Bệnh viêm xoang là tình trạng viêm và nhiễm trùng khá phổ biến, có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều xoang. Đa số các trường hợp viêm xoang đều không cần tiếp nhận điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu như các triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn hãy tham khảo ý kiến của của bác sĩ.

Bệnh viêm xoang là gì?
Xoang là phần sụn xốp phía trong của xương. Bên trong xoang được phủ một lớp li ti để giữ ẩm, chống bụi bẩn và vi khuẩn. Khi bị nhiễm trùng các niêm mạc xoang sẽ bị viêm và hình thành mủ. Lúc này dịch ở xoang sẽ bị tắt nghẽn, hoại tử, tích tụ trong xoang gây đau đầu, khó thở và rất khó chịu. Tình trạng này được gọi là viêm xoang.
Một số hình ảnh viêm xoang:
Các loại viêm xoang
Bệnh viêm xoang được chia thành nhiều loại khác nhau tùy theo diễn tiến của bệnh và cấu trúc xoang. Bao gồm:
Theo diễn biến của bệnh
- Viêm xoang cấp tính: Đây là loại viêm xoang xuất hiện đột ngột và phổ biến nhất. Bệnh kéo dài trong khoảng 4 tuần và có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách.
- Viêm xoang bán cấp tính: Các triệu chứng có thể kéo dài trong khoảng 4 đến 12 tuần.
- Viêm xoang mạn tính: Triệu chứng kéo dài, lặp đi lặp lại trong 12 tuần. Viêm xoang mạn tính có thể cần điều trị xâm lấn hoặc phẫu thuật.
- Viêm xoang tái phát: Bệnh xảy ra ở các trường hợp từng có tiền sử mắc viêm xoang nhưng bị tái phát trở lại sau một thời gian điều trị. Tình trạng nhiễm trùng có thể tái phát triển ở ngay xoang cũ hoặc ảnh hưởng đến xoang khác.
Phân theo cấu trúc xoang
Hệ thống xoang mũi của con người được phân bố rải rác theo từng nhóm nằm ở vị trí khác nhau trên xương sọ mặt. Tùy theo vị trí bị nhiễm trùng mà bệnh được chia thành các loại như:
- Viêm xoang bướm: Xoang bướm bao gồm 2 hốc xoang nằm sâu dưới nền sọ, trong thân xương bướm. Người bị nhiễm trùng xoang bướm có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, đau hốc mắt hoặc vùng thái dương, giảm thị lực, tắc nghẹt mũi hoặc chảy nhiều nước mũi.
- Viêm xoang sàng: Là tình trạng nhiễm trùng xảy ra tại hốc xoang nằm giữa hai mắt và phía trên hốc mũi. Bệnh viêm xoang sàng thường gây đau nhức ở vùng mũi mắt, khó thở, chảy dịch mũi xuống cổ họng, nghẹt mũi, hôi miệng…
- Viêm xoang trán: Trong số các xoang, xoang trán nằm ở vị trí cao nhất , được ngăn cách với não bằng một vách xương mỏng. Khi xoang này bị viêm, người bệnh thường có cảm giác đau đầu, đau ở vùng trán và quanh hốc mắt, chảy nước mắt,… Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh dễ gây biến chứng ở não.
- Viêm xoang hàm: Bệnh ảnh hưởng đến các hốc xoang nằm hai bên má. Nguyên nhân gây viêm xoang hàm chủ yếu có liên quan đến các vấn đề ở răng miệng, chẳng hạn như sâu răng, viêm nướu răng…
Nguyên nhân gây viêm xoang
Rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh. Tuy nhiên, về cơ bản viêm xoang luôn xuất phát từ việc dịch mũi bị mắc kẹt trong xoang và gây viêm.

Nguyên nhân cơ bản gây viêm xoang bao gồm:
- Virus: Điều này khá phổ biến ở người lớn, chiếm đến 90%.
- Vi khuẩn: 1 trong 10 trường hợp viêm xoang ở người trưởng thành có liên quan đến việc nhiễm vi khuẩn.
- Ô nhiễm môi trường: Hóa chất hoặc các kích thích có trong không khí có thể kích hoạt chất nhầy và gây ra viêm xoang.
- Nấm: Các xoang có thể phản ứng với nấm có trong không khí và bị nhiễm trùng, từ đó hình thành nên các triệu chứng viêm xoang.
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang:
- Cơ địa dị ứng với một số chất hoặc thức ăn có thể làm cho niêm mạc mũi bị phù nề, gây tắc nghẽn xoang.
- Do viêm mũi sau nhiễm trùng (cúm, sởi, sổ mũi,…) bị bội nhiễm.
- Sau khi chấn thương niêm mạc mũi.
- Có vấn đề về cấu trúc mũi, ví dụ như vẹo vách ngăn.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu.
Triệu chứng của bệnh viêm xoang
Tùy thuộc vào loại viêm xoang và mức độ nghiêm trọng mà bệnh có các dấu hiệu khác nhau. Dấu hiệu nhận biết viêm xoang bao gồm:
- Đau và khó chịu ở mặt
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Khứu giác suy giảm
- Tắc nghẽn mũi
- Ho dai dẳng
Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:
- Sốt
- Miệng hôi hoặc hơi thở có mùi hôi
- Mệt mỏi
- Thường hay đau răng
- Đau đầu
Nếu người bệnh xuất hiện 2 hoặc 3 các dấu hiệu trên đây kèm theo việc chảy nước mũi xanh hoặc vàng thì có thể được chẩn đoán là viêm xoang cấp tính. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu này kéo dài hơn 12 tuần hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, hãy thông báo cho bác sĩ.
Cách chẩn đoán bệnh viêm xoang
Công tác chẩn đoán bệnh viêm mũi bao gồm:
- Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất và các triệu chứng của bệnh nhân. Điều này đôi khi đủ để chẩn đoán bệnh viêm xoang cấp tính.
- Bác sĩ có thể kiểm tra khoang mũi bằng nguồn sáng hoặc đèn soi. Đây là các thiết bị chuyên dụng có gắn đèn nhỏ có thể giúp bác sĩ quan sát các xoang.
- Nội soi mũi là cách để bác sĩ có thể tiến hành chẩn đoán chuyên sâu hơn. Nội soi có thể cung cấp hình ảnh chi tiết, rõ nét để phục vụ quá trình chẩn đoán.
- Trong một số trường hợp nặng và bệnh kéo dài day dẳng, bác sĩ có thể đề nghị chụp CT để xác nhận tình trạng.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm xoang
Có nhiều phương pháp chữa viêm xoang đang được tiến hành. Quá trình điều trị hướng đến mục tiêu loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây bệnh, giảm nhẹ triệu chứng và khôi phục khả năng dẫn lưu tự nhiên trong xoang bị viêm.
Một cá nhân có thể được chỉ định kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều trị bệnh viêm xoang. Phác đồ chữa trị sẽ được xây dựng dựa trên kết quả chẩn đoán của người bệnh.
1. Các mẹo giảm triệu chứng viêm xoang tại nhà

Đây là biện pháp thích hợp dùng để điều trị viêm xoang cấp và bán cấp tính hoặc viêm xoang lúc giao mùa. Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị các triệu chứng viêm xoang, bao gồm:
- Rửa mũi: Người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên dụng để rửa mũi mỗi ngày nhằm làm sạch khoang mũi, giảm nghẹt mũi, khó thở.
- Xông hơi: Xông mũi bằng nước nóng có thể giúp làm loãng dịch nhầy tồn đọng trong xoang, tạo điều kiện để loại bỏ chất nhầy ra ngoài một cách dễ dàng thông qua hành động xì hay hút mũi. Bạn chỉ cần đưa mặt lại gần tô nước nóng, dùng một cái khăn lớn chùm kín đầu lại rồi xông từ 15 – 20 phút. Có thể thêm vài giọt tinh dầu khuynh diệp, dầu bạc hà, dầu tràm hay tinh dầu sả vào trong nước xông để tăng công dụng sát trùng, làm nhanh lành tổn thương viêm trong xoang.
- Cách trị viêm xoang bằng gừng: Uống trà gừng, xông mũi với nước gừng là những cách chữa viêm xoang tại nhà đang được nhiều người áp dụng. Gừng với đặc tính giảm đau, chống viêm tự nhiên có thể giúp xoa dịu cơn đau đầu, đau nhức mũi hay hốc mắt, đồng thời cải thiện tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi, giảm hiện tượng sưng viêm, phù nề trong xoang.
- Lá lốt chữa viêm xoang: Thảo dược này giàu chất chống oxy hóa flavonoid và thành phần Ancaloit có khả năng chống viêm, sát khuẩn. Để cải thiện các triệu chứng bệnh, dân gian thường sử dụng một nắm lá lốt tươi sắc uống hàng ngày. Kết hợp xông mũi và ăn các món được chế biến từ lá lốt để nâng cao hiệu quả điều trị.
2. Dùng thuốc trị viêm xoang
Bị viêm xoang uống thuốc gì nhanh khỏi? Đây là thắc mắc chung của rất nhiều bệnh nhân. Hầu hết các trường hợp mắc căn bệnh này thường được điều trị nội khoa với thuốc bác sĩ kê đơn.
Các thuốc chữa viêm xoang thường được chỉ định bao gồm:
- Sử dụng thuốc Corticosteroid: Thuốc này có thể giúp ức chế phản ứng sưng viêm ở lớp lót trong xoang nhờ tác dụng kháng viêm mạnh. Được sử dụng phổ biến là Flnomasone, Rhinocort, Beconase AQ, Qnasl,… Thuốc được bào chế ở dạng uống hay xịt mũi và thường chỉ định chỉ định để điều trị viêm xoang trong ngắn hạn.
- Thuốc thông mũi: Đây là những loại thuốc có sẵn ở dạng không kê đơn và kê đơn. Tuy nhiên, thuốc thông mũi chỉ nên được sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn , nếu không chúng có thể làm các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Bao gồm Aspirin, Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Nhóm thuốc này thường được chỉ định để điều trị các chứng đau liên quan đến bệnh viêm xoang, đồng thời giảm sốt cho người bệnh. Mặc dù có tác dụng nhanh nhưng người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau khi thật sự cần thiết để tránh gặp phải các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Thuốc kháng sinh: Trường hợp bị viêm xoang do nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phác đồ kháng sinh theo đường uống. Thuốc có tác dụng ức chế vi khuẩn, chống lại tình trạng nhiễm trùng và giảm sưng viêm ở niêm mạc xoang bị bệnh.
Hãy thận trọng tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc điều trị viêm xoang, đặc biệt là cho trẻ em. Việc tự ý lạm dụng thuốc tây bừa bãi, nhất là thuốc kháng sinh, thuốc corticoid có thể gây lờn thuốc và nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
2. Cách chữa viêm xoang bằng liệu pháp miễn dịch
Nếu bệnh viêm xoang của bạn có liên quan đến tình trạng dị ứng thì liệu pháp miễn dịch có thể được áp dụng. Phương pháp này có thể giúp cơ thể giảm các phản ứng dị ứng và hỗ trợ điều trị viêm xoang.

Khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ dị nguyên mẫn cảm vào trong da. Nồng độ cũng như liều lượng của dị nguyên sẽ được tăng dần qua các đợt điều trị nhằm mục đích giúp cơ thể thích ứng được với yếu tố này, đồng thời sản xuất ra kháng thể bao vây dị nguyên. Liệu pháp này sẽ giúp làm thay đổi đáp ứng miễn dịch, ngăn chặn sự hình thành của phản ứng dị ứng trong xoang cũng như sự xuất hiện của các triệu chứng khó chịu.
Liệu pháp miễn dịch cho hiệu quả đối với 60 – 80% bệnh nhân. Tuy nhiên, thời gian điều trị khá dài, thường mất từ 6 tháng tới 3 năm tùy thuộc vào loại dị nguyên và số lượng dị nguyên mà cơ thể phản ứng. Do đó, không phải bệnh nhân nào cũng có đủ sự kiên trì để theo đuổi đến cùng.
3. Điều trị viêm xoang bằng châm cứu
Châm cứu là liệu pháp chữa bệnh viêm xoang không dùng thuốc được y học cổ truyền áp dụng từ lâu đời. Phương pháp này sử dụng kim châm nhỏ tác động trực tiếp lên một số huyệt đạo phản chiếu trên cơ thể, giúp đả thông kinh lạc, cân bằng nguồn năng lượng âm dương, tăng cường lưu thông khí huyết.
Đối với người bị viêm xoang, châm cứu còn mang lại các tác dụng sau:
- Cải thiện tuần hoàn máu ở vùng mũi xoang, giúp tổn thương trong xoang nhanh được chữa lành.
- Giảm nhẹ các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu… do bệnh gây ra.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể đối phó với vi khuẩn, virus gây bệnh hiệu quả hơn.
- Kích thích sản sinh nhiều ACTH – một loại huyết thanh có khả năng điều tiết steroid cortisol, làm giảm phản ứng viêm trong xoang.
Các vị trí huyệt đạo có thể được tác động để điều trị bệnh viêm xoang bao gồm: Huyệt Hợp cốc, Khúc trì, Nghinh hương, Quyền liêu, Thượng tinh, Tứ bạch, Dương bạch. Để đạt được hiệu quả tốt, người bệnh nên tìm đến các thầy thuốc y học cổ truyền có kinh nghiệm chuyên môn để được điều trị.
4. Phẫu thuật chữa viêm xoang
Bệnh viêm xoang liên quan đến đến các vấn đề cấu trúc mũi chẳng hạn như lệch vách ngăn, polyp mũi hoặc nếu bệnh tái phát nhiều lần trong năm và các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả thì người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Mổ viêm xoang thường được thực hiện qua phương pháp nội soi. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể phóng to các đường xoang của bạn để thoát nước dễ dàng và loại bỏ tắc nghẽn. Sau khi phục hồi, các triệu chứng khó chịu có thể biến mất. Tuy nhiên, người bệnh cần chủ động xây dựng các phương pháp dự phòng, loại bỏ các yếu tố thuận lợi để bệnh viêm xoang không tái phát trở lại trong tương lai.
Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang
Sau khi điều trị, để ngăn ngừa viêm xoang qua trở lại, người bệnh có thể thực hành các biện pháp sau:
- Không hút thuốc hoặc tránh xa nơi nhiều khói bụi.
- Tránh xa những người bị cảm lạnh hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà và giữ cho không khí luôn sạch sẽ, thoáng mát.
- Vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ để ngăn chặn nấm mốc và bụi.
- Tránh xa các chất gây dị ứng.
- Ngủ với đầu nâng cao hơn, điều này giúp xoang thoát nước dễ dàng, giảm tắc nghẽn.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viêm xoang và cách điều trị. Hy vọng bài viết này có thể giúp ít cho bạn. Tuy nhiên, nếu bạn có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc liên quan nào, hãy liên hệ với bác sĩ.
Tham khảo thêm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!