Hải tảo

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Hải tảo (Tảo biển) là loại thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng điều hòa hoạt động của tuyến giáp và bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra, tảo biển còn được Đông Y sử dụng trong các món ăn và bài thuốc trị bướu cổ, phì đại tuyến tiền liệt, viêm khớp, lao hạch, viêm khí phế quản và viêm họng.

hải tảo có tác dụng gì
Hải tảo là loại thực vật sống dưới biển, chứa hàm lượng thành phần dinh dưỡng dồi dào

  • Tên gọi khác: Rong mơ, Rau mã vĩ, Rau ngoai, Tảo biển
  • Tên khoa học: Sargassum pallidum
  • Tên dược: Herba Sargassum
  • Họ: Rong mơ (danh pháp khoa học: Sargassaceae)

Mô tả dược liệu hải tảo

1. Đặc điểm của hải tảo

Hải tảo (tảo biển) là một loại thực vật sinh sống ở vùng nước mặn. Tảo biển được cấu tạo từ các tế bào đơn giản, màu sắc đa dạng nhưng vẫn có chứa chất diệp lục để quang hợp.

hải tảo có tác dụng gì
Tảo thường mọc tập trung thành từng đám dài và phân bố ở các dãy đá ngầm ven biển

Tảo biển có nhiều dạng như tảo phân nhánh, hình ống, hình sợi, dạng miếng,… Dược liệu hải tảo thuộc nhóm tảo nước mặn (rong mơ) và có màu nâu. Tảo mọc tập trung thành từng đám dài, thường bám vào các bụi san hô hoặc các mô đá lớn.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây tảo được sử dụng để làm thức ăn hoặc làm thuốc.

3. Phân bố

Tảo có mặt ở hầu hết các vùng biển trên thế giới nhưng tập trung nhiều nhất ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở nước ta, tảo mọc hoang nhiều ở các dãy đá ngầm ven biển, tập trung chủ yếu ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh,..

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái tảo biển vào mùa hè. Sau khi thu hoạch về, đem rửa sạch, bỏ tạp chất rồi phơi cho héo bớt rồi cắt nhỏ, phơi khô để làm thuốc.

5. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.

6. Thành phần hóa học

Hải tảo chứa thành phần hóa học đa dạng, bao gồm kali, iod, manitol, alginic acid, laminine, lipid, protid, muối vô cơ, gelatin, sắt, amino acid,…

Vị thuốc hải tảo

hải tảo có tác dụng gì
Hải tảo có vị mặn, đắng, không độc và tính hàn

1. Tính vị

Vị đắng, mặn, tính lạnh và không có độc.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Thận, Tỳ và Can.

3. Hải tảo có tác dụng gì?

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng: Lợi thủy tiết nhiệt, hóa đàm, tán kết, nhuyễn kiên và hành thủy.
  • chủ trị: Nấc cụt, lao hạch, viêm sưng hạch, viêm tràn dịch mào tinh hoàn, phù nề, bướu cổ, tràng nhạc,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Do chứa hàm lượng iod cao nên hải tảo có tác dụng điều trị bệnh bướu cổ do thiếu iod. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh cường giáp nhưng tác dụng không bền.
  • Calci và alginic acid trong hải tảo có tác dụng cầm máu do chấn thương.
  • Thực nghiệm cho chuột có nồng độ cholesterol cao uống hải tảo nhận thấy nồng độ cholesterol trong huyết thanh giảm đi đáng kể.
  • Cho chó và thỏ gây mê uống nước sắc hải tảo với liều 0.75g/ kg nhận thấy thuốc có tác dụng hạ huyết áp.
  • Nước sắc từ tảo biển có tác dụng ức chế một số loại nấm gây bệnh ngoài da.
  • Với hàm lượng tyrosine và iod cao, hải tảo còn có hỗ trợ chức năng của tuyến giáp và ngăn ngừa các bệnh lý như cường giáp, suy giáp,…
  • Tảo biển chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn hẳn so với các loại rau thông thường. Các thành phần này có thể bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do và ngăn ngừa các bệnh lý mãn tính như tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường.
  • Polysacarit và chất xơ trong tảo có tác dụng duy trì sức khỏe đường ruột và giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
  • Hoạt chất fucoxathin có trong hải tảo có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường type 2.
  • Ngoài ra với hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào, bổ sung hải tảo thường xuyên còn giúp duy trì làn da mịn màng, ngăn ngừa lão hóa và hạn chế nguy cơ rụng tóc.
  • Hoạt chất PSS trong tảo có tác dụng tương tự Heparin, được sử dụng để cải thiện tuần hoàn ngoại vi, hạ lipid huyết, giảm độ dính và chống đông máu.

4. Cách dùng – liều lượng

Hải tảo được sử dụng ở dạng sắc uống, tán bột hoặc dùng để chế biến các món ăn giàu dinh dưỡng. Liều dùng thông thường: 10 – 15g/ ngày.

Bài thuốc chữa bệnh và Món ăn tốt cho sức khỏe từ hải tảo

hải tảo có tác dụng gì
Tảo biển được dùng trong món ăn và bài thuốc trị bệnh bướu cổ, viêm tuyến tiền liệt, lao hạch,…

1. Bài thuốc trị chứng sưng hạch cổ

  • Chuẩn bị: Long đởm thảo, đào nhân, đương quy mỗi vị 8g, toàn yết và xuyên sơn giáp mỗi vị 6g, phục linh, hải tảo và côn bố mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn rồi làm thành viên. Mỗi lần uống 6g, ngày dùng 2 lần.

2. Bài thuốc trị sưng tuyến giáp trạng

  • Chuẩn bị: Thông thảo, côn bố, hải cáp và hải tảo mỗi vị 9g, dương yếm 60g (cắt thành lát rồi sấy khô).
  • Thực hiện: Đem tán bột mịn và trộn đều với mật ong làm thành viên. Mỗi lần dùng 9g, ngày dùng 2 lần.

3. Bài thuốc trị bệnh bướu cổ

  • Chuẩn bị: Bối mẫu, độc hoạt, bán hạ (chế), hà tai, côn bố, đương quy và hải tảo mỗi vị 12g, trần bì 6g, thanh bì 5g, liên kiều 8g và xuyên khung 4g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

4. Bài thuốc trị bướu cổ do can uất đờm ngưng

  • Chuẩn bị: Trần bì, nam tinh, liên kiều, ngưu tất và bối mẫu mỗi vị 10g, bán hạ, hải tảo, côn bố và huyền sâm mỗi vị 16g, cam thảo 3g, hạ khô thảo 30g, hải cáp phấn 20g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

5. Bài thuốc trị bệnh bướu cổ đơn thuần

  • Chuẩn bị: Rượu ngon 1 lít và hải tảo 1kg.
  • Thực hiện: Đem rửa hải tảo cho bớt mặn, sau đó cắt thành từng sợi nhỏ và bọc trong túi lụa rồi ngâm với rượu trong vòng 14 ngày. Nên dùng bài thuốc vào mùa Xuân và mùa Hạ, mỗi lần dùng 40ml ngậm nuốt chậm, 2 ngày uống 1 lần. Khi uống hết rượu đem hải tảo phơi khô và tán bột, mỗi lần dùng 8g, ngày uống 2 lần.

6. Bài thuốc trị thổ anh, ưu anh, lao anh, khí anh và thạch anh

  • Chuẩn bị: Côn bố (rửa), hải cáp, hải tảo (rửa), thùng la, phàn thạch (khô), thông thảo và long đởm mỗi vị 3 phân, bán hạ và mạch khúc mỗi vị 4 phân.
  • Thực hiện: Đem các vị nghiền nhỏ, mỗi lần dùng 1 thìa tấc vuông uống với rượu, ngày sử dụng 3 lần.
  • Lưu ý: Khi dùng bài thuốc này, cần kiêng kỵ thịt heo, rau sống, thức ăn cay và thức ăn chứa độc như cá diếc.

7. Bài thuốc trị tràng nhạc như rắn cuộn ở đỉnh đầu

  • Chuẩn bị: Bạch cương tàm (sao) và hải tảo thái mỏng (sao qua với bột kiều mạch) 2 vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Nghiền dược liệu thành bột, rồi dùng mơ trắng ngâm lấy nước, chế với bột thuốc làm thành hoàn to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 60 viên uống với nước cơm để loại bỏ khí độc tích tụ trong người.

8. Bài thuốc trị cổ kết nang đột ngột và sắp chuyển thành bướu cổ

  • Chuẩn bị: Rượu trong 2 thăng và hải tảo 1 cân (rửa sạch cho bớt mặn).
  • Thực hiện: Cho hải tảo vào túi lụa rồi ngâm rượu. Vào mùa Xuân, Hạ, dùng rượu uống. Mỗi lần uống 2 hớp, ngày dùng 3 lần. Sau khi uống hết rượu, đem bã thuốc phơi khô rồi tán thành bột. Mỗi lần uống 1 thìa tấc vuông, ngày dùng 3 lần. Thực hiện bài thuốc trên 3 lần.

9. Bài thuốc trị lở ngứa ngoài da

  • Chuẩn bị: Tam lăng 4g (hoặc có thể dùng củ cói), bán hạ và trần bì mỗi vị 2g, nga truật, côn bố, ngưu bàng và hạ khô thảo mỗi vị 8g, liên kiều 12g và hải tảo 16g.
  • Thực hiện: Sắc với 600ml còn lại 300ml. Mỗi lần dùng 150ml, ngày dùng 2 lần.

10. Bài thuốc trị lao hạch

  • Chuẩn bị: Bạch cương tàm 5g và hải tảo 10g.
  • Thực hiện: Sao vàng rồi tán thành bột mịn, trộn đều với nước sắc mơ trắng làm thành hoàn. Chia hoàn thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

11. Bài thuốc chữa phì đại tuyến tiền liệt gây bí tiểu ở người cao tuổi

  • Chuẩn bị: Xuyên sơn giáp và hải tảo mỗi vị 10g, vương bất lưu hành, lệ chi hạch và quất hạch mỗi vị 15g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

12. Rong biển hầm củ cải trị viêm khí phế quản và viêm họng

  • Chuẩn bị: Củ cải trắng 250g, rong biển 300g và quả trám 50g.
  • Thực hiện: Đem rong biển rửa sạch và cắt thành từng đoạn nhỏ. Củ cải trắng rửa sạch, gọt vỏ và thái lát. Sau đó cho nguyên liệu vào nồi hầm nhừ, khi chín nêm nếm gia vị và dùng ăn ngày 1 lần. Dùng món ăn này liên tục từ 7 – 10 ngày sẽ thấy các triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.

13. Rong biển hầm đậu hũ chữa đau nhức khớp và viêm xương ở thanh thiếu niên

  • Chuẩn bị: Đậu hũ 100g, một ít gừng và rong biển 30g.
  • Thực hiện: Đem hải tảo ngâm cho bớt mặn, luộc sơ và cắt thành từng đoạn vừa ăn. Thái miếng đậu hũ, gừng đem rửa sạch và đập dập. Cho nguyên liệu vào bát lớn, sau đó thêm gia vị và dầu vào hầm cách thủy cho chín. Mỗi ngày ăn 1 lần, dùng món ăn này liên tục trong 15 ngày.

14. Vịt hầm rong biển hỗ trợ điều trị bệnh bướu cổ lành tính (do thiếu iod)

  • Chuẩn bị: Vịt 1 con và rong biển 120g.
  • Thực hiện: Đem rong biển rửa cho bớt mặn, chần sơ qua rồi cắt thành từng đoạn. Vịt rửa sạch, chặt thành miếng, sau đó cho vào nồi cùng với rong biển, nêm thêm gia vị và hầm cho nhừ. Mỗi tuần ăn 2 lần.

15. Canh ý dĩ rong biển hỗ trợ bệnh nhân u bướu, đau tức vùng ngực và tăng huyết áp

  • Chuẩn bị: Trứng gà 3 quả, ý dĩ và rong biển mới thứ 30g.
  • Thực hiện: Đem rong biển rửa sạch, luộc và thái lát. Sau đó cho ý dĩ và rong biển vào nồi nấu cho mềm. Đem trứng gà khuấy đều, nêm thêm gia vị, sau đó đổ vào chảo và đánh khuấy cho chín. Cuối cùng thêm canh ý dĩ rong biển vào, nêm nếm gia vị vừa ăn.

16. Canh thịt rong biển trị bướu cổ lành tính, viêm tinh hoàn, nấc cụt và sưng hạch

  • Chuẩn bị: Thịt lợn 100g và rong biển 300g.
  • Thực hiện: Đem thịt lợn rửa sạch, băm nhỏ. Rong biển ngâm với nước gạo trong vòng 1 đêm để khử độ mặn, sau đó rửa sạch, chần với nước sôi rồi thái đoạn. Cho rong biển vào nấu chín nhừ, thêm thịt băm và gia vị vào, khi chín cho thêm 1 ít hành thái vào cho thơm, dùng ăn khi nóng.

17. Bài thuốc chữa lao hạch ở cổ

  • Chuẩn bị: Hương phụ, hạ khô thảo, hải tảo và thổ bối mẫu mỗi vị 9g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

18. Rượu rong biển trị viêm sưng hạch bạch huyết

  • Chuẩn bị: Rượu 1 lít và tảo biển 500g (thái vụn).
  • Thực hiện: Đem ngâm trong vòng 1 tháng rồi bỏ bã, mỗi lần uống 20 – 30ml, ngày dùng 2 lần (sáng – chiều).

19. Rong biển hầm đậu tương hỗ trợ điều trị bướu giáp đơn thuần

  • Chuẩn bị: Côn bố và hải tảo mỗi vị 50g, đậu tương 100g.
  • Thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu rồi đem hầm cho nhừ và ăn khi còn nóng.

20. Hải tảo hầm củ cải và hải đới giúp tiêu tích hóa đàm, nhuyễn kiên tán kết, thích hợp cho bệnh nhân bướu giáp trạng và chướng bụng

  • Chuẩn bị: Hải đới (thái nhỏ) 50g, hải tảo (thái vụn) và củ cải (thái miếng) mỗi thứ 20g.
  • Thực hiện: Cho vào nồi rồi đổ thêm nước hầm cho chín mềm, nêm nếm gia vị và dùng ăn thay canh.

21. Bài thuốc trị chứng thoát vị bẹn gây đau do hàn thấp

  • Chuẩn bị: Quất hạch sao, côn bố, xuyên luyện tử (đập vụn sao), hải tảo, hải đới, đào nhân (sao) mỗi vị 40g, mộc hương, quế tâm, chỉ thực (sao), hậu phác (sao với vỏ gừng), diên hồ sách (sao) và mộc thông mỗi vị 20g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, hồ với rượu làm thành hoàn nhỏ. Mỗi lần uống khoảng 8 – 16g với nước muối nhạt hoặc uống với rượu nóng, nên dùng bài thuốc khi đói.

22. Bài thuốc trị sạn đường mật

  • Chuẩn bị: Nghệ vàng 8g, đồng tiền lông 20g, rau má tươi 20g, hải tảo 8g, mề gà 6g, cỏ xước 20g, củ gấu 12g, xuyên sơn giáp 12g, hoạt thạch 12g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 500ml còn lại 200ml, uống 1 lần khi đói. Hoặc có thể sắc 2 lần và chia thành 2 lần dùng trong ngày.

23. Bài thuốc trị bướu cổ đơn thuần, kinh thiếu dương bị kết lại, thấp đờm ứ trệ

  • Chuẩn bị: Bồ công anh 30g, địa đinh 16g, hải tảo 16g, hải phù trạch 12g, côn bố 16g, hạ khô thảo 10g, liên kiều 12g, kim quả lãm 10g, thế bồi 16g, tảo hưu 6g, tam lăng 6g, một dược 6g, nga truật 6g, nhũ hương 6g, nga truật 6g và ngân hoa 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

Lưu ý khi dùng món ăn và bài thuốc từ tảo biển

vị thuốc hải tảo
Người có tỳ vị hư hàn nên thận trọng khi dùng món ăn và bài thuốc từ rong biển
  • Ăn quá nhiều hải tảo có thể gây dư thừa iod.
  • Ngoài các thành phần dinh dưỡng, tảo biển còn chứa một số kim loại nặng như chì, thủy ngân và cadmium. Vì vậy cần lựa chọn rong biển hữu cơ để giảm các tác hại khi sử dụng.
  • Không sử dụng đồng thời với cam thảo vì 2 dược liệu có tương tác với nhau.
  • Người có tỳ vị hư hàn nên thận trọng khi dùng.

Hải tảo (tảo biển) vừa là thực phẩm giàu dinh dưỡng vừa có tác dụng phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên tảo chứa hàm lượng iod và kim loại nặng khá cao, vì vậy bạn chỉ nên bổ sung tảo biển từ 2 – 3 lần/ tuần để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ngày đăng 00:00 - 04/06/2023 - Cập nhật lúc: 13:05 - 05/06/2023
Chia sẻ:

Cây đa lông

Cây đa lông thường được thu hái lá, búp non hay tua rễ để làm thuốc điều trị các bệnh lý như viêm mũi xoang, sỏi thận, vàng da... Dưới…

Rau bợ

Rau bợ có vị ngọt, đắng, tính mát, thường được dùng để nấu canh, xào hoặc ăn sống trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra loại rau này còn được…

Cúc mốc

Cây cúc mốc có màu xám trắng đặc trưng nên thường được trồng để làm cảnh. Ngoài ra thảo dược này còn có nhiều công dụng hữu ích và được…

Chuối hột

Chuối hột là vị thuốc Nam quý, thường được sử dụng để ngâm rượu, sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn. Vị thuốc này có tác dụng chữa…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua