Bệnh Viêm hạch mạc treo

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Doãn Hồng Phương

Giám đốc Chuyên môn Đông Phương Y Pháp

Viêm hạch mạc treo là một trong những bệnh lý hiếm gặp về các bất thường của hệ thống hạch bạch huyết. Bệnh xảy ra khi hạch mạc treo ở ruột bị sưng viêm do các yếu tố như vi khuẩn, virus hoặc các tác nhân khác. Trẻ nhỏ đối tượng thường mắc căn bệnh này, gây ra các triệu chứng viêm như sưng đau, sốt cao, đau bụng, tiêu chảy... 

Viêm hạch mạc treo xảy ra khi các tuyến lympho chứa hạch bạch huyết trong ổ bụng bị sưng viêm và gây đau bụng

Tổng quan

Viêm hạch mạc treo (Mesenteric lymphadenitis) là tình trạng các hạch bạch huyết ở trong mạc treo bị viêm. Đây là một trong những hạch bạch huyết quan trọng nằm trong màng gắn ruột với thành bụng. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ và chống lại sự tấn công của vi khuẩn hoặc virus gây bệnh.

Căn bệnh này thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên. Rất ít khi xảy ra ở người lớn hoặc người trên 20 tuổi. Các chuyên gia đánh giá tình trạng này có các triệu chứng khá giống với viêm ruột thừa, thường không tiến triển nghiêm trọng. Bệnh có xu hướng tự khỏi hoặc khỏi hẳn mà không để lại bất kỳ di chứng nào sau khi điều trị tích cực.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đa số những trường hợp được chẩn đoán viêm hạch mạc treo đều là do nhiễm trùng hoặc là dấu hiệu của một tình trạng nào đó gây viêm. Có thể kể đến một số nguyên nhân cụ thể sau:

Bệnh viêm hạch mạc treo thường xảy ra trước hoặc trong các đợt nhiễm trùng do viêm tai mũi họng

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus là nguyên nhân phổ biến gây viêm các hạch bạch huyết ở mạc treo

  • Viêm dạ dày ruột: Đây là bệnh nhiễm trùng được gây ra do nhiễm 2 chủng virus phổ biến là rotavirus hoặc norovirus. Hoặc một số trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn Salmonella.
  • Vi khuẩn Yersinia enteratioitica: Đây là loại vi khuẩn được tìm thấy trong thịt chưa nấu chín. Nó có khả năng gây ra một số vấn đề viêm ruột dạ dày, viêm ruột thừa cấp tính hoặc bệnh Crohn, trong đó có tình trạng viêm hạch mạc treo ở trẻ em.
  • Các tác nhân nhiễm trùng khác:
    • Nhiễm trùng liên quan đến virus HIV;
    • Trực khuẩn lao;
    • Viêm phần cuối ruột non do vi khuẩn hoặc mắc bệnh Crohn;

Tình trạng viêm

Các hạch bạch huyết ở bụng bị viêm cũng có thể bị ảnh hưởng từ các tình trạng hoặc bệnh lý viêm nhiễm sau:

  • Viêm loét đại tràng;
  • Viêm ruột thừa;
  • Viêm tụy;
  • Viêm túi thừa;
  • Viêm manh tràng;
  • Áp xe tụy;
  • Một số bệnh tối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì hoặc lupus ban đỏ hệ thống...;

Ung thư

Một vài bệnh lý ung thư có thể làm tăng nguy cơ khởi phát tình trạng viêm các hạch bạch huyết mạc treo ở ruột, gồm:

  • Ung thư hạch;
  • Ung thư ruột kết;
  • Ung thư buồng trứng;
  • Ung thư tuyến tụy;
  • Ung thư thực quản;
  • Ung thư dạ dày, ruột già hoặc ruột non;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng viêm hạch mạc treo thường tiến triển chậm và không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng phổ thông khác nên rất khó chẩn đoán. Trong giai đoạn đầu, khi các triệu chứng đường ruột chưa bộc phát, thì các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên đã xảy ra trước, gây đau họng, ho khan, khàn giọng...

Bệnh nhân bị viêm hạch mạc treo thường bị đau bụng dữ dội về phía vùng bụng dưới bên phải kèm theo sốt cao

Sau đó, các triệu chứng khi bị hạch mạch treo bị viêm sẽ bắt đầu biểu hiện ra. Điển hình như:

  • Sốt cao;
  • Đau tức vùng bụng dưới bên phải hoặc khu vực trung tâm;
  • Chán ăn;
  • Mệt mỏi, suy nhược;
  • Buồn nôn, ói ói, tiêu chảy;
  • Tăng nồng độ bạch cầu trong máu;

Chẩn đoán

Các triệu chứng của viêm hạch mạc treo chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Do đó, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng dữ dội, quằn quại, tiêu chảy, nôn mửa kèm theo sốt cao, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán điều trị càng sớm càng tốt.

Việc chẩn đoán viêm hạch mạc treo khá khó khăn, do triệu chứng ban đầu thường khá giống với các dấu hiệu tiêu hóa thông thường khác. Đầu tiên, bác sĩ sẽ thu thập toàn bộ triệu chứng sau đó kiểm tra và đánh giá, kết hợp khai thác tiền sử bệnh, các vấn đề sức khỏe khác mà bệnh nhân đang mắc phải.

Chẩn đoán viêm hạch mạc treo thường bao gồm kiểm tra sức khỏe kết hợp làm xét nghiệm máu hoặc kiểm tra hình ảnh

Sau đó, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây các triệu chứng trên, cần thực hiện các xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu: Giúp xác định có bị nhiễm trùng hay không và xác định tác nhân gây nhiễm trùng.
  • Kiểm tra hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh từ đơn giản đến phức tạp như siêu âm hoặc chụp CT bụng giúp đánh giá tổn thương viêm hạch mạc treo ruột một cách chính xác.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm hạch mạc treo là căn bệnh ít khi xảy ra hoặc thường xảy ra riêng lẻ, không đi theo các bệnh lý khác nên ít khi gây ra biến chứng. Nhưng về cơ bản cũng như nhiều căn bệnh nhiễm trùng khác, nếu tình trạng nhiễm trùng không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng huyết gây ngộ độ máu, đe dọa đến tính mạng.

Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu ban đầu của tình trạng này, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám, thực hiện các chẩn đoán chuyên biệt để xác định căn nguyên và hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp.

Điều trị

Với những trường hợp bị viêm hạch mạc treo mức độ nhẹ, không có biến chứng hoặc viêm do virus, việc điều trị có thể không cần thiết. Vì hầu hết các trường hợp đều có thể tự thuyên giảm sau 3 - 4 tuần hoặc 2 tháng hơn để phục hồi sức khỏe hoàn toàn.

Riêng những trường hợp bị viêm hạch mạc treo do nhiễm trùng vi khuẩn, tiến triển nghiêm trọng với những biến chứng khó lường từ trung bình đến nặng, cần can thiệp điều trị y tế càng sớm càng tốt để kiểm soát bệnh, bảo vệ tính mạng.

Dùng thuốc

Mục tiêu dùng thuốc trong điều trị viêm hạch mạc treo chủ yếu là kiểm soát triệu chứng và loại bỏ nhiễm trùng. Nhóm thuốc thường là thuốc kháng sinh và các loại có tác dụng giảm đau, hạ sốt khác. Bao gồm:

Điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh là phương pháp hiệu quả nhất đối với bệnh nhân mắc viêm hạch mạc treo

  • Thuốc kháng sinh: Để chống lại nhiễm trùng, bệnh nhân được kê toa dùng thuốc kháng sinh với loại và liều phù hợp với tình trạng cụ thể. Đa số thuốc kháng sinh chỉ được dùng tối đa trong vài ngày, sau thời gian chỉ định, cần thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra lại.
  • Thuốc giảm đau: Trường hợp viêm hạch mạc treo do nhiễm trùng gây sốt cao và đau bụng dữ dội, có thể cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt không cần kê toa để cải thiện tình trạng nhanh chóng. Chú ý đối với trẻ em, tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng Aspirin để hạn chế nguy cơ phát triển hội chứng Reye.

Phẫu thuật

Rất hiếm trường hợp bị viêm hạch mạc treo phải can thiệp phẫu thuật để điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phương pháp phẫu thuật có thể cần thiết nhằm mục đích loại bỏ các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng. Những trường hợp được chỉ định thường là khi các hạch bạch huyết sưng lên gây tắc ruột hoặc đau nhức dữ dội.

Điều trị hỗ trợ cải thiện triệu chứng

Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân cũng được khuyến nghị thực hiện một số biện pháp đơn giản dưới đây nhằm góp phần cải thiện triệu chứng viêm hạch mạc treo. Chẳng hạn như:

  • Chườm ấm trực tiếp lên vùng bụng giúp giảm dần cơn đau bụng dữ dội và khó chịu;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn để có đủ năng lượng giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng;
  • Trẻ sốt cao, nôn ói quá mức nên uống nhiều nước, Oresol, nước ép trái cây... để bù nước, giảm nguy cơ mất nước;
  • Cố gắng thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đủ chất từ đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc...;

Phòng ngừa

Tỷ lệ trẻ mắc viêm hạch mạc treo không nhiều hoặc nếu có cũng chỉ ở mức nhẹ đến trung bình. Điều này khiến các bậc phụ huynh dễ lơ là, chủ quan trước căn bệnh này. Tuy nhiên, các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Lối sống sạch sẽ kết hợp tiêm phòng vắc xin ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng là cách dự phòng tốt nhất đối với bệnh viêm hạch mạc treo

  • Giữ an toàn vệ sinh:
    • Hình thành thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
    • Đảm bảo ăn uống sạch sẽ, tuân thủ nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi, nhất là ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, dịch bệnh;
    • Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc hoàn toàn với những bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng như lao, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiêu hóa...;
  • Tiêm vắc xin: Phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa. Điều này đóng góp không nhỏ vào việc giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm hạch mạc treo. Một số loại vắc xin phổ biến được khuyến nghị như:
    • Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do phẩy khuẩn tả dạng uống mORCVAX;
    • Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus gồm Rotavin M1 (Việt Nam), Rotateq (Mỹ), Rotarix (Bỉ);
    • Vắc xin phòng bệnh thương hàn gồm 2 loại Typhoid VI (Việt Nam) hoặc Typhim VI (Pháp);

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến con tôi mắc bệnh viêm hạch mạc treo?

2. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán tình trạng viêm hạch mạc treo?

3. Những biến chứng con tôi có thể gặp phải khi bị viêm hạch mạc treo?

4. Bệnh viêm hạch mạc treo có nguy hiểm không? Có cần phải điều trị không?

5. Phương pháp điều trị viêm hạch mạc treo nào tốt nhất dành cho con tôi?

6. Với độ tuổi của con tôi nên dùng loại thuốc kháng sinh nào phù hợp?

7. Tôi cần làm gì để cải thiện triệu chứng và giúp con cảm thấy thoải mái hơn?

8. Những dấu hiệu nào cho thấy con tôi đang hồi phục tốt?

9. Thời gian điều trị viêm hạch mạc treo mất bao lâu thì khỏi hẳn?

10. Chi phí điều trị bệnh viêm hạch mạc treo tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

Viêm hạch mạc treo là căn bệnh ít phổ biến, tuy nhiên không phải vì vậy mà bệnh không có khả năng tiến triển nguy hiểm. Việc điều trị tích cực khi mắc bệnh là điều cần thiết nhằm loại bỏ nhiễm trùng và kiểm soát triệu chứng, góp phần giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng, ngăn ngừa các biến chứng khó lường. Đồng thời, tuân thủ thực hiện khuyến cáo thực hiện lối sống sạch sẽ và tiêm chủng đầy đủ để giảm thiểu rủi ro mắc bệnh.

Ngày đăng 10:21 - 28/08/2023 - Cập nhật lúc: 10:21 - 28/08/2023
Chia sẻ:
Bệnh Nhiễm khuẩn Hp dạ dày
Nhiễm khuẩn Hp dạ dày xảy ra vô cùng phổ biến trên thế giới. Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải thông qua chế độ ăn uống và sinh…
Bệnh Áp xe gan
Áp xe gan là một trong những dạng áp xe…
Hội chứng Lynch
Lynch là một dạng rối loạn di truyền có liên…
Bệnh Viêm Hậu Môn
Viêm hậu môn là bệnh lý thường gặp ở mọi…
Bệnh Thoát Vị Đùi

Thoát vị đùi là một trong những dạng thoát vị khá hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Bệnh Sán Lá Gan

Sán lá gan là bệnh lý phổ biến thuộc nhóm nhiễm ký sinh trùng qua đường tiêu hóa. Bệnh được…

Nhiễm Ấu Trùng Sán Lợn

Nhiễm ấu trùng sán lợn xảy ra khi bạn ăn hoặc uống thực phẩm chứa ấu trùng sán dây lợn.…

Polyp Ống Tiêu Hóa

Polyp ống tiêu hóa thường xuất hiện ở đại tràng, dạ dày và nhiều vị trí khác. Chúng là những…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Doãn Hồng Phương

Giám đốc Chuyên môn Đông Phương Y Pháp

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua