Bệnh Loãng Xương

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Loãng xương là bệnh lý xương khớp phổ biến ở người lớn tuổi, thậm chí xảy ra sớm ở người trẻ tuổi do lối sống sinh hoạt kém khoa học. Loãng xương không thể chữa khỏi dứt điểm, tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị bảo tồn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như tàn phế, bại liệt vĩnh viễn, tử vong. 

Tổng quan

Loãng xương (tên tiếng Anh là Osteoporosis) là một dạng rối loạn chuyển hóa làm mất cân bằng quá trình phân hủy và tái tạo các tế bào xương mới. Tình trạng này kéo dài khiến xương thiếu hụt canxi, cấu trúc xương bị bào mòn, ngày càng mỏng, xốp. Mật độ xương giảm dần, suy yếu theo thời gian, tăng nguy cơ tổn thương, dễ gãy xương dù chỉ gặp chấn thương nhẹ.

Loãng xương
Loãng xương là bệnh lý xương khớp xảy ra ở cả người lớn và người trẻ tuổi

Hầu hết trường hợp loãng xương đều được phát hiện khi về già, đây cũng là giai đoạn loãng xương nghiêm trọng nhất và gần như không thể phục hồi. Nhưng hiện nay, loãng xương ngày càng có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở những người chỉ vừa 30 tuổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và khả năng lao động.

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Loãng xương quốc tế (IOF), bệnh loãng xương xảy ra ở hơn 200 triệu dân số. Riêng tại Việt Nam, số liệu trung bình năm 2015 có khoảng 3,5 triệu người bị loãng xương, trong đó khoảng 193.000 người bị gãy xương do loãng xương. Ước tính đến năm 2030, tỷ lệ người bị loãng xương sẽ tăng lên 4,5 triệu.

Phân loại

Loãng xương được chia làm 2 loại chính gồm nhóm nguyên phát và thứ phát gồm:

Loãng xương
Loãng xương có 2 dạng nguyên phát và thứ phát

1. Loãng xương nguyên phát

Đặc điểm của dạng loãng xương này chủ yếu liên quan đến tuổi tác cao và sự rối loạn nội tiết. Cơ thể không đủ khả năng duy trì sự cân bằng quá trình tiêu hủy và tái tạo xương. Có 2 type loãng xương nguyên phát:

  • Loãng xương type 1: Là dạng loãng xương khi về già, xảy ra ở người lớn tuổi nam và nữ, thường là trên 70 tuổi. Cơ chế gây bệnh là do suy giảm quá trình hấp thu canxi, giảm tái tạo tế bào xương mới. Tính chất của loại loãng xương này là cả phần xương xốp và xương đặc đều mất toàn bộ chất khoáng. Có nguy cơ gãy xương cao, chủ yếu là ở cổ xương đùi.
  • Loãng xương type 2: Là dạng loãng xương xảy ra ở phụ nữ mãn kinh, do thiếu hụt nội tiết tố estrogen, hormone tuyến cận giáp. Các chỉ số khác như enzyme 25-OH-vitamin D1-hydroxylase suy giảm và tăng chỉ số thải canxi niệu. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ sau 50 và đã mãn kinh. Tính chất tổn thương là giảm dần lượng chất khoáng trong xương, gây lún các đốt sống, gãy xương.

2. Loãng xương thứ phát

Là dạng loãng xương xảy ra do liên quan đến các yếu tố khác như:

  • Các bệnh về tổn thương khớp như thoái hóa cột sống, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp...;
  • Các bệnh nội tiết như đái tháo đường, cường giáp, cường cận giáp, bệnh to đầu chi...;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Có tiền sử cắt bỏ dạ dày;
  • Suy gan mạn tính;
  • Ung thư Kahler (bệnh đa u tủy xương);
  • Nhiễm sắc tố sắt;
  • Mắc các bệnh lý di truyền;
  • Lạm dụng các loại thuốc đặc trị bệnh trong thời gian dài như corticoid, heparin...;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến gây loãng xương bao gồm:

Loãng xương
Phụ nữ sau mãn kinh rối loạn nội tiết Estrogen làm tăng nguy cơ bị loãng xương

  • Tuổi tác: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra loãng xương. Đây là hệ quả của quá trình lão hóa. Ngoài ra, người già thường ít vận động, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thiếu hụt vitamin D, suy giảm chức năng gan, thận, đường ruột... khiến xương khớp dễ bị thoái hóa, gây loãng xương.
  • Rối loạn nội tiết tố: Hormone nội tiết estrogen (ở nữ giới) và testosterone (ở nam giới) đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hấp thu tối đa các dưỡng chất cần thiết giúp xương khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi lượng hormone này giảm thấp quá mức sẽ gây ra tình trạng loãng xương, xốp xương.
  • Ăn uống thiếu chất: Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, phần lớn là canxi và vitamin D khiến quá trình tái tạo xương bị suy giảm, tiêu hủy xương lại nhanh. Sự mất cân bằng này khiến mật độ xương giảm, trở nên giòn, xốp và dễ gãy hơn.
  • Tính chất nghề nghiệp: Những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều trong hàng giờ liền, hoặc công nhân bốc vác vật nặng, lao động cực nhọc nhiều khiến xương suy yếu, không có thời gian để phục hồi, lâu ngày dẫn đến loãng xương, gãy xương.
  • Lối sống kém lành mạnh: Thường xảy ra ở người trẻ tuổi như lười vận động, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, ăn uống qua loa, thức khuya, thể chất kém... Đây là những nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hấp thụ canxi của xương và tăng nguy cơ loãng xương.
  • Yếu tố di truyền: Di truyền cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự phát sinh bệnh loãng xương.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có khả năng làm giảm mật độ và khối lượng xương như corticosteroid, glucocorticoid, thuốc chống đông máu, thuốc điều hòa hormone tuyến giáp, thuốc làm loãng máu, thuốc ức chế bơm protein (PPI), thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng acid, thuốc lợi tiểu, thuốc vitamin A (Retinoid)...
  • Các tác nhân ức chế miễn dịch: Phổ biến nhất là chất ức chế aromatase hoặc cyclosporin làm giảm hormone gây ảnh hưởng đến sự cân bằng ổn định xương.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Một số bệnh lý tự miễn (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp), bệnh cường giáp, cường cận giáp, rối loạn tuyến yên, tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, bệnh Celiac... gây rối loạn hormone nội tiết và tăng nguy cơ loãng xương.

Triệu chứng và chẩn đoán

Loãng xương rất khó nhận biết trong giai đoạn đầu vừa chớm phát, do tiến triển âm thầm và không gây đau đớn. Chỉ đến khi xương yếu đi và chấn thương liên tục, qua thăm khám mới biết bản thân mắc bệnh. Bệnh trong giai đoạn nặng được biểu hiện qua các triệu chứng như:

Loãng xương
Triệu chứng loãng xương được bộc lộ rõ ràng khi bệnh đã ở giai đoạn nặng

  • Đau mỏi xương, cảm giác như bị kim châm;
  • Đau âm ỉ tại vị trí bị loãng xương như xương hông, chậu, cột sống, đầu gối, thắt lưng;
  • Cơn đau có tính chất cơ học, tức càng vận động hoặc khi thời tiết thay đổi sẽ càng đau nhiều hơn;
  • Kéo theo đau thần kinh tọa (từ cột sống xuống thắt lưng) và đau 2 bên dây thần kinh liên sườn.
  • Giảm chiều cao do cột sống bị thu hẹp, biến dạng làm cong cột sống;
  • Kèm theo các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch hoặc cao huyết áp, thường là ở người bệnh lớn tuổi, trung niên;

Ngoài đánh giá các triệu chứng lâm sàng, để chẩn đoán loãng xương, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Chụp mật độ khoáng xương (BMD - Bone Mineral Density): Sử dụng tia X năng lượng kép (DXA hoặc DEXA) bằng thiết bị trung tâm (quét ở xương hông và xương sống) hoặc thiết bị ngoại vi (quét ở ngón tay, cổ tay và ngón chân) để đo mật độ khoáng xương, phát hiện các triệu chứng loãng xương.
  • Siêu âm xương gót chân: Đây cũng là kỹ thuật chẩn đoán loãng xương khá phổ biến.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Nhằm kiểm tra chỉ số nội tiết tố, phát hiện các yếu tố nguy cơ gây loãng xương như thiếu hụt vitamin khoáng chất.

Biến chứng và tiên lượng

Loãng xương là căn bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm, nhất là ở người lớn tuổi khả năng phục hồi gần như bằng 0. Tuy nhiên, vẫn có những phương pháp giúp cải thiện bệnh tốt, bảo tồn xương và duy trì vận động. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

Loãng xương
Loãng xương nghiêm trọng có nguy cơ gây biến chứng tàn phế, tử vong cao

  • Biến dạng xương;
  • Đau cột sống do biến chứng gãy lún đốt sống;
  • Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao;
  • Tỷ lệ 50% bệnh nhân bị thương tật, tàn phế vĩnh viễn;
  • Tỷ lệ 20% biến chứng loãng xương gây tử vong;

Điều trị

Vì loãng xương không thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc áp dụng các phương pháp điều trị chỉ giúp phục hồi phần nào cấu trúc xương đã tổn thương, tăng cường khối lượng xương, ngăn chặn tiến triển và phòng ngừa biến chứng.

1. Điều trị không dùng thuốc 

Bệnh loãng xương có thể được cải thiện và kiểm soát thông qua điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày. Để làm được điều này, người bệnh cần:

Loãng xương
Chế ăn uống và sinh hoạt khoa học là yếu tố quan trọng giúp điều trị loãng xương tại nhà hiệu quả

  • Vận động tích cực:
    • Siêng năng tập thể dục hàng ngày, chọn những bộ môn giúp tăng khả năng chịu đựng của cơ thể như đi bộ, bơi lội, yoga, khiêu vũ...;
    • Ngoài ra, nếu mức độ loãng xương không quá nặng, hãy thử tập các bài tập kháng lực, nhấc vật nặng để tăng sức mạnh cơ bắp;
    • Thận trọng trong sinh hoạt hàng ngày để giảm thiểu tối đa các chấn thương, dù là nhỏ nhất để tránh làm gãy xương;
    • Trong quá trình tập có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ giúp giảm áp lực tỳ đè lên vùng cột sống, xương khớp bị tổn thương;
  • Ăn uống khoa học: 
    • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như sữa & các chế phẩm từ sữa, cải xoăn, rau lá xanh, bông cải xanh, các loại cá xương mềm, cá biển, ngũ cốc...;
    • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm làm giảm lượng canxi như các loại bánh mì, bánh quy, bánh ngọt, cà phê, trà đặc, rượu bia, nước ngọt có gas, thức ăn chế biến mặn, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản...;
  • Bổ sung canxi: Theo khuyến cáo, người bị loãng xương cần bổ sung lượng canxi thiếu hụt với liều lượng phù hợp.
    • Người từ 1 - 70 tuổi: bổ sung 600 IU vitamin/ ngày;
    • Người từ 71 tuổi trở lên: bổ sung 800 IU/ ngày;

2. Điều trị bằng thuốc 

Một số thuốc trị loãng xương và ngăn ngừa biến chứng được dùng phổ biến như:

Loãng xương
Thuốc trị loãng xương có tác dụng cải thiện đau nhức, ức chế tiến trình tiêu hủy xương và ngăn ngừa gãy xương

  • Nhóm thuốc Bisphosphonates: Đây là nhóm thuốc chống hủy xương, làm chậm quá trình tiêu hủy xương và giảm nguy cơ gãy xương. Thuốc dùng được cho cả người già và phụ nữ sau mãn kinh.
    • Alendronate: liều dùng 1 viên/ tuần, uống vào buổi sáng.
    • Zoledronic: truyền tĩnh mạch 1 chai 5mg/ năm.
  • Thuốc Calcitonin: Như Miacalcin, Calcimar thường dùng cho phụ nữ mãn kinh bị loãng xương. Có tác dụng giảm đau nhức sau khi bị gãy xương có liên quan đến loãng xương. Thuốc dùng dưới dạng tiêm, liều dùng khuyến cáo 50 - 100IU/ ngày trong vòng 10 - 15 ngày, thường được chỉ định dùng kết hợp với Bisphosphonates để tăng hiệu quả.
  • Nhóm thuốc chủ vận hoặc đối kháng estrogen: Được chỉ định sử dụng cho phụ nữ bị loãng xương sau mãn kinh. Loại thường dùng là Raloxifen (Evista). Liều dùng khuyến cáo 1 viên 60mg/ ngày, dùng tối đa không quá 2 năm.
  • Các nhóm thuốc khác:
    • Thuốc ức chế tiêu xương và tăng tái tạo xương mới: Strontium ranelate (Protelos). Liều dùng khuyến cáo 2g/ ngày, uống 1 lần duy nhất vào buổi tối, sau bữa ăn khoảng 2 tiếng
    • Thuốc tăng quá trình đồng hóa: Durabolin và Deca - Durabulin.
    • Ngoài ra, một số trường hợp còn được chỉ định bổ sung hormone tuyến cận giáp như Teriparatide (Forteo) giúp giảm nguy cơ gãy xương hoặc các loại kháng thể đơn dòng (liệu pháp miễn dịch) như Romosozumab hoặc Denosumab cho người bị loãng xương sau mãn kinh.

3. Điều trị biến chứng 

Trường hợp loãng xương đã phát sinh biến chứng sẽ được can thiệp điều trị y tế bằng các biện pháp phù hợp. Tùy theo mức độ triệu chứng hoặc cấp độ gãy xương, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các phương pháp phù hợp.

  • Dùng thuốc giảm đau theo lộ trình bậc thang của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kết hợp dùng thuốc Calcitonin;
  • Đối với biến chứng gãy xương do loãng xương, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân đeo nẹp cố định xương, bơm xi măng vào thân đốt sống để ổn định cột sống hoặc phẫu thuật thay khớp hoặc xương nhân tạo (nếu chức năng xương không thể phục hồi).

Đồng thời, trong suốt quá trình điều trị loãng xương, người bệnh cần chủ động hợp tác và tuân thủ các chỉ định y tế của bác sĩ. Tái khám định kỳ để kiểm tra mật độ xương, theo dõi và điều trị kéo dài khoảng 3 - 5 năm liên tục. Sau đó, tùy theo tiến triển bệnh để điều chỉnh hướng điều trị, phục hồi phù hợp.

Phòng ngừa

Để duy trì xương khớp khỏe mạnh, ngăn ngừa loãng xương nói riêng và các bệnh lý xương khớp nói chung, bạn cần đảm bảo tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:

Loãng xương
Tập thể dục mỗi ngày giúp duy trì sự khỏe mạnh xương khớp và phòng ngừa loãng xương

  • Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D thông qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng theo sự tư vấn của bác sĩ.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày là cách tốt nhất để bảo vệ xương khớp, tăng cường thể trạng, nâng cao miễn dịch.
  • Đảm bảo sinh hoạt lành mạnh, an toàn, giảm thấp nhất nguy cơ chấn thương, té ngã khiến xương tổn thương khó phục hồi, nhất là đối với người lớn tuổi.
  • Nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ loãng xương cao, hãy thường xuyên thực hiện đo mật độ xương để tầm soát nguy cơ, sớm phát hiện bệnh (nếu có) và tiến hành điều trị kịp thời.
  • Dùng bất kỳ loại thuốc trị bệnh nào cũng đều phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý lạm dụng thuốc trong thời gian dài để phòng ngừa nguy cơ loãng xương.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị loãng xương?

2. Các triệu chứng liên quan đến loãng xương mà tôi cần theo dõi?

3. Tình trạng loãng xương của tôi có nguy hiểm không? Ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và khả năng sinh hoạt hàng ngày?

4. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với trường hợp bệnh của tôi là gì?

5. Các lợi ích và rủi ro liên quan đến phương pháp này?

6. Trị loãng xương bằng thuốc gì tốt nhất? Thuốc có gây tác dụng phụ không? Cách xử lý?

7. Bị loãng xương nên ăn uống và sinh hoạt như thế nào để hỗ trợ trị bệnh?

8. Nếu tôi không điều trị chuyên khoa thì bệnh có nặng hơn không?

9. Loãng xương có tái phát trở lại sau khi điều trị không?

10. Có cần tái khám và theo dõi thêm sau điều trị không?

Loãng xương gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh nếu không điều trị. Do đó, hãy nâng cao ý thức về chăm sóc sức khỏe xương khớp, điều chỉnh lối sống sinh hoạt khoa học và thăm khám tầm soát loãng xương càng sớm càng tốt để bảo tồn cấu trúc, chức năng xương, phòng ngừa các biến chứng khó lường.

Ngày đăng 10:33 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 12:02 - 15/06/2023
Chia sẻ:
Căng Cơ
Căng cơ là một trong những chấn thương mô mềm phổ biến. Xảy ra khi các sợi cơ bị căng quá mức do dùng sức mạnh đột ngột hoặc lặp…
Viêm khớp dạng thấp Bệnh Viêm Khớp Dạng Thấp
Viêm khớp dạng thấp là một trong những dạng viêm…
Bệnh Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những biến…
Bệnh Còi Xương
Còi xương là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao…
Thoái hóa đốt sống cổ Bệnh Thoái Hoá Đốt Sống Cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý xương khớp mạn tính, xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi…

Bàn Chân Phẳng

Bàn chân phẳng là một trong những dị tật bàn chân phổ biến ở cả trẻ em và người lớn.…

Viêm Gân Chóp Xoay

Viêm gân chóp xoay là tổn thương gân liên kết vùng vai - cánh tay gây sưng viêm, đau nhức…

Bệnh Paget Xương

Paget xương là căn bệnh về xương khá phổ biến. Đặc biệt xảy ra nhiều ở người lớn tuổi do…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua