Răng Ê Buốt Khi Ăn Đồ Lạnh: Cách Chữa Trị và Phòng Ngừa

Răng ê buốt khi ăn đồ lạnh thường là biểu hiện của các bệnh nha khoa (sâu răng lộ tủy, tụt lợi, viêm nướu răng,…) hoặc do lạm dụng tẩy trắng, mòn men răng. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ăn uống, thưởng thức các món lạnh và gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt.

Răng bị ê buốt khi ăn đồ lạnh là do đâu? 

Răng ê buốt hay răng nhạy cảm đề cập đến tình trạng quá mẫn cảm của ngà và chân răng. Người mắc phải tình trạng này thường có cảm giác ê, nhói buốt, khó chịu khi dùng các thức uống, đồ ăn có nhiệt độ nóng, lạnh hoặc món ăn quá ngọt, chua.

Răng bị ê buốt khi ăn đồ lạnh
Răng ê buốt khi ăn đồ lạnh tác động không nhỏ đến hoạt động ăn uống, đồng thời gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống

Theo cấu tạo của răng, ngoài cùng là phần men răng cứng chắc, có tác dụng bảo vệ ngà và tủy răng trước các tác nhân gây hại và nhiệt độ. Tuy nhiên, khi men răng bị tổn thương, làm lộ ngà răng, tủy răng, lúc này răng sẽ xuất hiện tình trạng đau nhức, răng ê buốt.

Tình trạng răng ê buốt khi ăn đồ lạnh cho thấy cấu trúc răng đang gặp vấn đề và cần được thăm khám, khắc phục sớm để tránh gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Một số nguyên nhân khiến răng bị ê buốt khi dùng đồ lạnh, bao gồm:

1. Mòn men răng, chấn thương 

Có thể nhận thấy, nguyên nhân chính dẫn đến răng bị ê buốt là do hiện tượng mòn men, làm lộ ngà và tủy răng. Khi đó, các cơ quan này sẽ bị kích thích bởi nhiệt độ bên ngoài thông qua hít thở, các món ăn, thức uống và gây ra tình trạng ê buốt, nhói, khó chịu. 

Mòn men răng có thể xảy ra do bẩm sinh hoặc do chấn thương làm nứt nẻ, vỡ răng và làm lộ phần ngà, tủy răng dẫn đến đau nhức, ê buốt khi vệ sinh răng miệng hoặc trong quá trình ăn uống. Nếu xảy ra do tình trạng này, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp các biện pháp y tế phù hợp.

2. Lạm dụng tẩy trắng răng 

Tẩy trắng răng là phương pháp nha khoa thẩm mỹ được nhiều người lựa chọn hiện nay. Kỹ thuật này giúp loại bỏ các mảng ố vàng, sạm màu trên răng, từ đó mang lại hàm răng trắng sáng, giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay có nhiều loại hình tẩy trắng răng như tẩy trắng răng tại nha khoa và tẩy trắng răng tại nhà tiện lợi.

Bên cạnh những lợi ích mà phương pháp này mang lại, thì việc tẩy trắng răng nhiều lần cũng có thể gây ra nhiều rủi ro, tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Mặc dù loại bỏ mảng bám ố vàng trên răng nhưng về bản chất tẩy trắng răng vẫn làm mòn men răng. Do đó, nếu lạm dụng phương pháp này có thể khiến men răng bị tổn thương, mòn men, lộ ngà răng, từ đó răng bị ê buốt, khó chịu hơn khi dùng đồ ăn, thức uống lạnh, nóng, chua, ngọt.

3. Tụt lợi hở chân răng 

Tụt lợi hở chân răng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ê buốt răng khi ăn đồ lạnh. Tình trạng này có thể nhận thấy bằng mắt thường, khi quan sát sẽ thấy mô nướu bị tụt xuống dưới làm lộ chân răng. Nguyên nhân dẫn đến tụt lợi hở chân răng thường do thói quen vệ sinh răng miệng sai cách, yếu tố di truyền, duy trì một số thói quen xấu,…

Tụt lợi hở chân răng
Tụt lợi hở chân răng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ê buốt răng khi ăn đồ lạnh

Khi chân răng không được mô nướu bảo vệ sẽ dễ bị kích thích, nhạy cảm và đau nhức, ê buốt trong quá trình ăn uống, vệ sinh răng miệng và giao tiếp hàng ngày. Hơn nữa, tụt lợi kéo dài còn khiến răng trở nên lỏng lẻo, lung lay và gãy rụng khi có tác động.

4. Viêm lợi, viêm nha chu

Viêm lợi, viêm nha chu là những bệnh lý nướu răng có tính chất mãn tính, kéo dài dai dẳng và có thể tái phát nhiều lần khi gặp điều kiện thuận lợi. Nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý này là hình thành các mảng bám trong thời gian dài và gây ra cao răng ở chân răng, bề mặt răng.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh và gây tổn thương mô nướu, viêm nhiễm. Viêm nướu răng nếu không được kiểm soát đúng cách sẽ gây tổn thương đến cơ quan khác của nha chu (dây chằng nha chu, xương ổ răng,…). 

5. Sâu răng, viêm tủy răng 

Sâu răng là một trong những bệnh nha khoa có thể gặp ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Bệnh lý phát triển thành nhiều giai đoạn, đầu tiên vi khuẩn sẽ tấn công vào men răng và gần như không gây ra bất cứ triệu chứng khó chịu nào. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát, các lỗ sâu sẽ phát triển và làm tổn thương ngà răng, gây ra cảm giác đau nhức, ê buốt trong quá trình ăn uống sinh hoạt.

Sâu răng lộ tủy
Sâu răng tiến triển nặng gây lộ ngà và tủy răng có thể khiến người bệnh bị ê buốt răng khi ăn đồ lạnh

Khi lớp ngà răng bị phá hủy, vi khuẩn sẽ nhanh chóng tấn công vào tủy răng và gây nhiễm trùng cơ quan này. Tủy răng đóng nhiều vai trò quan trọng như nuôi dưỡng răng, dẫn truyền cảm giác đến não bộ,… Khi cơ quan này bị viêm không chỉ khiến tình trạng đau nhức tiến triển nặng nề mà còn làm tăng nguy cơ hoại tử tủy. Lúc này răng có xu hướng giòn, dễ bị tổn thương, gãy rụng.

6. Một số nguyên nhân khác 

Ngoài các nguyên nhân thường gặp trên, tình trạng răng ê buốt khi ăn đồ lạnh còn xảy ra bởi một số nguyên nhân khác như đánh răng quá mạnh, sai cách làm men răng bị tổn thương, răng lão hóa, nội tiết tố thay đổi, ảnh hưởng các kỹ thuật nha khoa (hàn trám răng, niềng răng, lấy cao răng,…).

Đa số các trường hợp răng bị ê buốt khi ăn đồ lạnh đều là biểu hiện của các bệnh nha khoa. Tình trạng này không chỉ gây ra nhiều phiền toái trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Do đó, ngay khi nhận thấy tình trạng này, bạn nên đến gặp bác sĩ Nha khoa để được kiểm tra và áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp. 

Cách xử lý răng ê buốt khi ăn đồ lạnh

Răng ê buốt khi ăn đồ lạnh chứng tỏ men răng đang bị tổn thương, cấu trúc răng gặp vấn đề và cần được khắc phục sớm để tránh ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống cũng như sức khỏe răng miệng. Tùy thuộc vào mức độ ê buốt và nguyên nhân khởi phát, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà hoặc can thiệp điều trị y tế.

Dưới đây là một số biện pháp giúp khắc phục tình trạng răng ê buốt khi ăn đồ lạnh:

1. Một số mẹo cải thiện răng ê buốt khi ăn đồ lạnh 

Nếu bị ê buốt răng do dùng đồ ăn lạnh ở mức độ nhẹ và xảy ra do một số nguyên nhân thông thường, bạn có thể cải thiện thông qua một số mẹo chữa tại nhà. Ưu điểm của cách chữa này là an toàn cao, có thể áp dụng cho nhiều đối tượng và thực hiện thường xuyên để phòng ngừa răng ê buốt tái phát cũng như các vấn đề răng miệng khác. Trường hợp chưa thể đến bệnh viện thăm khám cũng có thể thực hiện các mẹo chữa này để làm giảm cảm giác khó chịu.

Lá trà xanh
Súc miệng với nước trà xanh có thể làm giảm ê buốt răng

Dưới đây là một số mẹo chữa răng ê buốt do dùng đồ lạnh tại nhà được nhiều người áp dụng:

Trà xanh:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá chè xanh, sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì để ráo
  • Đun sôi lượng nước vừa đủ rồi cho lá trà xanh vào đun thêm một lúc đến khi các thành phần hoạt chất trong thảo dược hòa vào nước thì tắt bếp
  • Đến khi nước nguội thì dùng nước này súc miệng sau mỗi lần chải răng 
  • Thực hiện đều đặn mỗi ngày để cải thiện tình trạng ê buốt răng hiệu quả 

Đinh hương:

Trong đinh hương chứa hoạt chất eugenol, tác dụng giảm đau, kháng khuẩn, gây tê tại chỗ và cải thiện tình trạng ê buốt răng hiệu quả. Bên cạnh đó, tinh dầu trong thảo dược này còn có mùi thơm nên khi sử dụng cho răng miệng sẽ mang lại hơi thở thơm mát, giảm tình trạng hơi thở có mùi hôi. Hiện nay, chiết xuất từ đinh hương cũng được bổ sung trong một số sản phẩm vệ sinh, chăm sóc răng miệng (kem đánh răng, nước súc miệng) nên bạn có thể yên tâm sử dụng.

Để làm giảm tình trạng ê buốt răng khi ăn đồ lạnh, bạn có thể rửa sạch vài nụ đinh hương và nhai trực tiếp để tinh dầu trong thảo dược thẩm thấu vào mô nướu, răng và phát huy công dụng. Hoặc dùng tăm bông thấm vài giọt tinh dầu đinh hương chấm trực tiếp vào răng bị ê buốt để cải thiện tình trạng. Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn một ít bột đinh hương với mật ong nguyên chất rồi đắp lên vị trí răng bị ảnh hưởng. Sau 10 phút thì súc miệng lại với nước sạch.

Lá ổi:

  • Chuẩn bị 1 ít lá ổi non, ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng rồi để ráo
  • Cho dược liệu vào cối và giã nát với một ít muối
  • Vắt lấy nước cốt rồi pha với một ít nước lọc
  • Dùng nước này súc miệng từ 2 – 3 lần/ ngày để cải thiện răng ê buốt khi ăn đồ lạnh.

Lá trầu không:

  • Đun sôi một ít nước lọc
  • Chuẩn bị 5 – 7 lá trầu không, sau khi rửa sạch thì cho vào nước đã được đun sôi
  • Sau vài phút thì tắt bếp
  • Để nước nguội thì dùng ngậm và súc miệng sau khi chải răng
  • Kiên trì thực hiện trong nhiều ngày để đạt được kết quả tốt nhất

Nước muối ấm:

Súc miệng với nước muối ấm nhiều lần trong ngày là một trong những cách giúp làm giảm tình trạng ê buốt răng hiệu quả. Các thành phần trong muối có tác dụng sát khuẩn, giảm đau, hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn, từ đó hỗ trợ quá trình tái khoáng men răng diễn ra thuận lợi. 

Để cách chữa này đạt được kết quả tốt nhất, hạn chế kích ứng mô nướu, đòi hỏi bạn pha nước muối đúng cách. Theo đó, cần pha 9g muối với 1 lít nước ấm để có nồng độ 0.9%. Dùng nước muối này súc miệng đều đặn mỗi ngày từ 2 – 3 lần sau khi chải răng. Hoặc bạn có thể mua nước muối sinh lý tại các tiệm thuốc Tây để tiện lợi hơn.

2. Khám và điều trị y tế 

Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp cải thiện tại nhà nhưng tình trạng răng ê buốt khi ăn đồ lạnh không thuyên giảm hoặc đi kèm với các biểu hiện khác. Lúc này bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám – chẩn đoán bởi có thể tình trạng này có thể là dấu hiệu của các bệnh nha khoa.

Hàn trám răng
Kỹ thuật hàn trám răng được chỉ định trong trường hợp răng bị ê buốt khi dùng thức ăn lạnh do răng bị mẻ, nứt, bị sâu

Căn cứ vào nguyên nhân gây ra tình trạng này, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

  • Khắc phục răng bị sứt, mẻ: Trường hợp răng bị ê buốt do chấn thương, men răng bị tổn thương ở mức độ nhẹ. Lúc này bác sĩ có thể chỉ định phương pháp tái khoáng/ thay men răng nhân tạo. Tuy nhiên, nếu răng bị sứt, mẻ, tổn thương nặng có thể chỉ định các kỹ thuật phục hình như mão sứ, dán sứ Veneer,…
  • Điều trị tủy: Đối với sâu răng lan rộng, gây tổn thương đến tủy răng. Lúc này bác sĩ cần loại bỏ phần tủy bị tổn thương. Sau khi xem xét mức độ tổn thương, viêm tủy răng có hồi phục hoặc không hồi phục sẽ chỉ định hàn trám, che tủy bằng hydroxit canxi,… phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
  • Điều trị viêm lợi, viêm nha chu: Nếu răng bị ê buốt khi ăn đồ lạnh do viêm lợi, viêm nha chu. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy cao răng và xử lý mặt gốc răng trước khi can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu. Đối với viêm nướu răng ở mức độ nhẹ có thể chỉ định sử dụng thuốc. Trường hợp viêm nha chu ở mức độ nặng hơn nên có thể chỉ định điều trị khẩn cấp và can thiệp phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, mức độ ê buốt, tình trạng răng miệng,… Sau khi điều trị, tình trạng ê buốt răng khi dùng thức ăn, thức uống lạnh, nóng, chua, ngọt sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, những sở thích này thường không được khuyến khích vì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Phòng ngừa răng ê buốt khi ăn đồ lạnh hiệu quả

Răng bị ê buốt nói chung và ê buốt khi ăn đồ lạnh nói riêng là tình trạng phổ biến ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Tình trạng này có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nha khoa. Sau khi được kiểm soát, bạn cần chủ động trong việc thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa tái phát cũng như bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Chải răng đúng cách để phòng ngừa răng ê buốt khi ăn đồ lạnh
Chải răng nhẹ nhàng từ 2 – 3 lần/ ngày, kết hợp dùng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để tăng hiệu quả làm sạch

Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa răng ê buốt khi ăn đồ lạnh:

  • Hạn chế các món ăn, thức uống quá lạnh, quá nóng, chua, ngọt,… Nhất là người có men răng mỏng bẩm sinh, răng nhạy cảm.
  • Chải răng đúng cách và đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch răng miệng, tránh mòn men và khiến răng bị ê buốt, đau nhức
  • Sau các bữa ăn cần sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn thừa, mảng bám ở kẽ răng. Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng nước súc miệng sát khuẩn để tăng tác dụng làm sạch răng miệng.
  • Cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày để đảm bảo hoạt động sản xuất nước bọt, tránh khô miệng – nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề răng miệng. Bên cạnh đó, bạn có thể nhai kẹo cao su không đường thường xuyên để kích thích tiết nước bọt, giúp cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng, đồng thời hỗ trợ quá trình tái khoáng.
  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh bằng cách tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D, canxi, vitamin tốt cho sức khỏe răng miệng. Đồng thời, tránh các món ăn có kết cấu cứng, khó nhai, nghiền, bia rượu, thức uống chứa cồn và từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Cạo vôi răng và khám sức khỏe răng miệng 6 tháng/ lần để hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn, giảm nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng.

Răng bị ê buốt khi dùng đồ ăn lạnh cho thấy men răng đang bị tổn thương và thường bị ảnh hưởng bởi các bệnh nha khoa. Để khắc phục tình trạng khó chịu này cũng như kiểm soát tốt bệnh lý nguyên nhân, bạn nên sắp xếp thời gian đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. 

Có thể bạn quan tâm:

DỊCH VỤ NHA KHOA HOT

Ngày đăng 00:47 - 05/06/2023 - Cập nhật lúc: 00:48 - 06/06/2023
Chia sẻ:
Kem đánh răng giảm ê buốt 8 Loại Kem Đánh Răng Chống Ê Buốt Được Đánh Giá Tốt

Kem đánh răng chống ê buốt được sử dụng trong trường hợp răng nhạy cảm, gặp phải tình trạng nhói…

Cách giảm ê buốt răng khi tẩy trắng 10 Cách Giảm Ê Buốt Răng Khi Tẩy Trắng Dễ Thực Hiện Nhất

Tẩy trắng răng là một trong những kỹ thuật nha khoa hiện đại đem lại tính thẩm mỹ tức thì…

Răng bị ê buốt lung lay Bị Ê Buốt Răng Cửa (Hàm Trên, Hàm Dưới) Nên Xử Lý Sao?

Bị ê buốt răng cửa (hàm trên, hàm dưới) là tình trạng phổ biến, xảy ra bởi nhiều nguyên nhân…

Kem đánh răng Sensodyne Kem Đánh Răng Sensodyne Chống Ê Buốt Có Hiệu Quả?

Kem đánh răng Sensodyne chống ê buốt là sản phẩm có mặt phổ biến trên thị trường và được đông…

Nước súc miệng chống ê buốt răng 7 Nước Súc Miệng Chống Ê Buốt Răng Được Ưa Chuộng

Nước súc miệng chống ê buốt răng có chứa các thành phần hỗ trợ quá trình tái khoáng men răng,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua