Hổ phách

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Hổ phách là sản phẩm ngưng kết từ nhựa cây thông bị vùi sâu dưới đất trong thời gian dài. Hổ phách có giá trị cao nên thường được sử dụng để làm trang sức. Bên cạnh đó, dân gian sử dụng dược liệu này để điều trị các chứng bệnh do huyết ứ như chấn thương, bế kinh, vô kinh và rối loạn tiểu tiện.

tác dụng của hổ phách
Hổ phách là sản phẩm ngưng kết từ nhựa cây thông bị vùi sâu dưới đất trong thời gian dài

  • Tên gọi khác: Hoa phách, Quang phách, Hắc hổ phách, Minh phách, Đơn phách.
  • Tên khoa học: Amber
  • Tên dược: Fossil Resin Succinum
  • Tên thực vật: Pinus Spp
  • Họ: Tùng cổ đại (danh pháp khoa học: Pinaceae)

Mô tả dược liệu

1. Nguồn gốc

Hổ phách là hợp chất carbon-hydrogen trong nhựa cây thông vùi trong đất lâu ngày, ngưng kết mà thành. Một số học giả cho rằng, hổ phách là nhựa của loài thông cổ Pityoxylon auccinifer Krauss đã bị tuyệt chủng. Hiện nay muốn thu hoạch hổ phách phải tiến hành đào ở những mỏ than hoặc lặn xuống biển sâu để tìm kiếm.

2. Đặc điểm – tính chất

Hổ phách có dạng như đá, rất cứng chắc, kích thước không đều. Bên ngoài thường được phủ một lớp mờ mờ. Hổ phách có màu vàng đỏ hoặc màu vàng.

tác dụng của hổ phách
Hổ phách có dạng như đá, rất cứng chắc, kích thước không đều, thường có màu vàng hoặc màu vàng đỏ

Chà xát dược liệu vào lên cho nóng thì sinh ra điện, khi đun nóng thì tạo ra mùi thơm rất dễ chịu. Hổ phách không tan trong nước, tan một phần trong ete, chloroform và cồn.

3. Phân bố

Cây thông cổ đại cho dược liệu hổ phách phân bố chủ yếu ở vùng Nam Mỹ và dọc bờ biển Châu Âu.

4. Thu hoạch – bào chế

Muốn thu hoạch hổ phách phải lặn sâu dưới đầy biển hoặc đào mỏ than. Hổ phách có thể được dùng làm trang sức, đồ mỹ nghệ hoặc dùng trong may mặc (làm nút áo, đồ trang trí). Nếu dùng hổ phách làm thuốc, bào chế theo những cách sau:

  • Chế với sữa người rồi nghiền thành bột mịn, để dùng dần.
  • Cho nước hòa với bột của hạt trắc bá vào trong nồi đất, cho hổ phách vào nấu trong 2 giờ. Sau đó đem dược liệu nghiền thành bột và dùng dần.

5. Bảo quản

Hầu như không bị ẩm mốc hay hư hại nên rất dễ bảo quản.

6. Thành phần hóa học

Hổ phách chứa ít tinh dầu mà chủ yếu là nhựa cây. Ngoài ra một số nhà khoa học còn tìm thấy công thức hóa học của hổ phách là C40H6404 hay viết gọn lại là (C10H16O)4.

Vị thuốc hổ phách

1. Tính vị

Vị ngọt, tính ôn.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Bàng quang, Phế, Can và Tâm.

3. Tác dụng dược lý

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Hiện tại, vị thuốc hổ phách chỉ được sử dụng trong phạm vi y học cổ truyền.

– Tác dụng của hổ phách theo Đông Y:

  • Công dụng: Lợi tiểu, giải huyết ứ, tăng cường tuần hoàn máu, an dịu và an thần kinh.
  • Chủ trị: Động kinh ở trẻ nhỏ, vô kinh và kinh nguyệt ít do huyết ứ, rối loạn tiểu tiện (tiểu ra máu, tiểu buốt, sỏi canxi).

4. Cách dùng – liều lượng

Vị thuốc hổ phách thường được dùng ở dạng hoàn tán, bột uống hoặc có thể dùng tại chỗ. Liều dùng trung bình từ 1.5 – 3g/ ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc hổ phách

vị thuốc hổ phách
Vị thuốc hổ phách thường được dùng để trị huyết ứ do chấn thương, bế kinh, đau bụng kinh, tiểu tiện khó

1. Bài thuốc chữa huyết ứ bên trong do té ngã từ trên cao xuống

  • Chuẩn bị: Rượu và cao hạt hổ phách.
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 6g bột uống với rượu. Hoặc dùng 2 – 3 thìa bột bồ hoàng, mỗi ngày dùng từ 4 – 5 lần.

2. Bài thuốc chữa tiểu gắt

  • Chuẩn bị: Xạ hương 1 ít và hổ phách (tán bột) 6g.
  • Thực hiện: Uống cùng với nước sôi nguội. Hoặc có thể sắc uống với nước thuyên thảo. Người cao tuổi nên uống thuốc cùng với nước sắc nhân sâm.

3. Bài thuốc chữa tiểu tiện ra huyết

  • Chuẩn bị: Hổ phách (tán bột).
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 6g uống cùng với nước sắc đăng tâm.

4. Bài thuốc chữa chóng mặt sau sinh

  • Chuẩn bị: Diên hồ sách, một dược, miết giáp, hổ phách, nhũ hương và can tất các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem các vị tán bột. Sau đó dùng ích mẫu thảo, sinh địa, tô mộc, nhân sâm, trạch lan, ngưu tất và tô mộc sắc lên uống cùng với thuốc bột.

5. Bài thuốc trị chứng trưng hà, chóng mặt sau khi sinh, đau bụng do có khối u

  • Chuẩn bị: Kinh tam lăng, miết giáp và hổ phách mỗi vị 30g, diên hồ sách và một dược các vị nửa lượng, đại hoàng 6 thù.
  • Thực hiện: Đem các vị sao vàng, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 9g uống với rượu khi đói. Người có thể trạng suy nhược nên giảm liều lượng đại hoàng.

6. Bài thuốc chữa mắt có màng mây và chứng đau mắt đỏ

  • Chuẩn bị: Trân châu, san hô, hổ phách, mã não và nhân trảo (móng tay người).
  • Thực hiện: Dùng thuốc bột uống trực tiếp.

7. Bài thuốc chữa chứng tiểu ra sỏi và tiểu ra máu

  • Chuẩn bị: Trư linh 9g, mộc thông và biển súc mỗi vị 6g, hổ phách 5 phân.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, chia thành 2 lần dùng và uống cùng với nước nóng.

8. Bài thuốc đau bụng ứ huyết và chứng trưng hà sau khi sinh

  • Chuẩn bị: Miết giáp 9g, diên hồ 6g, đại hoàng 9g, hổ phách 5 phần, tam lăng 9g, một dược 3g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 2 – 9g uống với rượu khi đói. Ngày dùng từ 2 – 3 lần.

9. Bài thuốc chữa chứng bí đái ở trẻ

  • Chuẩn bị: Thông bạch 10 củ, hổ phách 30g (tán bột).
  • Thực hiện: Đem sắc thông bạch với 4 thăng nước còn lại 3 thăng nước, thêm 6g bột hổ phách và uống nóng.

10. Bài thuốc chữa chứng động kinh ở trẻ

  • Bài thuốc 1: Toàn yết 1 con (tán bột), đơn sa và hổ phách mỗi thứ 1 ít. Mỗi lần dùng 3g thuốc bột uống cùng với nước sắc mạch môn đông.
  • Bài thuốc 2: Đơn sa nửa chỉ, phòng phong và hổ phách mỗi vị 3g. Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 3g thuốc trộn với sữa heo và cho trẻ uống.
  • Bài thuốc 3: Đơn sa, linh dương giác, viễn chí, hổ phách, tê giác, thiên trúc hoàng và phục thần các vị bằng lượng nhau. Đem sắc uống.
  • Bài thuốc 4: Đờm nam tinh 3g, hổ phách 5 phân, thần sa và hùng hoàng mỗi vị 5 phân, cương tàm 3g, phục linh và đảng sâm mỗi vị 9g, câu đằng 9g, xạ hương và ngưu tất mỗi vị 3 phân, thiên trúc hoàng 3g. Đem các vị tán bột làm viên, chia thành 2 lần uống.

11. Bài thuốc chữa chứng bất tỉnh do chấn thương

  • Chuẩn bị: Hổ phách (tán bột) 3g và đồng tiện.
  • Thực hiện: Đem trộn đều và dùng uống 3 lần sẽ thấy triệu chứng thuyên giảm.

12. Bài thuốc trị phụ nữ đau bụng do ác huyết

  • Chuẩn bị: Miết giáp, đại hoàng và hổ phách (tán bột) bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 6g thuốc bột uống với rượu.

13. Bài thuốc trị chứng tiểu trường bị nhiệt, tâm có nhiệt, đi tiểu không thông

  • Chuẩn bị: Mộc thông, trúc diệp, đơn sa, mạch môn đông, hoạt thạch và hổ phách các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Dùng bột thuốc uống với nước.

14. Bài thuốc chữa thần khí bất định khiến đầu óc hay quên, cơ thể mệt mỏi

  • Chuẩn bị: Phục linh, phục thần và đảng sâm mỗi vị 9g, nam tinh, xương bồ và viễn chí mỗi vị 6g, hổ phách 3g, nhân sâm nhũ (sữa người) 30g, châu sa 5 phân.
  • Thực hiện: Đem các vị làm thành viên, mỗi lần dùng 6g uống với nước hổ phách. Ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.

15. Bài thuốc trị kinh nguyệt không thông, khí trệ do ứ huyết

  • Chuẩn bị: Đương quy, ô dược và nga truật mỗi vị 9g, hổ phách 5 phân.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 6g uống với nước nóng. Ngày dùng từ 2 – 3 lần.

16. Bài thuốc trị chứng trúng phong có hội chứng đam mê tâm khiếu

  • Chuẩn bị: An tức hương 60g, chế nam tinh và ngưu hoàng mỗi vị 20g, nhân sâm, thiên trúc hoàng, đồi mồi, hổ phách, hùng hoàng, tê giác và chu sau mỗi vị 40g, băng phiến 4g.
  • Thực hiện: Nghiền nhỏ dược liệu, trộn đều, chế thêm mật làm thành viên nặng 4g. Mỗi lần dùng 1 viên tán với nước sôi nguội và uống. Nếu dùng trẻ nhỏ, nên dùng ½ – ¼ liều thông thường.

17. Bài thuốc trị chứng huyết lâm do nhiệt kết ở hạ tiêu gặp tình trạng đái buốt nhiều

  • Chuẩn bị: Chích cam thảo 4g, đương quy (tẩm rượu) 12g, mộc thông 6 – 12g, bồ hoàng sao 8 – 12g, hoạt thạch 16 – 20g, ngẫu tiết 12g, đạm trúc diệp 8 – 12g, sơn chi nhân 8 – 12g, tiểu kế 12 – 16g và sinh đại hoàng 20 – 30g, gia thêm hổ phách và hải kim sa.
  • Thực hiện: Đem hổ phách để riêng, sắc các vị còn lại lấy nước uống. Dùng nước uống với bột hổ phách.

18. Bài thuốc trị chứng phì đại tuyến tiền liệt

  • Chuẩn bị: Hoạt thạch 30g và sinh hoàng kỳ 100g, bột hổ phách 3g.
  • Thực hiện: Để bột hổ phách riêng, đem các vị còn lại sắc lấy nước uống. Sau đó uống thuốc sắc với bột thuốc khi đói.

19. Bài thuốc trị chứng sốt cao gây co giật và hôn mê

  • Chuẩn bị: Xạ hương, băng phiến, nhân sâm, thiên trúc hoàng, đại mao, chế nam tinh, hổ phách, chu sa, hùng hoàng, tê giác, an tức hương và ngưu hoàng, liều lượng gia giảm theo từng trường hợp.
  • Thực hiện: Đem thuốc tán thành bột, mỗi lần dùng 2 – 4g uống với nước ấm, ngày dùng từ 1 – 2 lần. Nếu dùng cho trẻ nhỏ nên giảm liều lượng.

20. Bài thuốc chữa chứng kinh bế, bụng đau ở nữ giới do huyết trệ

  • Chuẩn bị: Quy vĩ, đào nhân, ngưu tất và xích thược mỗi vị 10g, ngũ linh chi và hương phụ mỗi vị 8g, tô mộc, xuyên khung và hồng hoa mỗi vị 6g, hổ phách 1.5g, sinh địa 15g.
  • Thực hiện: Chế với hồ làm thành hoàn, mỗi lần dùng 10g, ngày dùng từ 2 – 3 lần.

21. Bài thuốc giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường chức năng não

  • Chuẩn bị: Hồ đào nhục 80g, chu sa 40g, đương quy 100g, xương bồ 40g, ngũ vị 60g, bá tử nhân 60g, viễn chí 40g, táo nhân 60g, đởm tinh 40g, kỷ tử 80g, long cốt 40g, hổ phách 40g, thiên trúc hoàng 40g, ích trí nhân 60g, nhục thung dung 80g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, chế thêm mật ong làm thành hoàn nặng 4g. Mỗi lần dùng 1 viên, ngày dùng 2 lần uống liên tục trong 15 ngày.

22. Bài thuốc trị uốn ván

  • Chuẩn bị: Xuyên khung, bán hạ, phòng phong, cương tàm, bạch chỉ, khương hoạt, đại hoàng, chế xuyên ô, chế nam tinh mỗi vị 10g, xác ve 10g, toàn yết 10g, ngô công 3 con, bạch phụ tử 12g, cam thảo 10g, thiên ma 10g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống. Dùng thêm bột chu sa và hổ phách mỗi thứ 3g, trộn đều và chia thành 3 phần bằng nhau. Mỗi lần dùng 1 phần thuốc bột uống với 200ml nước sắc. Cứ 6 – 8 giờ uống thêm 1 liều.

Lưu ý khi dùng vị thuốc hổ phách

  • Cấm dùng cho trường hợp tiểu nhiều, nội tạng không có ứ trệ, thủy suy hỏa vượng và âm hư nội nhiệt.

Phần lớn các bài thuốc từ vị thuốc hổ phách đều chỉ được sử dụng trong phạm vi y học cổ truyền. Do đó nếu có ý định áp dụng, bạn nên tham vấn y khoa để xác thực mức độ hiệu quả và tính an toàn của bài thuốc. Hơn nữa hổ phách là dược liệu có giá trị kinh tế cao, vì vậy cần thận trọng khi chọn mua để hạn chế tình trạng mua phải hàng giả và kém chất lượng.

Ngày đăng 02:14 - 01/06/2023 - Cập nhật lúc: 02:14 - 02/06/2023
Chia sẻ:

Chuối hột

Chuối hột là vị thuốc Nam quý, thường được sử dụng để ngâm rượu, sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn. Vị thuốc này có tác dụng chữa…

Cây muồng trâu

Cây muồng trâu là loài thực vật mọc hoang nhiều ở các tỉnh của nước ta. Các bộ phận của cây đều có tác dụng dược lý và được sử…

Bán biên liên

Bán biên liên là dược liệu có vị ngọt cay, tính bình, chủ trị rắn độc cắn, nhọt độc, tiểu khó, sốt rét, viêm tai giữa... Vị thuốc này có…

Bạch đàn trắng

Bạch đàn trắng là dược liệu thường được sử dụng để bào chế thuốc kháng khuẩn đường hô hấp và một số bệnh lý ngoài da. Ngoài ra, dược liệu cũng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua