoạn đầu nhằm hỗ trợ điều trị triệu chứng hoặc áp dụng sau phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng liên quan. Các biện pháp phổ biến nhất là dùng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, nghỉ ngơi...

Cụ thể như:

  • Nghỉ ngơi và thư giãn: Bệnh nhân được khuyến khích dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tạm ngưng mọi hoạt động bình thường hàng ngày. Điều này giúp hỗ trợ giảm viêm, tạo điều kiện cho tổn thương phục hồi nhanh chóng hơn.
  • Chườm nhiệt: Chườm đá hoặc chườm nóng trực tiếp lên vùng bị ảnh hưởng có thể giúp cải thiện nhanh cơn đau nhức, ức chế triệu chứng sưng viêm khó chịu.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng, kéo giãn, căng cơ phù hợp giúp các dây thần kinh được xoa dịu, giảm mức độ căng cứng và cải thiện tính linh hoạt tại vùng bị ảnh hưởng.
  • Xoa bóp massage: Áp dụng đúng các kỹ thuật xoa bóp nhẹ nhàng giúp cải thiện triệu chứng căng cơ và thúc đẩy tuần hoàn hỗ trợ giảm đau tại vị trí bị tổn thương.
  • Châm cứu: Trong một số trường hợp, thủ thuật châm cứu cũng có thể được khuyến nghị thực hiện nhằm giảm đau và thúc đẩy quá trình tự chữa lành vết thương.

Phòng ngừa

Không có biện pháp đặc hiệu nào có khả năng ngăn chặn hội chứng chùm đuôi ngựa, bởi có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, bằng những biện pháp tích cực dưới đây, bạn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển tình trạng này.

Tránh thực hiện các hoạt động nặng quá sức gây tổn thương cột sống giảm nguy cơ phát triển hội chứng chùm đuôi ngựa

  • Luôn duy trì tư thế tốt trong sinh hoạt hàng ngày. Vì những tư thế xấu, tạo áp lực cho cột sống có thể gây ra những căng thẳng không cần thiết làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý liên quan đến việc khởi phát hội chứng CES.
  • Tránh thực hiện các cử động mạnh, khuân vác vật nặng hoặc lặp đi lặp lại động tác nặng thường xuyên, có thể dẫn đến tổn thương cột sống và dễ gây chấn thương.
  • Tập thể dục đều đặn hằng ngày, chú ý tập vừa sức và nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe, mục đích của bản thân. Việc tập luyện đúng cách giúp tăng cường sức mạnh của cột sống và giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
  • Xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh, bao gồm ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc, ngủ đúng giờ, tránh thức khuya... giúp nâng cao hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân liên quan đến hội chứng chùm đuôi ngựa.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi mắc hội chứng chùm đuôi ngựa?

2. Hội chứng chùm đuôi ngựa có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến tính mạng không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa?

4. Tôi có nên điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa không?

5. Điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Tình trạng của tôi có cần phẫu thuật không? Khi nào nên thực hiện?

7. Biện pháp chăm sóc tại nhà tôi nên thực hiện?

8. Chi phí điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

9. Điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa mất bao lâu thì khỏi?

10. Tôi có cần tái khám trở lại sau điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa không?

Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng khá nghiêm trọng ở mức độ cấp tính. Tuy hiếm khi đe dọa tính mạng nhưng các tổn thương biến chứng do bệnh gây ra cũng rất khó lường. Tốt nhất nên thăm khám sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời. Việc này không chỉ giúp kiểm soát tổn thương nhanh chóng, ngăn chặn tổn thương cột sống nặng hơn và các biến chứng thần kinh vĩnh viễn.

Ngày đăng 10:14 - 18/09/2023 - Cập nhật lúc: 10:14 - 18/09/2023
Chia sẻ:
Bệnh Viêm đa cơ
Viêm đa cơ là bệnh tự miễn hiếm gặp gây ảnh hưởng đến các cơ, gây viêm và yếu cơ. Viêm đa cơ gây ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi,…
Bệnh Paget Xương
Paget xương là căn bệnh về xương khá phổ biến.…
Bệnh Viêm Khớp Cùng Chậu
Viêm khớp cùng chậu xảy ra do rất nhiều tác…
Gai cột sống Bệnh Gai Cột Sống
Gai cột sống là bệnh lý xương khớp xảy ra…
Bệnh Lao Cột Sống

Lao cột sống phổ biến chỉ sau lao phổi. Đây là một dạng bệnh thường gặp trong tất cả các…

Bệnh Viêm Khớp Bàn Chân

Viêm khớp bàn chân là một dạng tổn thương phổ biến. Không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng đi…

Hội chứng De Quervain

Hội chứng De Quervain hay còn gọi là viêm bao gân De Quervain. Tình trạng này liên quan đến việc…

Bệnh Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới

Giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh lành tính nhưng tiến triển bệnh thường là mãn tính rất khó…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua