Sâm cao ly

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Sâm cao ly hay còn được gọi với tên phổ biến là sâm Triều Tiên – một loại dược liệu rất quý hiếm. Vị thuốc có tác dụng ngừa ung thư, chống oxy hóa, làm giảm đường huyết… Nó được áp dụng trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh nhưng cần dùng đúng cách để tránh gặp phải các tác dụng phụ.

hình ảnh sâm cao ly
Hình ảnh cây sâm cao ly – còn được gọi là sâm Triều Tiên

  • Tên gọi khác: Sâm Triều Tiên, Sâm Hàn Quốc, Nhân sâm, Viên sâm…
  • Tên khoa học: Panax ginseng C. A. Mey.
  • Họ: Ngũ gia bì (Araliaceae)

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Sâm cao ly là một loại cây sống lâu năm cao khoảng 0,6m, phần rễ mọc thành củ to. Lá sâm mọc vòng với phần cuống dài. Lá kép có nhiều lá chét mọc thành hình tương đối giống với chân vịt. Lá chét có hình trứng, phần mép lá có răng cưa sâu.

Khi cây đủ từ 3 năm tuổi trở đi thì mới bắt đầu ra hoa và kết trái. Hoa xuất hiện vào mùa hè khoảng tháng 3 – 5. Cụm hoa có hình tán và mọc ở đầu cành. Hoa sâm cao ly có màu xanh nhạt, gồm 5 cánh, 5 nhị và bầu hạ 2 núm.

Quả mọng hơi dẹt to khoảng bằng hạt đậu xanh. Khi quả chín sẽ có màu đỏ tươi, mỗi quả có 2 hạt. Hạt của những cây sâm ở năm thứ 3 chưa tốt, khi cây được khoảng 4 – 5 năm tuổi mới có thể dùng hạt làm giống. Mùa quả rơi vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 7.

2. Bộ phận dùng

Củ rễ của cây sâm cao ly là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc.

3. Phân bố

Sâm cao ly là loại nhân sâm có nguồn gốc ở Triều Tiên. Ngoài ra giống sâm này còn được tìm thấy tại một số vùng thuộc Hàn Quốc.

4. Thu hái và sơ chế

Rễ củ của cây sâm cao ly thường được thu hoạch vào mùa thu, tầm khoảng tháng 9 – 10. Lấy phần rễ củ của những cây đã có tuổi thọ từ 4 năm trở lên. Sau đó rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc sơ chế để bảo quản dùng dần.

Dưới đây là một số cách chế biến sâm cao ly phổ biến:

  • Chế thành hồng sâm: Loại này được tuyển chọn rất kỹ lưỡng từ những củ sâm tươi chất lượng nhất về cả hình dáng và kích thước. Đem hấp rồi sấy khoảng 3 – 6 lần để lượng nước trong củ sâm giảm còn ở mức dưới 14%.
  • Chế thành bạch sâm: Những củ không đáp ứng yêu cầu để chế hồng sâm sẽ được dùng chế bạch sâm. Cần loại hết rễ con và cạo sạch vỏ mỏng phía ngoài rồi đem phơi nắng sơ qua cho rốc bớt nước. Sau đó trần trong nước sôi và tẩm đường rồi loại đi phơi hay sấy cho khô thêm lần nữa.
  • Ngoài ra, còn có thể chế biến đơn giản bằng cách rửa sạch rồi đem phơi khô. Hoặc rửa sạch, nhúng vào nước sôi vài phút rồi đem phơi. Hay giã nước gừng tươi tẩm vào sâm phiến rồi ủ trong 30 phút và đem sao nhỏ lửa cho khô (tỷ lệ 1kg sâm cao ly tươi cần dùng 0,1kg gừng).
sâm Triều Tiên
Sau khi thu hái có thể bào chế sâm cao ly thành dạng hồng sâm

5. Bảo quản

Cần đựng dược liệu trong hộp kín và bảo quản ở nơi khô mát, tránh ẩm mốc, mối mọt.

6. Thành phần hóa học

Phân tích ghi nhận sâm cao ly có chứa một số thành phần quan trọng như sau:

  • ginsenosides
  • polyacetylenic
  • acid béo
  • panaxan A và B
  • Re, Rg1, Rb2, Rc
  • peptides
  • polysaccharides
  • malnonyl

Vị thuốc sâm cao ly

1. Tính vị

Cao ly sâm được ghi nhận là có vị ngọt và tính ôn.

2. Quy kinh

Được quy vào 3 kinh Phế, Tâm và Tỳ.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Sâm cao ly có tác dụng an tinh thần, thông huyết mạch, điều trung trị khí, bồ ngũ tạng…
  • Trường hợp dùng ở dạng tươi có tác dụng tả hỏa. Còn khi tẩm sao sẽ có tác dụng bổ tân dịch và bổ nguyên khí.

Theo nghiên cứu hiện đại:

  • Đối với hệ thần kinh trung ương: Các thành phần trong dược liệu này có thể làm tăng quá trình hưng phấn của võ não. Đồng thời cải thiện độ linh hoạt của hoạt động thần kinh và tăng cường quá trình ức chế. Giúp hệ thần kinh trở về trạng thái bình thường nếu có sự rối loạn xảy ra giữa 2 quá trình trên.
  • Đối với chức năng phản ứng của cơ thể: Sâm cao ly giúp làm tăng sức đề kháng không đặc hiệu của cơ thể trước sự tấn công của các yếu tố gây độc hại. Tác dụng này đã được chứng minh trong một số trường hợp như lây nhiễm virus, nhiễm độc do chiếu xạ, nhiễm độc rượu, stress tinh thần…
  • Đối với tuyến yên và vỏ thượng thận: Các ginsenoid trong sâm Triều Tiên đều có tác dụng kháng kích ứng và ức chế rõ rệt những thay đổi về mặt trọng lượng của tuyến thượng thận, tuyến ức, lách và cả tuyến giáp trong quá trình phản ứng kích ứng.
  • Đối với tuyến sinh dục: Dược liệu có tác dụng kích thích tuyến yên phân biệt các hormone hướng sinh dục, đồng thời làm tăng nhanh quá trình trưởng thành giới tính.
  • Đối với quá trình chuyển hóa chất: Nhiều nghiên cứu cho rằng nhân sâm tăng cường hô hấp tế bào đồng thời thúc đẩy quá trình phân hủy đường và tăng cường chuyển hóa năng lượng.
  • Đối với hệ tuần hoàn: Sâm Triều Tiên có tác dụng tăng cường sức co bóp với tim, ngoài ra nó còn giúp giảm hay cải thiện rối loạn nhịp tim do adrenalin và chloroform gây ra. Đối với mạch não, mạch vành hay đáy mắt, dược liệu này có tác dụng gây giãn mạch.
  • Các tác dụng khác: Tăng chức năng thải độc của gan, giúp nâng cao thị thực, đồng thời làm tăng khả năng thích ứng của thị lực trong trường hợp thiếu ánh sáng. Ức chế hoạt động và sự phát triển của tế bào ung thư…

4. Cách dùng – liều lượng

Có rất nhiều cách để sử dụng sâm cao ly và tùy thuộc vào mỗi cách dùng lại có khuyến cáo về liều lượng khác nhau:

  • Hãm trà để uống: Mỗi lần chỉ cần lấy 1 – 2g sâm cho vào ấm rồi thêm nước sôi vào hãm trong 10 phút là có thể uống. Khi uống cạn có thể cho nước sôi vào hãm thêm 1 vài lần nữa đến khi trà hết vị. Phần bã dùng nhai kỹ nuốt nước cũng rất tốt.
  • Ngậm sâm: Mỗi lần dùng 1 lát sâm mỏng ngậm trong miệng đến khi sâm mềm thì nhai nuốt cả phần bã. Mỗi ngày chỉ nên dùng 3 – 4 lát mỏng.
  • Tán thành bột: Sâm cao ly đem phơi hoặc sấy khô rồi đi nghiền thành bột mịn. Mỗi lần dùng 1 – 2g uống trực tiếp với nước sôi ấm hay hãm trà để uống.
  • Sâm ngâm mật ong: Dùng sâm cao ly ở dạng tươi đem thái lát mỏng rồi cho vào bình thủy tinh, đổ ngập mật ong rừng lên để ngâm. Mỗi ngày dùng khoảng 1 – 4g. Có thể ăn trực tiếp hoặc pha với nước sôi ấm để uống.
sâm cao ly
Phần rễ củ của cây sâm cao ly sẽ được thu hái để làm vị thuốc

Trường hợp dùng sâm cao ly trong các bài thuốc chung với các vị thuốc khác thì thường sắc lấy nước uống. Liều lượng có thể ở khoảng 3 – 15g hoặc đôi khi lên đến cả 40g, tùy thuộc vào từng bài thuốc, mục đích dùng cũng như các yếu tố liên quan khác.06

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu sâm cao ly

Vị thuốc sâm cao ly được sử dụng phổ biến trong một số bài thuốc sau đây:

1. Bài thuốc trị chứng vong dương vong âm

  • Bài thuốc 1: Cần có 1 – 12g sâm cao ly. Đem vị thuốc đi chưng cách thủy rồi chia làm nhiều lần uống trong ngày.
  • Bài thuốc 2: Cần chuẩn bị 3 – 6g sâm cao ly cùng với 4 – 16g phụ tử chế. Cho thuốc vào ấm sắc lấy nước, bỏ bã, uống 6 lần là sẽ khỏi.

2. Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài do tỳ vị hư

  • Chuẩn bị: 4g sâm cao ly, 12g bạch truật, 12g bạch linh cùng 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc này cho vào ấm sắc với nước rồi chia làm nhiều lần uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

3. Bài thuốc chữa bệnh cảm cho người có khí hư

  • Chuẩn bị: 4g sâm cao ly, 12g tô diệp, 12g cát căn, 4g bán hạ, 2 quả đại táo, 3g cam thảo, 4g chỉ xác, 4g tiền hồ, 12g phục linh, 4g cát cánh, 4g trần bì cùng 3 lát sinh khương.
  • Thực hiện: Sâm cao ly đem sắc riêng. Các dược liệu còn lại cho vào ấm sắc chung sau đó bỏ thêm 3g mộc hương vào sau. Trộn đều 2 loại nước sắc rồi chia làm 3 lần uống, ngày dùng 1 thang.

4. Bài thuốc chữa viêm phế quản mãn tính, tâm phế mạn và hen phế quản

  • Bài thuốc 1: Cần có 4g sâm cao ly cùng với 12g hồ đào nhục. Đem 2 vị thuốc này đi sắc lấy nước, bỏ bã chia đều thành 2 lần uống, dùng 1 thang mỗi ngày.
  • Bài thuốc 2: Cần chuẩn bị 8g sâm cao ly, 20g thục địa, 8g ngũ vị tử, 16g hồ đào nhục, 12g thục phụ phiến cùng 8g tắc kè. Sâm cao ly sắc riêng rồi trộn chung với nước sắc các vị thuốc còn lại. Chia đều thành nhiều lần uống, dùng mỗi ngày 1 thang.

5. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

  • Chuẩn bị: 16g sâm cao ly, 24g thục địa, 12g thiên môn đông, 8g cát lâm sâm, 12g sơn thù du, 16g kỷ tử.
  • Thực hiện: Đem cát lâm sâm đi sắc riêng. Các vị thuốc còn lại thì sắc chung với nhau. Trộn đều 2 loại nước sắc uống trong ngày, mỗi ngày chỉ 1 thang.
sâm cao ly có tác dụng gì
Có thể kết hợp sâm cao ly với các vị thuốc khác để nâng cao công dụng chữa bệnh

6. Bài thuốc chữa chứng kinh quý, hồn phách không định, hốt hoảng

  • Chuẩn bị: 10g sâm cao ly, 10g phục linh, 6g ích trí nhân, 6g viễn chí cùng 8g mạch môn.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho hết vào ấm, thêm 1 thăng nước. Sắc trên lửa nhỏ trong 30 phút. Lọc bỏ bã rồi chia làm nhiều lần uống, dùng 1 thang/ngày.

7. Bài thuốc chữa chứng thiếu máu

  • Bài thuốc 1: Cần có 4g nhân sâm, 12 – 16g đương quy, 12 – 24g thục địa hoàng, 6 – 8g xuyên khung, 12 – 16g bạch thược. Các vị thuốc này cho hết vào ấm, thêm nửa thăng nước rồi sắc lấy 200ml. Lọc bỏ bã chia đều làm 2 lần uống, dùng ngày 1 thang.
  • Bài thuốc 2: Cần 1 ít nhân sâm vừa đủ, 12 – 16g đương quy cùng 20 – 40g hoàng kỳ. Các vị thuốc sắc lấy nước đặc, bỏ bã uống trong ngày, dùng mỗi ngày chỉ 1 thang.

8. Bài thuốc chữa lao lực quá độ

  • Chuẩn bị: 12g sâm cao ly, 8g phụ tử chế, 8g mạch môn, 6g ngũ vị cùng 6g nhục quế.
  • Thực hiện: Đem cho hết các vị thuốc trên vào ấm, đổ thêm 600ml nước. Sắc lấy khoảng 200ml, lọc bỏ bã uống làm 2 lần. Mỗi ngày chỉ dùng đúng 1 thang.

9. Bài thuốc dùng khi trúng lạnh tiết tả

  • Chuẩn bị: 10g sâm cao ly, 6g can khương, 7g bạch truật, 4g chích thảo, 4g nhục quế cùng 4g phụ tử chế.
  • Thực hiện: Các vị thuốc đem đi sắc lấy nước đặc, lọc bỏ bã đi và chia làm 3 lần uống. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.

10. Bài thuốc chữa đới hạ không dứt

  • Chuẩn bị: 12g sâm cao ly, 10g hoàng liên, 8g liên nhục, 8g ô mai, 6g hoạt thạch, 6g thăng ma, 6g nhục đậu khấu.
  • Thực hiện: Cho tất cả các vị thuốc trên vào ấm, thêm 800ml nước. Sắc trên lửa nhỏ thu lấy khoảng 200ml. Bỏ bã chia làm 2 lần uống, ngày dùng đúng 1 thang.

11. Bài thuốc chứng huyết vựng khi sinh xong

  • Chuẩn bị: 10g sâm cao ly, 10g đương quy, 10g tô mộc.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc lấy nước đặc, uống chung với đồng tiện. Mỗi ngày chỉ dùng đúng 1 thang.

12. Bài thuốc chữa chứng nôn ói do tỳ vị hư

  • Chuẩn bị: 10g sâm cao ly, 8g hoắc dương, 6g mộc qua, 6g quất hồng.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm, thêm 1 thăng nước. Đun trên lửa nhỏ đến khi còn phân nửa. Lọc bã uống ngày 1 thang.

Một số món ăn bồi bổ sức khỏe có sâm cao ly

Ngoaì dùng làm vị thuốc thì sâm cao ly còn được dùng làm nguyên liệu trong các món ăn bài thuốc bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe:

1. Nấu canh với hạt sen

  • Chuẩn bị: 6g sâm cao ly, 20g hạt sen cùng 15g đường phèn.
  • Thực hiện: Đem nấu sâm cùng với hạt sen cho chín rồi thêm đường phèn vào. Tiếp tục đun cách thủy trong vòng 1 giờ đồng hồ. Dùng tốt cho những người sau điều trị ăn uống kém hay suy nhược cơ thể.
Công dụng của sâm cao ly
Sâm cao ly là nguyên liệu quan trọng trong các món ăn bài thuốc bồi bổ cơ thể

2. Món sâm hầm thịt hươu

  • Chuẩn bị: 3g sâm cao ly, 200g thịt hươu, 3g hoàng kỳ, 3g bạch thược, 3g bạch truật, 3g viễn chí, 3g thỏ ti tử, 3g phục linh, 3g sinh khương, 3g dâm dương hoắc, 3g hoài ngưu tất.
  • Thực hiện: Thịt hươu đem thái lát, các vị thuốc còn lại đem gói thật kỹ trong túi vải xô. Tất cả cho vào nồi rồi thêm lượng nước vừa đủ. Đun đến khi thịt nhừ thì bỏ túi bã vị thuốc đi, nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Dùng ăn trong ngày khi còn ấm nóng. Món ăn này phù hợp với những người suy nhược, tay chân yếu mỏi, da xanh nhợt, đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương…

3. Món cháo sâm

  • Chuẩn bị: 9g sâm cao ly, 150g kê, 15g hẹ cùng 1 lòng trắng trứng gà.
  • Thực hiện: Đem hãm sâm lấy nước đặc để riêng ra. Nấu cháo kê cho chín nhừ rồi thêm lòng trắng trứng gà, nước sâm và hẹ và rồi khuấy đều. Chia làm 2 lần ăn trong ngày. Món ăn này dùng cho người bệnh tai biến mạch máu não, ăn kém, kích ứng vật vã.

Lưu ý khi dùng sâm cao ly

Sâm cao ly mặc dù có công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên bạn cần thận trọng. Bởi nếu dùng sai cách hay không đúng mục đích sẽ rất dễ phát sinh những tác dụng phụ.

Cần lưu ý đến một số vấn đề sau khi sử dụng sâm cao ly để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:

  • Không dùng khi mắc bệnh sơ cảm mới phát, mới thổ huyết.
  • Không dùng khi mắc chứng thực nhiệt.
  • Tránh dùng chung với tạo giáp, lê lô hay ngũ linh chi.
  • Khi dùng nhân sâm cần tránh ăn củ cải hay uống trà.
  • Phụ nữ mang thai hay cho con bú không nên dùng.
  • Không dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Những người có tiền sử bệnh tim mạch hay gặp vấn đề về huyết áp cũng không nên dùng.

Sâm cao ly mặc dù là dược liệu đại bổ dưỡng nhưng tuyệt đối không được lạm dụng bởi rất dễ phát sinh tác dụng phụ. Những thông tin về vị thuốc được bài viết trên đề cập tới chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi dùng sâm cao ly nên trao đổi trước với bác sĩ để được tư vấn, nhất là khi dùng cho mục đích chữa bệnh.

Ngày đăng 13:04 - 04/06/2023 - Cập nhật lúc: 13:04 - 05/06/2023
Chia sẻ:
Saffron (Nhụy hoa nghệ tây) - Tác dụng, giá bán, địa chỉ mua uy tín

Saffron (Nhụy hoa nghệ tây)

Saffron hay nhụy hoa nghệ tây trước đây là một loại “gia vị quý tộc” cho các bữa ăn hoàng gia. Nhụy hoa nghệ tây tác dụng nhiều trong việc…

Hải sâm

Hải sâm biển là động vật không có xương sống, giá trị dinh dưỡng cao, thường được ứng dụng để bồi bổ sức khỏe và điều trị một số bệnh…

Sâm cau rừng

Sâm cau rừng được sử dụng làm dược liệu trong Đông y với tên gọi là tiên mao. Thuốc có tính ấm, vị cay quy vào các kinh Can, Phế,…
Trà được tìm kiếm tại nhiều tỉnh thành: Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Nghệ An…

Trà hoa vàng

Trà hoa vàng được biết tới là loại trà thượng hạng và được sử dụng nhiều cho bậc vua chúa thời xưa. Trà có hương vị thơm ngon, giúp tăng…

Bình luận (1)

  1. huỳnh phú
    huỳnh phú says: Trả lời

    sâm cao ly có thể hầm với gà cho người già bị tai biến ăn đc ko ạ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua