Hội chứng ống cổ tay

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến bàn tay và cổ tay. Bệnh nhân thường xuyên có cảm giác tê bì, ngứa ran và đau nhức cổ tay, các ngón tay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và các hoạt động hàng ngày. Điều trị hội chứng ống cổ tay nên được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng teo cơ. Tùy mức độ nghiêm trọng có thể chọn điều trị không phẫu thuật hoặc phẫu thuật. 

Hội chứng ống cổ tay xảy ra do sự chèn ép quá mức lên dây thần kinh giữa ở cổ tay

Tổng quan

Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome) là tình trạng cổ tay và bàn tay bị tê bì, ngứa ran và đau nhức. Đây là hậu quả của sự chèn ép hoặc kích thích quá mức làm gia tăng áp lực trong ống cổ tay lên dây thần kinh giữa. Dây thần kinh này vốn có chức năng chi phối khả năng vận động các cơ xung quanh và các cơ cảm giác ở các ngón tay.

Hội chứng này được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1800. Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải hội chứng ống cổ tay, nhưng phổ biến nhất là những người làm các công việc phải sử dụng cổ tay nhiều và liên tục lặp đi lặp lại một động tác. Chẳng hạn như nhân viên văn phòng gõ máy tính liên tục, nhân viên nhà máy lắp ráp, dùng búa hoặc các thiết bị gây rung mạnh...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính gây hội chứng ống cổ tay là do áp lực lớn chèn ép lên dây thần kinh giữa. Bất kỳ thứ gì gây kích thích hoặc chèn ép lên dây thần kinh giữa bên trong ống cổ tay đều có thể khởi phát hội chứng này. Một số nguyên nhân liên quan như gãy cổ tay hoặc sưng viêm do ảnh hưởng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Các chuyển động lặp đi lặp lại ở cổ tay và bàn tay là nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng ống cổ tay

Ngoài ra, đa số các trường hợp khởi phát hội chứng ống cổ tay đều xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Bao gồm:

  • Các yếu tố kích thích: Gãy tay hoặc trật khớp cổ tay, sưng viêm khớp lâu ngày không khỏi có thể làm biến dạng cấu trúc xương bên trong. Điều này làm thay đổi không gian bên trong ống cổ tay và tạo áp lực lên dây thần kinh giữa, gây tê bì, đau nhức, ngứa ran...
  • Tổn thương thần kinh: Những người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, thừa cân béo phì, suy giảm chức năng tuyến giáp... làm tăng nguy cơ phát triển các tổn thương thần kinh. Trong đó, còn có cả tổn thương dây thần kinh giữa ở ống cổ tay.
  • Tính chất công việc: Những người làm công việc đòi hỏi phải lặp đi lặp lại vùng cổ tay trong thời gian dài, chẳng hạn như gập duỗi, rung lắc hoặc uốn cong quá mức trong thời gian dài cũng có thể tạo áp lực lên các dây thần kinh. Và dây thần kinh giữa trong ống cổ tay cũng không ngoại lệ, khi bị tác động kích thích có thể gây ra hội chứng ống cổ tay.
  • Giới tính: Theo thống kê, tỷ lệ nữ giới mắc hội chứng ống cổ tay cao gấp 3 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do phụ nữ có cấu trúc ống cổ tay nhỏ hơn nam giới.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số ít trường hợp sử dụng thuốc anastrozole (Arimidex) quá mức (thuốc trị ung thư vú) cũng góp phần phát triển hội chứng ống cổ tay.
  • Các vấn đề sức khỏe khác:
    • Phụ nữ mang thai;
    • Giai đoạn mãn kinh;
    • Các bệnh lý mạn tính như rối loạn tuyến giáp, phù hạch bạch huyết, suy thận...;
    • Người nghiện rượu;
    • Người lớn tuổi;
    • Yếu tố di truyền;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây cảm giác đau nhức, tê bì cổ tay, ngón tay... Nhưng riêng với hội chứng ống cổ tay, các triệu chứng thường phát triển dần dần và bộc phát bất kỳ lúc nào. Có thể kể đến một số dấu hiệu sau:

  • Cảm giác tê bì, ngứa ran và đau nhức ở ngón tay cái cùng 3 ngón tay liền kề;
  • Cơn đau dần lan lên phía cẳng tay và vùng vai;
  • Yếu cơ và hạn chế khả năng hoạt động, dễ đánh rơi đồ vật;

Chẩn đoán

Sau các bước thăm khám và thảo luận về triệu chứng, tiền sử bệnh cá nhân cũng như thói quen sinh hoạt, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số bài kiểm tra và xét nghiệm bổ sung để xác nhận chẩn đoán hội chứng ống cổ tay. Bao gồm:

Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay thông qua các kiểm tra và thử nghiệm tại chỗ kết hợp xét nghiệm hình ảnh

  • Kiểm tra Tinel: Thử nghiệm này được thực hiện bằng cách dùng búa y tế gõ vào vị trí dây thần kinh ở giữa cổ tay. Tác động này sẽ tạo ra nguồn kích thích khiến dây thần kinh giữa phản ứng, giúp bác sĩ đánh giá xem có cảm giác ngứa ran ở tay hay không.
  • Thử nghiệm Phalen: Đây cũng là một trong những thử nghiệm khá chính xác giúp chẩn đoán hội chứng ống cổ tay. Bệnh nhân đặt khuỷa tay của mình lên bàn và để cho cổ tay rơi tự do về phía trước. Với những người đã mắc bệnh, vị trí cổ tay sẽ xuất hiện cảm giác tê bì, ngứa ran và đau nhức kéo dài khoảng 1 phút.
  • Chụp X quang: Hình ảnh X quang cho phép phát hiện các tổn thương hoặc viêm khớp liên quan đến hội chứng ống cổ tay.
  • Siêu âm: Siêu âm cổ tay cũng có thể được đề nghị thực hiện nhằm quan sát rõ nét hình ảnh xương, dây thần kinh có bị chèn ép hay chịu tác động kích thích nào hay không.
  • Đo điện cơ (EMG): Phương pháp này đo và đánh giá chức năng hoạt động của dây thần kinh giữa có bình thường hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Các chuyên gia cảnh báo, hội chứng ống cổ tay nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống. Bởi cảm giác tê bì, ngứa ran, đau nhức... kéo dài làm hạn chế khả năng hoạt động. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể biến chứng teo cơ, khiến người bệnh mất hoàn toàn khả năng lao động.

Do đó, khuyến cáo bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay cần thăm khám sớm và tuân thủ các chỉ định điều trị y tế phù hợp. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có thể chữa khỏi và hồi phục trở lại sau một thời gian chăm sóc tích cực. Nhất là sau phẫu thuật, bàn tay và các ngón tay cần được vật lý trị liệu nhẹ nhàng để phục hồi khả năng cử động, cầm nắm.

Thời gian phục hồi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của bệnh, biện pháp điều trị, khả năng đáp ứng... Đa số các trường hợp có thể cử động bàn tay, ngón tay trở lại sau khoảng 2 tuần cắt chỉ và quay trở lại cuộc sống bình thường, làm việc và sinh hoạt sau khoảng 6 tuần.

Điều trị

Hiện nay, điều trị hội chứng ống cổ tay được áp dụng bằng 2 phương pháp chính là không phẫu thuật và can thiệp phẫu thuật. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.

Điều trị không phẫu thuật

Những trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay mức độ nhẹ, thường được ưu tiên điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng và trị liệu phục hồi tích cực, để không làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày.

Đeo nẹp cổ tay kết hợp dùng thuốc chống viêm, giảm đau kết hợp nghỉ ngơi để cải thiện triệu chứng hiệu quả

Một số phương pháp được chỉ định áp dụng như:

  • Đeo nẹp: Đeo nẹp để cố định cổ tay khi ngủ ban đêm hoặc có thể dùng cả ban ngày. Sử dụng liên tục trong một thời gian sẽ giúp đem lại hiệu quả cải thiện triệu chứng khá tốt.
  • Dùng thuốc: Các loại thuốc chống viêm hoặc corticosteroid được kê toa sử dụng để cải thiện triệu chứng sưng viêm, giảm đau nhức. Trường hợp nhẹ có thể dùng thuốc uống, nhưng với những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dùng cortisone dạng tiêm.
  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt:
    • Điều chỉnh độ cao ghế ngồi làm việc phù hợp với độ cao của bàn;
    • Thực hiện các bài tập kéo giãn, massage xoa bóp hoặc chườm ấm;

Điều trị phẫu thuật

Trường hợp hội chứng ống cổ tay nghiêm trọng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị cơ bản sẽ được cân nhắc chỉ định phẫu thuật càng sớm càng tốt. Mục tiêu của phẫu thuật nhằm mở rộng đường hầm ống cổ tay, giải phóng áp lực lên dây thần kinh giữa.

Bệnh nhân có thể được phẫu thuật mổ hở hoặc mổ nội soi tùy theo tình trạng bệnh và điều kiện tài chính. Tuy nhiên, phương pháp mổ nội soi là kỹ thuật mổ đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Lưu ý, sau khoảng 4 - 6 tuần sau phẫu thuật, người bệnh cần tránh thực hiện các hoạt động nặng, đòi hỏi dùng sức ở bàn tay, tạo điều kiện cho tay phục hồi nhanh hơn.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay, bạn cần giảm thiểu tối đa các hoạt động hay ngăn chặn các tác nhân tác động gây kích thích vùng cổ tay. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để giảm nguy cơ phát bệnh:

Thường xuyên thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cổ tay để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

  • Dành những khoảng thời gian cố định để nghỉ ngơi và thư giãn sau khi thực hiện các chuyển động liên tục ở bàn tay, cổ tay, nhằm giảm thiểu căng thẳng cho dây thần kinh giữa.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ giảm áp lực lên cổ tay, chẳng hạn như bàn phím công thái học, giá đỡ cổ tay, con chuột hoặc miếng lót chuột được thiết kế riêng...
  • Thường xuyên thực hiện bài tập kéo giãn bàn tay và cổ tay để giảm thiểu tình trạng căng cơ, gân.
  • Đeo nẹp vào ban đêm để giảm áp lực lên dây thần kinh giữa.
  • Thực hiện các thói quen sinh hoạt tích cực như tập thể dục đều đặn hàng ngày, ngủ nghỉ đủ giấc, ăn uống đủ chất, duy trì cân nặng phù hợp, không hút thuốc lá và kiểm soát căng thẳng.
  • Tăng cường sử dụng TPCN bổ sung, chẳng hạn như vitamin B6 giúp phòng chống viêm và cải thiện chức năng thần kinh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi thường xuyên có cảm giác đau nhức, tê bì, ngứa ran ở cổ tay và ngón tay?

2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay?

3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

4. Hội chứng ống cổ tay gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của tôi?

5. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

6. Khi nào tôi cần phẫu thuật hội chứng ống cổ tay?

7. Tôi nên mổ thường hay mổ nội soi?

8. Chi phí mổ hội chứng ống cổ tay tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

9. Những điều tôi cần làm và tránh làm trong quá trình điều trị hội chứng ống cổ tay?

10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay tái phát sau điều trị?

Hội chứng ống cổ tay xảy ra rất phổ biến, nhất là ở nhóm đối tượng nhân viên văn phòng hoặc công nhân lao động tay chân do thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại. Tuy ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cử động, nhưng hội chứng ống cổ tay vẫn có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm, áp dụng đúng phương pháp. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám ngay khi phát hiện triệu chứng và tuân thủ các biện pháp điều trị y tế được chỉ định.

Ngày đăng 17:10 - 24/07/2023 - Cập nhật lúc: 17:10 - 24/07/2023
Chia sẻ:
Viêm khớp dạng thấp Bệnh Viêm Khớp Dạng Thấp
Viêm khớp dạng thấp là một trong những dạng viêm khớp phổ biến có tỷ lệ mắc cao nhất. Đây là dạng viêm khớp tự miễn mãn tính gây ảnh…
Bệnh Hoại tử vô mạch
Hoại tử vô mạch là bệnh lý về xương khá…
Bệnh Còi Xương
Còi xương là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao…
Bệnh Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những biến…
Bệnh Loạn Dưỡng Cơ Duchenne

Loạn dưỡng cơ Duchenne là bệnh lý di truyền đặc trưng với các tổn thương và suy giảm chức năng…

Bệnh Viêm khớp cổ chân

Viêm khớp cổ chân là một trong những bệnh cơ xương khớp phổ biến, có thể xảy ra ở mọi…

Bệnh Viêm Khớp Cổ Tay

Viêm khớp cổ tay là một dạng viêm khớp phát triển ở cổ tay, gây sưng đau, cứng khớp và…

Bệnh Lao Cột Sống

Lao cột sống phổ biến chỉ sau lao phổi. Đây là một dạng bệnh thường gặp trong tất cả các…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua