Ngọc trúc

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Ngọc trúc là thân rễ phơi hoặc sấy khô của cây ngọc trúc. Dược liệu này có công dụng nhuận táo, tư âm, dương vị, nhuận phế, trừ phiền, sinh tân và chỉ khát. Ngọc trúc thường được dân gian sử dụng trong bài thuốc và món ăn trị các chứng bệnh nhiệt phạm phần âm, hỗ trợ chữa trị và phòng ngừa bệnh lý về tim mạch.

ngọc trúc dược liệu
Hình ảnh Ngọc trúc – Cây dược liệu có nhiều công dụng hữu ích

  • Tên gọi khác: Nữ ủy
  • Tên khoa học: Polygonatum officinale All/ Polygonatum odoratum Mill
  • Tên dược: Rhizoma Polygonati Odorati
  • Họ: Hành tỏi (danh pháp khoa học: Liliaceae)

Mô tả dược liệu Ngọc trúc

1. Đặc điểm thực vật

Dược liệu ngọc trúc là cây thân rễ sấy/ phơi khô của loài thực vật cùng tên.

Ngọc trúc là thực vật thân cỏ, sống nhiều năm, chiều cao trung bình từ 40 – 60cm. Thân có đường kính khoảng 0.5 – 1.5cm, thân rễ mọc ngang, màu vàng trắng nhạt, trên thân rễ có nhiều rễ con mọc xung quanh.

Lá mọc từ giữa thân trở lên, thường mọc so le, phiến hình trứng, rộng 3 – 6cm, dài 6 – 12cm, cứng dài và không có cuống, mặt lá dưới có màu trắng nhạt. Hoa hình chuông, màu trắng, mọc ngay kẽ lá, mỗi kẽ có từ 1 – 2 hoa, cuống dài khoảng 1 – 1.5cm. Quả mọng, hình cầu, thường có màu đen khi chín và đường kính dao động từ 1 – 7mm.

– Một số hình ảnh nhận biết cây ngọc trúc:

vị thuốc ngọc trúc
Ngọc trúc là thực vật thân cỏ, sống dai, thân nhỏ, đường kính khoảng 0.5 – 1.5cm, chiều cao từ 40 – 60cm
ngọc trúc có tác dụng gì
Hoa ngọc trúc có hình chuông, mọc ở kẽ lá, mỗi kẽ có từ 1 – 2 hoa, hoa có màu trắng xanh
ngọc trúc chữa bệnh
Ngọc trúc ra quả mọng, hình cầu, thường có màu đen khi chín và đường kính từ 1 – 7mm

2. Bộ phận dùng

Thân rễ.

3. Phân bố

Ngọc trúc là loài thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt phân bố nhiều ở tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông.

Ở nước ta cùng có loài thực vật tên là Ngọc trúc hoàng tinh (Disporopsis aspera) thuộc họ Hoàng tinh (Convallariaceae). Tuy nhiên tác dụng của 2 dược liệu này hoàn toàn khác nhau, vì vậy cần tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

4. Thu hái – sơ chế

Thời điểm thu hái thích hợp nhất là vào mùa xuân hoặc mùa thu. Sau khi hái về, đem cắt bỏ rễ con, rửa sạch tạp chất và đất cát. Sau đó lấy ra phơi cho hơi khô, rồi lăn cho mềm và tiếp tục phơi/ sấy cho khô hoàn toàn.

Ngoài ra, có thể bào chế dược liệu ngọc trúc theo những cách sau:

  • Đem ủ thân rễ trong vòng 1 ngày đêm, thực hiện tương tự trong vòng 2 – 3 lần cho đến khi dược liệu có màu đen. Sau đó cắt thành khúc dài khoảng 2 – 3cm.
  • Dùng thân rễ phơi khô, thái vát thành từng phiến dài 3 -5cm và bảo quản, dùng dần.
  • Dùng khoảng 10kg thân rễ đồ trong vòng 8 giờ cho chín mềm. Sau đó thái thành từng khúc, thêm khoảng 1.5ml rượu vào rồi chưng trong vòng 4 giờ đồng hồ là dùng được.
  • Dùng ngọc trúc nguyên phiến đem tẩm với mật ong theo tỷ lệ 10:1 trong 30 phút rồi sao với nhỏ cho đến khi dược liệu có màu vàng, sờ vào không dính tay và có mùi thơm là được.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo.

6. Thành phần hóa học

Dược liệu có chứa vitamin A, quercitol, convallarin, conballamarin, tinh bột và chất nhầy.

Vị thuốc Ngọc trúc

ngọc trúc chữa bệnh
Dược liệu ngọc trúc có vị ngọt, hơi hàn, quy kinh Phế và Vị

1. Tính vị

Vị ngọt, tính hơi hàn.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Phế và Vị.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Nhuận táo, tư âm, sinh tân, dương vị, nhuận phế, chỉ khát, trừ phiền
  • Chủ trị: Mồ hôi trộm hư hao gây sốt, ho nhiều phát sốt, táo nhiệt, phong thấp, miệng khát, đái dắt, vị âm hư, phế âm hư, di tinh, tiểu nhiều lần, suy nhược, ra mồ hôi nhiều.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Convallarin trong ngọc trúc có tác dụng hạ áp, tẩy mạnh và kích thích thận.
  • Dùng liều lượng lớn có thể ngưng hô hấp.
  • Dược liệu có tác dụng nhuận tràng và ức chế tăng đường huyết trên chuột cống thực nghiệm.
  • Chiết xuất cồn liều nhỏ và nước sắc từ ngọc trúc có tác dụng cường tim ở tim ếch cô lập. Phối hợp với hoàng kỳ nhận thấy tác dụng cải thiện điện tâm đồ ở bệnh thiếu máu cơ tim.
  • Dược liệu có thể tăng cường khả năng chịu đựng tình trạng thiếu oxy của tim mạch, làm chậm hình thành xơ vữa động mạch và hạ lipit huyết.

4. Cách dùng – liều lượng

Dược liệu ngọc trúc được dùng ở dạng thuốc sắc, xào, hầm hoặc nướng. Liều dùng trung bình từ 9 – 20g/ ngày. Tuy nhiên nếu dùng đơn độc hoặc dùng tươi có thể dùng liều cao, khoảng 40 – 80g/ ngày.

Bài thuốc – Món ăn chữa trị bệnh từ vị thuốc Ngọc trúc

Ngọc trúc dược liệu
Dược liệu ngọc trúc được dùng trong món ăn – bài thuốc chữa các bệnh nhiệt phạm đến phần âm

1. Bài thuốc chữa chứng cảm mạo, đau họng, sốt, miệng khô, ho khan do mắc bệnh nhiệt phạm đến phần âm

  • Chuẩn bị: Hồng táo 2 quả, chích cam thảo 3g, bạc hà 6g, bạch vị 4g, hành sống 3 cây, ngọc trúc 12g, cát cánh 6g, đậu xị 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

2. Bài thuốc chữa chứng dạ dày và phổi khô nóng gây đau họng, khô miệng

  • Chuẩn bị: Cam thảo 8g, mạch môn đông và sa sâm mỗi vị 12g, ngọc trúc 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống, dùng trong ngày.

3. Bài thuốc trị sốt cao cuối kỳ, họng khô, người còn sốt nhẹ, miệng khát

  • Chuẩn bị: Mạch đông và ngọc trúc mỗi vị 12g, sinh địa 20g và sa sâm 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống trong ngày.

4. Bài thuốc trị ho có ít đờm, ho khan và ho do lao

  • Chuẩn bị: Ý dĩ nhân 16g, sa sâm 8g và ngọc trúc 20g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

5. Bài thuốc trị miệng khát, họng khô, ho khan, ho có ít đờm do phế vị táo nhiệt

  • Chuẩn bị: Cam thảo 4g, sa sâm, ngọc trúc, tang diệp, mạch môn, thiên hoa phấn mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống. Nếu người nóng nhiều, gia thêm 12g địa cốt bì.

6. Bài thuốc trị thấp tim

  • Chuẩn bị: Cam thảo, đương quy, tần cửu và ngọc trúc mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống dùng liên tục trong vòng 7 ngày.

7. Bài thuốc phòng bệnh viêm cơ tim và bệnh bạch hầu

  • Chuẩn bị: Thạch hộc, ngọc trúc, bách hợp và mạch môn mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống và dùng liên tục trong vòng 7 ngày.

8. Bài thuốc điều trị và phòng ngừa bệnh đau do co thắt mạch vành

  • Chuẩn bị: Đảng sâm 12g và ngọc trúc 20g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

9. Bài thuốc trị chứng đổ mồ hôi trộm, ho khan, suy nhược cơ thể, miệng khô và sốt

  • Chuẩn bị: Mạch môn, sa sâm, địa cốt bì và bạch thược mỗi vị 12g, ngọc trúc 16g, bối mẫu và trần bì mỗi vị 6g, ngân sài hồ 8g.
  • Thực hiện: Đem thái nhỏ, phơi khô và sắc với 400ml nước, còn lại 100ml. Chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

10. Bài thuốc trị nóng sốt, miệng khô khát và ho kéo dài

  • Chuẩn bị: Đường phèn, sa sâm, ngọc trúc, mạch môn và sinh địa mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Đem làm thành viên uống hoặc sắc uống trong ngày.

11. Bài thuốc trị chứng hư lao khiến người hay sốt về chiều

  • Chuẩn bị: Ngũ vị tử 6g, mạch môn, bách bộ, đảng sâm, hoài sơn và bạch truật mỗi vị 12g, ngọc trúc 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.

12. Bài thuốc chữa chứng đau mắt đỏ

  • Chuẩn bị: Bạc hà 2g, sinh địa, thảo quyết minh (sao), cúc hoa và huyền sâm mỗi vị 10g, ngọc trúc 12g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước, chia làm 2 phần. Một phần để uống và một phần để xông mắt.

13. Bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp

  • Chuẩn bị: Hoài sơn, hà thủ ô, ngọc trúc và đan sâm mỗi vị 40g, đơn bì, mạch môn, đương quy và trạch tả mỗi vị 20g, sơn thù, thanh bì và chỉ thực mỗi vị 10g.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu thái nhỏ, sau đó tán mịn, hòa với siro hoặc mật ong làm thành viên nặng 5g. Mỗi ngày dùng 1 viên.

14. Vịt hầm ngọc trúc chữa chứng suy nhược, táo bón, teo niêm mạc dạ dày và tiểu đường

  • Chuẩn bị: Vịt 1 con, hành tây 1 củ, ngọc trúc 50g, gừng tươi 6g, sa sâm 50g.
  • Thực hiện: Làm sạch vịt, sau đó cho vào nồi nấu với ngọc trúc và sa sâm. Đun lửa lớn cho sôi sau đó hạ lửa và ninh nhừ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Bỏ bã, dùng nước thêm gia vị vào và uống khi còn ấm.

15. Món thịt lợn hầm ngọc trúc chữa chứng ho khan kéo dài

  • Chuẩn bị: Khoảng 200g thịt lợn cắt miếng và 15 – 30g ngọc trúc.
  • Thực hiện: Đem hầm cho nhừ, sau đó bỏ bã và thêm gia vị vào ăn.

16. Tim lợn tiềm ngọc trúc trị lao phổi, tiểu đường và bệnh mạch vành

  • Chuẩn bị: Gừng tươi và hành sống mỗi thứ 10g, ngọc trúc 50g và tim lợn 500g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu nấu lấy nước, sau đó bỏ bã. Thêm nước, cho gia vị (ớt, hành và gừng) và tim lợn vào. Đun cho tim mềm nhừ và nước cạn dần. Cuối cùng thêm gia vị vào và đun cho thành canh đặc. Dùng ăn hàng ngày.

17. Thịt dê hầm ngọc trục trị chứng mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, âm hư huyết hư, người đang bị bệnh nặng và phụ nữ sau sinh

  • Chuẩn bị: Thịt dê nạc 200g và ngọc trúc 20g.
  • Thực hiện: Đem hầm cách thủy với 1 ít muối. Sau khi chín, nêm thêm gia vị và ăn khi còn nóng.

18. Cháo ngọc trúc chữa chứng miệng khô rát họng và ho khan kéo dài

  • Chuẩn bị: Gạo tẻ 80 – 100g và ngọc trúc 30g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu nấu lấy nước, bỏ bã và thêm gạo vào nấu thành cháo. Khi gạo chín nhừ, thêm đường vào và ăn hàng ngày.

19. Bài thuốc trị viêm phế quản mãn tính

  • Chuẩn bị: Sa sâm, thạch hộc và ngọc trúc mỗi vị 12g, mạch môn đông 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Đem chia thành 2 – 3 lần uống và dùng hết trong ngày

Kiêng kỵ và lưu ý khi dùng dược liệu Ngọc trúc

  • Không dùng cho người có tỳ hư, đờm thấp ứ trệ và người dương suy âm thịnh.
  • Tránh dùng cho người bị đầy trướng bụng và tiêu chảy.
  • Khi dùng để chế biến món ăn, không nên sử dụng nồi và vật dụng chế biến bằng sắt.

Địa chỉ mua ngọc trúc đảm bảo uy tín chất lượng

Như đã đề cập, trên thị trường hiện nay có hai loại Ngọc Trúc, một loại được nhập khẩu từ Trung Quốc, một loại mọc hoang dã tại Việt Nam. Hai loại Ngọc Trúc này có dược tính và cách sử dụng cũng khác nhau, vì vậy người tiêu dùng nên lưu ý trong tìm mua và sử dụng dược liệu Ngọc Trúc.

Bên cạnh đó, ngọc trúc cũng là loại dược liệu rất khó trong khâu sơ chế và bảo quản. Nếu không chủ ý tới nhiệt độ, độ ẩm, có thể sẽ khiến loại dược liệu này bị mất đi dược tình.

Bài viết đã tổng hợp các công dụng chữa bệnh, cách dùng và bài thuốc từ dược liệu ngọc trúc. Nếu có ý định sử dụng vị thuốc này, bạn nên trao đổi với thầy thuốc để được tư vấn cụ thể hơn.

Ngày đăng 12:08 - 04/06/2023 - Cập nhật lúc: 13:06 - 05/06/2023
Chia sẻ:

Nắp ấm

Cây Nắp ấm hay còn gọi là Bình nước thường được trồng để trang trí và bắt côn trùng. Tuy nhiên, đây cũng là một vị thuốc được sử dụng…
cây húng quế

Húng quế

Húng quế là loại rau gia vị rất quen thuộc còn được gọi với tên rất phổ biến khác là húng chó. Đây cũng chính là một loại dược liệu…
cây cát sâm

Cát sâm

Cát sâm chính là loại sâm nam với hương vị dịu mát, chứa nhiều thành phần dược tính cao. Thường được dùng trong các bài thuốc thanh nhiệt, bồi bổ…
cây màng tang

Màng tang

Màng tang là dược liệu có chứa hàm lượng tinh dầu tương đối lớn với tác dụng dược lý cao. Thường được đùng dể chữa các chứng đầy hơi, tiêu…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua