Sinh địa

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Sinh địa còn được biết đến với tên thông dụng là địa hoàng – một vị thuốc xuất hiện rất nhiều trong các bài thuốc Đông y. Dược liệu này có tác dụng hỗ trợ điều trị chảy máu cam, sốt xuất huyết, kinh nguyệt không đều… 

địa hoàng
Hình ảnh cây sinh địa – Dược liệu có vị ngọt đắng tính hàn với tác dụng bổ máu, thanh nhiệt

  • Tên gọi khác: Địa hoàng, Nguyên sinh địa
  • Tên khoa học: Rehmanma glutinosa (Gaertn). Libosch
  • Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Sinh địa là loài cây thân thảo, sống lâu năm, có chiều cao ở vào khoảng 10 – 30cm khi đã trưởng thành. Toàn cây có lông tơ mềm với màu tro trắng. Thân rễ phình lên thành củ, ban đầu mọc thẳng nhưng về sau mọc ngang có đường kính từ 0,4 – 3cm.

Lá của cây mọc vòng xung quanh gốc, rất hiếm khi mọc ở thân. Phiến lá có hình trứng ngược dài khoảng 3 – 15cm, rộng khoảng 1,5 – 6cm. Phần đầu lá hơi tròn, càng về phía cuống sẽ hẹp laih. Mép lá có răng cưa không đều, phần phiến lá có nhiều gân nổi ở phía mặt dưới.

Hoa có màu tím đỏ mọc thành từng chùm ở đầu cành, thường nở vào mùa hạ. Cả đài và tràng đều có hình vuông nhưng tràng hơi cong, dài khoảng 3 – 4cm, mặt phía ngoài màu tím sẫm, phía trong hơi vàng và có những đốm tím. Mỗi hoa có 3 nhị với 2 nhị lớn.

2. Bộ phận dùng

Rễ củ chính là bộ phận của cây được sử dụng để làm vị thuốc.

3. Phân bố

Loại dược liệu này có nguồn gốc ở vùng ôn đới ẩm của Trung Quốc. Ở nước ta, cây thích nghi với tiết trời nóng ẩm ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

4. Thu hái và sơ chế

Phần rễ sinh địa được thu hái ở những cây đã có tuổi thọ ít nhất là 5 – 6 tháng. Sau đó đem về rửa sạch rồi để ráo nước. Tiến hành sấy đến khi thấy phần mặt cắt của rễ xuất hiện màu đen và dính là được. Cuối cùng đem phơi hoặc sấy nhẹ cho khô.

Hướng dẫn cách chế thành thục địa:

  • Cách 1: Dùng loại củ nhỏ hoặc phần rễ đem nấu thành nước đặc. Sau đó dùng nước này tẩm vào những củ sinh địa to rồi đem đồ, phơi. Tiếp tục quá trình tẩm rồi phơi cho đến khi dùng hết nước tẩm. Tốt nhất nên làm 9 lần (quy tắc cửu chưng, cửu sái).
  • Cách 2: Tiến hành nấu sinh địa với nước và rượu trắng khoảng 40°. Đun trên lửa nhỏ, luôn đảo đều cho củ ngấm đến khi cạn. Sau đó thêm gừng và nấu lại lần thứ 2. Cứ tiếp tục quá trình này đến khi dược liệu có màu đen nhánh là đạt.
vị thuốc sinh địa
Hình ảnh vị thuốc sinh địa sau khi đã trải qua bào chế

5. Bảo quản

Dược liệu đã qua sơ chế cần bảo quản trong túi kín hoặc bình có nắp đậy, để ở nơi khô ráo và thông thoáng.

6. Thành phần hóa học

Các thành phần có trong sinh địa được ghi nhận bao gồm:

  • Rehmanin
  • Glucozit
  • Glucoza
  • Caroten
  • Manit
  • Ancaloit
  • Daucosterol
  • Acid sucinic
  • Acid palmitic
  • Campesterol

Vị thuốc sinh địa

1. Tính vị

Đa phần các tài liệu y học cổ ghi nhận dược liệu này có vị ngọt đắng và tính hàn.

2. Quy kinh

Được quy vào các kinh Can, Thận và Tâm.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Thanh nhiệt, làm mát máu, tăng sinh dịch cơ thể, bổ âm.
  • Chủ trị: Dùng để chữa các bệnh thiếu máu, người yếu mệt, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, ho ra máu, động thai…

Theo y học hiện đại:

  • Dược liệu dùng ở dạng nước sắc sẽ cho tác dụng chống viêm rất tốt.
  • Dược liệu có tác dụng ức chế miễn dịch kiểu cocticoit nhưng không làm ức chế hay gây teo tuyến thượng thận.
  • Tác dụng cường tim, cầm máu, hạ áp, hạ đường huyết.
  • Bảo vệ gan, chống nấm, chống phóng xạ, lợi tiểu.

4. Cách dùng – liều lượng

Có rất nhiều cách sử dụng dược liệu này, tùy theo mục đích trị liệu mà có thể lựa chọn cách dùng cho phù hợp. Thường là sắc lấy nước uống, giã vắt nướng, tán bột, làm hoàn hay đắp ngoài da.

Liều lượng được khuyến cáo là khoảng từ 10 – 20g cho một ngày. Tuy nhiên có thể tăng giảm liều tùy theo từng bài thuốc hay sự kết hợp với các dược liệu khác.

12 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu sinh địa

Sau đây là thông tin về các bài thuốc có sử dụng dược liệu sinh địa:

1. Bài thuốc lục vị địa hoàng hoàn

Đây là bài thuốc được dùng rất phổ biến giúp hỗ trợ điều trị rất nhiều triệu chứng bệnh lý. Điển hình như đau đầu, chóng mặt, miệng lưỡi lở loét, cổ khô đau, tai ù, đau lưng mỏi gối, mộng tinh, di tinh, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, trẻ em gầy yếu…

  • Chuẩn bị: 320g sinh địa, 160g hoài sơn, 160g sơn thù du, 120g mẫu đơn bì, 120g trạch tả, 120g bạch phục linh.
  • Thực hiện: Sinh địa đem giã cho mềm nhũn, các vị thuốc còn lại sấy khô rồi tán nhỏ. Trộn đều tất cả lại với nhau rồi cho thêm mật ong để làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống khoảng 20 – 30 viên tương đương 8 – 12g. Chia làm 2 lần uống vào trước bữa ăn cơm khoảng 15 phút.

2. Bài thuốc chữa ho khan, bệnh lao

  • Chuẩn bị: 2400g sinh địa, 480g bạch phục linh, 240g nhân sâm, 1200g mật ong trắng.
  • Thực hiện: Sinh địa đem giã ra rồi vắt lấy nước và thêm mật ong vào nấu sôi lên. Sau đó thêm bạch phục linh cùng nhân sâm đã tán nhỏ vào. Tiếp đến cho tất cả vào lọ đậy kín rồi đun cách thủy trong 3 ngày 3 đêm. Lấy ra để nguội. Mỗi lần chỉ dùng từ 1 – 2 thìa với tần suất 2 – 3 lần/ngày.

3. Bài thuốc chữa gầy yếu, hỗ trợ trị tiểu đường

  • Chuẩn bị: 800g sinh địa cùng với 600g hoàng liên.
  • Thực hiện: Đầu tiên đem giã sinh địa và vắt lấy nước. Tẩm với hoàng liên rồi đem hoàng liên đi phơi khô. Sau đó tiếp tục tẩm rồi phơi cho đến khi hết nước sinh địa. Tiến hành tán nhỏ hoàng liên và cho thêm mật rồi hoàn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần lấy uống 20 viên với tần suất 2 – 3 lần/ngày.

4. Bài thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh

  • Chuẩn bị: 16g sinh địa, 16g ích mẫu, 20g hà thủ ô đỏ, 12g sâm nam.
  • Thực hiện: Tất cả vị thuốc trên cho vào ấm sắc với 1 thăng nước đến khi còn phân nửa. Uống ngay khi thuốc còn ấm với liều 1 thang/ngày.

5. Bài thuốc trị viêm họng, sốt nóng, miệng khô khát

  • Chuẩn bị: 12g sinh địa, 10g mạch môn, 10g huyền sâm, 8g cam thảo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem thái nhỏ rồi phơi khô. Cho vào ấm sắc chung với 200ml nước trên lửa nhỏ đến khi còn khoảng 50ml là đạt. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm nóng, duy trì liên tục khoảng 3 – 5 ngày.
tác dụng sinh địa
Sinh địa có thể được dùng để chữa viêm họng kèm chứng miệng khô khát

6. Bài thuốc chữa sốt cao kèm co giật

  • Chuẩn bị: 20g sinh địa cùng với 10g lá hẹ.
  • Thực hiện: Các vị thuốc đã chuẩn bị đem rửa sạch rồi giã nát. Thêm vào chút nước rồi gạn bỏ bã để uống 1 lần/ngày.

7. Bài thuốc bổ huyết, điều kinh

  • Chuẩn bị: 16g sinh địa, 10g đương quy, 10g bạch thược, 5g xuyên khung.
  • Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm để sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng đúng 1 thang/ngày.

8. Bài thuốc bồi bổ toàn thân

  • Chuẩn bị: 20g sinh địa, 20g thiên môn và 10g đảng sâm.
  • Thực hiện: Sinh địa cùng với đảng sâm đem thái nhỏ rồi ngam với 100ml rượu trắng 35° trong khoảng 10 – 15 ngày. Thiên môn đem thái mỏng, phơi khô rồi sắc với nước đến khi cô thành cao lỏng. Cho thêm 150g đường kính và tiếp tục cô đến khi còn 400ml cao. Để nguội rồi hòa chung với rượu ngâm 2 vị thuốc trên. Mỗi lần dùng lấy ra khoảng 20ml thuốc uống trước bữa ăn 30 phút với tần suất 2 lần/ngày.

9. Bài thuốc bổ huyết sinh tinh

  • Chuẩn bị: 50g sinh địa khô cùng với 100g gạo tẻ.
  • Thực hiện: Các nguyên liệu trên đem hầm với nước cho thành cháo, có thể nêm thêm ít dấm và mật. Dùng khi cháo còn ấm nóng với liều lượng 1 thang/ngày.

10. Bài thuốc trị bệnh đái tháo đường

  • Chuẩn bị: 40g địa hoàng, 20g hoàng kỳ, 40g sơn dược, 20g sơn thù và 12g tụy heo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày. Sử dụng với liệu lượng 1 thang thuốc/ngày.

11. Bài thuốc chữa sốt âm ỉ, ho gà, ho khan, đau nhức tay chân

  • Chuẩn bị: 30g sinh địa cùng với 30g thục địa.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đêm sắc với nước rồi lọc bỏ phần bã đi. Tiếp đến cho khoảng 60ml mật ong vào khuấy đều rồi tiếp tục sắc cho đến khi đặc lại thành siro. Mỗi lần uống 1 -2 thìa với tần suất 2 lần/ngày.

12. Bài thuốc trị đau lưng mỏi gối, thận âm, mồ hôi trộm

  • Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 20g sinh địa, 16g sơn dược, 12g câu kỷ tử, 12g sơn thù, 12g thỏ ty tử, 12g ngưu tất, 12g cao ban long. Tất cả dược liệu trên đem tán thành bột mịn rồi thêm mật vào để hoàn thành viên. Mỗi lần dùng 12g với tần suất 2 lần/ngày vào buổi sớm và tối trước khi ngủ.
  • Bài thuốc 2: Cần có 20g sinh địa, 20g quy bản, 12g tri mẫu, 12g hoàng bá. Các vị thuốc đem tán thành bột mịn rồi trộn với tủy xương sống lợn và hoàn thành viên. Mỗi lần dùng đúng 12g với tần suất 2 lần/ngày. Nên uống khi bụng đói, có thể uống chung với nước muối nhạt hoặc nước gừng.

Lưu ý khi sử dụng sinh địa để chữa bệnh

Khi sử dụng dược liệu sinh địa cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Tuyệt đối không dùng chung với lai phục tử bởi có thể phản tác dụng hay làm tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.
  • Khi có triệu chứng dị ứng hoặc quá mẫn thì cần ngưng thuốc ngay lập tức.
  • Không dùng sinh địa cho các đối tượng tỳ hư, đi ngoài lỏng, kém ăn, bụng đầy chướng.

Thông tin mà bài viết tổng hợp được về dược liệu sinh địa chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi có ý định sử dụng các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này, bạn nên thảo khảo ý kiến thầy thuốc hoặc những người có chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng trong bất cứ trường hợp nào.

Ngày đăng 02:15 - 01/06/2023 - Cập nhật lúc: 02:15 - 02/06/2023
Chia sẻ:

Cúc mốc

Cây cúc mốc có màu xám trắng đặc trưng nên thường được trồng để làm cảnh. Ngoài ra thảo dược này còn có nhiều công dụng hữu ích và được…

Chuối hột

Chuối hột là vị thuốc Nam quý, thường được sử dụng để ngâm rượu, sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn. Vị thuốc này có tác dụng chữa…

Cây muồng trâu

Cây muồng trâu là loài thực vật mọc hoang nhiều ở các tỉnh của nước ta. Các bộ phận của cây đều có tác dụng dược lý và được sử…

Bán biên liên

Bán biên liên là dược liệu có vị ngọt cay, tính bình, chủ trị rắn độc cắn, nhọt độc, tiểu khó, sốt rét, viêm tai giữa... Vị thuốc này có…

Bình luận (1)

  1. Trần Thu Thủy
    Trần Thu Thủy says: Trả lời

    Ở đâu chữa amidan quá phát, hạt xơ dây thanh quản và viêm dạ dày mãn tính tốt

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua