Bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore không phải căn bệnh hiếm gặp, được phát hiện lần đầu tiên ở Myanmar. Tại Việt Nam, ca mắc đầu tiên được phát hiện ở Viện Pasteur TPHCM. Bệnh đặc trưng với các biểu hiện như sưng, đau sốt, nhiễm trùng đường tiết niệu, hình thành đa áp xe rải rác trong khắp cơ thể... Bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời bằng kháng sinh. 

Tổng quan

Bệnh Whitmore (Melioidosis) hoặc bệnh vi khuẩn ăn thịt người. Đây là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Đây là chủng vi khuẩn gram âm có khả năng sống ở mọi nơi, nhất là ở những nơi ẩm nhất đất, nước.

Whitmore là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra

Đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 40 - 60% nếu không điều trị kịp thời. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao như suy giảm hệ thống miễn dịch, bệnh tiểu đường, bệnh thận, phổi mãn tính hoặc nghiện rượu. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh, từ trẻ em cho đến người già.

Hiện nay, điều trị bệnh Whitmore chủ yếu bằng phác đồ kháng sinh liên tục trong nhiều tháng liền, ít nhất 2 tuần với liều tấn công và 3 - 6 tháng đối với liều duy trì. Một số đối tượng đặc biệt như trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ được chỉ định phác đồ điều trị riêng nhằm giảm thiểu tác dụng phụ.

Phân loại

Bệnh Whitmore được phân chia thành 2 giai đoạn gồm cấp tính và mãn tính:

  • Thể cấp tính: Đặc trưng với sự xuất hiện của các triệu chứng một cách đột ngột như sốt, đau nhức toàn thân, ho... Trường hợp nặng có thể kèm theo nhiễm trùng huyết nguy hiểm, đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
  • Thể mạn tính: Thường phát triển sau khoảng vài tuần, vài tháng tiếp xúc với vi khuẩn. Các triệu chứng Whitmore mãn tính cũng biểu hiện tương tự như thể cấp tính. Tuy nhiên, chúng thường có xu hướng nhẹ, phát triển từ từ nhưng kéo dài. Hậu quả gây ra các tổn thương nghiêm trọng đến nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể như gan, phổi, lá lách...

Ngoài ra, bệnh Whitmore cũng có một thể tích cực đó là thể cận lâm sàng. Tức là những người bị nhiễm vi khuẩn Whitmore nhưng lại không có bất kỳ biểu hiện nào và cũng không phát sinh thành bệnh. Nguyên nhân là do người bệnh có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, đủ khả năng chống lại nhiễm trùng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là tác nhân chính gây ra bệnh Whitmore. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều nhất ở trong đất bùn và nguồn nước. Chúng lây lan sang con người thông qua vết trầy xước ngoài da hoặc qua đường hô hấp, hít phải các giọt nước hoặc hạt bụi li ti trong không khí.

Chủng vi khuẩn này được phát hiện nhiều nhất ở các quốc gia Đông Nam Á và Bắc Australia. Đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng hoặc các hoạt động, công tác ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân nguy cơ gây lây nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp xúc với đất bùn, nguồn nước ô nhiễm có nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore

Vi khuẩn Whitmore cũng có khả năng lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần, người khỏe mạnh tiếp xúc với các chất dịch tiết ra cơ thể người bệnh. Hoặc gián tiếp khi chạm vào các bề mặt đồ dùng bị ô nhiễm.

Ngoài ra, một số tác nhân khác làm tăng nguy cơ gây bệnh Whitmore như:

  • Ăn đồ ăn thức uống có chứa vi khuẩn do trồng trọt hoặc sử dụng nguồn nước tưới tiêu nhiễm khuẩn;
  • Tiếp xúc với các loại thuốc xịt hoặc tinh dầu thơm có chứa vi khuẩn;

Yếu tố nguy cơ 

Nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng Whitmore thường cao hơn ở những đối tượng dưới đây:

  • Bệnh thận mãn tính;
  • Bệnh phổi mãn tính như COPD hoặc xơ nang phế quản;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Ung thư hoặc HIV/AIDS khiến hệ thống miễn dịch suy yếu;
  • Bệnh rối loạn máu di truyền Thalassemia;
  • Người làm các công việc phải tiếp xúc với đất, nước như nông dân, người làm vườn, chăm sóc cây cảnh, dọn rác trên sông hồ...;
  • Các quốc gia ở vùng khí hậu nhiệt đới như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam, miền Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar... Rất hiếm trường hợp bệnh Whitmore được phát hiện ở các nước khác trên thế giới, nhất là châu Âu và châu Mỹ;
  • Ngoài ra, vi khuẩn Whitmore cũng có thể gây bệnh ở một số loài động vật như chó, mèo, lợn, cừu, ngựa, các loại gia súc khác...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bản chất của bệnh Whitmore là nhiễm trùng do vi khuẩn. Hầu hết các trường hợp phát sinh triệu chứng trong khoảng 1 - 4 tuần sau khi phơi nhiễm (giai đoạn ủ bệnh). Tùy theo vị trí và mức độ vi khuẩn nặng hay nhẹ mà các triệu chứng sẽ được biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:

Các triệu chứng nhiễm trùng do Whitmore thường là sốt, đau đầu, đau cơ, đau ngực, ho hoặc áp xe, viêm phổi

  • Triệu chứng nhiễm trùng cục bộ: Xảy ra khi vi khuẩn tấn công và khu trú trên làn da của bạn. Bao gồm:
    • Sưng loét, hình thành áp xe;
    • Sưng hạch bạch huyết;
    • Sốt cao;
  • Triệu chứng nhiễm trùng phổi: Vi khuẩn Whitmore tấn công đến phổi gây ra các triệu chứng như:
    • Đau tức ngực;
    • Khó thở;
    • Ho;
    • Sốt cao;
    • Đau đầu;
    • Ăn uống mất ngon;
  • Triệu chứng nhiễm trùng máu: Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Whitmore gây ra tương tự với nhiều dạng nhiễm trùng khác, gồm các triệu chứng sau:
    • Sốt cao;
    • Đau đầu;
    • Khó thở;
    • Đau cơ, khớp;
    • Đau bụng;
    • Lú lẫn, dễ mất phương hướng và thay đổi trạng thái tinh thần;
  • Triệu chứng nhiễm trùng toàn thân: Triệu chứng bệnh Whitmore mãn tính có thể xảy ra sau thời gian người bệnh bị nhiễm trùng, thường từ 2 tháng trở lên. Lúc này, vi khuẩn gần như đã tấn công đến rất nhiều cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm các triệu chứng sau:
    • Sốt cao;
    • Ho mãn tính;
    • Ho ra máu;
    • Vã mồ hôi vào ban đêm;
    • Đau cơ khớp;
    • Đau bụng, tức ngực;
    • Đau đầu;
    • Động kinh;
    • Sụt cân;

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh Whitmore cần dựa vào các thông tin về tính chất công việc, thói quen, sở thích và lịch sử du lịch trước đó. Kết hợp đánh giá các triệu chứng nhiễm trùng lâm sàng vừa kể trên. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết nhằm xác nhận chẩn đoán.

Xét nghiệm máu là kỹ thuật giúp phát hiện vi khuẩn B. pseudomallei và chẩn đoán chính xác bệnh Whitmore

Một số xét nghiệm mẫu bệnh phẩm giúp phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn B. pseudomallei và kháng thể chống vi khuẩn trong cơ thể, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Soi và nuôi cấy dịch đờm;
  • Xét nghiệm dịch mủ từ các tổn thương trên da;

Ngoài ra, một số xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT scan cũng có thể được chỉ định nhằm kiểm tra và xác định vị trí các ổ áp xe bất thường.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhiễm trùng Whitmore có thể phát sinh nhẹ hoặc nặng tùy từng trường hợp cụ thể. Vi khuẩn thường gây nhiễm trùng cục bộ ở một số cơ quan nhất định trên cơ thể. Sau đó, có thể lây lan sang phổi, máu hoặc các cơ quan nội tạng khác. Thậm chí, dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Cụ thể một số bệnh lý và tình trạng sức khỏe được xem là biến chứng nguy hiểm của bệnh Whitmore như:

  • Nhiễm trùng huyết;
  • Viêm loét da và áp xe nhiễm trùng nặng;
  • Viêm phổi;
  • Viêm màng não;
  • Viêm cơ khớp, viêm tủy xương;
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS);

Bệnh Whitmore rất nguy hiểm với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao

Từng trường hợp mắc bệnh Whitmore sẽ có tiên lượng khác nhau tùy theo mức độ nhiễm trùng và sự khỏe mạnh của hệ thống miễn dịch, tuổi tác, bệnh lý nền... Đa số đều có tiên lượng tốt, khỏi bệnh phục hồi nhanh chóng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc điều trị thường mất khoảng vài tháng để loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn ra khỏi cơ thể.

Một số trường hợp các triệu chứng bệnh Whitmore có thể tái phát sau khi điều trị xong do điều trị kháng sinh không đạt hiệu quả tối đa. Do đó, khuyến cáo người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định, tránh chủ quan để giảm nguy cơ biến chứng và tử vong.

Điều trị

Điều trị bệnh Whitmore thường kết hợp giữa dùng kháng sinh và điều trị hỗ trợ tích cực bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc y tế. Cụ thể như sau:

Điều trị bằng kháng sinh

Phác đồ kháng sinh dành cho những bệnh nhân mắc Whitmore được chia làm 2 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn tấn công: Dùng thuốc dạng tiêm liều cao, liên tục trong ít nhất 2 tuần
  • Giai đoạn duy trì: Dùng thuốc kháng sinh liều duy trì trong vòng 3 - 6 tháng.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh dạng uống hoặc dạng tiêm.

Dùng thuốc kháng sinh đúng phác đồ và kịp thời là điều kiện quan trọng giúp loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn Whitmore

  • Thuốc uống: Có 2 loại phổ biến nhất là:
    • Trimesthoprim/ sulfamethoxazole (Bactrim , Bactrim DS, Sulfatrim), dùng sau mỗi 12 giờ;
    • Amoxicillin / Axit Clavulanic (Augmentin , Augmentin ES-600, Augmentin XR) dùng sau mỗi 8 giờ;
  • Thuốc tiêm: Gồm 3 loại thường dùng là:
    • Cefttazidime (Fortaz);
    • Meropenem (Merrem);
    • Imipenem;

Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phác đồ kháng sinh điều trị phù hợp nhất. Lưu ý phác đồ trên chỉ dành cho người trưởng thành, riêng phụ nữ mang thai và trẻ em sẽ được xây dựng kế hoạch dùng kháng sinh khác an toàn hơn.

Điều trị hỗ trợ

Song song với việc dùng thuốc, điều trị hỗ trợ tích cực cũng góp phần quan trọng trong việc loại bỏ vi khuẩn và phục hồi sức khỏe.

Tại bệnh viện

Bác sĩ sẽ đưa ra các y lệnh phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Chẳng hạn như:

Bệnh nhân nhiễm trùng Whitmore nặng cần phải thở oxy hoặc truyền dịch tĩnh mạch liên tục

  • Liệu pháp oxy: Nhằm mục đích cung cấp nguồn khí thở cho bệnh nhân, đặc biệt trong trường hợp nhiễm Whitmore gây suy hô hấp.
  • Truyền dịch tĩnh mạch: Đây là phương pháp đưa vào cơ thể người bệnh một lượng nước, thuốc hoặc chất dinh dưỡng nhất định. Mục đích giúp cải thiện tình trạng mất nước do sốt cao, vã mồ hôi... và duy trì năng lượng cho bệnh nhân.
  • Thủ thuật dẫn lưu: Những trường hợp cơ thể bệnh nhân có các ổ áp xe nhiễm, trùng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phẫu thuật dẫn lưu dịch ổ áp xe hoặc cắt bỏ các mô nhiễm bệnh.

Tại nhà

Bệnh nhân cần chú ý thực hiện các cách chăm sóc sức khỏe đơn giản sau:

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi;
  • Uống nhiều nước;
  • Ăn uống đủ chất, đa dạng thực phẩm, không kiêng khem quá mức. Ưu tiên những món chế biến chín mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và ít gia vị;
  • Có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen để cải thiện triệu chứng;
  • Chườm ấm hoặc dùng miếng đệm sưởi chuyên dụng đặt lên vùng khớp đau nhức để cải thiện cảm giác khó chịu;

Phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh Whitmore nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe và tính mạng, hãy chú ý thật kỹ đến các vấn đề sau đây:

Hạn chế tiếp xúc hoặc trang bị đồ bảo hộ đầy đủ khi làm việc để giảm nguy cơ nhiễm Whitmore

  • Tránh tiếp xúc với đất bùn, nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Những người thường xuyên làm việc ngoài trời cần trang bị đồ bảo hộ đầy đủ gồm quần áo, ủng, găng tay, khẩu trang...
  • Giữ vệ sinh kỹ lưỡng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi làm việc xong.
  • Tắm rửa kỹ lưỡng sau khi làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Whitmore cao.
  • Trường hợp nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với vi khuẩn Whitmore, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn liệu trình điều trị dự phòng bằng kháng sinh, ngăn chặn các biến chứng khó lường khi nhiễm trùng nặng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sốt cao, khó thở, đau bụng dữ dội, đau tức ngực, tinh thần bất ổn... là những dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi làm nông thường xuyên tiếp xúc với đất bùn, nước bẩn có phải nguyên nhân mắc bệnh nhiễm trùng vi khuẩn Whitmore không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh?

4. Tại sao tôi mắc bệnh Whitmore? Bệnh lý này có nguy hiểm không?

5. Bệnh Whitmore có gây tử vong?

6. Bệnh Whitmore có chữa khỏi được không?

7. Phương pháp điều trị bệnh Whitmore hiệu quả nhất dành cho tôi?

8. Dùng kháng sinh lâu ngày có gây ra tác dụng phụ nào không?

9. Quá trình điều trị bệnh Whitmore bao lâu thì khỏi? Tôi có cần nhập viện không?

10. Bệnh Whitmore có tái phát trở lại sau điều trị không?

Bệnh Whitmore thường xuất hiện trong một số giai đoạn nhất định, thường là từ tháng 6 - 11 hàng năm. Do đó, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng. Đồng thời, thực hiện tốt việc nâng cao sức đề kháng hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngày đăng 10:07 - 25/05/2023 - Cập nhật lúc: 10:08 - 25/05/2023
Chia sẻ:
Bệnh Chân Voi
Bệnh chân voi là bệnh nhiễm ký sinh trùng giun chỉ. Bệnh có khả năng lây từ người sang người thông qua vết muỗi cắn. Đặc trưng triệu chứng bao…
Bệnh Sưng hạch bạch bẹn
Sưng hạch bạch bẹn có thể xảy ra đột ngột…
Bệnh AIDS
Bệnh AIDS là bệnh truyền nhiễm do virus HIV gây…
Bệnh Dịch hạch
Dịch hạch còn được gọi là "Cái chết đen". Là…
Bệnh Do Cryptosporidium

Bệnh Cryptosporidiosis xảy ra khi cơ thể nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium. Ăn uống, tắm hồ bơi hoặc tiếp xúc…

Babesia (Nhiễm trùng do Babesia)

Babesia là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Babesia gây ra. Chúng lây nhiễm vào cơ thể người thông…

Bệnh Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus sốt xuất huyết (Dengue) gây ra. Đây là căn bệnh phổ…

Cảm Cúm

Cảm cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, do nhiễm virus cúm Influenza. Bệnh gây các triệu…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua