Bệnh Hoại tử xương đầu gối

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Hoại tử xương đầu gối là hậu quả của việc mất nguồn cung cấp máu đến các mô xương vùng đầu gối. Tùy vào tính chất nghiêm trọng của tình trạng, tổn thương có thể bộc phát tạm thời hoặc kéo dài vĩnh viễn. Tuy tiến triển bệnh thường chậm, nhưng biến chứng của bệnh lại rất nguy hiểm, nên cần thăm khám sớm để được hướng dẫn điều trị. 

Tổng quan

Hoại tử xương đầu gối (Osteonecrosis of the knee) còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như hoại tử vô mạch, hoại tử vô trùng hoặc hoại tử thiếu máu cục bộ xương. Tình trạng được mô tả xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một đoạn xương đùi hoặc xương chày (xương ống chân) bị gián đoạn.

Hậu quả gây thiếu dưỡng chất và oxy, khiến khớp gối tổn thương, thoái hóa gây đau đớn. Nghiêm trọng nhất là bị phá hủy, viêm khớp nặng dẫn đến gãy xương hoàn toàn. Bệnh nhân thường phải chịu đựng cơn đau nhức dữ dội, hạn chế khả năng đi lại, thậm chí liệt hoàn toàn nếu không điều trị.

Hoại tử xương đầu gối là tình trạng mất nguồn cung cấp máu đến vùng xương đầu gối do nhiều tác nhân gây ra

Khớp gối là một trong những khớp dễ bị tổn thương, nhất là bị ảnh hưởng bởi chứng hoại tử vô mạch. Ước tính có khoảng 10.000 - 20.000 dân số Mỹ mắc phải căn bệnh này mỗi năm. Bất kỳ độ tuổi và giới tính nào cũng có thể gặp phải, nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 30 - 40.

Hoại tử xương đầu gối là một bệnh có tiến triển nhanh và nguy hiểm. Do đó, cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách để kiểm soát, ngăn chặn các biến chứng khó lường. Các chọn lựa điều trị cơ bản đối với bệnh thường là dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật.

Phân loại

Bệnh hoại tử xương đầu gối được phân chia làm nhiều loại, chủ yếu dựa vào căn nguyên gây bệnh. Bao gồm:

  • Thể nguyên phát: Đây là dạng phổ biến nhất. Xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên hoặc do các chấn thương trước đó gây hoại tử xương đầu gối. Chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, tiến triển bệnh thường có xu hướng nặng hơn theo thời gian.
  • Thể thứ phát: Dạng tổn thương này thường xảy ra do tác động chấn thương hoặc tiền sử bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, gout hoặc chứng nhuyễn xương bánh chè.
  • Hoại tử xương sau nội soi khớp: Đây là dạng hiếm gặp. Triệu chứng sưng đau đầu gối thường xảy ra hoặc nặng hơn sau khi thực hiện một số phương pháp điều trị dạng nhiệt như laser hoặc các thiết bị nhiệt khác.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tương tự như nhiều dạng hoại tử xương khác, hoại tử xương đầu gối xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến các mô xương bị cản trở. Khi không có đủ lượng dưỡng chất và oxy cần thiết, xương dần suy yếu, xẹp xuống và hoại tử.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây hoại tử xương đầu gối là do chấn thương gãy xương hoặc trật khớp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm:

  • Chấn thương: Một số chấn thương thường gặp như trật khớp, gãy xương, tổn thương khớp... gây tổn thương các mạch máu, khiến quá trình lưu thông máu đến xương bị gián đoạn. Các dạng chấn thương điển hình là trật khớp háng và gãy xương hông.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Một số tình trạng sức khỏe có liên quan đến tình trạng hoại tử xương đầu gối như:
    • Bệnh gout;
    • Lupus ban đỏ hệ thống;
    • Bệnh tiểu đường;
    • Chứng rối loạn đông máu;
    • Bệnh gan;
    • Bệnh Gaucher;
    • Hội chứng Cushing;
    • Bệnh hồng cầu hình liềm;
    • Khối u, ung thư;
    • Xạ trị, hóa trị ung thư;
    • Bệnh giảm áp ở thợ lặn;
    • Cấy ghép nội tạng;
    • Nhiễm HIV;
  • Một số yếu tố khác:
    • Lạm dụng rượu nặng;
    • Nghiện hút thuốc;
    • Sử dụng corticoid kéo dài;

Ngoài ra, theo thống kê có khoảng 20% trường hợp hoại tử xương đầu gối vô căn, do không tìm được nguyên nhân.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng hoại tử xương đầu gối thường ít bộc lộ ngay khi có bất thường bên trong. Thường phải mất khoảng vài tuần đến vài tháng, các triệu chứng mới biểu hiện rõ rệt.

Bị hoại tử xương đầu gối gây đau nhức, hạn chế chuyển động, đi lại khó khăn

Các dấu hiệu thường gặp của hoại tử xương đầu gối như:

  • Đau nhức: Xuất hiện cơn đau nhức khó chịu tại khớp gối. Ban đầu chỉ đau khi chịu áp lực nặng, nhưng càng về sau mức độ hoại tử nặng khiến cơn đau xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi;
  • Hạn chế khả năng vận động: Các triệu chứng kèm theo như sưng, cứng khớp khiến các khớp xương bị căng cứng, làm giảm khả năng vận động.
  • Mất chức năng khớp: Triệu chứng này thường triển trong khoảng vài tháng. Hoại tử xương giai đoạn dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.

Chẩn đoán

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu này, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Dưới đây là một số bước chẩn đoán giúp tìm ra nguyên nhân và mức độ của bệnh hoại tử xương đầu gối.

Các kiểm tra hình ảnh như X quang, CT Scan hoặc MRI giúp phát hiện tổn thương khớp gối và gợi ý chẩn đoán hoại tử xương đầu gối

  • Khám sức khỏe toàn diện: Ở bước này, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân, kết hợp kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng. Đánh giá kỹ lưỡng các triệu chứng giúp khoanh vùng các bệnh lý nghi ngờ, cụ thể ở đây là bệnh xương khớp. Đồng thời, đặt các câu hỏi về tiền sử bệnh lý hiện tại và trong quá khứ để tìm ra nguyên nhân liên quan.
  • Kiểm tra hình ảnh: X quang, CT Scan hoặc MRI là các kỹ thuật hình ảnh tiêu chuẩn giúp chẩn đoán hoại tử xương đầu gối. Hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương khớp gối cho phép quan sát rõ về tổn thương thực thể bên trong, phát hiện các dấu hiệu gãy xương, viêm khớp...
  • Các xét nghiệm thường quy:
    • Xét nghiệm máu: Tuy không thể chẩn đoán chính xác tình trạng hoại tử xương đầu gối. Nhưng trong một số trường hợp, xét nghiệm này được yêu cầu thực hiện nhằm mục đích loại trừ các vấn đề sức khỏe khác.
    • Phân tích dịch khớp: Trường hợp có dịch khớp tích tụ tại vị trí xương hoại tử, có thể tiến hành lấy mẫu để làm kiểm tra. Mục đích chủ yếu cũng nhằm loại trừ các vấn đề sức khỏe khác.

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng nghiêm trọng nhất xảy ra ở hầu hết bệnh nhân hoại tử xương đầu gối là viêm xương khớp nặng. Tình trạng này đề cập đến những thay đổi về tính chất cơ sinh học trong khớp. Thông thường, tình trạng hoại tử xương thường diễn ra rất nhiều năm mới có thể gây ra biến chứng này.

Tàn phế vĩnh viễn là biến chứng nghiêm trọng khi hoại tử xương đầu gối không được điều trị sớm

Nếu không điều trị kịp thời, có thể làm biến dạng khớp hoàn toàn, dẫn đến tàn phế vĩnh viễn. Do đó, khuyến khích bệnh nhân nên chủ động tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và hướng dẫn thực hiện phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Việc điều trị tích cực bằng các biện pháp y tế có thể không thể chữa khỏi hẳn các triệu chứng và tổn thương do hoại tử xương đầu gối gây ra. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ giúp bệnh nhân lấy lại khả năng vận động cơ bản, tự sinh hoạt tốt và giảm thiểu tối đa các biến chứng, rủi ro ngoài ý muốn trong tương lai.

Điều trị

Mục tiêu điều trị chính đối với bệnh hoại tử xương đầu gối nhằm cải thiện khả năng sử dụng khớp xương, giảm thiểu thấp nhất mức độ tổn thương và tăng khả năng phục hồi sau điều trị. Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất dành cho từng trường hợp cụ thể.

Dưới đây là một số biện pháp điều trị hoại tử xương đầu gối hiệu quả:

Dùng thuốc

Đây là phương pháp điều trị bảo tồn hiệu quả, luôn được các bác sĩ ưu tiên chỉ định cho hầu hết các trường hợp. Nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và ngăn tiến triển hoại tử xương đầu gối, bệnh nhân có thể dùng một số loại thuốc sau:

Dùng thuốc là phương pháp điều trị ưu tiên nhằm cải thiện các triệu chứng hoại tử xương đầu gối

  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau thông thường dạng uống điển hình như thuốc chống viêm không steroid NSAID hoặc dạng tiêm như corticoid được sử dụng khá phổ biến. Tùy theo mức độ đau nhẹ hay nặng, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng và thời gian sử dụng phù hợp.
  • Thuốc bisphosphonates: Đây là thuốc ngăn chặn quá trình tiêu xương, hỗ trợ kiểm soát tiến triển bệnh, củng cố vùng bị hoại tử và phòng ngừa các biến chứng nặng hơn của bệnh hoại tử xương đầu gối. Tuy nhiên, những nghiên cứu về loại thuốc này vẫn chưa rõ ràng nên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.
  • Thuốc TNFA: Loại thuốc này chứa yếu tố hoại tử khối u alpha TNFA. Được điều chế dưới dạng tiêm và sử dụng bằng cách tiêm trực tiếp vào khớp gối. Kết quả điều trị rất rõ rệt, chỉ sau một tuần tiêm thuốc, triệu chứng sưng đau và cứng khớp thuyên giảm. Tổn thương xương bên trong có dấu hiệu lành lại khi quan sát trên MRI sau 1 tháng.
  • Thuốc DMARD: Đây là thuốc chống thấp khớp có tác dụng hỗ trợ giảm đau và ngăn chặn tiến triển của hoại tử xương đầu gối.
  • Thuốc hỗ trợ: Một số loại thuốc bổ sung có chứa vitamin, dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là glucosamine và chondroitin cũng được bác sĩ khuyến nghị sử dụng. Tác dụng chính thường là giảm đau do hoại tử xương đầu gối và thúc đẩy quá trình tự phục hồi.

Phẫu thuật

Riêng với những trường hợp bị hoại tử xương đầu gối quá nặng, không đáp ứng với các biện pháp chăm sóc nội khoa, cần phải tiến hành phẫu thuật để sửa chữa tổn thương. Tùy vào vị trí tổn thương chính xác và mức độ nghiêm trọng mà chọn lựa kỹ thuật phẫu thuật phù hợp.

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp nặng và không đáp ứng với các biện pháp nội khoa

Các kỹ thuật phẫu thuật thường dùng cho hoại tử xương đầu gối như:

  • Giải nén lõi: Phương pháp này nhằm giảm thiểu áp lực bên trong xương đầu gối. Được thực hiện bằng cách khoan một lỗ bên trong nhằm tạo đường mới cho các mạch máu đi vào và cung cấp máu cho vùng khớp gối bị hoại tử;
  • Cắt bỏ xương: Phương pháp này được thực hiện bằng cách cắt và định hình lại xương đầu gối. Nhờ đó giúp giải phóng áp lực, giảm căng thẳng tại đây, ngăn chặn tổn thương hoại tử ngày càng nặng hơn.
  • Ghép xương hoặc thay toàn bộ khớp xương: Đây là phương pháp điều trị cuối cùng được chỉ định, nhằm loại bỏ hoàn toàn các tổn thương hoại tử xương. Thay vào đó là xương nhân tạo giúp duy trì chức năng hoạt động.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác

Để cải thiện hiệu quả các triệu chứng, ngăn chặn tổn thương xương nặng hơn và sớm phục hồi chức năng xương đầu gối, bệnh nhân nên tích cực thực hiện một số biện pháp đơn giản sau đây:

Vật lý trị liệu tích cực hỗ trợ giảm đau và tăng cường sức mạnh, thúc đẩy phục hồi chức năng xương đầu gối

  • Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp điều trị hỗ trợ an toàn, không xâm lấn, đem lại hiệu quả tốt trong việc cải thiện triệu chứng hoại tử xương đầu gối. Mục đích của phương pháp này là giảm tải trọng chịu lực lên xương đầu gối. Đồng thời, hỗ trợ giảm đau, tăng khả năng vận động và giữ thăng bằng khi đi lại.
  • Dùng các thiết bị hỗ trợ: Một số thiết bị hỗ trợ như nẹp, nạng, gậy, xe tập đi... giúp ích rất nhiều trong việc giảm áp lực cho khớp mỗi khi di chuyển. Đảm bảo an toàn khi người bệnh cố gắng tập đi để phục hồi chức năng xương.
  • Liệu pháp nhiệt: Giúp giảm nhanh cơn đau, sưng tấy tại đầu gối bị ảnh hưởng. Bạn có thể chọn cách chườm ấm hoặc chườm lạnh tùy từng trường hợp.
  • Vận động tích cực: Tích cực thực hiện các bài tập đơn giản tại nhà như đi lại, yoga để tăng sức mạnh đầu gối. Đồng thời, cải thiện sức mạnh các cơ xung quanh giúp tăng phạm vi chuyển động.
  • Tìm kiếm các phương pháp trị liệu khác: Ngoài các biện pháp trên,  bệnh nhân cũng có thể chọn một số phương pháp khác như kích thích điện, siêu âm, tia hồng ngoại... để giúp cải thiện khả năng vận động khớp, giảm đau nhức hiệu quả.

Phòng ngừa

Hoại tử xương đầu gối là căn bệnh tổn thương xương nghiêm trọng, có thể dẫn đến biến chứng tàn tật vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời. Do đó, nếu muốn phòng ngừa căn bệnh này, cần chú ý thực hiện tích cực các biện pháp sau để loại trừ yếu tố nguy cơ:

  • Tránh thực hiện các hoạt động thể lực hoặc những công việc có tính chất nặng nhọc quá mức, để tránh tạo áp lực và gây tổn thương đầu gối.
  • Nói không với thuốc lá, rượu để duy trì sự khỏe mạnh của các mạch máu trong cơ thể.
  • Kiểm soát triệt để các vấn đề sức khỏe của cơ thể, nhất là các bệnh lý có liên quan gây viêm hoặc hoại tử xương nói chung.
  • Tập thể dục điều độ và đúng kỹ thuật, mang giày phù hợp, có khả năng giảm chấn để giảm căng thẳng, áp lực cho đầu gối trong quá trình tập luyện.
  • Thăm khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe toàn diện và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở xương đầu gối, có hướng điều trị phù hợp khi cần thiết.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị sưng đau khó chịu vùng đầu gối, đi lại và cử động rất khó khăn?

2. Nguyên nhân gì khiến tôi bị hoại tử xương đầu gối?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán?

4. Tình trạng hoại tử xương đầu gối của tôi có nghiêm trọng không?

5. Bị hoại tử xương đầu gối không điều trị có tự khỏi không?

6. Tôi nên điều trị hoại tử xương đầu gối bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị hoại tử xương đầu gối?

8. Điều trị hoại tử xương đầu gối mất bao lâu thì khỏi hẳn?

9. Chi phí điều trị có tốn kém không? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

10. Sau điều trị, tổn thương hoại tử xương đầu gối có tái phát không?

Hoại tử xương nói chung và hoại tử xương đầu gối nói riêng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Trong nhiều trường hợp, hoại tử tiến triển nặng do không điều trị kịp thời còn gây biến chứng tàn phế. Do đó, trước khi để xảy ra biến chứng này, khuyến khích người bệnh nên chủ động thăm khám và điều trị sớm. Không nên chủ quan để ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.

Ngày đăng 15:11 - 06/09/2023 - Cập nhật lúc: 15:11 - 06/09/2023
Chia sẻ:
Bệnh Viêm Cầu Lồi Ngoài Xương Cánh Tay
Viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay là bệnh lý tổn thương chỗ bám của gân duỗi cổ tay quay. Bệnh đặc trưng với những cơn đau nhức dữ dội…
Thoái hóa đốt sống cổ Bệnh Thoái Hoá Đốt Sống Cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý xương khớp…
Vôi hóa cột sống Bệnh Vôi Hoá Cột Sống
Vôi hóa cột sống là hiện tượng tích tụ canxi…
Gai khớp gối Bệnh Gai Khớp Gối
Gai khớp gối được xem là một trong những biến…
Bệnh Viêm Khớp Ngón Chân

Viêm khớp ngón chân có thể xảy ra ở bất kỳ ngón chân nào, nhưng phổ biến nhất là ở…

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể xảy ra ở bất kỳ ai và thông qua nhiều…

Viêm Gân Chóp Xoay

Viêm gân chóp xoay là tổn thương gân liên kết vùng vai - cánh tay gây sưng viêm, đau nhức…

Bệnh Còi Xương

Còi xương là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có nhiều mức…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua