Sinh khương

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Sinh khương là tên dược của củ gừng tươi. Với vị cay nồng, tính ấm, tác dụng tán phong hàn, giải biểu, làm ấm phế và chống buồn nôn, gừng tươi được sử dụng để chữa đau bụng do lạnh, ngộ độc thức ăn, ho lâu ngày không khỏi, cảm lạnh, cảm cúm và đau nhức xương khớp.

vị thuốc sinh khương
Sinh khương là vị thuốc có vị cay nồng, tính ấm và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh

  • Tên gọi khác: Gừng, gừng tươi.
  • Tên khoa học: Zingiber officinale
  • Tên dược: Rhizoma zingiberis Recens
  • Họ: Gừng (danh pháp khoa học: Zingiberaceae)

Mô tả dược liệu sinh khương

1. Đặc điểm của cây gừng

Gừng là cây thân thảo, chiều cao từ 70 – 100cm. Thân rễ nạc, phân nhánh nhiều tạo ra hình dáng như bàn tay. Rễ gừng phát triển thành củ, có màu vàng nâu và mùi thơm đặc trưng. Lá mọc so le, hình mác, phiến lá có gân giữa màu hơi trắng nhạt, không cuống và khi vò có mùi thơm.

vị thuốc sinh khương
Gừng là cây thân thảo, chiều cao từ 70 – 100cm, thân rễ phát triển thành củ, có màu vàng và mùi thơm

Hoa mọc thành cụm, nhiều bông mọc sít lại với nhau, cụm hoa dài khoảng 20cm, có màu vàng xanh. Nhị hoa có màu tím và quả mọng.

2. Bộ phận dùng

Củ gừng.

3. Phân bố

Gừng là loại gia vị lâu đời, có nguồn gốc từ các nước cận nhiệt đới và nhiệt đới. Hiện nay gừng được trồng nhiều nhất ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Nam Á khác. Ở nước ta, cây gừng được trồng ở nhiều địa phương từ đồng bằng đến vùng núi cao và hải đảo.

4. Thu hoạch – sơ chế

Thu hoạch củ gừng vào tháng 9 – 10 hằng năm. Sau khi hái về đem bỏ rễ con, rửa sạch và để dùng dần. Gừng tươi gọi là sinh khương, sấy hoặc phơi khô gọi là can khương.

Gừng thái lát dày rồi sao cháy đen tồn tính gọi là thán khương. Gừng khô thái lát dày, sao vàng, đang nóng vẩy nước vào và đậy kín cho nguội được gọi là tiêu khương. Gừng khô đã qua bào chế được gọi là bào khương.

5. Bảo quản

Bảo quản ở nơi thoáng mát và khô ráo, tránh để củ nảy mầm.

6. Thành phần hóa học

Gừng tươi chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm 2 – 3% tinh dầu, β-zingiberen, β-farnesen, ar-curcumenen, borneol, geraniol, 20 – 25% tinh dầu, gingerol, zingerol, zingeron, shogaol, β-phelandren, α-camphen, eucalyptol,…

Vị thuốc sinh khương

vị thuốc sinh khương
Gừng có tác dụng giải biểu, tán phong hàn, làm ấm phế, ấm tỳ vị, khử mùi hôi, giải độc,…

1. Tính vị

Vị cay nồng, tính ấm, không có độc.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Phế, Tỳ, Vị, Tâm và Trường.

3. Tác dụng dược lý

– Tác dụng của sinh khương theo Đông Y:

  • Công năng: Giảm ho, làm ấm phế, giải biểu, giải độc, tán phong hàn, chống buồn nôn, làm ấm tỳ vị, khử mùi hôi, kích thích tiêu hóa và vị giác.
  • Chủ trị: Nghẹt mũi, cảm lạnh, nhiễm phong hàn, hen suyễn, ho lâu ngày không khỏi, tỳ vị hư hàn, nhiễm độc thức ăn, rượu bia, đàm thủy khí đầy,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Dịch ngâm từ gừng tươi có tác dụng ức chế trùng roi âm đạo, khuẩn nấm T.violaceum, vi khuẩn phẩy hoắc loạn, trực khuẩn thương hàn.
  • Gừng tươi có tác dụng chống loét bao tử, kích thích phân tiết dịch tiêu hóa, chống khuẩn, chống viêm, giảm đau, lợi mật, chống ói và tăng huyết áp.
  • Hoạt chất Cineol trong gừng tươi có tác dụng diệt vi khuẩn và kích thích tại chỗ.
  • Hoạt chất Gingerol có tác dụng chống đông máu.

4. Cách dùng – liều lượng

Gừng tươi được sử dụng ở dạng sắc, vắt lấy nước, hãm,… Liều dùng thông thường: 3 – 10g/ ngày.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc sinh khương

vị thuốc sinh khương
Sinh khương được sử dụng trong bài thuốc chữa cảm lạnh, cảm cúm, ho suyễn, đau bụng,…

1. Bài thuốc chữa chứng cảm mạo phong hàn

  • Chuẩn bị: Lá tía tô và sinh khương 5 lát.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

2. Bài thuốc trị ho, đờm lạnh

  • Chuẩn bị: Đường kẹo mạch nha (dương đường) 1 lượng và sinh khương 2 lượng.
  • Thực hiện: Đem sắc với 3 chén nước đến khi còn nửa chín. Dùng khi thuốc còn ấm và uống chậm rãi để hoạt chất từ dược liệu thẩm thấu sâu vào cổ họng và thực quản.

2. Bài thuốc trị chứng trúng khí hôn quyết, có đàm bế

  • Chuẩn bị: Mộc hương, bán hạ và trần bì mỗi vị 1.5 chỉ, sinh khương 5 chỉ, cam thảo 8 phân.
  • Thực hiện: Sắc uống, khi dùng thuốc nên uống cùng 1 chén nước tiểu bé trai (đồng tiện).

3. Bài thuốc trị hoắc loạn âm, bụng trướng đau, hơi ngắn, phiền đầy, chưa được thổ hạ

  • Chuẩn bị: Sinh khương 1 cân.
  • Thực hiện: Cắt nhỏ gừng, sau đó sắc với 7 thăng nước đến khi còn 2 thăng. Chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

4. Bài thuốc trị rét lạnh thời hành

  • Chuẩn bị: Thảo quả nhân 1 lượng, bạch truật 2 lượng và sinh khương 4 lượng.
  • Thực hiện: Đem sắc với 5 chén nước đến khi còn lại 2 chén. Uống thuốc khi chưa phát triệu chứng.

5. Bài thuốc chữa hói đầu

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Giã nát rồi làm nóng, sau đó đắp lên đầu độ 2 – 3 lần.

6. Bài thuốc trị chứng đái dầm ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Bổ cốt chỉ 12g, bào phụ tử 6g và sinh khương 30g.
  • Thực hiện: Giã nát dược liệu rồi đắp trực tiếp lên rốn.

7. Bài thuốc trị trùng chui vào tai

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Giã nhỏ, vắt lấy nước và nhỏ 1 ít vào tai.

8. Bài thuốc giúp đề phòng say xe

  • Chuẩn bị: Gừng tươi vừa đủ.
  • Thực hiện: Giã nhỏ rồi đắp bên ngoài huyệt nội quan (nên dùng vải hoặc băng cố định).

9. Bài thuốc chữa bỏng do nước nóng

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Ép lấy nước rồi thoa trực tiếp lên vết bỏng. Thực hiện nhiều lần cho đến khi vùng da lành hẳn.

10. Bài thuốc chữa chai cứng da sau khi tiêm vào mông

  • Chuẩn bị: Gừng tươi (mới bỏ vỏ).
  • Thực hiện: Xắt thành từng miếng mỏng 1 – 2mm và đắp trực tiếp vào vùng da xơ cứng. Thực hiện 3 lần/ ngày, mỗi lần đắp kéo dài 1 – 2 giờ.

11. Bài thuốc chữa ho, nôn mửa, ngoại cảm và bụng đầy trướng

  • Chuẩn bị: Gừng tươi và rượu trắng.
  • Thực hiện: Đem gừng giã nhỏ rồi đem ngâm với trắng. Mỗi ngày dùng 2 – 5ml rượu xoa vào bụng.

12. Bài thuốc chữa ho

  • Chuẩn bị: Củ sả, chanh tươi và sinh khương mỗi thứ 10g.
  • Thực hiện: Đem nguyên liệu rửa sạch, thái nhỏ rồi ngâm với 5g muối và siro đơn sao cho đủ 100ml. Ngâm trong 3 ngày rồi dùng vải vắt kiệt lấy nước và bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần dùng 1 – 2 thìa canh, ngày dùng 2 lần. Nếu dùng cho trẻ, chỉ sử dụng ½ liều thông thường.

13. Trà gừng hỗ trợ điều trị hạ huyết áp

  • Chuẩn bị: Gừng tươi và đường kính.
  • Thực hiện: Đem cạo bỏ vỏ, rửa sạch, xay nhuyễn rồi nấu với đường kính thành cao lỏng. Sau đó cho vào lọ thủy tinh và bảo quản dùng dần. Khi huyết áp hạ đột ngột, dùng 2 – 3 thìa pha với nước ấm uống.

14. Bài thuốc trị cảm hàn gây đau đầu, nghẹt mũi

  • Chuẩn bị: Phòng phong và sinh khương mỗi vị 12g, tô diệp 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

15. Bài thuốc chữa chứng buồn nôn và nôn mửa do tỳ vị hư hàn

  • Chuẩn bị: Bán hạ và sinh khương mỗi vị 8 – 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống dùng hết trong ngày.

16. Bài thuốc từ gừng giúp kích thích vị giác và hỗ trợ tiêu hóa

  • Chuẩn bị: Quế chi 6g, bạch thược 12g, đại táo 4 quả, chích thảo 4g, đường phèn 20 – 40g, sinh khương 1.2g.
  • Thực hiện: Sắc dược liệu với nước, sau đó cho đường phèn vào uống.

17. Bài thuốc trị viêm dạ dày mãn tính thuộc chứng hư hàn kiêm thủy ẩm

  • Chuẩn bị: Sinh khương 16 – 24g, đại táo 4 quả, ngô thù du 8- 12g và đảng sâm 12 – 16g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, chia thành 3 lần và dùng hết trong ngày.

18. Bài thuốc trị đau bụng do hàn, đau bụng do sán khi, nôn ra nước trong

  • Chuẩn bị: Hậu phác, sinh khương và đương quy mỗi vị 10g, cao lương khương 6g, quế tâm 4g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

19. Bài thuốc chữa chứng đởm hư đàm nhiệt xông lên, ngực đầy tức, bứt rứt khó ngủ, miệng đắng, ăn kém, suy nhược thần kinh

  • Chuẩn bị: Đại táo 2 quả, sinh khương 3 lát, trúc nhự 8 – 12g, chỉ thực 8 – 12g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.

20. Bài thuốc chữa chứng trúng phong, đàm mê tâm khiếu khiến lưỡi cứng không nói được

  • Chuẩn bị: Trúc nhự 2 – 4g, gừng tươi 3 lát, xương bồ 4 – 8g, đại táo 2 quả, đởm nam tinh 6 – 10g, đẳng sâm 4 – 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

21. Bài thuốc trị mề đay thể phong hàn, nổi ban do lạnh

  • Chuẩn bị: Đại táo, kinh giới, đẳng sâm và phòng phong mỗi vị 12g, ma hoàng, sinh khương mỗi vị 6g, quế chi, hoàng kỳ, bạch chỉ và bạch thược mỗi vị 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.

22. Bài thuốc trị tỳ vi hư nhược sinh nôn mửa

  • Chuẩn bị: Nhân sâm và bán hạ mỗi vị 4g, sinh khương 7 lát, mao căn 80g, phục linh 20g, tỳ bà diệp 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

23. Bài thuốc chữa chứng quy hung (ngực nhô ra như con rùa)

  • Chuẩn bị: Xạ can, sinh khương, tô tử, tỳ dà biệp, tiền hồ, thiên hoa phấn, bạc hà, tang diệp, sa sâm, bách hợp và sa sâm.
  • Thực hiện: Gia giảm liều lượng tùy theo triệu chứng, sắc uống và dùng hết trong ngày.

24. Bài thuốc trị cước khí phù thũng

  • Chuẩn bị: Trầm hương 5 phân, đại phúc bì 9g, sinh khương 6g, chỉ xác 6g, tang bạch bì 3 chỉ, lai phục tử 9g, mộc qua 9g, tử tô tử 6g, tử tô diệp 6g, trần bì 6g, tân lang 9g, ô dược 6g và kinh giới tuệ 6g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

25. Bài thuốc trị trúng phong kinh lạc

  • Chuẩn bị: Phòng phong 6g, sinh khương 3 lát, hoàng cầm, quan quế, ma hoàng, hạnh nhân, cam thảo, xuyên khung, nhân sâm, phòng kỷ và bạch thược mỗi vị 4g, phụ tử 2g.
  • Thực hiện: Sắc với 3 bát nước còn lại 1 bát, uống 1 lần/ ngày.

26. Bài thuốc trị khớp sưng đau nhức, thở ngắn, đầu choáng váng, viêm khớp dạng thấp

  • Chuẩn bị: Phụ tử 8g, quế chi 12g, phòng phong 12g, sinh khương 5 lát, tri mẫu 12g, bạch truật 15g, thược dược 9g, ma hoàng và cam thảo mỗi vị 6g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

27. Bài thuốc trị tiêu chảy do hàn thấp, bụng đầy, tiêu lỏng, rêu lưỡi trắng dày

  • Chuẩn bị: Chích cam thảo 3g, trần bì và hậu phác mỗi vị 6g, thương truật 10g, đại táo và gừng tươi lượng vừa đủ.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

28. Bài thuốc chữa cảm phong hàn gây đau đầu, nhức mỏi mình mẩy và ho

  • Chuẩn bị: Gừng tươi 2 – 3 lát, hạnh nhân 10g, bạch chỉ 12g, kinh giới và xuyên khung mỗi vị 8g, phòng phong 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

29. Bài thuốc trị chính khí suy, ngoại cảm phong hàn thấp (sợ lạnh, sốt cao, chân tay nhức mỏi, không có mồ hôi, ho có đờm, khàn giọng, nghẹt mũi, ngực đầy tức)

  • Chuẩn bị: Cam thảo 2 – 4g, khương hoạt, chỉ xác mỗi vị 4 – 6g, xuyên khung và độc hoạt mỗi vị 4 – 8g, bạc hà 4g, sinh khương 3 lát.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng từ 1 – 2 thang.

30. Bài thuốc chữa bụng đầy, đau do khí trệ

  • Chuẩn bị: Gừng tươi, trần bì và sa nhân mỗi vị 6g, cam thảo 3g, phục linh, đảng sâm và bán hạ mỗi vị 10g, mộc hương 4g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

31. Bài thuốc trị chứng nôn mửa, nấc do tỳ vị hư hàn ăn không tiêu

  • Chuẩn bị: Sa nhân (tán bột) và sinh khương.
  • Thực hiện: Đem sinh khương sắc lấy nước uống với 2 – 4g bột sa nhân.

32. Bài thuốc giải cảm phong hàn

  • Chuẩn bị: Cam thảo 4g, trần bì 6g, hương phụ và lá tía tô mỗi vị 8g, gừng tươi 2 lát.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước, có thể dùng nước thuốc nóng xông mặt sau đó dùng nước uống.

33. Bài thuốc giải độc khi ăn cua cá

  • Chuẩn bị: Gừng tươi 8g, lá tía tô 10g và sinh cam thảo 4g.
  • Thực hiện: Sắc với 600ml còn lại 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày. Nên dùng bài thuốc khi thuốc còn nóng.

34. Bài thuốc chữa lở loét khoang miệng

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Sắc loãng lấy nước súc miệng và uống thường xuyên. Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày cho đến khi vết loét liền lại.

35. Bài thuốc trị viêm nha chu

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Sắc loãng lấy nước uống và súc miệng 2 lần/ ngày. Nếu cổ họng bị rát và ngứa, nên thêm 1 ít muối ăn vào và uống nóng.

36. Bài thuốc phòng ngừa và điều trị sâu răng

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Sắc loãng lấy nước uống nóng và súc miệng nhiều lần trong ngày.

37. Bài thuốc trị chứng đau nửa đầu

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Vắt lấy nước, sau đó dùng nước xoa lên tay và bóp lên đầu trong khoảng 15 phút.

38. Bài thuốc trị sắc mặt nhợt nhạt

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Đun lấy nước rửa mặt 2 lần/ ngày (sáng – tối). Áp dụng bài thuốc này trong vòng 60 ngày giúp sắc mặt hồng hào, giảm khô ráp và thâm nám.

39. Bài thuốc trị say rượu bia

  • Chuẩn bị: Gừng tươi và mật ong.
  • Thực hiện: Hãm gừng tươi với nước sôi trong vòng 15 phút, sau đó thêm 1 ít mật ong vào uống.

40. Bài thuốc trị gàu

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Thái gừng thành từng lát mỏng, sau đó đắp lên da đầu trong khoảng 10 – 15 phút. Sau đó dùng nước gừng gội lại cho sạch.

41. Bài thuốc trị đau nhức vai và lưng

  • Chuẩn bị: Giấm ăn, muối và gừng.
  • Thực hiện: Đun gừng với nước, sau đó cho giấm ăn và muối vào. Dùng khăn sạch thấm hỗn dịch còn ấm đắp lên chỗ đau nhiều lần.

42. Bài thuốc trị hôi chân

  • Chuẩn bị: Gừng, giấm ăn và muối.
  • Thực hiện: Đun gừng với 1 lít nước, sau đó thêm muối và giấm ăn vào ngâm chân trong khoảng 15 phút. Sau đó lau khô và để chân thoáng mùi hôi sẽ thuyên giảm đáng kể.

43. Bài thuốc trị giun kim

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Đun gừng lấy 1 – 2 cốc nước, sau đó dùng gừng nấu nước đun rửa hậu môn. Trước khi ngủ, dùng nước gừng rửa hậu môn và uống 1 – 2 cốc nước gừng ấm. Thực hiện bài thuốc này trong 10 ngày giúp tiêu diệt giun kim hiệu quả.

44. Bài thuốc chữa cao huyết áp

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Đun nước ấm ngâm chân trong vòng 15 – 20 phút.

45. Bài thuốc chữa viêm phế quản mãn tính, miệng không khát, ho lâu không dứt, tức ngực, hen, nôn ra dãi nhớt màu trắng, tim hồi hộp

  • Chuẩn bị: Trà du long và gừng tươi mỗi vị 160g, mật ong 160ml.
  • Thực hiện: Đem các nguyên liệu trộn đều, mỗi lần dùng 1 thìa canh uống với nước. Ngày dùng 2 lần (sáng – tối).

46. Cháo gừng chữa viêm khí phế quản do cảm lạnh, đau bụng, nôn ói ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Gạo tẻ 150g và gừng tươi 30g.
  • Thực hiện: Gạo ngâm rửa sạch rồi nấu thành cháo, gừng cạo vỏ và cắt thành từng lát nhỏ. Khi cháo chín, cho gừng vào đảo rồi nêm thêm đường và ăn nóng.

47.Bài thuốc chữa cảm cúm

  • Chuẩn bị: Lá tía tô 20 – 30g, trà 30g, kinh giới 20 – 30g và gừng tươi 20g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước, sau đó hòa với 1 ít đường đỏ vào uống.

48. Xôi nếp thịt bò nước gừng chữa tiêu lỏng, cơ thể gầy yếu do tỳ vi hư nhược

  • Chuẩn bị: Thịt bò thái lát 100 – 150g, nước gừng tươi 40ml, gạo nếp.
  • Thực hiện: Đem gạo nếp ngâm trong 5 – 6 tiếng rồi đồ xôi, khi xôi chín thì cho nước gừng, tương, dầu ăn và thịt bò vào đồ thêm 15 phút. Dùng ăn vào bữa chính để bồi bổ cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa.

49. Nước gừng củ cải trị viêm họng nhiều đờm, viêm khí phế quản

  • Chuẩn bị: Gừng tươi (thái lát) 15 – 20g, củ cải (thái lát) 250g, 1 ít đường đỏ.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước và dùng uống nóng.

50. Nước gừng mật ong trộn bột đào nhân, hạnh nhân trị hen suyễn mãn tính, thở gấp, suy hô hấp

  • Chuẩn bị: Hạnh nhân 15, đào nhân 30g và nước gừng, mật ong.
  • Thực hiện: Đem nghiền nát đào nhân và hạnh nhân, sau đó cho vào nước gừng cùng với mật ong. Dùng ăn với liều lượng thích hợp.

51. Bài thuốc chữa khan tiếng hoặc mất tiếng

  • Chuẩn bị: Củ cải trắng và gừng tươi.
  • Thực hiện: Giã nhuyễn, sau đó vắt lấy nước cốt và dùng uống 2 – 3 lần/ ngày.

52. Bài thuốc ngừa cảm lạnh sau khi dầm mưa

  • Chuẩn bị: Gừng tươi giã nát.
  • Thực hiện: Cho vào trà nóng, sau đó thêm 1 ít đường và uống nóng.

53. Bài thuốc chữa mất ngủ, khó ngủ

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Đem hãm như trà và uống nóng, sau đó đem gừng hòa với nước ấm thêm chút muối vào và ngâm chân trong vòng 15 – 20 phút.

54. Bài thuốc phòng ngừa cảm mạo vào mùa lạnh

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Thỉnh thoảng ngậm 1 lát gừng tươi rồi nhai nuốt.

55. Bài thuốc giúp giảm đau nhức khớp và kháng viêm

  • Chuẩn bị: Gừng tươi.
  • Thực hiện: Nấu nước uống, dùng bã gừng sao nóng rồi đắp lên chân tay trong 15 – 20 phút để giảm đau.

Những điều cần lưu ý khi dùng sinh khương

  • Không dùng sinh khương cho trường hợp âm suy kìm vượng nhiệt bên trong, âm hư nội nhiệt và người nhiệt thịnh.
  • Ăn quá nhiều gừng có thể gây ung nhọt và tích nhiệt mắt bệnh.
  • Bệnh nhân bị trĩ nên hạn chế ăn quá nhiều sinh khương và cần kiêng uống rượu khi dùng gừng nếu không bệnh sẽ phát lên đột ngột.
  • Dùng bài thuốc từ gừng lâu ngày có thể gây âm hư nội nhiệt, tổn âm thương mắt, biểu hư có nhiệt ra mồ hôi, âm hư ho thổ huyết, đổ mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi trộm, đau bụng hỏa nhiệt, nhiệt gây nôn lợm, tang độc hạ huyết,…
  • Gừng có tác dụng tăng huyết áp nên cần tránh sử dụng cho bệnh nhân huyết áp cao (đối với bài thuốc uống).
  • Có thể dùng gừng giải độc do sử dụng bán hạ và nam tinh.
  • Phụ nữ mang thai chỉ nên sử dụng tối đa 10g gừng/ ngày,
  • Không dùng gừng tươi với thuốc chống đông máu và các loại thuốc có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu.
  • Can khương nóng hơn sinh khương, vì vậy những trường hợp tỳ vị hư hàn nặng có thể dùng sinh khương sấy/ phơi khô để tăng tác dụng điều trị.

Sinh khương là vị thuốc quý và có nhiều công dụng chữa bệnh. Ngoài việc áp dụng bài thuốc từ gừng, bạn có thể sử dụng gừng trong chế biến món ăn nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao khả năng miễn dịch và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp.

Ngày đăng 10:00 - 04/06/2023 - Cập nhật lúc: 13:05 - 05/06/2023
Chia sẻ:

Ô đầu

Ô đầu là dược liệu quý hiếm nhưng có độc tính rất mạnh. Dược liệu này thường ngâm rượu hoặc sắc uống nhằm chữa chứng đau nhức xương khớp, các…

Thổ phục linh

Thổ phục linh là thảo dược quý có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh Can, Vị, chủ trị phong thấp, vẩy nến, viêm da, đau dây thần kinh…

Nấm lim xanh

Nấm lim xanh là một loại nấm mọc ở rễ hoặc thân cây Lim. Theo một số nghiên cứu về dược tính, thảo dược này có tác dụng hỗ trợ…
cây vả

Vả

Cây vả từ rất lâu đời đã được tận dụng để làm dược liệu chữa bệnh. Cả phần quả, rễ và lá đều là vị thuốc góp tên trong nhiều…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua