Viêm Cơ Tim

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị nhiễm trùng và tổn thương, khiến cơ tim suy yếu và khó bơm máu hơn. Bệnh nhân viêm cơ tim thường xuyên mệt mỏi, đau nhức ngực và khó thở kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng. Bệnh lý này có tiên lượng khá tốt nếu điều trị kịp thời và đúng cách. Điều trị viêm cơ tim thường dựa vào dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. 

Tổng quan

Viêm cơ tim (Myocarditis) là tình trạng các tế bào cơ tim, có thể xảy ra ở túi bảo vệ, màng ngoài tim hoặc van tim. Điều này làm suy yếu cơ tim, khiến chức năng tim giảm khả năng bơm máu. Bệnh được gây ra bởi các vi sinh vật có hại dẫn đến nhiễm trùng như do virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị nhiễm trùng, thoái hóa và suy giảm chức năng bơm máu

Tỷ lệ mắc viêm cơ tim khoảng 22/100.000 người, con số ước tính trên toàn thế giới là 1.5 triệu người mắc. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc viêm cơ tim. Nhưng phổ biến nhất là ở những người trẻ từ 20 - 40 tuổi, tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn nữ giới.

Biểu hiện viêm cơ tim có thể khởi phát dưới dạng cấp hoặc mạn tính. Tiến triển bệnh thường chậm và xảy ra đồng thời với nhiều bệnh lý tổn thương cơ tim khác nên gây ra rất nhiều biểu hiện lâm sàng. Theo thời gian, viêm cơ tim ngày càng tiến triển nặng dẫn đến suy tim, khiến tim không thể bơm đủ máu cung cấp cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể và hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ, tử vong.

Phân loại

Viêm cơ tim được chia làm nhiều loại khác nhau dựa vào bộ phận cơ tim bị nhiễm trùng, bao gồm:

  • Viêm màng ngoài tim gây ảnh hưởng đến túi bảo vệ xung quanh tim;
  • Viêm nội tâm mạc do nhiễm trùng van tim;
  • Viêm cơ tim tế bào khổng lồ;
  • Viêm cơ tim lympho;
  • Viêm cơ tim tăng bạch cầu ái toan;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo các tài liệu y học, viêm cơ tim xảy ra do 2 cơ chế chính là nhiễm độc trực tiếp hoặc thông qua quá trình phản ứng miễn dịch. Tiến triển viêm cơ tim từ giai đoạn cấp sang mạn tính diễn ra như sau:

  • Các tế bào cơ tim bị tổn thương tiếp xúc với các kháng nguyên nội bào (chẳng hạn như myosin tim) kích hoạt phản ứng miễn dịch bảo vệ tim;
  • Sau thời gian dài, quá trình miễn dịch đặc hiệu trung gian thông qua tế bào lympho T và các kháng thể khác gây ra hiện tượng viêm;
  • Trường hợp vi khuẩn hoặc virus được loại bỏ hoàn toàn, sau đó cơ thể sẽ điều hòa phản ứng miễn dịch hoạt động trở lại bình thường;
  • Ngược lại, nếu virus không được loại bỏ hết, các tế bào cơ tim vẫn sẽ tiếp tục bị tổn thương, gây viêm nặng dẫn đến giai đoạn viêm cơ tim mãn tính, thậm chí suy tim và tử vong do đột quỵ;

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm cơ tim bao gồm:

Sự xâm nhập và phát triển của các vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng trong buồng tim là nguyên nhân chính gây ra viêm cơ tim

  • Các vi sinh vật gây nhiễm trùng: Các loại vi sinh vật có hại cho cơ thể như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng là nguyên nhân chính gây viêm cơ tim. Có thể kể đến như:
    • Virus: Hầu hết các trường hợp viêm cơ tim đều là do nhiễm virus. Một số loại phổ biến như Coxsackie B, Epstein - Barr (EBV), Cytomegalovirus (CMV), Dengue, Rubella (gây dị tật bẩm sinh viêm cơ tim cho bào thai)... và mới đây nhất là virus Sar-CoV2 gây ra đại dịch Covid-19;
    • Vi khuẩn: Một số vi khuẩn gây viêm cơ tim như N.meningitidis (não mô cầu), Mycoplasma, Legionella, Psittacosis, Tropheryma whippelii (gây bệnh Whipple), Streptococcus, Salmonella...;
    • Viêm cơ tim do Rickettsia: Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm cơ tim, bao gồm:
      • Sốt phát ban núi đá (Rocky Mountain Spotted fever) do nhiễm R. rickettsia. Tình trạng này gây viêm mạc lan tỏa và dẫn đến viêm cơ tim nhanh chóng;
      • Sốt Q do R. burnetii là nguyên nhân dẫn đến viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc điển hình;
      • Sốt mò do T.t sutsugamushi gây viêm màng đáy mao mạch, dẫn đến viêm cơ tim và hàng loạt các rối loạn về xuất huyết như chảy máu trong các cơ, xuất huyết phát ban dưới ngoại tâm mạc;
    • Xoắn khuẩn: Một số loại xoắn khuẩn được ghi nhận có khả năng gây viêm cơ tim như:
      • Xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi kết hợp với các tác nhân trung gian (thường là do bọ ve cắn) gây bệnh Lyme với các tổn thương cơ tim đặc trưng;
      • Xoắn khuẩn vàng da Leptospira truyền từ động vật sang người (bệnh Weil) thông qua tiếp xúc nguồn nước, đất, chất thải động vật mang xoắn khuẩn trực tiếp hoặc gián tiếp vào da, niêm mạc. Bệnh lý này gây tổn thương cơ tim nghiêm trọng như viêm mô kẽ cơ tim, viêm động mạch chủ, rối loạn dẫn truyền...;
      • Xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai gây tổn thương cơ tim, viêm thành động mạch chủ. Tuy nhiên tỷ lệ này khá hiếm gặp;
    • Ký sinh trùng: Thường ký sinh trong vật chủ là các loại bọ rệp thuộc chủng Triatoma sau đó lây sang người;
    • Nấm: Rất hiếm trường hợp viêm cơ tim do nhiễm nấm, chủ yếu xuất hiện ở những bệnh nhân đang suy giảm miễn dịch do bệnh, dùng thuốc steroid hoặc các liệu pháp ức chế miễn dịch. Một số loại nấm được phát hiện gây viêm cơ tim như Candida, Actinomyces, Histoplasma, Cryptococcus, Aspergillus... Ban đầu, chúng gây tổn thương màng ngoài tim, sau đó là viêm màng ngoài tim co thắt.
  • Nhiễm độc và rối loạn chuyển hóa: Một số trường hợp viêm cơ tim được ghi nhận là do bị nhiễm độc hóa chất hoặc các loại thuốc như Cocain, Anthracyclines (daunorubicin và adriamycin), Catecholamine... Hoặc thiếu hụt Cartinine hoặc Taurine gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến viêm cơ tim;
  • Rối loạn miễn dịch: Sự phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch tim (HSM) trước những tác nhân gây hại như thuốc tân dược như thuốc chống động kinh, kháng sinh, thuốc chống lao, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng viêm không steroid... dẫn đến viêm cơ tim và gâynhồi máu cơ tim, suy tim nhanh chóng.
  • Một số yếu tố nguy cơ khácNgoài các nguyên nhân chính trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ gây viêm cơ tim như:
    • Tiêm phòng vắc xin đậu mùa hoặc Covid-19 (thường là vắc xin Pfizer-BioNTech® hoặc Moderna®);
    • Xuất hiện khối u trong tim;
    • Ung thư di căn xa sang các cơ quan khác như ung thư da, ung thư phổi hoặc ung thư vú;
    • Chiếu tia bức xạ vào vùng ngực trong điều trị ung thư hoặc các trường hợp khác;
    • Người phải thường xuyên lọc máu, cấy ghép thiết bị vào tim hoặc có vấn đề về đường truyền tĩnh mạch trung tâm;
    • Bệnh nhân suy giáp, suy thận, sốt thấp khớp hoặc các bện tự miễn gây viêm cơ tim như viêm ruột, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp...;
    • Những người mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng, chấn thương, HIV/AIDS...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tiến triển viêm cơ tim thường chậm nên trong thời gian đầu khởi phát bệnh, bệnh nhân thường có ít hoặc không có triệu chứng. Càng về các giai đoạn sau, triệu chứng viêm cơ tim mới biểu hiện rõ ràng hơn thông qua các dấu hiệu sau:

Đánh giá các triệu chứng lâm sàng kết hợp xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ viêm cơ tim

  • Khó thở
  • Dễ mệt mỏi
  • Đau tức ngực, nhất là khi ho hoặc hít thở
  • Tim đập nhanh, mạch đập yếu, hạ huyết áp;
  • Sốt cao
  • Cảm giác lâng lâng, khó chịu
  • Ngất xỉu
  • Đau bụng
  • Chán ăn
  • Sưng chân, bàn chân

Chẩn đoán

Bên cạnh đánh giá các triệu chứng trên thông qua khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ viêm cơ tim:

  • Xét nghiệm công thức máu, đo tốc độ lắng máu và đo nồng độ men tim;
  • Siêu âm tim;
  • Chụp động mạch vành;
  • Đo điện tâm đồ (ECG/EKG);
  • Sinh thiết cơ tim;
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET);
  • Các chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X quang, chụp cộng hưởng từ MRI;

Biến chứng và tiên lượng

Viêm cơ tim trong giai đoạn đầu thường không nghiêm trọng, các triệu chứng mờ nhạt và không thường xuyên nên khó nhận biết. Bệnh nhân chỉ thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi thực hiện các hoạt động gắng sức và thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

Nhưng đến giai đoạn bán cấp hoặc mạn tính, các triệu chứng viêm cơ tim xuất hiện với tần suất và mức độ nặng hơn. Nếu người bệnh chủ quan không thăm khám và điều trị, tiên lượng bệnh thường rất xấu, nguy cơ tử vong cao do các các biến chứng sau:

Viêm cơ tim mức độ nặng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe và đe dọa tính mạng người bệnh

  • Rối loạn nhịp tim: Các cơ tim bị viêm và tổn thương gây ra hàng loạt các bất thường về chức năng và hoạt động của quả tim. Trong đó, thường gặp nhất là rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh bất thường. Khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, dễ mệt mỏi, không thể thực hiện các công việc gắng sức...
  • Viêm màng ngoài tim co thắt (Constrictive Pericarditis): Là biến chứng bệnh thường gặp do viêm cơ tim. Đây là tình trạng màng bảo vệ tim chứa đầy các túi dịch dày, cứng khiến tim không thể hoạt động bình thường và kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng theo thời gian.
  • Đột quỵ: Đây là biến chứng khá nguy hiểm của viêm cơ tim. Xảy ra khi cơ tim bị viêm và suy yếu, không đủ khả năng tống máu từ tim đđi nuôi phần còn lại của cơ thể. Máu tích tụ trong cơ tim quá mức hình thành các cục máu đông, chúng di chuyển trong các mạch máu nhỏ và gây tắc nghẽn, dẫn đến đột quỵ, thậm chí tử vong sau vài phút nếu không cấp cứu kịp thời.
  • Nhồi máu cơ tim: Cơ chế khởi phát tương tự như đột quỵ, các cục máu đông di chuyển và làm tắc nghẽn động mạch vành. Hậu quả làm khởi phát cơn nhồi máu cơ tim, gây tử vong nhanh chóng.
  • Suy tim: Nhiễm trùng cơ tim nặng không được điều trị kịp thời khởi phát suy tim cấp và gây ra các tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi. Bệnh nhân phải phẫu thuật hoặc cấy ghép thiết bị trợ tim để duy trì sự sống.
  • Biến chứng điều trị: Ngoài các biến chứng viêm cơ tim kể trên, bệnh nhân cũng có thể đối mặt với các biến chứng tiềm ẩn từ quá trình điều trị, thường là do dùng thuốc lâu dài hoặc phẫu thuật.

Viêm cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch có tiên lượng tốt, thậm chí có thể tự khỏi nếu mức độ bệnh nhẹ, vừa khởi phát trong giai đoạn đầu. Tình trạng này kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp bạn đang áp dụng điều trị. Nguyên nhân càng phức tạp, thời gian hồi phục càng lâu.

Trường hợp mức độ viêm cơ tim nặng hơn nhưng được điều trị kịp thời, đúng cách, tiên lượng tuổi thọ sống thêm nhiều năm nữa cũng rất cao. Ước tính khoảng 80% bệnh nhân viêm cơ tim sau phẫu thuật sống thêm ít nhất 5 năm và gần 60% người sống thêm 10 năm.

Ngược lại, nếu không điều trị sớm hoặc không cấp cứu kịp thời khi các biến chứng viêm cơ tim bùng phát, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.

Điều trị

Điều trị viêm cơ tim hiện nay được áp dụng với 2 phác đồ chính là nội khoa và ngoại khoa. Cụ thể như sau:

Điều trị nội khoa

Mục tiêu dùng thuốc đối với bệnh viêm cơ tim nhằm cải thiện triệu chứng, ngăn chặn tiến triển bệnh và hỗ trợ phục hồi cơ tim đối với những trường hợp bệnh nhẹ.

Các loại thuốc như kháng sinh, chống viêm đặc trị nguyên nhân và thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc tăng co bóp cơ tim cải thiện triệu chứng viêm cơ tim

Một số loại thuốc trị viêm cơ tim thường dùng như:

  • Thuốc chống viêm: Nhằm loại bỏ yếu tố viêm nhiễm và phục hồi chức năng cơ tim. Việc dùng loại thuốc nào hoặc liều lượng ra sao sẽ được chỉ định bởi bác sĩ sau khi có kết quả chẩn đoán triệu chứng viêm cơ tim nằm ở cơ tim hoặc màng ngoài tim. Một số loại thuốc chống viêm thường dùng như:
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen (Motrin hoặc Advil) hoặc Diclofenac, Celecoxib, Naproxen...;
    • Một số thuốc có tác dụng chống viêm khác như Prednisone hoặc Colchinine;
  • Thuốc làm tăng co bóp cơ tim: Chỉ định dùng trong những trường hợp suy tim nặng mất bù gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Milrinon và Dobutamin là các loại điển hình nhất, liều dùng cụ thể sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
  • Thuốc chống đông: Có tác dụng chống hình thành các cục máu đông trong buồng tim, giảm nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Loại thuốc thường dùng là heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc thuốc kháng vitamin K.
  • Thuốc chống nhịp tim: Được dùng để cải thiện và ổn định nhịp tim bằng cách giảm sức co bóp của cơ tim. Trường hợp rối loạn nhịp tim phức tạo có thể dụng thuốc chẹn beta giao cảm và một số loại thuốc khác.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Chỉ định dùng cho những trường hợp viêm cơ tim do phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể. Một số loại thường dùng như Cyclosporine (Neoral hoặc Gengraf), Azathioprine (Azasan hoặc Imuran);
  • Một số thuốc khác: Một số thuốc khác hỗ trợ điều trị viêm cơ tim như:
    • Thuốc lợi tiểu giúp hỗ trợ thận loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể;
    • Thuốc kháng sinh loại bỏ vi khuẩn, chẳng hạn như vi khuẩn lao;

Can thiệp phẫu thuật

Có 2 biện pháp can thiệp ngoại khoa chính đối với bệnh nhân mắc viêm cơ tim, bao gồm:

Phẫu thuật giúp điều trị hiệu quả triệu chứng hoặc triệt để các tổn thương viêm cơ tim thông qua cấy ghép thiết bị trợ tim và cắt bỏ màng ngoài tim

  • Chọc hút màng ngoài tim: Là kỹ thuật chọc hút và loại bỏ chất lỏng từ màng ngoài tim ra khỏi cơ thể, cải thiện viêm nhiễm. Tuy cách này hiệu quả nhưng chỉ có tác dụng tạm thời, không thể điều trị dứt điểm viêm cơ tim.
  • Phẫu thuật cấy thiết bị tim: Một số trường hợp rối loạn nhịp tim nặng hoặc có tiên lượng xấu, bệnh nhân sẽ được cấy ghép các thiết bị hỗ trợ chức năng tim như:
    • Cấy máy tạo nhịp tim tạm thời;
    • Cấy máy phá rung tự động diễn ra trong buồng tim;
    • Cấy máy hỗ trợ tâm thất trái (LVAD) giúp tim bơm máu tốt hơn dành cho bệnh nhân đã bị suy tim;
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Trường hợp viêm cơ tim nghiêm trọng không thể phục hồi cần phải tiến hành cắt bỏ toàn bộ màng ngoài tim nhằm loại bỏ viêm nhiễm. Đồng thời, ức chế sự lây lan viêm nhiễm sang các cơ quan khác.
  • Phẫu thuật ghép tim: Đây là phương pháp hiệu quả nhất, giúp điều trị triệt để tình trạng viêm cơ tim với các biến chứng suy tim nghiêm trọng không phục hồi nhằm giảm tỷ lệ tử vong, duy trì sự sống. Tuy nhiên, phương pháp này gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn tim thích hợp và kỹ thuật chống đào thải tạng ghép.

Chăm sóc tích cực

Bên cạnh 2 biện pháp điều trị chính, bệnh nhân viêm cơ tim cũng cần chú ý điều chỉnh lối sống, sinh hoạt phù hợp nhằm ngăn chặn tiến triển bệnh ngày càng nặng hơn.

  • Loại bỏ các yếu tố nguy cơ khiến tình trạng viêm cơ tim ngày càng nặng hơn như dùng thuốc tùy tiện, uống rượu, tiếp xúc hóa chất...
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B1 cùng một số vi khoáng chất khác.
  • Bệnh nhân tim mạch nói chung nên ăn nhạt, tránh thực phẩm dầu mỡ, cay nóng, chứa độc tố...
  • Tránh thực hiện các hoạt động gắng sức khiến cơ thể mệt mỏi, khó thở để tránh tạo áp lực cho tim, ảnh hưởng đến quá trình điều trị viêm cơ tim và suy tim.
  • Khuyến khích bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, tích cực tập luyện bằng những bộ môn phù hợp như đi bộ, bơi lội, yoga, thiền định...
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tăng cường sức khỏe thể chất, thư giãn đầu óc, tránh stress, căng thẳng.
  • Tái khám định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối các chỉ định y tế để đạt kết quả điều trị tối ưu.

Phòng ngừa

Viêm cơ tim không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Bạn chỉ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua các biện pháp sau đây:

Có lối sống khoa học và khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần để phòng ngừa mọi bệnh tật

  • Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh sự tấn công gây nhiễm trùng từ các vi sinh vật có hại.
  • Hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch, dẫn đến viêm cơ tim thông qua một lối sống lành mạnh trong sinh hoạt, ăn uống và quan hệ tình dục.
  • Không rượu bia và thuốc lá cũng là cách hiệu quả phòng ngừa các bệnh lý về tim.
  • Tiêm phòng vắc xin ngừa cúm hoặc các chủng vi khuẩn, virus gây bệnh như rubella, viêm gan... trong độ tuổi phù hợp được Bộ Y tế khuyến cáo.
  • Quản lý tốt sức khỏe và điều trị dứt điểm các vấn đề viêm nhiễm đơn giản để tránh nguy cơ lây lan nặng gây viêm cơ tim.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần hoặc chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi có những biểu hiện về nhiễm trùng nhưng kèm theo đau tức ngực, khó thở, tim đập nhanh là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác căn bệnh đang mắc phải?

3. Nguyên nhân tại sao tôi bị viêm cơ tim?

4. Viêm cơ tim có gây tử vong không?

5. Tiên lượng mức độ viêm cơ tim của tôi có nghiêm trọng không?

6. Bệnh viêm cơ tim có tự khỏi không?

7. Điều ì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị viêm cơ tim?

8. Phương pháp điều trị viêm cơ tim tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

9. Bị viêm cơ tim khi nào cần phẫu thuật?

10. Chi phí phẫu thuật bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

11. Tiên lượng sống sót sau phẫu thuật là bao nhiêu năm?

12. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe cho bản thân hỗ trợ điều trị viêm cơ tim?

Viêm cơ tim là bệnh lý về tim không quá phổ biến những nếu chẳng may mắc phải sẽ đối mặt với những nguy cơ biến chứng khó lường cho sức khỏe, thậm chí tính mạng. Khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám và điều trị bệnh càng sớm càng tốt để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa biến chứng và phục hồi cơ tim, giúp bạn khỏe mạnh và sống lâu hơn.

Ngày đăng 10:25 - 19/04/2023 - Cập nhật lúc: 20:42 - 24/04/2023
Chia sẻ:
Bệnh Rối Loạn Lipid Máu
Rối loạn lipid máu có tỷ lệ mắc ngày càng cao và dần trở thành vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Bệnh có mối liên hệ mật thiết với…
Bệnh Viêm động mạch Takayasu
Viêm động mạch Takayasu là một bệnh tự miễn dịch…
Bệnh Viêm Màng Ngoài Tim Co Thắt
Viêm màng ngoài tim co thắt là tình trạng viêm…
Bệnh Hở Van Tim
Hở van tim là một trong những dạng tổn thương…
Bệnh Kawasaki (Viêm mạch máu)

Bệnh Kawasaki là bệnh lý viêm mạch máu không rõ nguyên nhân. Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 -…

Bệnh Tim Bẩm Sinh

Tim bẩm sinh là một trong những dị tật phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có rất…

Bệnh Suy Tim

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm nhất hiện nay và cũng là nguyên nhân…

Bệnh Phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là một trong những dạng phổ biến của phình động mạch chủ. Đây là tình…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua