Bệnh Khô Khớp
Khô khớp là một trong những dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý xương khớp, phổ biến nhất là thoái hóa khớp. Không chỉ người lớn tuổi mà người trẻ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Hãy thận trọng trước triệu chứng này, khô khớp kéo dài gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, thậm chí biến chứng teo cơ, bại liệt nếu không điều trị kịp thời.
Tổng quan
Khô khớp là tình trạng giảm tiết hoặc không sản sinh đủ dịch khớp để thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và nuôi dưỡng sụn khớp. Tình trạng khô khớp kéo dài khiến khớp phát ra tiếng lạo xạo, căng cứng khớp, đau nhức, giảm khả năng vận động... Các khớp có nguy cơ cao bị khô dịch nhất là khớp gối, khớp háng, khớp tay, khớp vai...
Hiện tượng khô khớp có mối liên hệ với yếu tố lão hóa, nên hầu hết người lớn tuổi đều mắc phải tình trạng này. Ngoài ra, cả những người trẻ tuổi lười vận động, sai tư thế sinh hoạt, lao động nặng quá sức hoặc chấn thương cũng có nguy cơ cao bị khô khớp. Một thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ người trẻ bị khô khớp chiếm hơn 20% trên tổng số trường hợp bệnh.
Phân loại
Dựa vào vị trí khớp bị khô, tình trạng khô khớp được chia làm 4 dạng phổ biến, bao gồm:
- Khô khớp gối: Khô khớp gối có thể xảy ra ở cả 2 bên đầu gối. Xảy ra do khớp gối không sản sinh đủ lượng dịch đủ để bôi trơn khớp. Khi cử động khớp gối tạo ra âm thanh lục cục, răng rắc, kèm theo đau nhức, sưng tấy, nóng đỏ khớp và hạn chế việc đi lại, sinh hoạt.
- Khô khớp háng: Khớp háng giảm tiết dịch khớp khiến các xương ma sát với nhau, gây đau nhức, căng cứng cơ, khó mở rộng khớp háng.
- Khô khớp tay: Giảm tiết dịch nhờn ở các khớp tay khiến khớp căng cứng, bị bào mòn và tổn thương tăng nguy cơ thoái hóa. Có 3 dạng khô khớp tay gồm khô khớp ngón tay, khô khớp cổ tay và khô khớp khuỷa tay.
- Khô khớp vai: Thói quen gồng cứng vai, khuân vác vật nặng gây tổn thương, dễ bị khô khớp. Khi cử động gây đau nhức, phát âm thanh lục cục khi cử động hoặc nắn bóp, uốn vai.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng khô khớp như:
- Tuổi tác: Người càng lớn tuổi, chức năng sản sinh dịch khớp ngày càng suy giảm theo tốc độ lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Tính chất công việc: Những người làm công việc văn phòng ngồi nhiều, ngồi lâu một chỗ hoặc vận động quá sức, mang vác vật nặng... thường có nguy cơ bị khô khớp cao hơn so với những đối tượng khác.
- Thói quen sống thiếu khoa học: Thực hiện tư thế hoạt động sai, lặp lại liên tục, lười vận động, nghiện rượu bia, thuốc lá, thức khuya... là những thói quen độc hại cho sức khỏe. Và cũng là những yếu tố hàng đầu gây ra khô khớp.
- Ăn uống thiếu chất: Thói quen ăn uống qua loa, sử dụng các loại thức ăn nhanh, dầu mỡ, đóng hộp, khiến cơ thể không có đủ dinh dưỡng cần thiết như canxi, magie, sắt, kali... Sự thiếu hụt này là nguyên nhân hàng đầu gây ra các tổn thương, làm khô dịch khớp và tạo tiền đề phát sinh các bệnh lý xương khớp khác.
- Thừa cân - béo phì: Tăng cân quá mức tạo áp lực lớn cho xương khớp. Theo thời gian, các khớp dần mất đi sự ổn định, lỏng lẻo và dễ bị tổn thương, ít sản sinh dịch khớp, tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý về xương khớp: Các bệnh như viêm khớp, viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp sau chấn thương, xơ khớp, gút mạn tính, xương hoại tử... khiến chức năng khớp suy giảm, dẫn đến giảm tiết dịch và gây khô khớp.
- Các yếu tố nguy cơ khác: yếu tố di truyền bẩm sinh, chấn thương xương, sụn, khớp, tác dụng phụ của thuốc... cũng đều có thể gây ra khô khớp.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng khô khớp trong giai đoạn đầu thường khó phát hiện do chưa bộc lộ rõ ràng. Chỉ đến khi khớp đã bị thoái hóa, các triệu chứng mới bùng phát rõ rệt hơn. Có thể nhận biết tình trạng khô khớp thông qua các triệu chứng sau:
- Đau nhức, tê mỏi mỗi khi cử động khớp;
- Cứng khớp, khó co gập, duỗi khớp, nhất là khi trời lạnh hoặc buổi sáng sớm;
- Vị trí khớp bị khô dịch phát ra âm thanh lục cục, lạo xạo khi cử động, nhất là khớp vai và khớp gối;
- Sờ vào khớp bị khô có cảm giác ấm nóng, sưng đỏ vùng da xung quanh;
- Khớp lỏng lẻo, giảm khả năng chịu lực, giảm tính linh hoạt khớp và hạn chế khả năng vận động;
Dựa vào các triệu chứng do người bệnh mô tả, kết hợp thăm khám, quan sát và đánh giá hình dạng khớp, triệu chứng bên ngoài giúp nắm rõ tình trạng bệnh nhân đang mắc phải. Để chẩn đoán chính xác hơn, bệnh nhân được yêu cầu thực hiện các bài test chức năng vận động tại vị trí khớp đau nhức.
Đồng thời, kết hợp với các kỹ thuật tân tiến bằng máy móc để chẩn đoán chính xác mức độ, phát hiện các bất thường và nguyên nhân khiến dịch khớp không tiết ra dẫn đến khô khớp. Gồm:
- Chụp X quang;
- Chụp cộng hưởng từ MRI;
- Chụp CT scan;
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm khuẩn, chẩn đoán bệnh lý xương khớp như viêm xương khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout...;
Biến chứng và tiên lượng
Tình trạng khô khớp gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận động và sức khỏe thể chất của người bệnh. Nếu không can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như:
- Gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, khó cầm nắm, đi lại, ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa...;
- Biến dạng khớp, vận động kém gây teo cơ, thay đổi dáng đi;
- Khô cứng khớp, gây đau đớn và nghiêm trọng nhất là liệt khớp;
Hầu hết các trường hợp khô khớp thường sẽ không quá nghiêm trọng nếu người bệnh phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngược lại, nếu chủ quan bỏ qua triệu chứng, để tình trạng khô khớp kéo dài, các biến chứng sẽ xuất hiện và tạo điều kiện phát sinh nhiều bệnh lý xương khớp khác.
Điều trị
Phác đồ điều trị khô khớp như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh. Dưới đây là tổng hợp các phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay:
1. Điều trị bằng thuốc
Bước đầu tiên trong phác đồ điều trị khô khớp nói chung là cải thiện các triệu chứng bằng thuốc, kết hợp các loại thuốc kích thích sản sinh dịch khớp để ngăn chặn tiến triển bệnh. Các thuốc trị khô khớp thường dùng nhất là:
- Thuốc giảm đau: Điển hình là nhóm thuốc Acetaminophen có tác dụng giảm đau mức độ nhẹ và trung bình, kèm theo hạ sốt. Liều dùng khuyến cáo 500mg cách 4 - 6 tiếng/ lần.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Aspirin, Naproxen, Ibuprofen... giúp chống viêm, giảm sưng đau mức độ trung bình. Thường dùng trong điều trị ngắn hạn từ 3 - 5 ngày, tối đa 7 ngày để giảm tác dụng phụ. Liều dùng tham khảo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc Corticosteroid dạng tiêm: Được chỉ định dùng cho các trường hợp bị khô khớp do bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ... Thuốc được tiêm trực tiếp vào khớp, giúp giảm đau, chống viêm nhanh hơn so với thuốc uống. Tuy nhiên, chỉ được dùng liều thấp theo chỉ định tác dụng phụ như vã mồ hôi, mất ngủ, tăng đường huyết, đái tháo đường, teo gân cơ...
- Thuốc bổ sung chất nhờn dịch khớp: Các loại phổ biến nhất hiện nay là:
- Glucosamine: Bổ sung dịch nhờn thiếu hụt trong khớp, ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa khớp. Liều dùng khuyến cáo 1200 - 1500mg/ ngày, dùng liên tục 1 - 2 tháng, tối đa không quá 6 tháng.
- Chondroitin: Giúp kích thích khớp tự sản sinh dịch nhờn, cải thiện mức độ khô khớp và sửa chữa các tổn thương liên quan. Liều dùng khuyến cáo 1000 - 1200mg/ ngày.
- Collagen type 2: Có tác dụng tăng sinh dịch khớp và tái tạo tế bào sụn khớp, ổn định chức năng khớp. Thuốc dùng dưới dạng viên uống, liều khuyến cáo 40g/ ngày, dùng liên tục trong vòng 24 tuần.
- Acid hyaluronic: Dùng dưới dạng tiêm, có tác dụng bổ sung dịch nhờn do thoái hóa khớp, bôi trơn ổ khớp và kích thích cơ chế tái tạo, phục hồi sụn khớp. Liệu trình tiêm acid hyaluronic khuyến cáo là 3 - 5 lần.
2. Kết hợp chăm sóc tại nhà
Chăm sóc tích cực tại nhà cũng là một trong những cách hiệu quả hỗ trợ điều trị cải thiện tình trạng khô khớp.
- Chườm lạnh giúp giảm sưng đau;
- Nghỉ ngơi đúng tư thế;
- Ăn uống đủ chất, tránh các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, muối, đường, nội tạng động vật, tăng cường bổ sung rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc...;
- Nói không với các chất kích thích;
- Đeo nẹp ổn định khớp, giảm thiểu chấn thương trong quá trình hoạt;
- Tập các bài tập vật lý trị liệu phù hợp giúp giảm đau, tăng sinh dịch nhờn và cải thiện chức năng khớp;
3. Phẫu thuật
Những trường hợp bị khô khớp do thoái hóa khớp hoặc các bệnh lý xương khớp khác, kèm theo phát sinh biến chứng không còn sụn khớp, biến dạng khớp, xương không thể phục hồi... sẽ được cân nhắc phẫu thuật để xử lý. Một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến là nắn chỉnh khớp xương hoặc ghép sụn nhân tạo để phục hồi cấu trúc và chức năng cơ xương khớp, lấy lại khả năng vận động linh hoạt.
Phòng ngừa
Khô khớp gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và sinh hoạt hàng ngày do khả năng làm hạn chế vận động. Nhưng đừng quá lo lắng, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa khô khớp được khi tuân thủ thực hiện các tiêu chí sau:
- Duy trì thói quen vận động, tập thể dục đều đặn hàng ngày thông qua các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga...
- Tránh những môn thể thao đòi hỏi sức mạnh, chạy, nhảy liên tục để giảm nguy cơ chấn thương.
- Tránh thực hiện những tư thế như ngồi xếp bằng, ngồi xổm, đi cầu thang quá nhiều... để giảm tổn thương khớp ở những người có tiền sử bệnh.
- Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, đủ chất, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, giúp tăng sinh chất nhờn dịch khớp tự nhiên.
- Làm việc đúng tư thế, sinh hoạt đúng giờ giấc, tránh stress, căng thẳng kéo dài.
- Tuân thủ lịch hẹn tái khám hoặc chủ động đi khám tổng quát 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các dấu hiệu bất ổn về xương khớp và điều trị kịp thời.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị khô khớp?
2. Bệnh khô khớp có nguy hiểm không? Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn đối với tình trạng bệnh của tôi?
3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh khô khớp?
4. Phác đồ điều trị bệnh khô khớp tốt nhất là gì?
5. Phương pháp điều trị nào được áp dụng phổ biến và đem lại hiệu quả tốt nhất?
6. Quá trình điều trị bệnh khô khớp kéo dài bao lâu thì khỏi?
7. Việc gì sẽ xảy ra nếu tôi không tiếp nhận hoặc trì hoãn việc điều trị?
8. Bị khô khớp có nên đi bộ, tập thể dục không?
9. Ăn gì khi bị khô khớp để điều trị bệnh hiệu quả?
10. Có cần tái khám sau điều trị không?
Khô khớp hoàn toàn có thể điều trị khỏi và phòng tránh được. Chỉ cần mỗi người trong chúng ta chú ý quan tâm đến sức khỏe xương khớp. Đồng thời, chủ động thăm khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường để bù đắp dịch khớp ngay, phòng ngừa các tổn thương xương khớp nghiêm trọng.