Bệnh Viêm âm hộ ở trẻ mới biết đi

Viêm âm hộ ở trẻ trong độ tuổi mới biết đi (từ 1 - 3 tuổi) là vấn đề sức khỏe phụ khoa khá phổ biến. Thường xảy ra do các yếu tố như nhiễm trùng, vệ sinh kém hoặc tiếp xúc các chất kích thích. Đa số các trường hợp bệnh đều không quá nghiêm trọng, chỉ cần bố mẹ chú ý loại bỏ tác nhân gây bệnh và chăm sóc tích cực sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng. Trường hợp cần thiết có thể dùng thuốc kháng sinh, kháng nấm...

Viêm âm hộ ở trẻ mới biết đi là tình trạng viêm nhiễm âm hộ và âm đạo ở trẻ từ 1 - 3 tuổi

Tổng quan

Viêm âm hộ ở trẻ mới biết đi (Vulvovaginitis Toddler) là tình trạng sưng viêm âm hộ hoặc âm đạo của các bé gái, chủ yếu là ở trẻ mới biết đi từ 1 - 3 tuổi. Bệnh xảy ra do nhiều yếu tố gây ra như nhiễm trùng do nhiễm vi khuẩn, nấm, vệ sinh kém hoặc tiếp xúc với chất kích thích. Đây là vấn đề phụ khoa phổ biến xảy ra ở các bé gái còn nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 62%.

Có 2 dạng viêm âm hộ phổ biến ở trẻ là dạng viêm âm hộ ở trẻ không đặc hiệu xảy ra do vệ sinh kém và dạng viêm âm hộ truyền nhiễm. Mỗi dạng có các triệu chứng khác nhau và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trẻ trong độ tuổi biết đi từ 1 - 3 tuổi chưa có hệ miễn dịch hoàn thiện. Không những vậy, trước độ tuổi dậy thì con sẽ không đủ lượng estrogen để tự bảo vệ vùng kín. Estrogen có nhiệm vụ làm đặc chất nhầy trong âm đạo và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Do đó, ở trẻ nhỏ việc không có đủ estrogen tạo ra nhiều khoảng trống giữa âm đạo và hậu môn, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn dễ dàng lây nhiễm chéo.

Trẻ bị viêm âm hộ là do vệ sinh kém, tắm rửa bằng xà phòng tẩy rửa, mặc quần áo chật hoặc nhiễm trùng

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm âm hộ. Có thể kể đến một số nguyên nhân thường gặp sau:

  • Vệ sinh kém: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm âm hộ ở trẻ mới biết đi. Trẻ mới biết đi vẫn còn nhỏ và phụ thuộc vào bố mẹ, chưa thể học được cách tự giữ gìn vệ sinh. Do đó, nếu phụ huynh không chủ động vệ sinh vùng kín cho con sạch sẽ hoặc vệ sinh không đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi dẫn đến sự tích tụ vi khuẩn và nhiều loại vi sinh vật có hại khác, gây ra nhiễm trùng.
  • Kích ứng: Âm hộ, âm đạo là cơ quan sinh dục nhạy cảm, rất dễ bị kích ứng, nhất là khi tiếp xúc với các loại hóa chất hoặc các chất độc hại khác. Chẳng hạn như dùng xà phòng chứa chất tẩy rửa mạnh, bột giặt, nước xả vải, bồn tắm nhiều xà phòng , nước hoa hoặc quần áo mới chứa hóa chất.
  • Các nguyên nhân khác:
    • Mặc quần áo bó sát: Da ở vùng kín rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng và phát triển vi khuẩn, nhất là khi mặc quần áo bó sát khiến vùng kín trở nên ẩm ướt quá mức.
    • Nhiễm trùng lây lan: Vi khuẩn bám trên tay trẻ nhưng không được rửa sạch sẽ, sau đó vô tình chạm vào cơ quan sinh dục;
    • Dị vật: Xuất hiện vật thể lạ trong âm đạo, chẳng hạn như giấy vệ sinh hoặc các món đồ chơi nhỏ do trẻ nghịch ngợm tự đưa vào;
    • Giun kim: Sự phát triển của giun kim cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm âm hộ. Giun kim là loại giun ký sinh trong ruột và trực tràng, chúng phát triển và sinh sản quanh hậu môn trong lúc trẻ đang ngủ.
    • Nhiễm nấm Candida: Đây là một loại nấm men phát triển chủ yếu trong âm đạo của các bé gái, trẻ dậy thì và phụ nữ.
    • Dính môi: Hiện tượng dính môi xảy ra khi lớp môi trong âm hộ của con bị dính lại với nhau. Nguyên nhân khởi phát thường là do nồng độ estrogen thấp.
    • Bệnh lichen sclerosus: Đây là một dạng rối loạn viêm da gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh dục và hậu môn. Nguyên nhân chính là do rối loạn tự miễn dịch.
    • Lạm dụng tình dục: Trẻ nhỏ bị xâm hại tình dục dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) cũng có thể gây viêm âm hộ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Trẻ bị viêm âm hộ thường được biểu hiện thông qua các triệu chứng khó chịu sau đây:

Triệu chứng viêm âm hộ ở trẻ nhỏ như sưng đau, ngứa rát, nhất là khi đi tiểu, tiết dịch, chảy máu...

  • Sưng đỏ;
  • Ngứa ngáy;
  • Đau rát;
  • Cảm giác châm chích, nhất là khi đi tiểu hoặc dính nước;
  • Tiết dịch;
  • Chảy máu;
  • Vùng kín có mùi tanh hôi;
  • Khó chịu, quấy khóc nhiều;

Chẩn đoán

Ngay sau khi phát hiện các dấu hiệu bất thường kể trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám, chẩn đoán và tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế phù hợp. Các bước thăm khám chẩn đoán cụ thể gồm:

  • Khám sức khỏe;
  • Xét nghiệm mẫu dịch tiết âm đạo;
  • Xét nghiệm nước tiểu;

Thông qua các biện pháp trên, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ viêm âm hộ mà trẻ đang mắc phải. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất, loại trừ các dạng nhiễm trùng khác.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm âm đạo là một trong những căn bệnh phụ khoa thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong độ tuổi biết đi. Đối với người trưởng thành, việc điều trị viêm nhiễm đã rất phức tạp, đối với trẻ nhỏ còn khó khăn hơn. Tình trạng viêm nhiễm âm hộ ở trẻ nếu không được điều trị tích cực có thể gây ra các triệu chứng kéo dài, tổn thương nặng tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.

Mức độ viêm nhiễm càng nặng càng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ

Nếu không điều trị dứt điểm, nhiễm trùng có nguy cơ tái phát bất kỳ lúc nào. Tình trạng này kéo dài có thể khởi phát nhiều bệnh lý phụ khoa khác trong tương lai như viêm tử cung, viêm cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng... Đến độ tuổi sinh sản có thể khởi phát ung thư cổ tử cung hoặc vô sinh hiếm muộn.

Các chuyên gia cảnh báo bệnh viêm âm hộ là căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Do đó, bố mẹ cần hết sức chú ý các dấu hiệu bất thường để kịp thời cho trẻ thăm khám và điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa uy tín.

Điều trị

Điều trị bệnh viêm âm hộ ở trẻ mới biết đi tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đa số các trường hợp đều được cho phép điều trị tại nhà bằng các biện pháp đơn giản như:

  • Cho trẻ tắm rửa bằng nước sạch, không sử dụng bất kỳ chất tẩy rửa nào;
  • Không sử dụng xà phòng tạo bọt, xà phòng thơm;
  • Sau khi trẻ đi vệ sinh, phải lau từ trước ra sau, sau đó thấm khô bằng khăn;
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và không nên mặc quần lót khi ngủ;
  • Sử dụng kem bôi chứa chất làm mềm da như kem steroid hoặc oxit kẽm (Aquaphor) giúp xoa dịu kích ứng, cải thiện triệu chứng.

Bôi kem steroid hoặc kẽm oxit giúp giảm kích ứng da và cải thiện các triệu chứng viêm âm hộ ở trẻ

Trường hợp trẻ bị viêm âm hộ do nhiễm trùng, có thể bác sĩ sẽ kê toa dùng thuốc kháng sinh, thường là Penicillin. Hoặc tùy từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng từng biện pháp phù hợp,. Chẳng hạn như:

  • Trị giun kim: Dùng thuốc diệt giun mebendazole, kết hợp vệ sinh toàn bộ quần áo, giường nệm...
  • Dị vật: Loại bỏ dị vật ra khỏi âm đạo cho trẻ, sau đó sát trùng bằng nước muối sinh lý. Trường hợp dị vật quá nhỏ, đi sâu vào ống âm đạo nên đưa trẻ đến bệnh viện để làm thủ thuật loại bỏ an toàn.
  • Trị dính môi âm hộ: Đa số các trường hợp trẻ nhỏ bị dính môi có thể tự khỏi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu cần thiết bác sĩ có thể đề nghị sử dụng kem bôi chứa estrogen để cải thiện quá trình này.
  • Điều trị nhiễm nấm men: Sử dụng thuốc kháng nấm tại chỗ, thường là dạng bôi.
  • Điều trị bệnh Lichen Schlerosus: Điều trị căn bệnh này chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng bằng thuốc steroid tại chỗ hoặc một số loại thuốc khác.

Phòng ngừa 

Bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau đây để phòng ngừa viêm âm hộ ở trẻ mới biết đi, chẳng hạn như:

Giữ vệ sinh vùng kín kỹ lưỡng và mặc quần áo rộng thoải mái để phòng ngừa viêm nhiễm âm hộ

  • Hướng dẫn trẻ thực hành thói quen vệ sinh tốt, vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng và sạch sẽ, đảm bảo lau từ trước ra sau.
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, dành riêng cho trẻ nhỏ, không chứa hóa chất tẩy rửa mạnh.
  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc những lúc trẻ chạm vào những bề mặt bẩn.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các chất hóa học có khả năng gây kích ứng da.
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, đặc biệt nếu có mặc đồ lót nên chọn loại chất liệu có khả năng thấm hút tốt, thoáng khí.
  • Hãy luôn để mắt đến trẻ, quan sát việc trẻ chơi đùa, đảm bảo không để trẻ nhét các dị vật lạ vào trong âm đạo.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao con tôi thường xuyên bị đau, ngứa rát và tiết dịch âm đạo?

2. Nguyên nhân nào khiến con tôi bị viêm âm hộ?

3. Tình trạng viêm nhiễm của con tôi có nghiêm trọng không?

4. Bệnh viêm âm hộ gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và sự phát triển của con tôi?

5. Cần thực hiện những xét nghiệm, kiểm tra nào để chẩn đoán bệnh viêm âm hộ?

6. Trường hợp viêm âm hộ của con tôi nên điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Các triệu chứng viêm âm hộ có khỏi dứt điểm sau khi điều trị không?

8. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe của trẻ hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn?

Viêm âm hộ ở trẻ mới biết đi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó để ngăn ngừa các biến chứng, các bậc phụ huynh cần phải theo dõi trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và chủ động cho trẻ điều trị y tế kịp thời.

Ngày đăng 22:08 - 06/06/2023 - Cập nhật lúc: 22:09 - 06/06/2023
Chia sẻ:

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua