Cắt amidan là gì, khi nào nên cắt? Phân tích Lợi và Hại

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Cắt amidan (phẫu thuật amidan) được thực hiện nhằm loại bỏ amidan ở hầu họng. Phương pháp này được áp dụng cho trường hợp nhiễm trùng amidan tái phát nhiều lần, amidan phì đại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hoặc nghi ngờ tế bào amidan tăng sản bất thường.

có nên cắt amidan
Cắt amidan là gì, khi nào nên cắt?

Cắt amidan là gì?

Cắt amidan là thủ thuật ngoại khoa được thực hiện nhằm loại amidan (hạch lympho) ở 2 bên hầu họng. Phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp viêm amidan quá phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và các hoạt động thông thường. Bên cạnh đó, cắt amidan cũng được cân nhắc trong một số trường hợp khác.

Phẫu thuật amidan là thủ thuật đơn giản, thời gian thực hiện ngắn (khoảng 30 phút) và mất khoảng 10 – 14 ngày để hồi phục.

Khi nào nên cắt amidan?

Thông thường, tình trạng viêm nhiễm ở amidan thường được điều trị bằng cách sử dụng thuốc, chăm sóc tại nhà và hiếm khi phải can thiệp thủ tục ngoại khoa. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phẫu thuật amidan có thể được chỉ định.

khi nào nên cắt amidan
Cắt amidan được thực hiện khi phì đại amidan gây nghẹn khi nuốt, ngưng thở khi ngủ,…

Cắt amidan được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Viêm amidan tái phát từ 5 – 6 lần/ năm
  • Nhiễm trùng amidan không có đáp ứng khi sử dụng kháng sinh và các phương pháp điều trị khác
  • Nhiễm trùng tiến triển, gây ra ổ mủ ở niêm mạc amidan (áp xe amidan) và không có đáp ứng khi dẫn lưu mủ hoặc sử dụng thuốc.
  • Amidan có xu hướng phì đại gây ra tình trạng khó nuốt và ngưng thở khi ngủ.
  • Nhiễm trùng ở amidan gây ra các biến chứng như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm cầu thận, viêm khớp và thấp tim
  • Nghi ngờ tế bào amidan tăng sản bất thường và gây ra khối u ác tính

Trên thực tế, bác sĩ cũng có thể cắt amidan trong một số trường hợp không được đề cập trong bài viết.

Các kỹ thuật cắt amidan phổ biến

Hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ amidan có thể được thực hiện bằng các kỹ thuật sau:

  • Cắt amidan bằng laser: Kỹ thuật này sử dụng tia laser để cắt bỏ hạch lympho ở 2 bên hầu họng. Ưu điểm của kỹ thuật loại bỏ amidan bằng laser là ít gây đau, hạn chế chảy máu, thời gian thực hiện nhanh chóng và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
  • Cắt amidan bằng dao điện: Kỹ thuật này sử dụng dao mổ nối với nguồn điện tương ứng nhằm loại bỏ amidan. Tuy nhiên kỹ thuật sử dụng dao điện có thể để lại sẹo và khó thực hiện.
  • Cắt amidan bằng phương pháp Coblator (dao plasma): Phương pháp Coblator sử dụng sóng cao tần nhằm tách các mô của amidan và tiến hành đốt điện ở nhiệt độ từ 60 – 70 độ C. Phương pháp này có thời gian thực hiện nhanh chóng, ít xâm lấn và giảm nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng,…

Quá trình cắt amidan diễn ra như thế nào?

1. Chuẩn bị trước khi phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám thực thể để xác định mức độ phì đại và tổn thương ở amidan. Bên cạnh đó, bạn nên thông báo với bác sĩ một số vấn đề sau:

có nên cắt amidan không
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ thăm khám thực thể nhằm xác định mức độ tổn thương ở amidan
  • Tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc điều trị, thảo dược và viên uống bổ sung
  • Tiền sử dị ứng với thuốc gây mê hoặc rối loạn đông máu (nếu có)
  • Quá mẫn hoặc dị ứng với kháng sinh, thuốc giảm đau,…

Sau đó bác sĩ có thể xem xét và yêu cầu bạn ngưng sử dụng một số loại thuốc trước khi phẫu thuật (Aspirin, thuốc cao huyết áp, thuốc chống đông máu,…). Đồng thời bạn cần nhịn ăn trước khi phẫu thuật từ 6 – 8 giờ đồng hồ.

2. Quá trình thực hiện

Phẫu thuật loại bỏ amidan là thủ tục ngoại khoa đơn giản và chỉ diễn ra trong vòng 15 – 30 phút. Quá trình thực hiện bao gồm các bước sau:

  • Bác sĩ sẽ tiến hành gây mê toàn thân trước khi thực hiện
  • Sử dụng dụng cụ nhằm giữ miệng trong trạng thái mở rộng
  • Dùng dao điện/ laser,… nhằm phá bỏ amidan
  • Tiến hành cầm máu

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được chuyển đến phòng lưu bệnh. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sau vài giờ và cho phép bạn trở về nhà.

3. Hồi phục sau khi cắt amidan

Quá trình chăm sóc sau khi phẫu thuật amidan có vai trò quan trọng. Nếu chăm sóc đúng cách, vết mổ sẽ nhanh chóng phục hồi và giảm thiểu nguy cơ phát sinh các biến chứng hậu phẫu.

cắt amidan có lợi và hại gì
Sau khi cắt amidan, cần bổ sung thức ăn mềm, lỏng, nguội và giàu dinh dưỡng

Do đó sau khi phẫu thuật, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sau:

  • Nên uống sữa lạnh trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Sữa lạnh giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và giảm tình trạng phù nề ở cổ họng.
  • Những ngày tiếp theo, bạn nên bổ sung thức ăn mềm, lỏng và nguội. Tránh đồ ăn cay nóng, chua, nhiều gia vị và khô cứng.
  • Hạn chế giao tiếp và la hét trong 10 – 14 ngày sau phẫu thuật.
  • Nghỉ ngơi tại giường trong ít nhất 3 – 5 ngày sau khi cắt amidan. Bên cạnh đó bạn cần hạn chế các hoạt động mạnh như đạp xe, chạy bô, mang vác nặng,… trong ít nhất 2 tuần.
  • Có thể dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng sưng đỏ, viêm và đau ở cổ họng.
  • Tiến hành tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Một số hình ảnh cắt amidan

cắt amidan có lợi và hại gì
Trước khi loại bỏ amidan, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ nhằm giữ miệng ở trạng thái mở rộng
cắt amidan có hại gì không
Sau đó amidan có thể được cắt bỏ bằng dao điện hoặc laser
hình ảnh cắt amidan
Sau khi amidan bị cắt bỏ, bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu ở vết mổ

Cắt amidan có lợi và hại gì? Có nên cắt hay không?

Cắt amidan có thể cải thiện các triệu chứng do amidan phì đại như nuốt nghẹt, khó khăn khi giao tiếp và ngưng thở. Ngoài ra phương pháp này có thể điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng amidan, loại bỏ khối u ác tính và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Nghiên cứu “Kết quả lâu dài từ phẫu thuật cắt amidan” được thực hiện vào năm 2015 cho thấy, hầu hết các trường hợp sau khi phẫu thuật loại bỏ amidan đều có cải thiện rõ rệt về sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

không cắt amidan có sao không
Sau khi phẫu thuật, bạn có thể bị đau đầu, buồn nôn, ê ẩm,… do tác dụng phụ của thuốc gây mê

Tuy nhiên cắt amidan là thủ tục xâm lấn nên có thể gây ra một số biến chứng hậu phẫu như:

  • Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc gây mê (buồn nôn, đau đầu, nôn mửa và nhức người). Tuy nhiên các triệu chứng này thường thuyên giảm chỉ sau 3 – 5 ngày.
  • Phẫu thuật cắt amidan có thể khiến vòm họng bị sưng viêm, gây đau rát cổ họng, nghẹt vướng khi nuốt và khó thở.
  • Một số trường hợp có thể bị chảy máu trong và sau quá trình phẫu thuật.
  • Vết mổ ở cổ họng có thể bị nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng bao gồm sốt, ớn lạnh, mất nước, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa,…

Hiện nay có rất ít trường hợp cắt amidan gặp phải biến chứng nguy hiểm. Với những đối tượng có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp dự phòng nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh rủi ro hậu phẫu.

Mỗi phương pháp điều trị đều có ưu điểm và mặt hạn chế nhất định, vì vậy bạn nên cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi can thiệp bất cứ phương pháp nào.

Không cắt amidan có sao không?

Phẫu thuật loại bỏ amidan có thể gây ra một số biến chứng và rủi ro hậu phẫu. Vì vậy có khá nhiều trường hợp e ngại và không muốn thực hiện phương pháp này.

Trong trường hợp viêm amidan cấp và đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, bệnh tình thường có chuyển biến tích cực và hiếm khi phải can thiệp phẫu thuật.

Tuy nhiên với những người bị nhiễm trùng amidan tái phát nhiều lần, phì đại amidan gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và quá trình sinh hoạt, chần chừ cắt amidan có thể khiến bệnh chuyển biến xấu và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy nếu được bác sĩ chỉ định phương pháp này, bạn nên thực hiện để tránh các tình huống rủi ro.

Bài viết đã cung cấp những thông tin cần biết về phương pháp cắt amidan. Để được tư vấn kỹ hơn về lợi ích và rủi ro khi thực hiện phương pháp này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng.

Tham khảo thêm: 

Ngày đăng 09:58 - 16/06/2022 - Cập nhật lúc: 15:55 - 08/02/2023
Chia sẻ:
Bị Sỏi Amidan có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Sỏi amidan là bệnh lý về đường hô hấp khá phổ biến. Tuy nhiên “Bị sỏi Amidan có nguy hiểm không” vẫn là một trong những thắc mắc thường gặp…
Viêm amidan có lây không là thắc mắc chung của rất nhiều người Bệnh viêm amidan có lây không? Nhận định từ chuyên gia

Bệnh viêm amidan có lây không? Các chuyên gia cho biết viêm amidan không thể lây truyền từ người này…

Chia sẻ "kinh nghiệm cắt amidan" ít đau - Nhanh khỏe Chia sẻ “kinh nghiệm cắt amidan” ít đau – Nhanh khỏe

Cắt amidan là thủ thuật đơn giản, ít đau và ít khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên người bệnh…

Có nên cắt amidan cho trẻ không, phương pháp nào, ở đâu?

Cắt amidan cho trẻ có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm và tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền…

Cách chữa amidan bằng hạt mướp đắng có hiệu quả? [CHUYÊN GIA GIẢI ĐÁP]

Chữa amidan bằng hạt mướp đắng là phương pháp được rất nhiều bệnh nhân áp dụng hiện nay. Đây còn…

trẻ sơ sinh bị viêm amidan Trẻ sơ sinh bị viêm amidan và những điều cần lưu ý

Trẻ sơ sinh bị viêm amidan thường hay quấy khóc do những triệu chứng khó chịu mà bệnh gây ra.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua