Bệnh Rối loạn tiêu hóa

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Doãn Hồng Phương

Giám đốc Chuyên môn Đông Phương Y Pháp

Rối loạn tiêu hóa được mô tả là tình trạng bất ổn về hoạt động tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra như thói quen ăn uống kém lành mạnh hoặc ảnh hưởng từ các bệnh viêm đường ruột. Tình trạng này ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh, thậm chí dẫn đến phát triển các bệnh ung thư tiêu hóa nếu không điều trị kịp thời. 

Tổng quan

Rối loạn tiêu hóa (Digestive Disorders) là vấn đề sức khỏe liên quan đến các rối loạn chức năng đường tiêu hóa, chẳng hạn như thay đổi mức độ nhạy cảm của ruột, chức năng hoạt động, chức năng miễn dịch, hệ vi sinh vật và chức năng dẫn truyền tín hiệu xử lý của hệ thần kinh trung ương... gây ra triệu chứng.

Rối loạn tiêu hóa xảy ra khi hệ tiêu hóa hoạt động bất thường dẫn đến các rối loạn về chức năng tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất

Hội chứng này đặc trưng bởi sự co thắt bất thường của hệ thống các cơ vòng hệ tiêu hóa. Hậu quả gây ra các triệu chứng về đau bụng, khó tiêu và thay đổi tính chất đại tiện. Tình trạng rối loạn này thường xảy ra tại đường tiêu hóa, nhưng cũng có một số trường hợp xảy ra bên ngoài đường tiêu hóa. Có thể xảy ra không do bệnh lý hoặc do bệnh lý.

Bất kỳ ai cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa, từ trẻ em đến người trưởng thành, người già. Theo một thống kê vào năm 2019, số lượng ca mắc rối loạn tiêu hóa đang ngày càng tăng lên và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong. Do đó, dù gặp phải bất kỳ dạng rối loạn tiêu hóa nào, bệnh nhân cũng cần chủ động thăm khám để có hướng điều trị phù hợp.

Phân loại

Rối loạn tiêu hóa được chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Dạng rối loạn tiêu hóa do tổn thương thực thể: Thể này xảy ra khi xuất hiện các tổn thương thực thể khiến các cơ quan bên trong ống tiêu hóa hoạt động bất ổn, gây ra rối loạn tiêu hóa.
  • Dạng rối loạn tiêu hóa chức năng: Là dạng rối loạn tiêu hóa xảy ra khi các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa hoạt động bất thường nhưng lại không phát hiện bất kỳ tổn thương thực thể nào.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hệ tiêu hóa của con người được cấu tạo từ rất nhiều cơ quan, được sắp xếp hợp lý từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, bao gồm: khoang miệng, hầu họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại - trực tràng và hậu môn. Ngoài ra, để quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dưỡng chất diễn ra thuận lợi, còn có sự đóng góp của một số bộ phận khác như gan, mật, tụy, tuyến nước bọt...

Bởi vậy, nếu có bất kỳ tổn thương hay tác động nào ảnh hưởng đến những cơ quan này đều có thể gây ra rối loạn tiêu hóa.

Cụ thể một số nguyên nhân thường gặp nhất là:

Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Hệ thống đường ruột có chứa nhiều loại vi sinh vật có lợi tham gia vào quá trình lên men và ổn định hoạt động tiêu hóa. Nếu vì một lý do nào đó khiến hệ vi sinh vật mất cân bằng, lợi khuẩn giảm, hại khuẩn tăng sẽ khiến quá trình này bị ảnh hưởng, gây rối loạn tiêu hóa.

Nguyên nhân chính gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột thường là do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Đặc biệt dễ xảy ra ở trẻ em đang điều trị các bệnh nhiễm trùng.

Chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống kém khoa học cũng góp phần không nhỏ đến sự phát triển của các tổn thương thực thể gây rối loạn tiêu hóa. Dưới đây là một số thói quen ăn uống dễ gây ra rối loạn tiêu hóa:

Thói quen ăn uống không khoa học là nguyên nhân hàng đầu gây ra rối loạn tiêu hóa

  • Sử dụng thực phẩm, thức ăn bẩn, chế biến không hợp vệ sinh, để qua đêm hoặc hâm đi hâm lại nhiều lần;
  • Không ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, chỉ tập trung ăn những loại thực phẩm chua cay, lên men, muối chua, chế biến nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, đóng gói không rõ nguồn gốc...;
  • Thường xuyên dung nạp nước ngọt có gas, các loại thức uống chứa phẩm màu hóa học, đặc biệt là rượu bia làm làm mất cân bằng độ pH dạ dày và trôi mất men tiêu hóa;
  • Thói quen ăn uống không khoa học như ăn quá nhanh, thường xuyên bỏ bữa...;

Stress kéo dài

Đây cũng là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra rối loạn tiêu hóa. Càng căng thẳng nhiều cơ thể càng phản ứng lại bằng nhiều cách. Và một trong số đó là ảnh hưởng tiêu cực đến nhu động ruột, ức chế hoạt động tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất. Hậu quả gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa bất thường.

Tác dụng phụ của thuốc

Trong quá trình sử dụng một số loại thuốc đặc trị bệnh hoặc lạm dụng quá mức các loại thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh, thuốc trị tiểu đường, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống trầm cảm... có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ. Trong đó, có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, táo bón, tiêu chảy...

Ảnh hưởng từ các bệnh lý đường tiêu hóa

Mắc phải một số bệnh lý đường tiêu hóa dưới đây có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dưỡng chất ở hệ thống tiêu hóa:

Một số bệnh như viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản... đều có thể gây ra rối loạn tiêu hóa

  • Viêm loét đại tràng: Bệnh lý này thuộc nhóm các bệnh viêm ruột mạn tính (IBD). Đặc trưng bởi các tổn thương niêm mạc đại tràng nghiêm trọng kèm theo xuất huyết. Bên cạnh rối loạn tiêu hóa, người bệnh cũng sẽ gặp các triệu chứng khác như đau bụng, đại tiện ra máu, phân lẫn chất nhầy, sụt cân, sốt, mệt mỏi...
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đây là một trong những dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất. Tuy không có bất kỳ dấu hiệu tổn thương thực thể nào nhưng bệnh nhân lại có các triệu chứng như đau bụng, thay đổi tính chất đại tiện...
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERG): Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên. Lượng acid này có khả năng gây kích ứng niêm mạc dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, đau thượng vị, tức ngực, khó tiêu sau ăn, ợ nóng...
  • Bệnh Celiac: Đây là chứng bệnh xảy ra do tình trạng rối loạn miễn dịch bất thường khi hệ tiêu hóa tiếp xúc với gluten (một loại protein có trong lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen). Phản ứng bất thường này khiến các niêm mạc ruột non bị tổn thương, dẫn đến rối loạn tiêu hóa và giảm khả năng hấp thu dưỡng chất. Người bệnh thường gặp các triệu chứng như đau bụng, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy...
  • Bệnh Crohn: Đây cũng là bệnh lý thuộc nhóm bệnh viêm ruột mạn tính (IBD). Tình trạng viêm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào ở ống tiêu hóa, nhưng chủ yếu là ruột non. Đặc điểm tổn thương của bệnh Crohn là các vết loét phát triển thành từng ổ, chúng ăn sâu vào niêm mạc tiêu hóa và gây tổn thương nặng đến thành ruột. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp khi mắc bệnh này là đau bụng, tiêu chảy, đầy bụng, ợ hơi, thiếu máu, sụt cân...
  • Hội chứng không dung nạp lactose: Đây là một bệnh tự miễn xảy ra khi ruột non hoạt động nhưng thiếu hụt một lượng enzyme lactase giúp tiêu hóa lactose trong sữa. Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, khó tiêu... và thường bộc phát sau khoảng 30 phút - 2 tiếng kể từ sau khi dung nạp thực phẩm chứa lactose.
  • Hội chứng khó tiêu chức năng: Chứng bệnh này là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn tiêu hóa và hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số thế giới. Bệnh này được chia làm 3 dạng chính gồm hội chứng đau thượng vị (EPS), hội chứng khó tiêu sau ăn (PDS) và thể hỗn hợp giữa EPS và PDS. Bệnh nhân mắc phải các dạng này thường gặp các triệu chứng như đau bụng, ăn nhanh no, khó tiêu, cảm giác nóng rát thượng vị, kèm theo ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Có rất nhiều triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tùy theo căn nguyên gây ra và vị trí cơ quan tiêu hóa bị ảnh hưởng mà chúng sẽ biểu hiện khác nhau về số lượng và mức độ.

Bệnh nhân rối loạn tiêu hóa thường gặp triệu chứng đau bụng, nôn ói, đầy hơi, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón...

Có thể kể đến một số triệu chứng điển hình sau đây:

  • Đau bụng: Có thể đau bụng ở nhiều vị trí như bụng trái, bụng phải, ngang rốn, vùng thượng vị... Cơn đau ban đầu nhẹ hoặc âm ỉ, nhưng càng ngày càng tăng mức độ và lan rộng sang nhiều vị trí khác.
  • Các triệu chứng tiêu hóa:
    • Buồn nôn, nôn ói;
    • Đầy hơi, chướng bụng;
    • Ợ hơi, ợ nóng;
    • Trung tiện (xì hơi) liên tục;
  • Thay đổi tính chất đại tiện: Hệ tiêu hóa bị kích thích khiến chức năng đào thải cũng bị ảnh hưởng và gây các triệu chứng như táo bón (phân khô, cứng như sỏi, đóng khuôn), tiêu chảy (đi ngoài phân sống, có mùi tanh hôi,...);
  • Chán ăn: Người bệnh bị rối loạn tiêu hóa thường có cảm giác đắng miệng, lờ lợ khó cảm nhận mùi vị, dẫn đến ăn uống không ngon miệng, chán ăn.

Chẩn đoán

Chẩn đoán tình trạng rối loạn tiêu hóa bệnh nhân gặp phải xuất phát từ đâu và đánh giá mức độ là bước quan trọng nhằm đưa ra tiên lượng bệnh và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Quy trình thăm khám và chẩn đoán thường bao gồm các bước sau:

Khám sức khỏe lâm sàng

  • Bệnh nhân khai báo đầy đủ và mô tả chi tiết các triệu chứng mà bản thân đang gặp phải;
  • Tiền sử bệnh cá nhân và gia đình;
  • Một số yếu tố khác có liên quan như chế độ ăn uống, các loại thuốc đang sử dụng, mức độ căng thẳng công việc...;

Từ những thông tin này, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán khách quan về mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Khám cận lâm sàng

Tùy thuộc vào các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, dựa vào kinh nghiệm bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng phù hợp. Đối với rối loạn tiêu hóa, các xét nghiệm thường quy trong phòng thí nghiệm, kiểm tra hình ảnh và nội soi tiêu hóa được chỉ định phổ biến nhất.

Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa thông qua khám sức khỏe lâm sàng kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết quả chính xác

Cụ thể như sau:

  • Xét nghiệm phân: Thường được chỉ định thực hiện để tìm kiếm dấu hiệu máu lẫn trong phân nhưng lại không thể quan sát bằng mắt thường.
  • Xét nghiệm nuôi cấy: Mẫu phân được thu thập trước đó cũng được sử dụng để làm xét nghiệm nuôi cấy. Phương pháp này giúp tìm kiếm sự hiện diện của các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột nói riêng và bệnh đường tiêu hóa nói chung.
  • Nội soi tiêu hóa: Đây là kỹ thuật chẩn đoán tiêu chuẩn đối với hầu hết các bất thường về hệ tiêu hóa với mức độ chính xác cao. Đối với bệnh nhân rối loạn tiêu hóa, có thể thực hiện 2 phương pháp chính là nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng và nội soi đại trực tràng.
  • Kiểm tra hình ảnh: Ngoài ra, một số xét nghiệm hình ảnh cũng được chỉ định để tìm kiếm các tổn thương bất thường trong các mô, cấu trúc, cơ quan, chẳng hạn như viêm mô, sẹo, khối u... có liên quan đến sự khởi phát rối loạn tiêu hóa. Bao gồm:
    • Chụp X quang đường tiêu hóa trên kết hợp uống dung dịch bari;
    • Siêu âm đầu dò;
    • Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
    • Chụp cộng hưởng từ MRI;

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của rối loạn tiêu hóa không phải một bệnh lý nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, sự phát triển của các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Rối loạn tiêu hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

Một số biến chứng có thể xảy ra khi bị rối loạn tiêu hóa gồm:

Biến chứng mức độ nhẹ

Nếu chỉ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, bệnh nhân thường chỉ gặp một vài ảnh hưởng về sức khỏe tạm thời. Nguyên nhân thường là do bệnh nhân đại tiện liên tục gây mất nước, mất sức, ăn uống không đủ chất gây suy nhược cơ thể, sụt cân nhanh chóng. Ngoài ra, tinh thần luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng và khó chịu.

Biến chứng mức độ nặng

Những trường hợp rối loạn tiêu hóa xuất phát từ những bệnh lý viêm đường ruột nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm loét gây xuất huyết đại tràng;
  • Hình thành polyp đại tràng;
  • Ung thư đại tràng, ung thư dạ dày... và nhiều dạng ung thư tiêu hóa khác;

Điều trị

Tùy theo từng nguyên nhân và mức độ triệu chứng rối loạn tiêu hóa, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị hiệu quả bao gồm:

Điều chỉnh thói quen ăn uống

Rất nhiều trường hợp bị rối loạn tiêu hóa có thể tự cải thiện nhanh chóng thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt. Cụ thể như sau:

Chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống với thực đơn khoa học mỗi ngày sẽ giúp đẩy lùi các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và giảm nguy cơ tái phát hiệu quả. Người bệnh cần đảm bảo thực hiện các biện pháp dưới đây:

Bệnh nhân rối loạn tiêu hóa cần có chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện triệu chứng

  • Tăng cường ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây giàu chất xơ, vitamin và các khoáng chất có lợi cho hệ tiêu hóa, góp phần hỗ trợ phục hồi các vết viêm loét bên trong ruột;
  • Thường xuyên ăn sữa chua hoặc uống sữa chứa men vi sinh sau mỗi bữa ăn để bổ sung hàm lượng lớn lợi khuẩn hỗ trợ hoạt động tiêu hóa tốt hơn;
  • Đảm bảo ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch, đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không nên ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng, đồ sống hoặc chế biến tái, chưa chín kỹ...;
  • Thời gian đầu điều trị nên ưu tiên những món chế biến chín mềm, lỏng, dễ tiêu để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa;
  • Giảm các loại thực phẩm chứa carbohydrates khiến ruột non khó tiêu hóa và hấp thụ để cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa;
  • Hạn chế nhóm các loại thực phẩm giàu chất béo, dầu mỡ, đường, muối, chứa chất bảo quản, đồ đóng hộp...
  • Hạn chế thức uống có gas, chứa phẩm máu hoặc các loại thức uống chứa chất kích thích như caffein, rượu bia...;
  • Thay vào đó nên uống nhiều nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội, khoảng 2  - 3 lít/ ngày;

Thay đổi lối sống sinh hoạt

Song song với chế độ ăn uống, người bệnh rối loạn tiêu hóa cần tuân thủ thực hiện lối sống lành mạnh giúp hỗ trợ phục hồi, ổn định sức khỏe trong và sau khi trị bệnh.

  • Ngủ đủ giấc, đúng giờ, không thức khuya và hạn chế tối đa stress, căng thẳng mệt mỏi;
  • Sau khi ăn uống, nên đi bộ nhẹ nhàng hỗ trợ tiêu hóa, không nên nằm ngay khi đang no hoặc nhịn đói đi ngủ;
  • Tạo thói quen tập thể dục thể thao, duy trì các hoạt động thể chất lành mạnh, tốt cho sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, bơi lội... để có một thể trạng tốt và hệ tiêu hóa khỏe mạnh;

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để tránh gây các tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Kết hợp dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng rối loạn tiêu hóa mức độ nặng

Một số thuốc trị rối loạn tiêu hóa thường dùng như:

  • Thuốc kháng sinh: Được kê toa để điều trị các bệnh lý gây nhiễm trùng đường tiêu hóa;
  • Thuốc cải thiện buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu (chẳng hạn như Lactomin, Neopeptine, Maalox, Entergermina...;
  • Thuốc trị tiêu chảy: Điển hình như Loperamid, Berberin, dung dịch bổ sung chất điện giải Oresol và các loại dung dịch bù nước khác;
  • Các loại thuốc khác:
    • Thuốc hỗ trợ hoạt động nhu động ruột;
    • Thuốc xổ cải thiện triệu chứng táo bón;
    • Thuốc giảm đau bụng;
    • Các loại men vi sinh đường ruột;

Điều trị y tế tại bệnh viện

Những trường hợp bị rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng cần được can thiệp điều trị y tế tại bệnh viện. Cụ thể như bị mất nước do sốt cao, nôn ói, tiêu chảy quá mức... sẽ được chỉ định truyền nước, bù đắp các chất điện giải hoặc truyền dinh dưỡng nuôi cơ thể trong trường hợp không thể ăn uống bình thường.

Phòng ngừa

Bất kỳ ai cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa khi ăn uống không khoa học và mắc phải các bệnh lý đường ruột. Do đó, dù đang khỏe mạnh hay bệnh tật, chúng ta đều cần phải ý thức trong việc ăn uống và tạo dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh để giảm nguy cơ phát triển chứng rối loạn tiêu hóa.

Lối sinh hoạt khoa học và ăn uống điều độ là giải pháp tốt nhất giúp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Dưới đây là một số cách cơ bản gồm:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, đảm bảo sử dụng đa dạng các loại thực phẩm bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh, duy trì hệ tiêu hóa ổn định.
  • Tuân thủ thực hiện những thói quen tốt cho hệ tiêu hóa như uống nhiều nước, tránh chất kích thích, các loại thực phẩm bẩn, ôi thiu, không hút thuốc lá, ngủ đủ giấc, tránh stress...
  • Tạo thói quen đại tiện đúng cách, có nhu cầu đúng giờ và có tư thế đại tiện tốt hỗ trợ đại tiện dễ dàng, hỗ trợ ổn định sức khỏe đường ruột.
  • Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát, đặc biệt là làm tầm soát ung thư để giúp phát hiện sớm dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng khó lường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi thường xuyên có những dấu hiệu như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn ói?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị rối loạn tiêu hóa?

3. Tình trạng rối loạn tiêu hóa của tôi có nghiêm trọng không?

4. Rối loạn tiêu hóa gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của tôi?

5. Rối loạn tiêu hóa có thể tự khỏi khi không điều trị không?

6. Các phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Tôi cần điều chỉnh chế độ ăn uống như thế nào để cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa?

8. Quá trình điều trị rối loạn tiêu hóa mất bao lâu thì khỏi?

9. Chi phí điều trị rối loạn tiêu hóa tốn bao nhiêu?

10. Rối loạn tiêu hóa có tái phát trở lại sau điều trị không?

Rối loạn tiêu hóa xảy ra rất phổ biến. Nhưng vì những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của bệnh nhân rất khó lường nên khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị. Tốt nhất nên chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán tìm ra căn nguyên và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

Ngày đăng 14:13 - 25/07/2023 - Cập nhật lúc: 14:13 - 25/07/2023
Chia sẻ:
Bệnh Viêm Hậu Môn
Viêm hậu môn là bệnh lý thường gặp ở mọi độ tuổi, do nhiều nguyên nhân gây ra. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý hậu…
Bệnh Viêm tụy tự miễn
Viêm tụy tự miễn là một dạng bệnh rối loạn…
Hội chứng không dung nạp lactose
Hội chứng không dung nạp lactose là một trong những…
Viêm Túi Mật
Viêm túi mật xảy ra khi dịch mật mắc kẹt…
Bệnh Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là dạng ung thư phổ biến xảy ra bên trong niêm mạc dạ dày. Đây là…

Bệnh Lao ruột

Lao ruột là một trong những bệnh lao ít gặp. Tuy nhiên nếu mắc phải lại rất nguy hiểm vì…

Hội chứng Boerhaave

Hội chứng Boerhaave là tình trạng vỡ tự phát của thực quản do chịu áp lực và căng thẳng quá…

Bệnh Viêm gan nhiễm độc

Viêm gan nhiễm độc là một trong những bệnh lý về gan phổ biến. Xảy ra khi gan phải tiếp…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Doãn Hồng Phương

Giám đốc Chuyên môn Đông Phương Y Pháp

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua