Bệnh Viêm Xoang

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Tai Mũi HọngGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở Mỹ Đình – Hà Nội

Viêm xoang là bệnh lý Tai - Mũi - Họng có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam. Bản chất của viêm xoang không nguy hiểm, nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bài viết dưới đây cung cấp những thông tin cần biết về bệnh viêm xoang giúp người bệnh tự chủ về việc chăm sóc, điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả. 

Bệnh viêm xoang
Viêm xoang là bệnh lý tai mũi họng do viêm nhiễm phổ biến hiện nay

Tổng quan

Xoang có cấu trúc là các hốc rỗng, được lót bởi các lớp mô mềm, nằm sau trán, gò má, chứa không khí. Viêm xoang (tên tiếng Anh là Sinusitis), là tình trạng viêm niêm mạc lót các xoang cạnh mũi do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ảnh hưởng từ phản ứng dị ứng. Đặc trưng của viêm xoang là phù nề và tăng tiết chất nhầy làm tắc nghẽn xoang.

Tại Việt Nam, viêm xoang là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao do ảnh hưởng từ khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi trùng phát triển, sinh bệnh. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh, phổ biến nhất là người lớn, trẻ em ít gặp. Viêm xoang có tính chất tái đi tái lại, nếu khỏi dưới 30 ngày là viêm xoang cấp tính, kéo dài trên 90 ngày là viêm xoang mãn tính.

Phân loại

Dựa vào từng vị trí xoang để phân loại các dạng viêm xoang. Gồm:

  • Viêm xoang hàm trên
  • Viêm xoang sàng
  • Viêm xoang trán
  • Viêm xoang bướm
  • Viêm đa xoang

Bệnh viêm xoang
Viêm xoang được chia làm 5 loại chính tùy theo vị trí hốc xoang tổn thương

Mỗi dạng viêm xoang có đặc điểm triệu chứng, mức độ nguy hiểm khác nhau. Bắt buộc phải thăm khám, chẩn đoán mới xác định được hướng điều trị phù hợp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Các tổn thương do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm, dị ứng.

Bệnh viêm xoang
Viêm xoang thường khởi phát do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm hoặc dị ứng

  • Viêm xoang thể cấp tính:
    • Do virus cúm, rhinovirus, paraingluenza... Một số trường hợp nhiễm khuẩn thứ cấp do Pneumococci, Streptococci, Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae hoặc Staphyloccoci...;
    • Do áp xe quanh răng hàm trên lan đến các xoang;
    • Ảnh hưởng từ các bệnh nhiễm trùng cấp tính do các vi khuẩn như: Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis, Staphylococcus aureus, Enterobacter, Pseudomonas aeruginosa...;
    • Suy giảm miễn dịch gây viêm xoang cấp do nhiễm nấm;
  • Viêm xoang thể mãn tính:
    • Nhiễm vi khuẩn gram âm, các loại vi khuẩn kỵ khí ở miệng;
    • Nhiễm nấm như Sporothrix, Aspergillus, Pseudallescheria thường xảy ra ở người lớn tuổi, giảm đề kháng;
    • Rối loạn hệ thống niêm dịch lông chuyển hoặc bị tấn công bởi các vi sinh vật lây nhiễm;
    • Viêm xoang mãn tính phát sinh từ nhiễm trùng răng, áp xe răng;
  • Viêm xoang thể nấm dị ứng: Đây là dạng viêm xoang có liên quan đến bất thường về cấu trúc mũi, thường là polyp. Từ đó phát sinh phản ứng dị ứng do nhiễm nấm Aspergillus, không liên quan đến nhiễm trùng.
  • Viêm xoang thể nấm xâm lấn: Đây là dạng viêm xoang khá nghiêm trọng, thường xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch, nhiễm nấm Aspergillus hoặc Mucor. Bệnh có nguy cơ gây tử vong cao.

Yếu tố nguy cơ

  • Tắc nghẽn lưu thông xoang do polyp mũi, viêm mũi dị ứng, sonde mũi dạ dày, đặt nội khí quản qua mũi..;
  • Các chấn thương cơ học hoặc tác động lực mạnh gây sưng phù niêm mạc, xuất huyết;
  • Yếu tố cơ địa như rối loạn nội tiết, suy nhược toàn thân, rối loạn nước & chất điện giải;
  • Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản;
  • Suy giảm miễn dịch do mắc bệnh tiểu đường, HIV...;
  • Rối loạn hoạt động nhung mao;
  • Mắc bệnh xơ hóa nang, bỏng nặng hoặc ở trong phòng hồi sức tích cực kéo dài;
  • Thói quen nghiện thuốc lá, lạm dụng thuốc xịt mũi...;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán 

Các triệu chứng viêm xoang khác nhau giữa các thể bệnh. Thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu, chỉ đến giai đoạn nặng mới bộc phát rõ ràng.

Bệnh viêm xoang
Viêm xoang đặc trưng với triệu chứng đau nhức mũi khó chịu tùy theo từng vị trí xoang

  • Đau nhức tại vị trí viêm xoang như đau trán, má, giữa 2 lông mày, giữa 2 mắt, đau gáy...;
  • Chảy dịch nhầy xuống mũi hoặc họng tùy theo vị trí viêm xoang;
  • Dịch nhầy thường có màu xanh, vàng, trắng đục, mùi hôi;
  • Nghẹt 1 bên hoặc cả 2 bên mũi, gây khó thở, mệt mỏi;
  • Điếc mũi, mất khả năng ngửi mùi do giảm chức năng khứu giác;
  • Khó chịu cổ họng, ho;
  • Đau đầu, chóng mặt, choáng váng;
  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao;
  • Đau người khi ho hoặc hắt hơi;
  • Chán ăn;
  • Đau xung quanh mắt, mờ mắt;

Sau khi đánh giá các triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân phải thực hiện nội soi tai mũi họng để chẩn đoán viêm xoang. Một số trường hợp nghiêm trọng khó chẩn đoán hoặc cân nhắc phẫu thuật sẽ được chỉ định cắt lớp vi tính giúp phát hiện bất thường cấu trúc xoang hoặc nuôi cấy vi khuẩn.

Biến chứng và tiên lượng 

Viêm xoang kéo dài, không chữa khỏi dứt điểm gây ra nhiều hệ lụy khó lường về sức khỏe và tính mạng.

  • Biến chứng ở mắt: Áp xe mi mắt, viêm tổ chức hốc mắt, viêm tuyến lệ, viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu...
  • Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe não, viêm tủy xương sọ, liệt dây thần kinh sọ, não úng thủy, giảm nhận thức & mất ngôn ngữ, mất thính giác, thị lực, động kinh...
  • Biến chứng tai: Thường là viêm tai giữa, kéo theo suy giảm thính lực, thủng màng nhĩ, điếc vĩnh viễn...
  • Biến chứng thần kinh: Các dây thần kinh bị chèn ép do các tổn thương xoang gây liệt dây thần kinh thị giác, khứu giác, liệt dây thần kinh vận nhãn, có xu hướng lác mắt, phù nề kết mạc...
  • Biến chứng mũi: Phì đại cuốn mũi hoặc lệch vách ngăn mũi gây nhiễm trùng xoang mãn tính do sự phát triển các u nhầy xoang.
  • Biến chứng xương: Viêm tủy xương, hoại tử xương...
  • Biến chứng toàn thân: Viêm xoang có nguy cơ gây suy đa hệ cơ quan, nhiễm trùng huyết, viêm phổi...

Điều trị

Viêm xoang tuy khó chữa dứt điểm nhưng vẫn phải tiến hành can thiệp điều trị để xử lý triệu chứng, ngăn ngừa hoặc điều trị biến chứng (nếu có). Sau chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp phù hợp:

Bệnh viêm xoang
Tùy theo trường hợp bệnh bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị viêm xoang phù hợp

Điều trị nội khoa

Chủ yếu là dùng thuốc nhằm kiểm soát viêm xoang cấp tính. Các thuốc thường dùng là:

  • Thuốc chống dị ứng
  • Thuốc kháng sinh chống viêm
  • Thuốc co mạch chống xuất tiết
  • Thuốc xịt mũi Corticosteroid
  • Thuốc giảm đau

Khuyến cáo bệnh nhân tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để tránh gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp viêm xoang điều trị nội khoa thất bại, tái phát kéo dài, có biến chứng hoặc phát hiện bất thường về cấu trúc xoang mũi sẽ được chỉ định phẫu thuật xoang để giải quyết dứt điểm nguyên nhân.

Phẫu thuật nội soi xoang mũi là phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay. Tùy từng trường hợp sẽ tiến hành phẫu thuật:

  • Dẫn lưu xoang
  • Mở xoang hàm
  • Nạo xoang bướm hoặc xoang sàng
  • Cắt bỏ xương hoại tử

Khuyến cáo bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn phẫu thuật của bác sĩ để đạt kết quả tối ưu.

Phòng ngừa

Viêm xoang có khả năng lây lan qua đường hô hấp. Tốt nhất nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa từ sớm.

  • Tránh tiếp xúc với các tác gây viêm xoang vừa kể trên.
  • Vệ sinh và giữ ấm tai mũi họng.
  • Thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
  • Ăn uống đủ chất.
  • Tập thể dục tăng cường sức đề kháng.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ.

Những câu hỏi quan trọng đi gặp bác sĩ

Gợi ý các câu hỏi giúp bạn dễ dàng nắm bắt bệnh, đạt kết quả điều trị cao:

1. Hỏi rõ về nguyên nhân gây bệnh viêm xoang của bản thân.

2. Mức độ bệnh nhẹ hay nặng? Có nguy hiểm không?

3. Bệnh trạng của tôi có thể chữa khỏi dứt điểm không?

4. Dùng loại thuốc trị viêm xoang nào tốt nhất? Thời gian uống thuốc bao lâu? Có tác dụng phụ không?

5. Nếu tôi quên uống thuốc có khiến khối viêm xoang nặng hơn không?

6. Cách chăm sóc, ăn uống hàng ngày khi bị viêm xoang có khác bình thường không?

Viêm xoang là bệnh lý khá phức tạp, không thể tự khỏi ở thể nặng và có khả năng kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp nhất.