Bệnh Sán Lá Gan

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Sán lá gan là bệnh lý phổ biến thuộc nhóm nhiễm ký sinh trùng qua đường tiêu hóa. Bệnh được gây ra bởi 2 nhóm sán gồm sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Các triệu chứng của sán lá gan tương tự như các bệnh lý về gan khác nên rất dễ bị nhầm lẫn, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị. Bệnh sán lá gan có thể chữa trị khỏi hoàn toàn khi bệnh được phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp.  

Tổng quan

Sán lá gan (Fasciola) là bệnh lý nhiễm ký sinh trùng mạn tính phổ biến. Chúng ký sinh ở đường mật con người thông qua việc ăn uống các loại thực phẩm nhiễm sán, không được rửa sạch sẽ hoặc uống nước chưa được đun sôi.

Hình ảnh minh họa sán lá gan

Sán lá gan là loại ký sinh trùng có hình bầu dục dài, thân dẹp, hình dạng giống như chiếc lá. Loại sán này có cấu tạo hoàn không hoàn chỉnh, nó có cơ hệ bài tiết, hệ thần kinh và hệ sinh dục, nhưng lại không có hệ tuần hoàn và hệ hô hấp. Loại sán này có 2 chu trình phát triển là chu trình vô tính và chu trình hữu tính.

Trứng sán lá gan tồn tại được ở môi trường bên ngoài, nhưng nếu nhiệt độ cao hơn 70 độ C. Do đó, chúng thường chỉ tồn tại và phát triển được trong môi trường nước. Chúng thường ký sinh chủ yếu ở các loại động vật ăn cỏ như trâu, bò, gà, chó, mèo, ốc hoặc các loại rau sinh trưởng dưới nước như rau muống, rau cần, bông súng, ngó sen, rau nhút...

Theo một số liệu được thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm sán lá gan tại Việt Nam tương đối cao, > 4.094 người, xuất hiện và phân bố tại hơn 231 huyện, thuộc 45 tỉnh thành trên cả nước.

Phân loại

Bệnh sán lá gan được chia làm 2 loại gồm:

Sán lá gan ở người được chia làm 2 dạng chính là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ

Bệnh sán lá gan lớn (Fascioliasis)

Gồm 2 loại là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Bệnh xảy ra chủ yếu ở các loài động vật ăn cỏ như bò, trâu, dê, ngựa..., đặc biệt là ốc họ Lymnaea và cả con người.

Thời gian ủ bệnh thường phụ thuộc vào mức độ đáp ứng của vật chủ và số lượng ấu trúng sán mà bệnh nhân ăn vào. Thông thường sẽ kéo dài trong vòng vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.

Bệnh sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis)

Gồm 3 loại là Opisthorchis viverrini, Clonorchis sinensis, Opisthorchis felineus. Bệnh xảy ra chủ yếu ở các quốc gia châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Triều Tiên, Việt Nam... Tại Việt Nam, bệnh thường xuất hiện ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng...

Thời gian ủ bệnh của sán lá gan nhỏ thường không rõ ràng. Phụ thuộc chủ yếu vào mức độ và số lượng sán nhiễm vào cơ thể, thường phải nhiễm trên 100 sán thì các triệu chứng bệnh mới biểu hiện rõ rệt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đối với con người, nguyên nhân chính gây nhiễm sán lá gan là do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm nhiễm sán trưởng thành hoặc ấu trùng sán nhưng không được sơ chế và chế biến chín kỹ.

Sán lá gan sau khi xâm nhập vào trong cơ thể người, sẽ hòa vào dòng máu và đi khắp cơ thể, xuyên qua mạch máu vào trong ổ bụng. Sau đó, từ ổ bụng đi xuyên qua lớp màng bao gan để trú ngụ và phát triển ở đây. Theo thời gian, chúng dần phá hủy các nhu mô gan và gây tổn thương nghiêm trọng.

Ăn uống thực phẩm nhiễm sán và ấu trùng sán chính là con đường chủ yếu gây bệnh sán lá gan

Ngoài nguyên nhân chính này, còn nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm sán lá gan như:

  • Những người có sở thích ăn sushi, sashimi gỏi cá sống, hải sản tái chanh, sốt thái...;
  • Ăn rau sống chưa được rửa sạch sẽ, trái cây không gọt vỏ cũng làm tăng nguy cơ nhiễm sán lá gan;
  • Thói quen sống thiếu vệ sinh như đại tiện, phóng uế bừa bãi, không xử lý chất thải, rác thải đúng cách;
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, chứa nhiều tác nhân là các vi sinh vật có hại cho con người;
  • Nhập khẩu gia súc hoặc các loại thực phẩm khác như tôm, cua, ốc, cá... từ các quốc gia đang có dịch bệnh;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tùy theo dạng sán lá gan lớn hoặc nhỏ mà triệu chứng bệnh được biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:

Nhiễm sán lá gan ở người gây các triệu chứng đặc trưng tại đường tiêu hóa, đau tức vùng gan và nổi mẩn ngứa da

  • Bệnh sán lá gan nhỏ:
    • Cảm giác đau tức vùng hạ sườn bên phải (vùng gan);
    • Triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, đầy hơi, ăn kém...;
    • Da sạm nám, khô ráp, vàng da;
    • Biểu hiện gan to hoặc xơ gan trên hình ảnh lâm sàng nặng hoặc nhẹ tùy theo mức độ bệnh;
  • Bệnh sán lá gan lớn:
    • Đau tức vùng hạ sườn phải, sau đó lan ra phía sau kèm theo đau vùng thượng vị, mũi ức;
    • Cơn đau thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn, lúc đau dữ dội, lúc đau âm ỉ, hoặc cũng có trường hợp không đau bụng;
    • Kèm theo mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, suy nhược, sốt thất thường, đau khớp, nổi mẩn đỏ ngứa ngáy;
    • Rối loạn tiêu hóa gây khó tiêu, chướng bụng, đầy bụng...;
    • Thiếu máu khiến da dẻ xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, thường xảy ra trong những trường hợp viêm nhiễm kéo dài;

Chẩn đoán

Các triệu chứng và biểu hiện ở bệnh nhân nhiễm sán lá gan thường khó phân biệt và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt và xét nghiệm cần thiết.

Xét nghiệm máu và phân là 2 biện pháp chẩn đoán sán lá gan cho kết quả tương đối chính xác

  • Chẩn đoán phân biệt: Với các bệnh lý như:
    • Áp xe gan do amip, giun đũa hoặc khuẩn toxocara;
    • Viêm gan siêu vi A, B hoặc C;
    • Áp xe đường mật do vi khuẩn;
    • Ung thư gan, u gan;
    • Đau dạ dày;
    • ...
  • Xét nghiệm: Tiến hành thu thập mẫu bệnh phẩm (thường là phân hoặc máu) để mang đi xét nghiệm:
    • Mẫu phân nhằm tìm kiếm trứng sán lá gan và xác định đó là loại sán lớn hoặc sán nhỏ;
    • Mẫu máu được thực hiện xét nghiệm sinh hóa giúp phát hiện các kháng thể của sán lá gan lớn trong huyết thanh bệnh nhân (thường là bộ đôi kháng thể IgG và IgE);
    • Các xét nghiệm khác: như hút dịch tá tràng, xét nghiệm phân trứng, xét nghiệm ELISA... giúp tìm kiếm và xác định loại sán lá gan mà người bệnh đang mắc phải;
    • Test da với kháng nguyên bằng mẫu dung dịch chứa chiết xuất sán lá gan;
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một vài trường hợp khác nếu nghi ngờ sán lá gan tồn tại trong gan hoặc ống mật, nhằm quan sát và đánh giá tổn thương tại ống tụy, ống mật và túi mật, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như:
    • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
    • Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
    • Chụp cộng hưởng từ MRI;
    • Siêu âm;
    • Nội soi dạ dày;

Biến chứng và tiên lượng

Sán lá gan không có khả năng lây truyền từ người sang người. Nhưng có thể lây truyền thông qua việc ăn uống, bệnh nhân ăn phải ấu trùng sán trong thực phẩm nhưng chưa được nấu chín (ốc, cá, bò, heo, dê, rau sống mọc dưới nước). Chúng tồn tại trong dày, sau đó đi xuống tá tràng rồi vòng ngược lên mật và gan. Lúc này, ấu trùng nở ra thành sán và ký sinh ở gan để gây bệnh.

Bệnh sán lá gan nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm tại đường mật, tụy, gan và nhiều cơ quan khác

Sau đó, chúng có thể di chuyển sang những cơ quan khác và gây ra thương tổn như ruột, dạ dày, bụng, khớp, đường mật... Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sán lá gan có thể ký sinh dài hạn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Tắc mật;
  • Viêm xơ hóa đường mật thứ phát;
  • Tăng nguy cơ ung thư biểu mô đường mật;
  • Viêm tụy cấp;
  • Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bội nhiễm;
  • Biến chứng áp xe phổi, tim, tràn dịch màng phổi;
  • Tổn thương cục bộ tại cơ quan sán ký sinh như cơ ngực, vú, khớp, bắp chân...;
  • Biến chứng vỡ gan (tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời);

Điều trị

Sán lá gan là bệnh nhiễm ký sinh trùng có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu áp dụng đúng phương pháp. Hiện nay, biện pháp trị sán lá gan được áp dụng phổ biến nhất là dùng thuốc diệt giun.

1. Dùng thuốc

Dùng thuốc trị diệt sán lá gan là phương pháp điều trị được ưu tiên áp dụng hàng đầu. Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng để trị sán lá gan, trong đó có 2 loại phổ biến nhất là:

Dùng thuốc có tác dụng tiêu diệt sán lá gan và hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng liên quan

  • Đối với bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn thường dùng Triclabendazole. Liều dùng khuyến cáo là 250mg, liều 10mg/ kg cân nặng. Bệnh nhân chỉ uống 1 lần duy nhất sau bữa ăn. Trường hợp không có Triclabendazole có thể thay thế bằng các loại thuốc khác như: Bithionol, Emetine, Dehydroemetine, Artesunat... với liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ;
  • Đối với bệnh nhân nhiễm sán lá gan nhỏ thường dùng Praziquantel dạng viên nén 600mg, liều khuyến cáo 75mg/ kg, uống 3 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau từ 4 - 6 tiếng và chỉ uống sau khi ăn no. Trường hợp kèm theo nhiễm trùng nhẹ hoặc trung bình, dùng thuốc Praziquantel 600mg, liều khuyến cáo 40mg/ kg/ 24h bằng một liều duy nhất và uống sau bữa ăn;

Ngoài ra, tùy theo mức độ triệu chứng đi kèm ở từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp. Chẳng hạn như kết hợp dùng thêm thuốc kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm hoặc thuốc Corticosteroid (dùng ngắn hạn) cho những trường hợp bùng phát đợt cấp với các biểu hiện nghiêm trọng;

Lưu ý:

  • Dùng thuốc diệt sán lá gan cần hết sức thận trọng, tuân thủ liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ;
  • Chống chỉ định cách chữa này với phụ nữ mang thai, bệnh nhân có tiền sử suy tim, suy thận, suy gan, rối loạn tâm thần hoặc có cơ địa dị ứng bẩm sinh với các loại thuốc được chỉ định;

2. Can thiệp ngoại khoa

Trong trường hợp dùng thuốc không có hiệu quả, tiến triển và triệu chứng bệnh ngày càng nặng hơn sẽ được cân nhắc thực hiện phẫu thuật. Những trường hợp thường được chỉ định phẫu thuật là khi nhiễm sán lá gan gây biến chứng áp xe gan với kích thước lớn > 5cm, kết hợp chọc dút dịch mủ trước khi phẫu thuật.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ đem lại tác dụng ngăn chặn tiến triển lây lan của sán lá gan. Tốt nhất người bệnh vẫn phải kết hợp chăm sóc tích cực, giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt để tránh gây khiến bệnh tái phát.

Phòng ngừa

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng ngừa bệnh nhiễm sán lá gan, mỗi người trong chúng ta cần tự nâng cao ý thức và chấp hành những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều chỉnh thói quen ăn uống và vệ sinh đúng cách, an toàn.

Phòng ngừa nhiễm sán lá gan bằng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn chín uống sôi và giữ vệ sinh kỹ lưỡng

  • Điều chỉnh thói quen ăn uống khoa học, ăn chín uống sôi;
  • Bất kỳ loại thực phẩm trước khi nạp vào cơ thể cũng đều cần phải rửa sạch kỹ lưỡng;
  • Tuyệt đối không ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các loại cá, hải sản, thịt hoặc rau sống mọc dưới nước;
  • Không uống nước lã, nước mưa đọng trong chum, vại, nước hồ, nước ao...;
  • Trong trồng trọt tuyệt đối không dùng phân tươi để bón cho cây;
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh;
  • Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/ lần cho bản thân và cả chó, mèo, trâu, bò, dê, cừu để tránh nguy cơ nhiễm giun sán;
  • Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và chuyên môn cần tiến hành thu thập mẫu phẩm phế thải, nguồn nước để kiểm tra mầm bệnh, kiểm soát tình hình nuôi vật nuôi, trồng trọt. Đặc biệt tiến hành tổ chức dập dịch ngay để ngăn chặn lây lan;
  • Giáo dục tuyên truyền sức khỏe, tác hại của bệnh sán lá gan, khuyến cáo người dân không nên ăn gỏi sống, rau sống mọc dưới nước, gia súc, gia cầm chết vì dịch bệnh, không uống nước lã... để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh;

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu nhận biết đặc trưng khi bị nhiễm sán lá gan là gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị bệnh sán lá gan?

3. Những xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán sán lá gan?

4. Phương pháp điều trị bệnh sán lá gan tốt nhất dành cho tôi?

5. Có thuốc đặc hiệu diệt sán lá gan không? Loại nào tốt nhất?

6. Dùng thuốc trong thời gian dài có gây tác dụng phụ không? Tôi cần làm gì để xử lý tác dụng phụ của thuốc?

7. Nếu tôi không điều trị, sán lá gan có tự hết không?

8. Quá trình điều trị sán lá gan mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

9. Sau điều trị, sán lá gan có khả năng tái phát trở lại không?

10. Tôi có cần tái khám sau điều trị không? Lịch tái khám bao lâu là tốt nhất?

Bệnh sán lá gan rất phổ biến, nhất là với những người có thói quen ăn uống, vệ sinh kém. Do đó, cách duy nhất để chữa khỏi bệnh và phòng tránh tái phát chính là thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ và giữ vệ sinh sạch sẽ. Chủ động thăm khám và điều trị ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường để giảm nguy cơ biến chứng khó lường cho sức khỏe.

Ngày đăng 12:07 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 12:07 - 15/06/2023
Chia sẻ:
Bệnh Vàng Da Sơ Sinh
Vàng da sơ sinh xảy ra do sự gia tăng bất thường nồng độ bilirubin trong máu. Hầu hết các trường hợp vàng da sơ sinh đều vô hại, không…
Bệnh Thoát Vị Khe Hoành
Thoát vị khe hoành là một dạng thoát vị phổ…
Dị ứng sữa Bệnh Dị Ứng Sữa
Dị ứng sữa là một dạng dị ứng khá phổ…
Nguyên nhân gây hội chứng ruột ngắn Hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn là tình trạng kém hấp thu…
Bệnh Áp Xe Gan do Amip

Áp xe gan do Amip là bệnh lý nhiễm khuẩn gan mật khá phổ biến, có thể xảy ra ở…

Bệnh Hẹp môn vị phì đại

Hẹp môn vị phì đại là sự thu hẹp của cơ môn vị làm tắc nghẽn đường dẫn thức ăn…

Chấn Thương Lách

Chấn thương lách xảy ra do các tác động vật lý như bị đánh đập, hành hung hoặc tai nạn…

Bệnh Tiểu Đường

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính phổ biến có tỷ lệ mắc cao hiện nay. Bệnh có thể kiểm…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua