Hội chứng PICS

Hội chứng PICS là tập hợp các vấn đề về rối loạn sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần, ảnh hưởng đến những bệnh nhân đã từng ở trong phòng chăm sóc đặc biệt ICU một thời gian dài. Thời gian phát bệnh có thể xảy ra sau vài tháng hoặc vài năm sau đó. Các yếu tố về thời gian ở trong phòng ICU, biện pháp điều trị, thở máy và dùng thuốc liên tục là những tác nhân góp phần phát triển hội chứng này. 

Hội chứng PICS xảy ra ở những người đã từng điều trị một thời gian dài trong phòng chăm sóc đặc biệt ICU

Tổng quan

Hội chứng PICS có tên tiếng Việt là hội chứng sau chăm sóc đặc biệt (Post-Intensive Care Syndrome). Đây là tình trạng ảnh hưởng chủ yếu đến những bệnh nhân đã từng ở trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong một thời gian dài. Tình trạng này đặc trưng bởi sự suy kiệt về sức khỏe thể chất, tâm lý và ý thức trong nhiều năm, nhiều tháng trong nhiều năm sau đó.

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra tình trạng này như thở máy và nằm bất động quá lâu, sử dụng thuốc an thần kéo dài... Bệnh nhân mắc hội chứng PICS thường gặp phải các triệu chứng như khó ngủ, mệt mỏi, rối loạn tâm lý, suy nhược cơ thể, suy giảm nhận thức và trầm cảm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sau một hoặc nhiều đợt điều trị phức tạp và sống sót sau cơn nguy kịch, mắc bệnh hiểm nghèo (chẳng hạn như chấn thương sọ não, đột quỵ, Covid-19...), bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Đây là lý do duy nhất dẫn đến hội chứng sau chăm sóc đặc biệt (PICS).

Các phương pháp điều trị như thở máy, dùng thuốc hoặc cảm giác căng thẳng quá lâu khi ở trong ICU dễ gây ra hội chứng PICS

Nguyên nhân thực sự gây ra hội chứng này vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ góp phần vào sự phát triển của hội chứng này, bao gồm:

  • Cảm giác căng thẳng, tâm lý kìm nén, bất ổn khi ở trong phòng ICU một thời gian dài;
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh tật hoặc chấn thương dẫn đến việc phải nhập viện ICU, chẳng hạn như suy hô hấp hoặc nhiễm trùng huyết;
  • Kết quả của các phương pháp điều trị như sử dụng máy thở cơ học hoặc đặt ống nội khí quản, dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần và nhiều loại thuốc khác làm tác động đến tâm trí, tinh thần (như lú lẫn, ảo tưởng);

Ngoài bản thân người bệnh, gia đình và những người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân đang nằm trong phòng ICU quá lâu cũng có thể phát triển hội chứng PICS. Tình trạng này gây ra các triệu chứng về hỗn loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần tương tự như PICS, được gọi hội chứng hội chứng PICS gia đình (PICS-F).

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân mắc hội chứng PICS sau điều trị và chăm sóc đặc biệt ICU phải đối mặt với rất nhiều triệu chứng khác nhau, về não bộ, cảm xúc, nhận thức hoặc thể chất. Triệu chứng thường khởi phát ngay sau khi vượt qua bạo bệnh và kéo dài cho đến khi xuất viện, rời khỏi phòng ICU, thậm chí nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm sau đó.

Hội chứng PICS đặc trưng với những triệu chứng suy yếu thể chất, tâm lý và khả năng nhận thức

Cụ thể bao gồm:

  • Triệu chứng về não bộ (khả năng nhận thức)
    • Khó nói chuyện hoặc sử dụng ngôn ngữ;
    • Suy giảm trí nhớ;
    • Mất khả năng tư suy, suy nghĩ, phản biện và phân tích, xử lý vấn đề;
    • Hay quên, kém tập trung;
  • Triệu chứng rối loạn cảm xúc:
    • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD - posttraumatic stress disorder) dễ gặp ác mộng hoặc gặp phải những ký ức tiêu cực trong quá khứ;
    • Lo lắng, bất an, sợ hãi;
    • Giảm động lực học tập và làm việc;
    • Không có động lực sống;
    • Trầm cảm;
  • Triệu chứng thể chất:
    • Dễ mệt mỏi, kiệt sức;
    • Yếu cơ, gặp khó khăn khi đi lại;
    • Khó thở;
    • Mất ngủ;

Đối với người thân chăm sóc bệnh nhân hội chứng PICS, có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Cảm giác buồn bã;
  • Lo lắng, trầm cảm;
  • Stress kéo dài;
  • Chấn thương tâm lý;
  • Rối loạn giấc ngủ;

Chẩn đoán 

Bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi hoặc đã khỏe mạnh sau đợt nằm ICU lâu nếu phát hiện các triệu chứng bất thường về tâm lý, cảm xúc và thể chất, khi thăm khám sẽ được bác sĩ tiến hành làm các kiểm tra, chẩn đoán xác định hội chứng PICS và mức độ nghiêm trọng.

Hội chứng PICS thường được chẩn đoán dựa vào kết quả thăm khám tiền sử bệnh và sức khỏe thể trạng của bệnh nhân

Chẳng hạn như:

  • Đánh giá tiền sử bệnh cá nhân;
  • Khai thác các vấn đề về mức độ tổn thương, thời gian điều trị ICU, sử dụng thuốc nào và các chỉ định y tế trong quá trình điều trị;
  • Về phía gia đình, bác sĩ có thể đặt một số câu hỏi về tính cách, trạng thái tinh thần, hành vi và chức năng sinh hoạt của bệnh nhân trước khi vào ICU;

Sau đó, tiến hành một cuộc kiểm tra thể chất và tâm lý toàn diện sẽ được thực hiện nhằm xác nhận chẩn đoán, phục vụ quá trình điều trị.

  • Xét nghiệm máu & nước tiểu;
  • Xét nghiệm hình ảnh như chụp CT scan, MRI hoặc X quang;
  • Các bài kiểm tra tâm lý, đánh giá tâm trạng, khả năng nhận thức và đời sống tinh thần, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân;
  • Kiểm tra giấc ngủ nhằm đánh giá mức độ rối loạn giấc ngủ (nếu có);

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng sau chăm sóc đặc biệt (PICS) là tình trạng sức khỏe phức tạp, xảy ra ở những người đã từng là bệnh nhân phải điều trị lâu dài trong phòng chăm sóc đặc biệt ICU. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, cảm xúc của bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của gia đình, người thân. Nhất là với những trường hợp hội chứng PICS kéo dài hơn 1 năm.

Người mắc hội chứng PICS thường đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng về mặt tinh thần và thể chất như trầm cảm, mất trí nhớ, suy hô hấp...

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các triệu chứng ban đầu sẽ tiến triển ngày càng nặng hơn và khởi phát thành biến chứng vĩnh viễn. Chẳng hạn như:

  • Mất hoàn toàn khả năng gắng sức khi tập thể dục hoặc làm việc nặng;
  • Rối loạn chức năng tình dục;
  • Suy hô hấp;
  • Trầm cảm nặng - mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh;
  • Mất trí nhớ hoàn toàn;

Theo thống kê, có khoảng 40% bệnh nhân mắc hội chứng PICS không thể quay trở về trạng thái và các chức năng bình thường ban đầu. Hậu quả gây tổn hao sức khỏe vĩnh viễn, gặp khó khăn trong lĩnh vực đang theo đuổi, bao gồm cả học tập lẫn công việc,  tăng nguy cơ khó khăn về tài chính...

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hội chứng PICS có thể được cải thiện rõ rệt thông qua các biện pháp trị liệu kết hợp dùng thuốc, chăm sóc sức khỏe tích cực bằng lối sống lành mạnh, thúc đẩy thư giãn tinh thần, thể chất.

Điều trị

Khi đã xác định được nguyên nhân cơ bản gây ra hội chứng PICS, việc xử lý và điều trị nó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Có rất nhiều phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh nhân mắc phải hội chứng này:

Điều trị hội chứng PICS cần phối hợp nhiều biện pháp như thuốc men, vật lý trị liệu, trị liệu tâm lý - hành vi...

  • Dùng thuốc: Nhằm mục đích hỗ trợ cải thiện các triệu chứng hội chứng PICS như:
    • Sử dụng thuốc an thần cải thiện giấc ngủ;
    • Thuốc giảm đau (nếu cần thiết);
    • Thuốc chống trầm cảm;
    • Thuốc chống lo âu;
    • Thuốc chống viêm;
  • Liệu pháp trị liệu: Cũng đem lại lợi ích tích cực cho những người mắc hội chứng PICS. Bao gồm:
    • Vật lý trị liệu: Giúp phục hồi, nâng cao sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp vận động. Đồng thời, hỗ trợ cải thiện giảm đau nhức, cảm giác mệt mỏi.
    • Liệu pháp nghề nghiệp: Giúp bệnh nhân có thể cải thiện tốt khả năng tự thực hiện các hoạt động hàng ngày.
    • Trị liệu tâm lý - hành vi: Bệnh nhân mắc hội chứng PICS sẽ được trao đổi với bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học để xử lý các cảm xúc tiêu cực, điều chỉnh khả năng suy nghĩ, tư duy, phân tích... và tránh các hành vi không đúng đắn.
    • Các biện pháp hỗ trợ khác:
      • Điều trị tích cực các bệnh về tim mạch và hô hấp ở bệnh nhân sau khi rời khỏi phòng ICU theo phác đồ của bác sĩ;
      • Hướng dẫn bệnh nhân tự điều chỉnh lối sống sao cho khoa học, lành mạnh bao gồm: ăn uống đủ chất, sử dụng thực phẩm lành mạnh, tập thể dục điều độ hàng ngày và tham gia vào các hoạt động cộng đồng, thúc đẩy thư giãn tinh thần, ổn định thể chất;
      • Quản lý căng thẳng tối đa thông qua các kỹ thuật thư giãn như yoga, hít thở sâu, thiền định...;

Phòng ngừa

Bất kỳ ai cũng có thể mắc hội chứng PICS sau khi trải qua một giai đoạn dài điều trị chăm sóc tích cực. Bạn gần như không thể phòng ngừa hội chứng này, tuy nhiên có thể chăm sóc tích cực để kiểm soát triệu chứng.

Thực hiện tốt lối sống lành mạnh, tập luyện và ăn uống khoa học, quản lý căng thẳng để giảm thiểu những ảnh hưởng của hội chứng PICS

  • Tập thể dục điều độ mỗi ngày, vừa sức và đúng với sở thích cá nhân để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần. Việc này còn giúp cải thiện chức năng nhận thức, giảm lo âu, trầm cảm.
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tăng cường rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc giúp cải thiện cảm giác mệt mỏi, ổn định giấc ngủ và tăng cường năng lượng.
  • Không nên tìm đến rượu bia và các chất kích thích khác để
  • Giảm thiểu tối đa các căng thẳng thần kinh, tham gia các hoạt động thể chất, các kỹ thuật thư giãn phù hợp để giảm stress và nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Xây dựng các mối quan hệ khắng khít, nhằm tạo chỗ dựa tinh thần giúp giảm căng thẳng, áp lực và cải thiện sức khỏe tổng thể. Bản thân bạn cần cởi mở hơn, chia sẻ với gia đình để không có cảm giác bị cô lập.
  • Phối hợp với chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ điều trị các vấn đề về tâm lý thường xuyên.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Hội chứng sau chăm sóc đặc biệt là gì?

2. Tại sao tôi lại mắc hội chứng này?

3. Tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?

4. Hội chứng PICS có chữa trị được không?

5. Phương pháp điều trị hội chứng PICS tốt nhất?

6. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị bệnh?

7. Điều trị hội chứng PICS có khỏi hoàn toàn không?

8. Hội chứng PICS có tái phát sau điều trị không?

Để sớm thoát khỏi những ảnh hưởng phức tạp và rủi ro của hội chứng PICS đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, hãy chủ động thăm khám định kỳ sau điều trị đặc biệt tại phòng ICU để kiểm tra và có hướng điều trị kịp thời. Trên đây là những thông tin cơ bản, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về hội chứng này vui lòng trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể.

Ngày đăng 09:11 - 03/06/2023 - Cập nhật lúc: 09:12 - 03/06/2023
Chia sẻ:

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua