Bệnh Sán máng

Bệnh sán máng là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng khá phổ biến. Chủ yếu xảy ra ở những nơi có nguồn nước ngọt, do thói quen tắm hoặc bơi ở ao hồ, sông suối chứa ký sinh trùng sán máng. Đa số các trường hợp bị nhiễm sán máng đều không quá nguy hiểm, có thể điều trị được bằng các biện pháp y tế phù hợp. Không nên chủ quan trong điều trị để ngăn ngừa các biến chứng khó lường.

Tổng quan

Sán máng (Schistosomiasis/ Bilharzia) được gây ra bởi 1 loại giun dẹp tên là sán máng hoặc sán máu thuộc chi Schistosoma. Chúng có khả năng xâm nhập vào cơ thể con người (vật chủ) và lấy chất dinh dưỡng để phát triển.

Sán máng là bệnh nhiễm ký sinh trùng được gây ra bởi một loại giun dẹp thuộc chi Schistosoma

Đối với cơ thể con người, sự tồn tại ký sinh của sán máng nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe bất thường. Chẳng hạn như bệnh gan, viêm não, thiếu máu, sảy thai...

Bệnh sán máng ảnh hưởng đến khoảng 230 triệu người trên toàn thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm ký sinh trùng, nhất là khi tắm, bơi, sinh hoạt ở những vùng nước ao, hồ, sông, suối nước ngọt... Chẳng hạn như các quốc gia châu Phi, Đông Nam Á, phía Nam Trung Quốc...

Phân loại

Theo các tài liệu y học, có rất nhiều loại sán máng có khả năng gây bệnh ở người (thống kê có khoảng 19 loại). Có thể kể đến các loại điển hình như:

  • Schistosoma hamatobium (S. hamatobium);
  • Schistosoma mansoni (S.mansoni);
  • Schistosoma japonicum (S.japonicum);
  • Schistosoma intercalatum;
  • Schistosomamekongi;

Trong đó, có 3 chủng được phát hiện gây bệnh ở người nhiều nhất là Schistosoma mansoni, Schistosoma haematobium, và Schistosoma japonicum. Mỗi loại đều có đặc điểm khác biệt về sự phân bố địa lý cũng như các triệu chứng sau khi xâm nhập vào cơ thể con người.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh sán máng xảy ra do một loại ký sinh trùng cư trú trong một số loài ốc ở các vùng nước ngọt gây ra. Chúng được mô tả là một loại giun dẹp thuộc chi Schistosoma, là một loại sán lá đơn giới và thường ký sinh trong huyết quản sau khi xâm nhập vào cơ thể con người.

Nhiễm sán máng ở người thường là do tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm có chứa ký sinh trùng

Sán máng có cấu tạo phân giới gồm sán máng đực và sán máng cái. Đặc điểm cụ thể là:

  • Sán máng đực: Kích thước nhỏ, hình máng và có khả năng ký sinh trong máu. Có nhiệm vụ ôm lấy con cái để sinh sản. Trứng của sán máng đực có gai và không có nắp.
  • Sán máng cái: Có nhiệm vụ đẻ trứng, trứng được thải ra ngoài thông qua đường nước tiểu hoặc đường phân. Sau khi vào nước, trứng tự nở ra thành ấu trùng, ký sinh trong ốc và phát triển cho đến khi có đủ khả năng bơi trong nước.

Vòng đời của sán máng là như nhau nhưng tùy theo chủng cũng như vật chủ phụ mà chúng sẽ ký sinh ở những vị trí khác nhau sau khi xâm nhập vào cơ thể người. Cụ thể như sau:

  • S.japonicum: Chúng thường ký sinh tại hệ thống tĩnh mạch mạc treo ruột trên hoặc tĩnh mạch cửa trong gan. Số lượng trứng do sán cái sinh ra trong một ngày khoảng 50 - 300/ ngày và ra ngoài theo đường phân.
  • S.mansoni: Vị trí ký sinh thường là hệ thống tĩnh mạch mạc treo ruột trên và dưới cùng tĩnh mạch đại tràng. Sán cái thường đẻ khoảng 1 - 4 trứng/ ngày.
  • S.haematobium: Vị trí ký sinh trong hệ thống tĩnh mạch bàng quang. Số lượng trứng sản sinh trung bình khoảng khoảng 20 - 30 trứng/ ngày, được đào thải ra ngoài qua đường phân và nước tiểu.
  • S.intercalatum: Ký sinh ở hệ thống tĩnh mạch đại tràng hoặc tĩnh mạch mạc treo.

Con đường lây nhiễm sán máng sang người thường là do chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua da khi bơi hoặc tắm ở những nơi như ao, hồ, sông, suối nước ngọt. Khi vào bên trong vật chủ, giun tiếp tục sinh sản và đẻ trứng. Một lượng trứng có thể đi ra ngoài theo đường phân hoặc nước tiểu, nhưng số còn lại sẽ di chuyển và trú ngụ đến nhiều bộ phận khác của cơ thể để gây bệnh, chẳng hạn như ruột, gan, bàng quang...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tùy thuộc vào loại sán máng và giai đoạn nhiễm trùng mà các triệu chứng của bệnh có thể biểu hiện khác nhau.

Các triệu chứng điển hình khi nhiễm sán máng gồm đau bụng, tiêu chảy, phát ban da, tiểu ra máu...

  • Giai đoạn đầu: Ở giai đoạn đầu, các người nhiễm sán máng thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất ít, thường là ngứa hoặc phát ban ngoài da.
  • Giai đoạn muộn: Ở giai đoạn muộn hoặc nhiễm ký sinh trùng kéo dài, khoảng từ 30 - 60 ngày sau khi nhiễm bệnh, các triệu chứng thường biểu hiện gồm:
    • Sốt, ớn lạnh;
    • Mệt mỏi;
    • Đau nhức cơ bắp;
    • Ho;
  • Giai đoạn mãn tính: Những trường hợp nhiễm sán máng nhưng không điều trị, để bệnh tiến triển kéo dài sau nhiều năm có thể gặp phải các triệu chứng sau:
    • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói;
    • Khó tiểu, tiểu máu;
    • Đại tiện khó, lẫn máu trong phân;
    • Gan to;
    • Tăng nguy cơ sảy thai;
    • Hình thành sẹo trong gan hoặc phát triển ung thư bàng quang;

Chẩn đoán

Chẩn đoán càng sớm càng tốt là điều cần thiết để phát hiện và ngăn chặn sự phát triển lây lan của bệnh sán máng. Đồng thời, đưa ra biện pháp điều trị phù hợp kiểm soát tiến triển bệnh. Việc chẩn đoán thường dựa trên sự kết hợp giữa đánh giá các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và các kiểm tra hình ảnh.

Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu là phương pháp chẩn đoán chính xác bệnh sán máng

Cụ thể như sau:

  • Khám lâm sàng: Dựa vào các triệu chứng lâm sàng ban đầu, bác sĩ có thể khoanh vùng một số bệnh lý gây ra, trong đó có nhiễm ký sinh trùng. Ở bước đây, mục tiêu thăm khám chủ yếu nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai thác tiền sử bệnh hoặc thói quen sinh hoạt.
  • Xét nghiệm thường quy: Được chỉ định thực hiện nhằm xác nhận chẩn đoán bệnh sán máng. Bao gồm:
    • Xét nghiệm phân tích mẫu phân hoặc nước tiểu để phát hiện trứng, ấu trùng sán máng;
    • Xét nghiệm huyết thanh học giúp phát hiện các kháng thể do cơ thể tạo ra nhằm đáp ứng sự hiện diện của ký sinh trùng;
  • Xét nghiệm hình ảnh: Các kiểm tra hình ảnh như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính CT scan cũng có thể được chỉ định nhằm chẩn đoán bệnh sán máng. Những hình ảnh này giúp phát hiện sự hiện diện của ký sinh trùng trong cơ thể, đồng thời đánh giá mức độ tổn thương của các cơ quan do nhiễm ký sinh trùng gây ra.

Biến chứng và tiên lượng

Nhiễm sán máng là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến, nhất là ở những vùng nông thôn hoặc quốc gia có điều kiện vệ sinh kém. Mặc dù bệnh có tiên lượng tốt nhờ có thuốc điều trị, nhưng ở những quốc gia này, điều kiện y tế kém phát triển nên rất nhiều trường hợp nhiễm sán máng gây ra nhiều biến chứng khó lường.

Có thể kể đến một số biến chứng thường gặp khi nhiễm sán máng như:

  • Tổn thương và gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa;
  • Trẻ em có thể bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến chậm phát triển, thiếu máu, thấp bé nhẹ cân hơn so với những trẻ cùng trang lứa;
  • Tổn thương bàng quang, tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang;
  • Ảnh hưởng chức năng sinh sản, gây vô sinh hiếm muộn, nhất là ở nữ giới;
  • Các vấn đề về chức năng tim, phổi và nhiều cơ quan nội tạng khác;
  • Tăng nguy cơ phát triển HIV do các mô bị tổn thương;

Một số ít trường hợp, trứng hoặc ấu trùng sán máng di chuyển và trú ngụ ở não hoặc tủy sống sẽ cực kỳ nguy hiểm. Bệnh nhân có thể bị liệt, co giật hoặc viêm tủy sống, phát triển kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Đa số các trường hợp nhiễm sán máng nếu được điều trị kịp thời và đúng cách có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, hạn chế tiếp xúc với những vùng nước ngọt để giảm nguy cơ tái nhiễm.

Điều trị

Dùng thuốc diệt ký sinh trùng là phương pháp điều trị chính đối với bệnh nhân nhiễm sán máng. Đây là phương pháp đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao nếu tuân thủ dùng đúng liều lượng và thời gian chỉ định. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là Praziquantel 40mg/kg (Biltricide).

Liều dùng thuốc được cân nhắc chỉ định dựa vào cân nặng của bệnh nhân. Liều dùng cơ bản 1 ngày khoảng 2 - 3 liều, tùy theo chủng sán máng gây nhiễm trùng. Thời gian điều trị khoảng 1 - 2 tháng, sau đó kiểm tra lại nếu vẫn còn nhiễm trùng, có thể tái điều trị lần 2.

Điều trị bệnh sán máng hiệu quả bằng thuốc diệt ký sinh trùng như praziquantel

Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được chỉ định dùng nhằm điều trị sán máng gồm:

  • Dùng thuốc Corticosteroid nếu các triệu chứng nhiễm ký sinh trùng cấp tính nghiêm trọng;
  • Đối với các triệu chứng ngoài da như ngứa ngáy, phát ban có thể dùng các sản phẩm hỗ trợ như kem bôi chống ngứa, thuốc mỡ chứa corticoid, đắp gạc mát hoặc tắm muối, chườm lạnh...;

Tuy đây là cách điều trị hiệu quả nhất nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tác dụng phụ, có thể do hoặc thuốc hoặc do giun chết. Chẳng hạn như sốt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngứa ngáy, khó chịu, đau dạ dày, buồn nôn... Do đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần chú ý theo dõi những phản ứng của cơ thể để kịp thời phát hiện và có cách xử lý kịp thời.

Phòng ngừa

Bệnh sán máng không có thuốc hay bất kỳ cách phòng ngừa đặc hiệu nào. Do đó, mỗi người cần chú ý nâng cao ý thức tự phòng ngừa và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Cụ thể là các cách đơn giản sau đây:

  • Tránh tiếp xúc với các nguồn nước ngọt nghi ngờ hoặc cảnh báo chứa sán máng hoặc các loại ký sinh trùng khác.
  • Đảm bảo nguồn nước tắm sạch sẽ, không sử dụng nước chưa qua xử lý.
  • Nếu tiếp xúc với nguồn nước bẩn, phải tắm lại bằng nước sạch hoặc rửa vùng da đó với dung dịch sát khuẩn.
  • Đại tiểu tiện trong nhà vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
  • Nếu sống gần những khu vực ao hồ, sông suối, hãy sử dụng hóa chất diệt ốc sên, giúp hạn chế tối đa nguy cơ sự phát triển của sán máng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu cho thấy tôi bị nhiễm sán máng?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh sán máng?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán xác nhận nhiễm sán máng?

4. Bị nhiễm sán máng có chữa khỏi được không?

5. Những biến chứng tôi có thể gặp phải khi bị nhiễm sán máng?

6. Tôi nên điều trị sán máng bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe cải thiện triệu chứng nhiễm sán máng?

8. Điều trị sán máng mất bao lâu thì khỏi hẳn?

9. Chi phí điều trị sán máng tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

10. Cần làm gì để phòng tránh tái nhiễm ký sinh trùng sán máng?

Bệnh sán máng là bệnh nhiễm ký sinh trùng đặc trưng với các triệu chứng như đau bụng, phát ban da, lẫn máu, nước tiểu trong phân. Bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh chóng khi da tiếp xúc với nguồn nước bẩn. Đây không phải căn bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, hãy tuân thủ điều trị cũng như chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe.

Ngày đăng 11:52 - 19/08/2023 - Cập nhật lúc: 11:52 - 19/08/2023
Chia sẻ:

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua